Phạm Hữu Thanh Tùng
Nhiều năm đợi chờ, khao khát. Một ngày đầu năm Bính thân “tin đến ngỡ trong mơ”. Mở email nhận được thư mời Hội ngộ đầu Xuân, tại Huế, sáng kiến của Hội đồng Họ Phạm TP Hồ Chí Minh, HĐHP Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức.
Được lời như cởi tấc lòng… Mới ngõ lời Ban tổ chức đã được HĐHP 11 tỉnh, thành phố hưởng ứng. Có hai doanh nghiệp của hai ông chủ họ Phạm là nhà tài trợ chính: Thẩm Mỹ viện Y Ngọc (TP Hồ Chí Minh) và khách sạn Lotus (Huế).
Thời gian chuẩn bị vỏn vẹn 2 tuần lễ. Gói tài trợ rất khiêm tốn, Ban tổ chức tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa để chương trình phong phú thêm.
Chính lễ vào buổi chiều ngày 2-3, nhằm ngày 24 tháng Giêng. Đoàn Đồng Nai ra sớm nhất, ngày 22 tháng Giêng. Chiều 23 hai đoàn Bình Định Định, Quảng Ngãi đã có mặt, đi bằng xe ô tô. Tối đến Chủ tịch HĐHP Thanh Hóa cùng phu nhân vào bằng tàu hỏa. Sáng 24 đoàn Bình Thuận ra; đoàn Thái Bình vào bằng xe hơi, do PCT HĐHP Phạm Xuân Pha dẫn đầu. Cảm động nhất, và đặc biệt nhất là đoàn Đắc Lắc, do Chủ tịch HĐHP Phạm Ngọc Sơn đi xe đò cùng con trai. Đoàn TP Hồ Chí Minh đi máy bay, đến rải rác trong ba ngày từ ngày 22 đến ngày 24.
Ông Phạm Ngọc Sơn và con trai
Khách đến sớm được mời dự lễ cầu siêu và thưởng thức bữa cơm chay buổi trưa ngày 24 ở chùa Tây Thiên; một Tổ đình danh tiếng ở cố đô Huế, nơi tu học và thành danh của nhiều vị chân tu như Hòa Thượng Tâm Tịnh, Hòa Thượng Giác Tiên (khai sơn chùa Trúc Lâm), Hòa thượng Giác Nguyên, Đại lão Tăng thống Giác Nhiên, Hòa Thượng Giác Thanh (tức Hòa Thượng Thích Đôn Hậu).v.v…
Buổi chiều, trước giờ khai hội, HĐHP các tỉnh miền Trung tranh thủ “giao ban”. Nội dung tập trung vào ba việc chính. 1. Ông Phạm Minh Thông, Phó Chủ tịch HĐTQ khóa VI, phụ trách các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên bàn giao công việc cho ông Phạm Đình Khối, Phó Chủ tịch HĐTQ khóa VII. 2. Thảo luận, thống nhất về việc tiếp tục duy trì hoạt động của trang tin điện tử Họ Phạm Miền Trung – Tây Nguyên. 3. Liên kết tổ chức một số hoạt động quy mô khu vực ở mỗi tỉnh, thành phố.
Chính lễ khai cuộc lúc 15h đúng như kế hoạch. Sau chương trình văn nghệ chào mừng, thay cho báo cáo chung Ban tổ chức giới thiệu video clip tổng hợp hoạt động trong năm 2015 và đầu năm 2016 của HĐHP 10 tỉnh, thành tham gia chương trình Hội ngộ xuân Bính thân.
Sau phát biểu chào mừng của BS Phạm Văn Căn, PCT HĐTQ, Chủ tịch HĐHP TPHCM, là cuộc tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn làm việc họ tại các địa phương. TP.HCM có thêm chương trình ra mắt đặc san Họ Phạm Sài Gòn số 1/2016. Đặc san dày 84 trang khổ A4 (21×26 cm), in 1.000 cuốn, giấy cuche 4 màu. Điều đáng quan tâm là đặc san do NXB Thanh Niên cấp phép, phát hành rộng rãi trên toàn quốc, không còn là ấn phẩm lưu hành nội bộ.
Hai U 80 Phạm Công Sang, PCT HĐHP TPHCM và Phạm Minh Thông, Chủ tịch HĐHP Quảng Nam-Đà Nẵng chia xẻ việc họ.
Cũng giống như cách nói dân gian “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, việc họ mỗi tỉnh, thành phố đều có những nét riêng, gộp thành một vườn hoa đầy hương sắc. Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐHP Thanh Hóa, Thái Bình là nhà doanh nghiệp nên hai địa phương này đều có CLB Doanh nhân hoạt động rất tốt, hỗ trợ rất tích cực cho các hoạt động của dòng họ. Các tỉnh bạn đều mong ước…
Ông Phạm Văn Căn chúc mừng ông Phạm Xuân Pha, chúc mừng Thái Bình sắp có nhà thờ Họ Phạm của tỉnh.
Chủ tịch HĐHP Quảng Ngãi nguyên là Bí thư Tỉnh ủy nên đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia việc họ. Trong khi nhiều tỉnh chưa có Hội đồng cấp huyện thì Quảng Ngãi quan tâm đến hoạt động từ cơ sở, từ chi, phái. Hoạt động đầu tiên năm 2016 của Quảng Ngãi là tổ chức đại hội Hội đồng Họ Phạm cấp xã. Phát biểu tại buổi tọa đàm ông Phạm Đình Khối còn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến bà con họ Phạm Thanh Hóa và nhiều tỉnh phía Bắc đã có nghĩa cử rất cao đẹp, giúp nông dân Quảng Ngãi tiêu thụ dưa hấu khi thị trường bị ế ẩm.
Nguyên Chủ tịch HĐTQ Phạm Đạo trao đổi công việc với tân PCT HĐTQ Phạm Đình Khối
Trong khi các tỉnh phía Nam đang có phong trào hiến đất xây dựng nhà thờ để vọng thờ Ngài Thượng Thủy Tổ và thờ liệt vị Thủy tổ họ Phạm tại địa phương thì Thái Bình UBND tỉnh đã cấp 2,3 ha đất để tôn tạo một ngôi thà thờ có sẵn thành nhà thờ Họ Phạm của tỉnh. Hoan hô lãnh đạo tỉnh Thái Bình, nhưng cũng không thể không ghi nhận vai trò tư vấn, tham mưu, đề xuất của HĐHP trên quê hương 5 tấn lúa/ha đầu tiên của miền Bắc.
Các họ luân phiên cung tiến lễ giỗ Ngài Thượng Thủy tổ hàng năm là kinh nghiệm hay của Quảng Nam – Đà Nẵng, sẽ được Thừa Thiên Huế áp dụng trong năm nay – 2016.
Việc họ là việc chung của mỗi người. Không phải lớp cha trước, lớp con sau tiếp nối mà cha và con cùng làm việc họ. Đó là thực tiễn ở nơi xa nhất. Từ huyện vùng cao vùng xa của đại ngàn Tây Nguyên ông Phạm Ngọc Sơn dẫn theo con trai về dự họp mặt bà con đồng tộc. Và không chỉ có chồng và con trai, mà cả vợ cũng tham gia việc họ. Trưởng đoàn TP.HCM, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thái Bình có vợ na theo “tay hòm chìa chìa khóa” cùng về dự hội. Nếu tính cả đoàn địa phương đăng cai, trong hội trường số lượng cô dâu thấy đã nhiều hơn các “bà cô trong nhà”. Một tín hiệu thật vui với công việc của dòng họ Phạm chúng ta.
Chương trình gặp mặt càng về cuối càng sôi động, ấm cúng, và sâu lắng. Chương trình văn nghệ tưởng đã dừng sau bài ca Họ Phạm Việt Nam và bài Mùa xuân đầu tiên bỗng được tiếp nối bằng bài Ly rượu mừng của cố nhạc sĩ danh tiếng Phạm Đình Chương khi bắt đầu vào bữa cơm tối.
Ca sĩ Ngọc Trân trình bày bài Ly Rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Nói không ngoa thì bữa ăn tối là một tour tìm hiểu, khám phá văn hóa ẩm thực Huế. Mà người dẫn chuyện chính là ông Chủ tịch HĐHP sở tại. Này nhé, khai vị bằng dĩa bánh bèo bột gạo trắng tinh phủ tôm chấy và tóp mỡ vàng óng ả. Kế tiếp là bánh nậm, hay còn gọi là bánh lá chả tôm. Nguyên liệu đều là bột gạo tẻ dân dã nhưng có nhụy vàng, được gói bằng lá dong xanh. Rồi bánh bột lọc, chế tác từ bột sắn đã lọc hết chất xơ. Bột lọc trắng trong ôm chặt con tôm rằn rim đỏ ngậy ở bên trong. Sau đó là bánh khoái, có công thức và cách làm gần giống như bánh xèo miền trong nhưng đã được nâng cấp về kỹ thuật và chất lượng khiến người ăn thấy thú vị, khoái khẩu. Ăn thấy khoái chứ không phải vừa ăn vừa nghe dầu mỡ sôi xèo xèo như là đổ bánh xèo. Để có thêm sự đối chứng về văn hóa ẩm thực ba miền có thêm móm nem lụi. Nó na ná như nem nướng Hà Nội, làm ấm lòng thực khách khi trời trở mùa se lạnh, nhưng được điều chỉnh gia vị rặt mùi Huế và hình dáng thì giống như cây kem. Mỗi cây được gọi là một lụi. Sợ mang tiếng ăn thanh cảnh khuya về bụng cồn cào nên món cuối cùng đước đổ bê tông bằng cơm Âm Phủ – quán cơm Âm Phủ nổi tiếng từ thập niên 1940, chuyên phục vụ khách ăn bữa khuya.
Trở lại chuyện hát hò, 3 ca sĩ chuyên nghiệp tới tham gia chương trình đã phải nhường micro cho các ca sĩ nghiệp dư họ Phạm. Phạm Văn Hùng (Huế) giọng trầm ấm hát Cho con của Phạm Trọng Cầu nghe rất mùi mẫn, thiết tha. Phạm Đình Thanh (Thanh Hóa) và Phạm Xuân Pha (Thái Bình) đáp lễ với những khúc tình ca xứ Huế. Một cô dâu họ Phạm kết thúc chương trình bằng bài Mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn phổ thơ Thanh Hải – tức Phạm Bá Ngoãn, với lời dẫn của Chủ tịch HĐHP Thừa Thiên Huế:
Đây là bài thơ cuối cùng của Phạm Bá Ngoãn, viết trên giường bệnh, được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc trong một đêm, sau khi đi viếng Phạm Bá Ngoãn. Trần Hoàn thực sự xúc động trước khát vọng dâng hiến và đức tính khiêm tốn của một nhà thơ đã lăn lộn qua hai cuộc kháng chiến:
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta biến trong hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc…
Ngày vui, vui đến bao giờ! Chương trình được tiếp tục bằng đêm nghe ca Huế trên sông Hương. Bản hòa tấu Tứ đại cảnh được dạo đầu khi thuyền rồng dừng “trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai cảm, ai thương ai đợi, ai nhớ ai mong, thuyền ai thấp thoáng trên sông, đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…”. Đây là một tour khám phá Huế về đêm mà du khách không thể bỏ qua. Những đêm Huế sông Hương thành sông nhớ/ Chợ Đông Ba thành điểm hẹn chờ nhau…
Huế là di sản văn hóa thế giới. Khách đến Huế không thể không đi tham quan những khu di tích, thắng cảnh nổi tiếng. Thế nhưng sáng ngày 25 tháng Giêng Ban tổ chức thiết kế chương trình thăm ba nhà thờ họ Phạm.
Điểm đến đầu tiên là nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ, phường Hương Long, TP Huế, nơi HĐHP Thừa Thiên Huế đã làm lễ rước linh vị Ngài Thượng tổ về vọng thờ từ năm 2010, và dựng tượng Ngài ở giữa sân nhà thờ vào năm 2011. Nhà thờ nằm trên đường Lý Nam Đế. Cách nhà thờ gần 1 km về phía tây có đường Phạm Tu, giao nhau với đường Lý Nam Đế. Từ nhà thờ theo đường Phạm Thị Liên trở về hướng đông gặp đường Vạn Xuân. Thật thú vị, như duyên tiền định, nhà thờ vị Tổng tư lệnh thời Tiền Lý nằm ngay trên đường Lý Nam Đế. Đường Lý Nam Đế giao nhau với đường Vạn Xuân, với đường Phạm Tu. Một quần thể di tích nhà Tiền Lý – nhà nước Vạn Xuân xoắn xuýt vào nhau, kết nối qua đường mang tên người anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân thời hiện đại, anh hùng Phạm Thị Liên, Tiểu đội trưởng 11 cô gái sông Hương anh dũng, kiên cường trong trong chiến dịch Tết Mậu Thâu – Xuân 68, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Các đoàn đại biểu về dự gặp mặt đến dâng hương Ngài Thượng Thủy Tổ Phạm Tu
Dưới tượng Ngài Thượng Thủy tổ ông Phạm Hữu Thanh Tùng giới thiệu về đặc điểm địa lý, lịch sử vùng đất Kim Long địa linh nhân kiệt và quá trình hình thành, hoạt động của HĐHP Thừa Thiên Huế. Do chiều ngày 24 bị “cháy giáo án” cho nên đến lúc này chủ nhà Thừa Thiên Huế mới được phát biểu.
Người phát biểu sau cùng là nguyên Chủ tịch HĐTQ Phạm Đạo. PGS-TS Phạm Đạo được mời phát biểu với đoàn khi tham quan và chụp ảnh lưu niệm ở đường Phạm Tu. Ông nói ngắn gọn nhưng ai cũng tâm đắc nhất với câu cuối cùng: Làm việc họ cuối cùng là cái tình. Cái ta được là cái tình.
Điểm đến thứ hai là nhà thờ họ Phạm làng Thanh Thủy Thượng, nhà thờ có bức ảnh vừa được in trong bộ lịch Họ Phạm Việt Nam năm Bính Thân – 2016. Họ Phạm Thanh Thủy Thượng có Ngài Thủy tổ Phạm Bá Tùng là chỉ huy sứ dưới thời Lê Trung Hưng. Ngài có con gái là thứ phi của vua Lê Thánh Tông. Khi qua đời bà được triều đình cấp 8 mẫu đất làm nhà thờ, gọi là nhà thờ Bà. Vì thế họ Phạm Thanh Thủy Thượng thường tự hào là một họ có hai nhà thờ.
Đoàn đến thăm nhà thờ Họ Phạm làng Thanh Thủy Thượng
Điểm đến thứ ba là nhà thờ phái họ Phạm làng Tân Tô, thị xã Hương Thủy, gần sân bay Phú Bài, nơi đang diễn ra lễ Hiệp kỵ hàng năm, con cái khắp mọi miền trong nước về dự tới hơn trăm người. Một cơ hội hiếm gặp để bà con họ Phạm ta ở mọi miền hiểu thế nào là một lễ Hiệp kỵ theo nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ông bà, của người Việt, kết hợp với nghi lễ Phật giáo thuần khiết xứ Huế.
Sau khi thọ lộc cùng bà con họ Phạm Tân Tô, các đoàn phía Nam đi ô tô chia tay tại đây. Buổi chiều cha con ông Phạm Ngọc Sơn lại đáp xe đò đi thâu đêm lên Tây Nguyên. 9 giờ tối vợ chồng ông Phạm Đình Thanh lại lên ga xe lửa trở ra xứ Thanh. Đoàn TP.HCM nấn ná thêm sáng 26 đi thăm họ Phạm Bá làng Phò Trạch, giáp giới tỉnh Quảng Trị.
Cuội Hội ngộ đầu đầu Xuân Bính thân đã thành công ngoài mong đợi. Hy vọng đây là bước khởi đầu cho một năm gặt hái nhiều thành công trong hoạt động dòng họ.
Hẹn gặp lại: Bình Định với Lễ hội Tây Sơn bừng bừng hào khí đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc: “Đánh cho chúng trích luân bất phản, kiếm giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc chi hữu chủ…”; hay ra Lý Sơn – Quảng Ngãi viếng mộ Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ánh để khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hay Thanh Hóa với lễ hội Lam Kinh để thấm nhuần triết lý “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ lấy chí nhân để thay cường bạo”; và nhớ người anh hùng có cỗ xe cầu hiền còn dành về phía tả.
Việc họ chúng ta cũng như thế: “Cỗ xe cầu hiền vẫn chăm chắm thường dành về phía tả”.
P.H.T.T
Một số hình ảnh cuộc hội ngộ: