Trang chủHOẠT ĐỘNG DÒNG HỌNGƯỜI HỌ PHẠM: GIÀ LÀNG A MA TRANG PHẠM THÀNH HÂN

NGƯỜI HỌ PHẠM: GIÀ LÀNG A MA TRANG PHẠM THÀNH HÂN

Nhân dịp Tết Tân Sửu, Thường Trực HĐHP QNĐN đã tới thăm, chúc thọ và tặng quà người con tiêu biểu của TỘC  PHẠM CẨM SA: Phạm Thành Hân (A Ma Trang), sinh năm 1928, tại Làng Cẩm Sa, Điện Nam Bắc, Điện Bàn, Quảng Nam. Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Gần 75 năm trước, ông từng được tế sống, giấy báo tử đã gửi về quê nhà, người thân đã lập di ảnh, lập bàn thờ  mà không  ngờ, ông vẫn đang đi chiến đấu cho ngày non sông thống nhất.

17 tuổi, chàng thanh niên Phạm Thành Hân tình nguyện viết đơn lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngày 22/8/1945, ông chính thức trở thành Bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Nhiều “cứ điểm lửa” trên tuyến đường 19 Gia Lai- Bàu Cạn, vùng An Thạch, Tú Thủy, Cửu An, Canăk (An Khê, Tây Nguyên) … đều in dấu chân của ông.

Năm 1948, ông tham gia chiến dịch Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Quảng Nam- Đà Nẵng, tham gia các trận đánh ở Túy Loan, Hải Vân, Eo Ngựa Hòa Vang và phục kích đường 14, đèo Hải Vân… Cuối tháng 12/1949 (âm lịch), ông trở thành chiến sĩ quyết tử quân của Đại đội 10 quyết tử.

Sau lễ “truy điệu sống” tại chân Bà Nà- Núi Chúa, đại đội của ông di chuyển xuống chân núi Phước Tường chờ đêm tối tấn công vào nội thành Đà Nẵng. Đêm 29 Tết, toàn đại đội quyết tử quân tấn công vào đồn địch, tiêu diệt trên 50 tên giặc Pháp và lính lê dương.

Sau cuộc tập kích bất ngờ, địch phản công mạnh. Trong quá trình cùng đồng đội rút lui, may mắn, ông được một người giúp đỡ nấp vào hố ga, đổi trang phục bộ bà ba rồi đưa lên núi trở lại đơn vị.

Lúc này, tình hình chiến sự diễn ra rất ác liệt. Ông cùng đơn vị nhận được lệnh điều động chi viện cho nước bạn Lào anh em. Chiến đấu tại chiến trường Hạ Lào, trong một trận chiến với địch ông bị thương nặng, được chuyển về Khu 5 chữa trị. Trong thời gian điều trị tại Quảng Ngãi, ông gặp cô y tá Nguyễn Thị Hoa rồi nên duyên vợ chồng.

Trên đường tập kết ra Bắc, Ama Trang cùng đồng đội dừng chân tại huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, ông được bầu làm Chính trị viên C rồi làm Chủ tịch Hội đồng thương binh kiêm Bí thư Chi bộ. Từ năm 1956, ông được cử đi học Trường trung cấp Ngoại ngữ. Sau khi kết thúc khóa học, năm 1958, ông làm phiên dịch, Phó Chủ nhiệm, Bí thư Chi bộ khu chuyên gia Việt Trì.

 

 

Sau đó, ông được cử đi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, nhưng ông từ chối, xin trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu. Giấu chuyện mình bị thương, ông cùng đồng đội băng rừng lội suối, song không may vết thương tái phát, ảnh hưởng đến việc hành quân.

“Khi biết tôi nói dối, chỉ huy của đơn vị đã kỷ luật, thông báo sẽ chuyển tôi trở lại ra Bắc. Nghe nói thế tôi sợ lắm, nên cứ thiệt lòng mình: “nếu lời nói dối để sống sung sướng, tội bị kỷ luật cũng đúng, đằng này tôi làm vậy để được đi chiến đấu giải phóng quê hương, chịu cực khổ, tôi không đáng bị kỷ luật. Nghe tôi nói, chỉ huy xiêu lòng cho ở lại, tôi mừng hết lớn”, ông nhớ lại. Tuy nhiên, giọng ông chùng xuống: “Xin được cấp trên xong nhưng cái khó hơn là phải thuyết phục được gia đình. Để quay vào miền Nam tôi đành nói dối vợ con trốn đi…”.

Người kinh làm già làng Tây Nguyên!

Cuối năm 1958, ông Hân trở lại chiến trường Tây Nguyên lần thứ 2 và cũng không ngờ mình gắn bó với mảnh đất này lâu đến thế. Cái tên Ama Trang cũng bắt đầu từ đây. Những ngày đầu tiên gieo hạt giống cách mạng trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông gặp rất nhiều khó khăn. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con đồng bào Ê Đê, dạy chữ cho trẻ con, dạy dân cách trồng trọt. Ông cùng đồng bào nhiều lần phục kích khiến cho địch hoang mang lo sợ mỗi khi xâm nhập vào vùng đất của người Ê Đê. Để bày tỏ yêu thương, kính trọng, dân bản trìu mến gọi ông là Già làng Ama Trang. (Ama nghĩa là Cha, Trang là tên con gái ông).Ông tiếp tục hành trình đi từ buôn làng này đến buôn làng khác để tuyên truyền ý thức cách mạng cho người dân. Và ông đã ở lại với người dân Ê Đê cho đến khi thống nhất đất nước…

Được biết, hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang cho ông đang chờ xét duyệt./.                                                                                    PHẠM ĐỨC NAM

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments