Trang chủGIỚI THIỆUBÀI THAM LUẬN CỦA HĐHP TỈNH QUẢNG NGÃI TẠI HỘI THẢO NHÂN...

BÀI THAM LUẬN CỦA HĐHP TỈNH QUẢNG NGÃI TẠI HỘI THẢO NHÂN KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH BÁC PHẠM VĂN ĐỒNG (01/3/1906 – 01/3/2016)

Lời BBT: Nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 110 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906-1/3/2016), BBT xin đăng toàn văn bài tham luận của HĐHP tỉnh Quảng Ngãi.

“Bác Phạm Văn Đồng suốt đời trọn vẹn vì nước, vì dân và
Người là một nhà lãnh đạo lớn của Đảng và Nhà nước ta”.

Kính thưa quý vị khách quý!
Thưa quý vị đại biểu!
Là thế hệ cháu, con của Bác Phạm Văn Đồng, mỗi lần về thăm ngôi nhà tưởng niệm Bác Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức (làng Cây gạo cũ), mỗi chúng ta ai cũng có thể nhớ những câu thơ đầy cảm xúc:
“Nơi này Bác đã ra đi
Nơi này Bác cũng lại về với dân
Tên làng Cây gạo quen thân
Như tên gọi Bác một gần, một thương…”
Quảng Ngãi – miền địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra rất nhiều danh nhân, tướng lĩnh lừng danh của đất nước, trong đó có Bác Phạm Văn Đồng, niềm tự hào của quê hương Quảng Ngãi và của cả Nhân dân Việt Nam.
Bác Phạm Văn Đồng (Anh Tô, tên gọi trìu mến với mọi người) sinh ngày 01/3/1906 trong một gia đình công chức – nho học tại xóm cây Gạo, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi – một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Truyền thống của quê hương và gia đình, từ sự khâm phục, ngưỡng mộ những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), với tinh thần yêu nước đã góp phần hun đúc, hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của Bác Phạm Văn Đồng. Bác là một trong những chiến sĩ cộng sản tiền bối, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, nhà ngoại giao tài năng, nhà văn hóa lớn của dân tộc, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người suốt đời học tập nghiên cứu và thực hành tư tưởng, tác phong và đạo đức Hồ Chí Minh. Cố Thủ tướng mất ngày 29/4/2000 tại Hà Nội; với “94 tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, bền bỉ; trong đó có 41 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, Bác Phạm Văn Đồng hiểu một cách sâu sắc rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Cùng với tập thể lãnh đạo của Trung ương, Bác đã hết lòng chăm lo việc nâng cao tính tiên phong gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thắt chặt quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, trau dồi trí tuệ và rèn luyện phẩm chất cho cán bộ, đảng viên. Bác thường nói rằng Bác tự hào và vui mừng vì Đảng ta đã kế thừa và phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh một cách vững vàng, đứng đắn; sáng tạo trong việc đề ra đường lối đổi mới mà Bác đã hết lòng ủng hộ. Với 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, Bác Phạm Văn Đồng luôn thực hành nghiêm túc 8 chữ “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Những cố gắng lớn của người đứng đầu Chính phủ đều tập trung vào việc làm sao xây dựng cho được một chính quyền của dân, do dân, vì dân, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, sao cho mọi cán bộ, công chức đều là công bộc của Nhân dân, không đứng trên mà ở trong lòng Nhân dân.
Thưa quí vị đại biểu!
Bác Phạm Văn Đồng tuy đã đi xa hơn mười lăm năm, nhưng tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm của Bác Phạm Văn Đồng mãi là ngọn đuốc soi sáng, thôi thúc thế hệ trẻ tiến bước trên con đường cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – tên tuổi của Bác vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam. Có lẽ ai đã nghe nói về Bác đều nghĩ tới một con người tài hoa, một Thủ tướng huyền thoại, một nhà ngoại giao thiên tài, một nhà văn hoá lớn, một con người mà không chỉ có Nhân dân Việt Nam biết ơn và ngợi ca mà ngay cả một nhà báo nước ngoài đã viết trên tạp chí Asia week ngày 19/12/2000: “Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những người kiến tạo hàng đầu nền độc lập của nước Việt Nam. Ông đã đưa đất nước vượt qua những thời điểm then chốt trong lịch sử Việt Nam với vai trò Thủ tướng hơn ba thập niên chiến tranh và thống nhất, người mà Hồ Chí Minh xem là “Con người khác của tôi” vẫn giữ lời thề xã hội chủ nghĩa”.
Bác Phạm Văn Đồng là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người con mẫu mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân; người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; nhà văn hóa lớn của dân tộc. Cuộc đời Bác Phạm Văn Đồng đã hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với những trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó; tên tuổi và cống hiến của Bác Phạm Văn Đồng gắn liền với những chặng đường đấu tranh quyết liệt, trang sử hào hùng qua các thời kỳ lịch sử của Đảng và cách mạng Việt Nam; từ thời kỳ vận động thành lập Đảng, thời kỳ Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trải qua 30 năm chiến tranh cách mạng bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đến thời kỳ cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và bước vào công cuộc đổi mới. Bác là người con “Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”.
Hôm nay, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Bác Phạm Văn Đồng là dịp bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc của Nhân dân Quảng Ngãi cũng như đồng bào cả nước trước công lao to lớn của Bác đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu trong dòng họ Phạm nói riêng cũng như các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trên các cương vị và trọng trách được giao, Bác Phạm Văn Đồng hết sức quan tâm tới công tác xây dựng Đảng, củng cố bộ máy chính quyền Nhà nước. Song, đối với công việc của các dòng họ tộc, Bác cũng luôn căn dặn mọi người: “Giữ gìn gia phong của từng dòng họ. Trong tình hình kinh tế – xã hội của đất nước như hiện nay, bất cứ dòng họ nào cũng phải ra sức xây dựng môi trường xã hội ngày một tốt hơn cả về đạo đức, nếp sống…
Con người trong quá trình phát triển của lịch sử, từ đời này sang đời khác có sự chuyển đổi tên họ là bình thường. Trải qua các triều đại Ngô, Đinh Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… có người chuyển tên họ sang họ của Nhà Vua; ngay như ở huyện Trà Bồng, Ba Tơ của Quảng Ngãi ta đồng bào dân tộc Cor chuyển sang họ Hồ, đồng bào dân tộc Hre chuyển sang họ Phạm… là chuyện bình thường. Bây giờ mọi người ai cũng đi tìm dòng họ của mình thì mênh mông quá, phức tạp quá. Nhiều người lại không biết gốc rễ của mình, vì vậy việc thành lập, xây dựng Ban liên lạc họ tộc của các dòng họ tộc phải trên tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa dòng họ này với dòng họ khác tạo mối quan hệ đoàn kết, thân thiện, gắn bó giúp nhau xoá đói, giảm nghèo. Đồng thời phải cùng nhau giữ gìn gia phong của từng gia đình, từng dòng họ tộc.
Cuối cùng, tôi chỉ nói thêm một ý: Bác Hồ thường nói ta là con Rồng, cháu Tiên. Như vậy là các dân tộc Việt Nam coi như cùng một gốc. Bất cứ họ gì, gốc đều là con Rồng, cháu Tiên. Bao nhiêu họ tộc khác nhau đều là người Việt Nam. Lịch sử hơn bốn ngàn năm, cả dân tộc Việt Nam chung tay xây dựng và giữ nước mới được như ngày nay…”.
Thưa quý vị đại biểu!
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Bác Phạm Văn Đồng, nhớ lại cuộc đời và những lời dạy của Bác Phạm Văn Đồng, chúng ta thấy như tất cả vẫn còn mới tinh khôi, vẫn còn là một động lực thúc đẩy chúng ta trong công việc lâu dài xây dựng và chỉnh đốn Đảng, học tập làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để cùng nhau xây dựng Quảng Ngãi nói riêng và đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn.
Cuối cùng xin chúc các vị khách quý, quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt nhiều trong cuộc sống. Chúc cuộc hội thảo thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
__________

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments