Trang chủGIỚI THIỆUTIN QUẢNG NGÃI: BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG 3 NĂM (2017 – 2020)

TIN QUẢNG NGÃI: BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG 3 NĂM (2017 – 2020)

                                            

  1. Kết quả tổ chức thực hiện (9/2017 – 5/2020).

1- Đặc điểm tình hình

HĐHP tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Đại hội lần thứ III (10/9/2017) sau đại hội HĐTQHP Việt Nam lần thứ VII (02/8/2015), trên cơ sở văn kiện Đại hội HĐTQ HPVN lần thứ VII, đây là điều kiện thuận lợi để HĐHP QN tiếp thu, nghiên cứu, thể chế hóa thành những nội dung chủ yếu của tỉnh, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ, trong đó tập trung xây dựng cơ sở HĐ gia tộc là nhiệm vụ trọng tâm. Mặt khác, TT HĐHP tỉnh thường xuyên tổ chức các kỳ họp định kỳ với TT HĐHP cấp huyện để đánh giá những việc làm được, chưa được trong quí, năm; triển khai công việc họ, thông tin những công việc, chủ trương mới cho HĐHP các cấp tổ chức thực hiện.

2- Thành lập Hội đồng các cấp trong tỉnh phát triển và rộng khắp.

Trong hơn 3 năm qua, từ sau đại hội nhiệm kỳ III (9/2017), ngoài các huyện tổ chức đại hội thành lập HĐHP cấp huyện; TT HĐHP tỉnh đã làm việc với BLL một số huyện, hỗ trợ về mọi mặt (kinh phí, nội dung…) để các huyện chuẩn bị nội dung, nhân sự, tiến tới tổ chức đại hội, đến nay trong tỉnh đã có thêm 04 đơn vị: Đức Phổ (2017), Nghĩa Hành (2018), Sơn Tịnh (2018), Bình Sơn (2018), đã đại hội thành lập HĐHP, nâng tổng số các huyện đã thành lập HĐHP lên 6 đơn vị. Sau đại hội, TT HĐHP các huyện đã xây dựng, ban hành qui chế hoạt động, thành lập các bộ phận giúp việc; phân công các thành viên, tổ chức các hoạt động như: Kết nối dòng tộc, gia phả, khuyến học khuyến tài, thông tin, tài chính…

Điểm nổi bật ở HĐHP các huyện là sau khi đại hội đã nhanh chóng triển khai việc kết nối dòng tộc trong địa phương, với phương châm xây dựng HĐ gia tộc ở các thôn, xóm làm nền tảng gốc để thành lập HĐHP cấp xã, phường, thị trấn; do vậy một số xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình xúc tiến việc hình thành BLL lâm thời HĐHP chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc đại hội thành lập HĐHP; đến nay đã có 6 xã tổ chức đại hội. TT HĐHP các huyện đã duy trì sinh hoạt, tổ chức các hoạt động trong phạm vi địa phương mình như: thăm tặng quà cho các cụ cao niên trong tộc họ nhân lễ mừng thọ (các cụ từ 80, 90, 100 tuổi), thăm tặng quà các gia đình neo đơn, gặp hoàn cảnh khó khăn, tặng quà các cháu học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập…, với số tiền hằng năm từ 50-70 triệu đồng.

3/ Sự phát triển của các nhà thờ dòng tộc trong toàn tỉnh.

Từ sau đại hội HĐHP tỉnh lần thứ III đến nay nhiều cơ sở thờ tự thuộc dòng tộc họ Phạm ở các xóm, thôn, xã, huyện trong tỉnh có sự phát triển đáng khích lệ. Hầu hết các nhà thờ này đều đã hình thành HĐ Gia tộc, Ban quản lý (tự quản) nhà thờ và có qui chế hoạt động công khai, minh bạch trong việc vận động nguồn kinh phí xây dựng, tu sửa nhà thờ dòng họ. Nhiều nơi đã huy động được nguồn lực lên đến hàng tỷ đồng từ trong bà con dòng tộc họ Phạm để xây dựng sửa chữa cơ sở thờ tự khang trang như: nhà thờ tộc họ Phạm Bá, thôn Năng An, Đức Nhuận (gần 2 tỷ đồng); nhà thờ tộc họ Phạm Công Hậu hiền, xã Đức Tân (gần 1,5 tỷ đồng); nhà thờ tộc họ Phạm Cao, thôn Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ (hơn 1,5 triệu đồng); nhà thờ tộc họ Phạm Gia, thôn Nhơn Hòa 2, xã Bình Tân (hơn 2 tỷ đồng); nhà thờ tộc họ Phạm Ngọc Vũ, xã Hành Đức (hơn 1,5 tỷ đồng); nhà thờ tộc họ Phạm Văn, phường Phổ Quang (gần 2 tỷ đồng)…. Hàng năm, những ngày giỗ, tết, lễ tế xuân… số người về dự ngày càng đông, như Nhà thờ Phạm Cao, thôn Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ tổ chức giỗ, tế xuân vào ngày 15 tháng giêng, có từ 400 – 500 người dự…. Các cuộc gặp mặt nhân dịp này ở các nhà thờ họ trong toàn tỉnh đã có sức hút mạnh mẽ đối với bà con trong dòng tộc để thăm hỏi, bàn bạc việc họ, tham gia đóng góp các quĩ của Gia tộc lên đến hàng tỷ đồng…, bước đầu đã thu hút bà con tộc họ tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa hướng về cội nguồn, …, tạo được niềm tin, phấn khởi trong họ tộc.

4/ Hoạt động hướng về cuội nguồn.

Hằng năm, nhân ngày giỗ Thượng Thủy tổ Đô hồ Đại vương Phạm Tu (20/7 âm lịch), Thường trực HĐHP tỉnh chủ động phối hợp TT HĐHP các huyện để luân phiên tổ chức giỗ nhằm tạo điều kiện để bà con ở các xã, huyện trong tỉnh tìm hiểu, biết cội nguồn truyền thống cũng như công trạng của Đô hồ Đại vương. Việc tổ chức luân phiên HĐHP các huyện cúng, tế đã thu hút hàng trăm người từ các vùng miền trong tỉnh đại diện các nhà thờ, chi, dòng tộc về dự với lòng thành kính tri ân hướng về tổ tiên cội nguồn.

Hằng năm, nhân ngày tết, giỗ, chạp…., TT HĐHP tỉnh phối hợp với TT HĐHP các huyện đến viếng, dâng hương các vị tiền hiền có nhiều công lao với đất nước ở các nhà thờ tộc họ Phạm như: cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Hòa, Trung tướng Phạm Kiệt…. Thăm tặng quà cho các vị cao niên trong tộc họ tròn 90, 100 tuổi và trên 100 tuổi.

Ở các huyện, xã, HĐ Gia tộc cũng có nhiều hình thức tổ chức kết hợp làm việc họ trong ngày giỗ, tết, lễ tế xuân… để tập hợp bà con về dự. Một số nhà thờ chi, gia tộc, nhân dịp ngày giỗ, chạp là ngày để con cháu gần xa về dự, cũng đồng thời là dịp để bà con trong dòng họ có dịp gặp gỡ, nhìn nhận bà con; có Gia tộc lại mời thêm đại diện các HĐHP các địa phương và các họ tộc khác lân cận đến dự – cũng là những nét mới, sáng tạo trong hoạt động việc họ của các địa phương.

5/ Các hoạt động xã hội, khuyến học, khuyến tài.

Các hoạt động vận động, huy động gây quĩ khuyến học, khuyến tài… đã thu hút được nhiều bà con tham gia đóng góp; hằng năm HĐHP các cấp đã trao thưởng cho các cháu học sinh, sinh viên là con, em họ Phạm có thành tích xuất sắc, trao học bổng cho các cháu điển hình vượt khó vươn lên trong học tập; trợ giúp các gia đình có hoàn cảnh neo đơn, đặc biệt khó khăn, như họ Phạm Bá ở thôn Năng An, xã Đức Nhuận (từ 30-40 triệu đồng/năm), họ Phạm Công hậu Hiền ở xã Đức Tân (từ 30-40 triệu đồng/năm); họ Phạm Cao ở  thôn Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa (từ 50-60 triệu đồng/năm); họ Phạm ở Khu dân cư Thiện Mỹ, Thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn (từ 30-40 triệu đồng/năm); họ Phạm ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi (từ 20-40 triệu đồng/năm); họ Phạm Văn ở xóm Chánh Lộc, thôn Trường Thọ, xã Tịnh Thọ, Sơn Tịnh (từ 20-30 triệu đồng/năm)…. Nhiều gia đình họ Phạm được chính quyền, đoàn thể biểu dương, khen thưởng “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”. Đồng thời, nhiều HĐHP ở các địa phương còn tích cực vận động bà con trong tộc họ Phạm tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn do chính quyền địa phương, đoàn thể phát động…. được địa phương đánh giá cao.    

6/ Hoạt động thông tin – tư liệu.

Trang thông tin điện tử của Thường trực HĐHP tỉnh đã thường xuyên đưa tin hoạt động của Thường trực cũng như HĐ các cấp trong tỉnh. Ban biên tập đã cung cấp những thông tin liên quan đến việc kết nối, tìm kiếm họ hàng bà con trong ngoài tỉnh do chiến tranh bị cách trở nay nhờ thông tin trên trang Web, Facebook nên đã tìm được nhau, được bà con gần xa quan tâm, ủng hộ; tin tức hoạt động của các địa phương đưa lên trang Web, Facebook được bà con đón đọc và khích lệ.

7/ Các hoạt động khác.

– Hoạt động Tộc phả và kết nối dòng họ được quan tâm, củng cố, sưu tầm (tộc phả họ Phạm các xã thuộc huyện Mộ Đức; tộc phả họ Phạm các xã Xuân Kỳ, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hiệp huyện Tư Nghĩa…). Hiện nay các gia tộc, chi phái đang có nhu cầu rất lớn về việc sưu tầm tư liệu để viết, biên soạn gia phả, tộc phả… giúp cho con cháu tìm hiểu cội nguồn, tổ tiên dòng họ Phạm tại địa phương và từ các nơi khác đến làm ăn sinh sống.

– Công tác lễ tân đã góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị cũng như giúp Thường trực HĐHP các cấp trong tỉnh thực hiện bảo đảm tốt việc tổ chức các sự kiện (hội họp thường niên, định kỳ, đột xuất, giỗ tổ, lễ tế xuân…). Đặc biệt việc tổ chức nghi lễ, tế tổ rất bài bản, trang trọng như nhà thờ tộc họ Phạm Bá ở thôn Năng An, Đức Nhuận, Mộ Đức; nhà thờ tộc họ Phạm Cao ở thôn Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ; tộc họ Phạm Bá ở Đông Mỹ, Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa; tộc họ Phạm Gia ở thôn Nhơn Hòa 2, Bình Tân, Bình Sơn.…

– Công tác tài chính đây luôn là khâu khó khăn trong việc tổ chức hoạt động của Thường trực các HĐ. HĐ Gia tộc ở các địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo nên có thuận lợi hơn, càng lên cấp trên (huyện, tỉnh) càng khó khăn hơn, chủ yếu nhờ sự đóng góp của các vị trong Thường trực, một vài doanh nhân trong tỉnh và sự năng động của Ban chủ nhiệm CLB Trẻ.

– CLB Thơ họ Phạm Quảng Ngãi, tuy mới ra đời, song Ban chủ nhiệm CLB đã tập hợp được một số thành viên họ Phạm trong tỉnh tham gia sinh hoạt CLB. TT HĐHP tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chủ nhiệm CLB thơ họ Phạm tỉnh gồm 1 chủ nhiệm, 03 phó chủ nhiệm và 05 ủy viên.

– CLB Trẻ họ Phạm Quảng Ngãi là kết quả của Thường trực HĐHP tỉnh trong việc vận động thành lập tiến tới đại hội thành lập CLB Trẻ họ Phạm tỉnh Quảng Ngãi (2018) với trên 30 thành viên (Ban chủ nhiệm có 01 chủ tịch, 03 phó chủ tịch và 05 ủy viên). Hàng năm, Ban chủ nhiệm CLB Trẻ đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động có ý nghĩa thiết thực như thăm tặng quà nhân dịp Tết nguyên đán, tặng quà cho các gia đình trong họ Phạm có nhiều khó khăn, khuyến học….Đồng thời CLB Trẻ tham gia tài trợ chính cho các hoạt động của TT HĐHP tỉnh (mỗi năm tài trợ từ 50-60 triệu).

II- Những tồn tại hạn chế

1- Hoạt động của TT HĐ và các Tiểu ban chưa đều, chưa vững chắc: một số ít thành viên trong HĐ các cấp hoạt động thụ động, thiếu tích cực. Thường trực HĐ các cấp chưa vận động được nhiều người có tâm huyết, người có khả năng cống hiến tham gia việc họ.

2- Hoạt động của các tiểu ban: các ban, tiểu ban được thành lập, củng cố, bổ sung ngay sau đại hội, nhưng còn thụ động chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể, nên đến nay vẫn chưa có kết quả như mong muốn.

3– Kinh phí luôn là khâu khó khăn của Hội đồng các cấp: nguồn tài chính chủ yếu do các thành viên trong HĐ và TT HĐ và một vài doanh nhân trong tỉnh đóng góp. Đây là khâu khó khăn nhất trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ hàng năm của các HĐ, nhất là TT HĐHP tỉnh, vì tất cả đều phụ thuộc vào kinh phí. Việc vận động tài trợ tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa có kết quả đáng kể.

Nguyên nhân tồn tại hạn chế:

– Tham gia việc họ là việc làm tự nguyện của mỗi người (thích thì tham gia, không thích thì thôi, không ai bắt buộc), lại đòi hỏi phải có tâm huyết cao, nhiệt tình, trí tuệ và cả đóng góp tiền bạc, nhưng không mang lại quyền lợi, bổng lộc hay lợi ích vật chất gì cho cá nhân.

– Phần lớn các thành viên tham gia các HĐ các cấp đều đã cao tuổi hoặc đã nghỉ công tác xã hội, sức khỏe có phần giảm sút, ít thông thạo sử dụng các phương tiện thông tin (máy tính, e.mai, Facebook…). Một số người có địa vị xã hội còn e ngại, sợ đụng chạm các vấn đề nhạy cảm, nên chưa muốn tham gia việc họ.

III- Nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến (2020 – 2022)

Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ III, ngoài những nội dung chính đã triển khai, cần tập trung làm tốt công tác phát triển HĐ Gia tộc ở các địa phương có điều kiện. Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị để đại hội thành lập HĐHP thành phố Quảng Ngãi và HĐ Gia tộc ở huyện Lý Sơn. Kiện toàn, củng cố, bổ sung nhân sự các Tiểu ban, CLB trẻ, CLB Quần vợt, CLB Thơ, CLB Doanh nhân; chuẩn bị các điều kiện để đại hội CLB Thơ họ Phạm Quảng Ngãi vào tháng 6/2020. Hình thành tổ (nhóm) những vị có điều kiện, có uy tín để đi tìm kiếm địa điểm, vận động quĩ xây dựng Nhà thờ Họ Phạm Quảng Ngãi khi hội tụ đủ điều kiện. Tích cực vận động tạo nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên của TT HĐ.

1- Tiếp tục củng cố, xây dựng, phát triển các cấp hội bền vững.

Trước hết cần nhận thức rõ HĐHP là tổ chức tự nguyện của những người có tâm huyết trong tộc họ Phạm, không phải là tổ chức hành chính để ra các mệnh lệnh, chỉ thị, mà HĐ mỗi cấp có tính độc lập tương đối nhằm tập hợp những người cùng dòng họ Phạm đề ra các mục tiêu, chương trình, kế hoạch hoạt động trong phạm vi địa phương mình; đồng thời có quan hệ giao lưu, phối hợp với các HĐ địa phương bạn cùng chăm lo việc họ. Do vậy, cần tập trung xây dựng HĐ các cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện đủ mạnh để hướng dẫn, vận động, giúp đỡ các địa phương thành lập thêm nhiều các HĐ “cấp dưới” tạo chân rết rộng khắp trong toàn tỉnh.

2- Tiếp tục thực hiện chủ trương “xây dựng nền tảng gốc từ cơ sở”.

HĐ Gia tộc là cơ sở để tập hợp, vận động bà con tham gia việc họ. Chính nơi này sẽ là đầu mối liên kết chặt chẽ các thành viên trong dòng tộc theo huyết thống thiêng liêng, cũng là nơi dễ tạo nên sự đồng thuận cao trong việc chăm lo xây dựng việc họ. Vì vậy, HĐ các cấp cần quan tâm trong công tác tuyên truyền, vận động để huy động sức người, sức của trước hết cho việc hình thành các mô hình nhà thờ dòng tộc, chi họ tộc. Tranh thủ, tạo sự đồng thuận của các vị cao niên, có uy tín trong chi, dòng tộc trong việc tổ chức lo việc họ như tổ chức giỗ, chạp, tu bổ, tôn tạo sửa chữa từ đường, mồ mả; tổ chức mừng thọ, thăm hỏi, phúng viếng…; huy động nguồn tài trợ để khuyến học khuyến tài, giúp đỡ những gia đình họ Phạm trong xã, thôn…, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

3/ Phát triển, củng cố tổ chức.

Đi đôi với việc củng cố các HĐ hiện có, trong những năm tiếp theo, với phương châm “chậm – chắc”, không đề ra chỉ tiêu cụ thể, song với sự quyết tâm xây dựng hệ thống các cấp HĐ đều khắp ở các nơi trong tỉnh, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hầu hết các huyện, thị xã, thành phố khu vực đồng bằng đều có HĐ cấp xã, HĐ Gia tộc thôn, xóm.

Tập trung củng cố nâng cao chất lượng bộ phận thường trực, nhất là HĐHP cấp tỉnh, huyện theo hướng tích cực vận động những người họ Phạm có uy tín, có địa vị xã hội, các doanh nhân thành đạt tham gia công việc họ.

4/ Hoạt động hướng về cội nguồn

a- Tổ chức lễ giỗ Thượng Thủy Tổ: Hàng năm duy trì việc tổ chức lễ giỗ, tế và dâng hương bái vọng, cẩn cáo Thượng Thủy Tổ vào ngày 20/7 (âm lịch) về những hoạt động của HĐHP tỉnh, huyện (sẽ giao các huyện luân phiên tổ chức giỗ hàng năm). Thường trực HĐHP tỉnh sẽ phối hợp cùng HĐ các cấp trao đổi, bàn bạc những công việc cần thiết. Tổ chức các hoạt động hiếu, hỷ, dâng hương, mừng thọ, khuyến học, khuyến tài, trợ giúp các gia đình họ Phạm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

b- Tưởng nhớ các vị tiên tổ, các danh nhân họ Phạm: tăng cường việc sưu tầm tư liệu (có thể nhờ bộ phận chuyên môn của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh xác định tính chính xác của tư liệu) để có cơ sở bàn bạc, đánh giá, suy tôn tổ họ Phạm tại từng địa phương. Đồng thời tổ chức trọng thể các ngày kỵ, húy các vị danh nhân họ Phạm tại địa phương, đây là dịp tốt để tập hợp vận động đông đảo bà con tham gia chăm lo việc họ, nhất là ở các nhà thờ chi dòng tộc ở các xã, thôn.

Nhân ngày giỗ, kỵ tổ tiên của từng dòng họ, Gia tộc, HĐ cấp huyện cần hướng dẫn HĐ cấp xã có sự phối kết hợp với mỗi Gia tộc luân phiên tổ chức giỗ, chạp kết hợp với gặp mặt và triển khai việc họ của xã mình ngay tại khuôn viên nhà thờ của Gia tộc đó, vừa tạo nên sự giao lưu đoàn kết giữa các HĐ Gia tộc, vừa là dịp tạo thanh thế của Gia tộc họ Phạm với các họ tộc khác trong địa phương, nhất là các hoạt động mừng thọ, khuyến học, khuyến tài, giúp nhau sản xuất kinh doanh.

5/ Các hoạt động khác

a- Kết nối dòng họ: Ban tộc phả – Kết nối dòng họ phối hợp với HĐ các địa phương tổ chức sưu tầm, khai thác những tư liệu đã thu thập. Hướng dẫn các gia tộc tìm hiểu, sưu tầm, bổ sung, biên soạn tộc phả và viết bài giới thiệu về tộc phả mình trên các trang Web của họ Phạm để các địa phương khác tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.

b- Các hoạt động văn hóa – xã hội: tập trung huy động, vận động bà con trong dòng tộc hưởng ứng tham gia, đề nghị TT HĐTQHP Việt Nam, HĐHP tỉnh tổ chức vinh danh những người có nhiều công lao đóng góp cho các hoạt động này.

Hàng năm, các cấp hội thường xuyên theo dõi, thu thập thông tin, nắm chắc danh sách các cụ cao niên (tròn 80 tuổi, 90 tuổi, 100 tuổi) để đề nghị TT HĐTQHP Việt Nam và TT HĐHP tỉnh tổ chức mừng thọ. Tổ chức thăm hỏi người ốm đau, phúng viếng người mất, trợ giúp những gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

c- Các hoạt động thông tin tư liệu: Đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống dòng họ, tuyên truyền các hoạt động của TT HĐ các cấp làm cho nhiều người biết đến họ Phạm và tích cực tham gia các hoạt động của họ Phạm các cấp. Vận động bà con cung cấp, sưu tầm các thông tin hữu ích về các chi, phái dòng tộc họ Phạm trong, ngoài tỉnh (nhất là gốc tích, cội nguồn xuất xứ của các vị tiền bối) để xây dựng tộc phả họ Phạm tỉnh Quảng Ngãi trong những năm đến.

d- Hoạt động tài chính: Đổi mới cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động tài trợ, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân họ Phạm đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh để tạo sự giúp đỡ, đóng góp tài chính cho hoạt động việc họ các cấp (kể cả việc tôn tạo, tu sửa nhà thờ gia tộc và xây dựng Nhà thờ họ Phạm tỉnh).

e- Hoạt động của các tổ chức thành viên.

* CLB Doanh nhân họ Phạm: Nâng cao chất lượng hoạt động của CLB nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các doanh nhân họ Phạm có điều kiện giúp nhau sản xuất kinh doanh, làm giàu cho bản thân, dòng họ và tham gia đóng góp vào các hoạt động việc họ của các cấp Hội đồng trong tỉnh.

* CLB thơ họ Phạm: Tổ chức các hoạt động của CLB phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội đồng. Tích cực vận động các hội viên tham gia sáng tác nhằm ca ngợi công lao của tổ tiên họ Phạm, động viên các doanh nhân, doanh nghiệp và các cá nhân, gia đình làm giàu chính đáng, đúng pháp luật, tham gia đóng góp vào các hoạt động của dòng họ.

* CLB Trẻ họ Phạm: Kết hợp việc đẩy mạnh việc phát triển hội viên mới với tuyên truyền giáo dục ý thức tìm về cội nguồn, giữ gìn và phát huy truyền thống của dòng họ. Tích cực tổ chức các hoạt động của CLB theo đúng tôn chỉ mục đích, đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực cho TT HĐHP tỉnh.

đ- Quan hệ với các dòng họ khác trong tỉnh: Là hoạt động thường xuyên của TT HĐHP các cấp nhằm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời cũng là mối quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động xây dựng, phát triển tộc họ Phạm với các họ tộc khác trong tỉnh, nhất là các tộc họ đã có Ban liên lạc, hội đồng tộc họ.

Sử dụng các công cụ thông tin để tăng hiệu quả các hoạt động của các cấp hội ở cơ sở. Là công cụ cần thiết để cung cấp trao đổi tình hình, tuyên truyền các hoạt động của các cấp hội. Do vậy hội đồng các cấp cần giữ mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với TT HĐ cấp tỉnh, cấp huyện để nắm bắt thông tin, chủ trương, việc triển khai việc họ từng thời gian được thuận tiện.

  1. Đề xuất, kiến nghị

1/ Kiến nghị:

– TT HĐTQHP Việt Nam thường xuyên cung cấp, bổ sung tư liệu về dòng tộc họ Phạm (các vị tiên tổ qua các thời kỳ, nhất là các vị tiền hiền có công trạng lớn với đất nước) đi mở rộng bờ cõi phương nam để giúp cho HĐHP các địa phương có tư liệu, tìm hiểu cội nguồn và xây dựng gia phả của chi, dòng tộc ở địa phương mình.

– Cần có sự hướng dẫn thống nhất trong cách viết, xây dựng gia phả của chi, dòng tộc họ Phạm (nhất là gia phả ở các nhà thờ). Có thể giới thiệu một vài địa phương đã làm tốt việc này cho mọi người học tập rút kinh nghiệm.

– BẢN TIN của Họ Phạm Việt Nam cần có sự đầu tư (hình thức, biên tập nội dung, thể thức, văn phong, ngữ pháp…) phản ánh đầy đủ các hoạt động đa dạng, phong phú của tộc họ Phạm trong toàn quốc (cả ba miền).

2/ Đề xuất:

Để động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực trong thực hiện việc họ nhiệm kỳ VII (2015 – 2020), nhân Đại hội nhiệm kỳ VIII HĐTQHP Việt Nam, Thường trực HĐHP tỉnh Quảng Ngãi kính đề nghị TT HĐTQHP Việt Nam xem xét tặng Bằng khen của HĐTQHP Việt Nam cho các tập thể, cá nhân thuộc HĐHP tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể:

a/ Tập thể:

1- Thường trực HĐHP tỉnh Quảng Ngãi;

2- Hội đồng gia tộc họ Phạm Gia, thôn Nhơn Hòa 2, xã Bình Tân, huyện Bình Sơn;

3- Hội đồng gia tộc họ Phạm Văn, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ;

4- Hội đồng gia tộc họ Phạm Cao, thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa;

5- Hội đồng gia tộc họ Phạm Bá, thôn Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức;

6- Hội đồng gia tộc họ Phạm Ngọc Vũ, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành;

7- Hội đồng gia tộc họ Phạm Văn, thôn Trường Thọ, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh.

b/ Cá nhân

1- Ông Phạm Bá Nam, UV HĐTQHP VN, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký HĐHP tỉnh Quảng Ngãi;

2- Ông Phạm Minh Hòa, UV HĐTQHP VN, Phó chủ tịch, kiêm Trưởng ban Thông tin – tư liệu HĐHP tỉnh Quảng Ngãi;

3- Ông Phạm Phước Tuấn, Phó chủ tịch, kiêm Trưởng ban Lễ tân – khánh tiết HĐHP tỉnh Quảng Ngãi;

4- Ông Phạm Trung Trường, UV HĐHP tỉnh Quảng Ngãi; Phó Chủ tịch HĐHP huyện Bình Sơn;

5- Ông Phạm Tấn Đường, UV HĐHP tỉnh Quảng Ngãi; Chủ tịch HĐHP huyện Sơn Tịnh.

  1. Giới thiệu nhân sự cho Đại hội VIII, HĐTQ Họ Phạm Việt nam

Qua theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương của các thành viên HĐTQHP Việt Nam (khóa VII) ở tỉnh Quảng Ngãi; với trách nhiệm của HĐHP địa phương tham gia công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội HĐTQHP Việt Nam lần thứ VIII, TT HĐHP tỉnh Quảng Ngãi đã xem xét và thống nhất giới thiệu các vị sau đây tiếp tục tham gia HĐTQHP Việt Nam, khóa VIII:

1- Ông Phạm Đình Khối, PCT HĐTQHP VN (khóa VII), Chủ tịch HĐHP tỉnh Quảng Ngãi;

2- Ông Phạm Bá Nam, UV HĐTQHP Việt Nam (khóa VII), Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký HĐHP tỉnh Quảng Ngãi;

3- Ông Phạm Minh Hòa, UV HĐTQHP Việt Nam (khóa VII), Phó chủ tịch, kiêm Trưởng ban Thông tin – tư liệu, HĐHP tỉnh Quảng Ngãi;

c/ Dự kiến đại biểu dự đại hội lần thứ VIII

TT HĐHP tỉnh Quảng Ngãi đã bàn bạc thống nhất cử 5-6 vị (trong đó có 03 vị là UV HĐTQHP VN khóa VII) tham dự Đại hội lần thứ VIII, HĐTQHP Việt Nam vào quí III/2020.

Trên đây là kết quả hoạt động trong ba năm qua (2017 – 2020) và nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến của HĐHP các cấp tỉnh Quảng Ngãi, kính báo cáo TTHĐTQ Họ Phạm Việt Nam theo dõi./.

T/M HĐ HỌ PHẠM QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Phạm Đình Khối

 

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments