Người nuôi cá trên sông Hồng
Ngoài mùa lũ, con sông Hồng rất hiền hòa. Thỉnh thoảng có cơn gió đem theo hơi nước thổi vào mát rượi. Ngồi trên bè cá lồng, bốn bề là nắng, là gió, là nước… để nghe câu chuyện của một người cũng khá đặc biệt, không hề biết giấu quá khứ, dù rằng quá khứ ấy chẳng có gì đáng phải nhớ. Vậy mà anh vẫn kể, bởi theo anh: “Đừng bao giờ quên quá khứ, để không đi vào vết xe đổ, đi vào cái bóng đen tối của mình”. Anh là Phạm Đình Chiểu, sinh năm Ất Tỵ (1965), ở xóm 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, hiện là chủ doanh nghiệp nuôi cá lồng trên sông Hồng.
Ông cụ thân sinh ra Phạm Đình Chiểu có cả thảy tám người con, anh là thứ năm trong gia đình. Ông cụ từng đi bộ đội đánh Pháp, rồi đánh Mỹ, sau phục viên về địa phương lại tình nguyện vào thanh niên xung phong. Theo gương cha và anh trai, Phạm Đình Chiểu cũng lên đường nhập ngũ, nhận công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ. Sau hơn 3 năm thực hiện nghĩa vụ, tháng 6/1986 Chiểu trở về địa phương. Lúc này, đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, cuộc sống vẫn còn rất khó khăn. Ở cái tuổi ngoài hai mươi, lính giải ngũ như Chiểu rất khó tìm được việc làm để mưu sinh. Rồi bạn bè rủ rê đi đào vàng ở Lai Châu. Năm, sáu năm lăn lộn nơi rừng thiêng nước độc, nếm đủ mùi đắng cay, tủi nhục, kiếm được ít vốn, năm 1991 Chiểu về quê lấy vợ, sau đó lại lên bãi vàng 3 năm nữa. Vàng đâu chẳng thấy chỉ thấy mình ngày càng mất đi cái chất của người lính, lối sống buông thả, tự do, sô bồ, bặm trợn của kẻ phu vàng vô gia cư rồi mắc vào nghiện thuốc phiện, trở thành nô lệ của nàng tiên nâu từ lúc nào không hay….
Hai bàn tay trắng trở về quê, một mảnh đất cắm dùi không có, trong khi những cơn vật thuốc vẫn hành hạ. Lúc đó, một người nghiện ma túy ở một vùng quê thanh bình là việc “kinh thiên động địa”. Mọi người xung quanh kỳ thị, xa lánh, thậm chí bố mẹ, người thân không còn tin tưởng. Gom góp được ít tiền mua một chiếc xe công nông đầu dọc, chạy kiếm ăn. Nhưng vì nghiện quá, làm không ra đành phải bán cả xe công nông nướng vào thuốc phiện. Vợ sinh con gái đầu lòng được 16 tháng tuổi mà trong nhà không có gì để ăn. Tiền hết, đi vay, người ta nói: Thừa tiền mới cho thằng nghiện vay. Cánh cửa tương lai như đóng sập trước mắt, ám ảnh về những ngày tháng phu vàng, về khói trắng thuốc phiện trong bê tha, nghiện ngập làm anh có lúc tuyệt vọng, tưởng chừng quỵ ngã…. Nhưng có lẽ, Phạm Đình Chiểu vẫn còn may mắn bởi cuộc đời anh còn có một người phụ nữ chấp nhận mọi thị phi để gánh nặng cuộc đời cùng với anh, là người vợ hiền hậu, thủy chung đã luôn ở bên chồng. Vượt qua mọi khó khăn, động viên chồng cai nghiện, đoạt tuyệt với quá khứ giang hồ, lầm lỡ, để tìm thấy ánh sáng le lói phía cuối con đường chông gai… Nhắc lại những ngày sóng gió ấy, chị Tạ Thị Bích Liên, vợ anh Chiểu không giấu được cảm xúc nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi lấy nhau cả anh em trong nhà lẫn mọi người bên ngoài đều không ai ưa,vì không ai là không biết tính cách và quá khứ của anh ấy. Cho nên vợ chồng bảo nhau quyết phải gắng hết sức để nuôi dạy con cái, phấn đấu cuộc sống ổn định và cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn… Còn những khó khăn, thị phi thì cứ dần dần bước qua, mình tự đứng lên được thì sẽ thành công mọi việc…”
Trong lúc dò dẫm mưu sinh, cố gắng vượt qua cái đận khốn khó nhất, vợ chồng Phạm Đình Chiểu đã không đơn độc. Mấy anh làm chính quyền, rồi Công an xã đã không bỏ rơi con người đã trót mắc nghiện nhưng đầy quyết tâm, khao khát làm lại cuộc đời như Chiểu. Được chính quyền ủng hộ, anh nhận thầu khu đất diện tích 17 mẫu có cái trại tằm bỏ hoang và có tới bảy cái hố bom của Mỹ, rủ mấy người trong làng cùng khai khẩn nhưng không ai dám vì quá mạo hiểm. Chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì, đành tạm cấy lúa hom vào ao để có cái ăn. Trời mưa tháng ba đi tuốt lúa hom về giã nấu bột cho con ăn. Lúc này Chiểu đã thực sự hết nghiện nhưng tiền kiếm được hàng ngày không đủ trang trải sinh hoạt. Vậy là vợ chồng anh cứ giật gấu vá vai qua ngày và kiên nhẫn tìm cơ hội.
Năm 1996, một tập đoàn kinh tế của Mỹ sang ký hợp đồng trồng 3 mẫu hoa hướng dương để làm dầu long não. Người của 36 huyện trong và ngoài tỉnh về tham quan thấy hoa hướng dương nở bông rất to, hy vọng một mô hình nhiều khả quan. Sau này mở rộng ra 7 mẫu để làm cây dược liệu, không biết nghề thì đi học, Chiểu lại khăn gói lên Viện Di truyền ở Hà Nội học 3 tháng về làm, sau này thì trồng thêm cây hòe. Năm 2001, phong trào trồng cây cảnh phát triển, anh lại đầu tư 7,5 cây vàng trồng cây cảnh, rồi cũng thất bại. Chuyển sang nuôi gà quy mô lớn, mỗi ngày đưa hàng tạ thịt ra thị trường. Đến năm 2009, con gà giống bấp bênh, thua lỗ cả trăm triệu đồng, lại thêm một lần nữa trắng tay. Nghe bạn bè giới thiệu bên Hải Dương có mô hình nuôi cá lồng, anh sang tận nơi để xem người ta nuôi thế nào. Hay thì rất hay, hiệu quả kinh tế đấy nhưng lấy đâu ra tiền để làm lồng cá, rồi đầu ra thế nào? Đúng vào lúc bế tắc thì như duyên kỳ ngộ, gặp được anh bạn ở huyện Hải Hậu – Nam Định hứa sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau khi thuyết phục huyện cho phép nuôi cá lồng trên sông Hồng, ban đầu đóng 24 lồng hết 1,7 tỷ đồng, phải kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Sau làm ăn được, nâng dần số lồng lên 52, mỗi lồng có diện tích 36m2, dung tích nước 108m3. Thả 60 – 70 nghìn con cá diêu hồng, 4.000 con cá lăng giống, nuôi 18 tháng được 10 tấn cá. Bình quân mỗi lồng bây giờ có 5 tấn cá, một tháng phải chi 2 tỷ đồng tiền giống, thức ăn, vị chi một năm “ném” vào đó gần 30 tỷ đồng.
Theo báo Công An Thái Bình