Trang chủGIỚI THIỆULịch sử võ học Việt Nam bằng tiếng Pháp

Lịch sử võ học Việt Nam bằng tiếng Pháp

phong

BBT trang tin xin giới thiệu bài viết tóm tắt cuốn sách Lịch sử võ học Việt Nam dịch sang tiếng Pháp của tác giả Phạm Đình Phong, P. Chủ tịch HĐHP TP Hồ Chí Minh:

BÁO CÁO TÓM TẮT

CÔNG TRÌNH SÁCH “LỊCH SỬ VÕ HỌC VIỆT NAM”

ĐẦU TIÊN CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG PHÁP

(Tổ chức lúc 9g sáng, ngày 22/8/2015 (thứ 7) tại Nhà Hữu Nghị (Tầng 2)

– Liên hiệp các Tổ chức Hữu Nghị. Số 31 – Lê Duẩn, Q.1, TP. HCM)

Qua quá trình làm Chủ nhiệm kiêm Chủ biên Để tài khoa học đầu tiên cả nước về công trình VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH (từ năm 1997 – 2000), tôi biết được nước ta có NỀN VÕ HỌC song hành cùng NỀN VĂN HỌC, xuyên suốt từ thời lập quốc đến nay, tạo nên NỀN VĂN HÓA mang đậm tính chiến đấu đặc sắc và tinh thần nhân văn cao thượng (TINH THẦN THƯỢNG VÕ).

Để góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị Lịch sử, Văn hóa thiêng liêng của dân tộc, truyền lại con cháu mai sau tự hào, tiếp nối truyền thống oai hùng của Tổ tiên khỏi bị hòa tan, mất gốc. Đầu năm 2001 tôi dồn hết tâm lực, tự bỏ kinh phí, xin thôi làm công tác quản lý để tập trung thời gian mở rộng qui mô nghiên cứu, đến các làng võ, Bảo tàng, Thư viện, Kho lưu trữ tư liệu, Môn phái, gặp các dòng tộc uyên bác cả văn lẫn võ, võ sư lão thành để sưu tập tư liệu, hiện vật, di chỉ về Võ học.

Sau gần 12 năm, vừa điền dã, nghiên cứu, sưu tập nguồn sử liệu, vừa đúc kết, biên soạn, đến tháng 6/2012 tác phẩm được ra đời. Ngay sau khi xuất bản, tác phẩm được các Báo, Đài quan tâm giới thiệu rộng rãi và quí độc giả nhiệt thành mua hết 1.000 cuốn trong 6 tháng (vừa qua đã tiếp tục tái bản). Trong đó có hàng trăm độc giả gửi thư, Email khen ngợi (nhiều người còn tặng tiền, giúp tôi mở Quỹ hỗ trợ các võ sư nghèo, hoạn nạn, các cháu mồ côi…). Đồng thời, khuyên tác giả nên sớm chuyển ngữ ra tiếng nước ngoài, để bạn bè quốc tế có điều kiện hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống Văn hóa, tinh hoa Võ học đồ sộ, hiếm có bao gồm cả hệ thống hoàn bị, từ Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Trận, Võ Cử, Võ Miếu đến Võ Thuật, Võ – Y (Y – Võ), Võ Nhạc… và được Nhà Tây Sơn nâng lên thành “QUỐC VÕ”, góp phần đào tạo nhân tài đất nước toàn diện cả Văn lẫn Võ, tạo nên sức mạnh dân tộc, để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược qua các thời kỳ lịch sử.

Ngay sau khi phát hành, tác giả đã thành kính dâng lên các bậc Tiên Tổ, trao tặng sách và bám sát các Bộ – Ngành chức năng để thỉnh thị, gửi Đề án, đơn thư xin được bảo tồn, sớm đưa võ của Tổ tiên, dân tộc vào danh mục “Di sản Văn hóa phi vật thể của QG” thuộc diện bảo vệ khẩn cấp, như các “Di sản” khác (vì hiện nay đã bị thất truyền, mất gốc quá nhanh, nếu để kéo dài sẽ mất hết, con cháu mai sau không còn hiểu biết nữa). Đồng thời xây dựng Giáo trình, đưa môn Lịch sử Võ học dân tộc vào giảng dạy trong trường học, như 1 số môn võ ngoại đang dạy (Qua nghiên cứu, VN là một trong số rất ít nước trên thế giới tự hào có nền Võ học uyên bác, lâu đời).

Đặc biệt, sau khi XB chưa đầy 1 năm, tháng 4/2013 vinh dự được Tổ chức Sách Viêtkings trao Bằng xác lập Kỷ lục “Người viết sách Lịch sử Võ học VN đầu tiên” và tháng 9/2013, Đại học Kỷ Lục Thế Giới vinh danh là “Công trình Văn hóa, Võ học có giá trị, đóng góp vào kho tàng Văn hóa, Võ học Thế giới”, đồng thời chọn Công trình này, hướng dẫn tác giả làm Luận án bảo vệ Tiến sĩ danh dự quốc tế đầu tiên về lĩnh vực Võ học.

Xuất phát từ ý kiến của nhiều độc giả, yêu cầu mở rộng quan hệ, hợp tác, truyền bá Võ học đến các nước theo tâm nguyện của tác giả và sự mong đợi của các võ sư, môn sinh các nước nói tiếng Pháp đang nghiên cứu, truyền dạy, học tập võ Việt Nam, nhất là sự giúp đỡ tài trợ của Liên đoàn Quốc tế Võ Việt Nam (Sơn Long Quyền Thuật), Hiệp hội Việt Võ Đạo “BỀN CHÍ” của Pháp, nên tôi quyết định chuyển ngữ sang tiếng Pháp đầu tiên. Vì ngoài các yêu cầu trên, nhiều nước nói tiếng Pháp, đặc biệt là Pháp – Quốc gia đã hội nhập, phát triển võ Việt Nam lâu đời nhất và có các Liên đoàn, Hiệp hội, võ sư, môn sinh hùng hậu nhất thế giới.

Qua hơn 2 năm thực hiện việc chuyển ngữ đã gặp rất nhiều khó khăn. Sở dĩ thời gian dài là do lần đầu tiên dịch sang tiếng Pháp một Công trình Lịch sử Võ học có độ dày đến 840 trang, trải qua rất nhiều sự kiện và giai đoạn lịch sử… Hơn nữa, phần lớn các thuật ngữ chuyên sâu về Võ học, dịch giả phải tra cứu nhiều tư liệu và phải tu sửa rất nhiều lần. Sau khi dịch, phải chuyển sang Pháp để nhờ các học giả vừa giỏi võ, vừa giỏi về Pháp ngữ công phu hiệu chỉnh.

Tác phẩm XB lần này gồm 1.500 cuốn và không nhằm mục đích kinh doanh, chủ yếu để phục vụ cho các võ sư, môn sinh các nước có “cẩm nang” nghiên cứu, ứng dụng, truyền dạy, luyện tập nâng cao kiến thức Võ học và quảng bá sâu rộng đến các nước thuộc CỘNG ĐỒNG PHÁP NGỮ (Tổ chức Quốc tế các nước nói tiếng Pháp – L’Organisation Internationale de Francophonie). Đồng thời kính tặng các tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái, quyên góp cho Quỹ hỗ trợ các võ sư nghèo, các tài năng Võ Việt và trẻ em mồ côi (Quỹ này do tác giả tạo lập từ tháng 6 năm 2012).

Sau khi phát hành tác phẩm, chúng tôi mong muốn được sớm hợp tác với Tổ chức Quốc tế các nước nói tiếng Pháp (OIF), Hội Hữu Nghị Pháp – Việt, Hội Hữu Nghị Việt – Pháp, các Lãnh Sự Quán, các Tổ chức trao đổi Văn hóa, Giáo dục, Võ học của Pháp và các nước nói tiếng Pháp, Liên đoàn QT Võ Việt Nam để kết nối, trao tặng sách, tham gia Hội thảo, truyền dạy, giao lưu, biểu diễn, giới thiệu các tinh hoa Võ học, nhằm tăng cường mối quan hệ gắn kết dài lâu, mở rộng hội nhập, hỗ trợ lẫn nhau, tạo sự lan tỏa, phát triển mạnh mẽ ở từng QG và vùng lãnh thổ. Đồng thời đề đạt với tổ chức UNESCO xét công nhận VN có nền Võ học lâu đời, như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và tạo điều kiện kết nối để tham gia các Diễn đàn Võ học quốc tế.

Nhân sự kiện này, chúng tôi kính mong Bộ Văn hóa – TT – DL, Bộ Giáo dục – ĐT và Tổng Cục TDTT quan tâm bảo tồn, phục hưng nền Võ học nước nhà, sớm sánh vai với các nước có nền Võ học tiên tiến trên thế giới.

Để chuyển ngữ và tổ chức được cuộc họp giới thiệu sách lần này, tác giả xin chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ tận tình của Liên hiệp các Tổ chức Hữu Nghị TP. HCM, Hội Hữu Nghị Việt – Pháp TP. HCM, Lãnh Sự Quán Pháp, Viện Pháp tại TP. HCM, Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao TP, Tổ chức Kỷ lục VIETKINGS, Viện NC Kỷ lục, Hội đồng Họ Phạm. Võ sư Olivier Barbey – Chủ tịch Liên đoàn QT Võ Việt Nam (Pháp), Võ sư Guy Harve – Chủ tịch Hiệp hội Việt Võ Đạo “Bền chí” (Pháp), các Nhà nghiên cứu, dịch thuật, Nhà tài trợ, đồng nghiệp trong và ngoài nước…cùng sự tích cực hỗ trợ thông tin của các cơ quan Thông tấn, Báo chí, Đài Phát thanh, Truyền hình TƯ, TP. HCM, các tỉnh trong khu vực, nhất là tấm lòng của các Nhà báo thân hữu luôn nhiệt tâm ủng hộ, giới thiệu Lịch sử Võ học Việt Nam trong những năm qua.

Xin trân trọng tri ân tấm lòng cao cả và sự giúp đỡ quí báu của quý vị, kính chúc quý vị Lãnh đạo, quý vị khách quý trong nước và quốc tế, các vị Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu, NXB, Võ sư Chưởng môn, dịch giả, Nhà báo, Nhà văn, Nghệ sĩ, Võ sĩ tham gia biểu diễn và anh chị em phục vụ mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống.

TP. HCM, ngày 22 tháng 8 năm 2015

Địa chỉ liên hệ: Tác giả

Điện thoại: 0903876699

Email:[email protected]

Website:www.lichsuvohoc.vn

PHẠM PHONG

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments