Trang chủGIỚI THIỆUNhạc sĩ Phạm Tuyên và những ca khúc phổ thơ

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và những ca khúc phổ thơ

Phạm Tuyên là một trong những nhạc sĩ có nhiều mối lương duyên với các nhà thơ. Ông đã đưa những giai điệu tinh tế nhập vào thơ, chắp cánh cho thơ bay cao bay xa.

Nhạc Phạm Tuyên tươi sáng, yêu đời, chan chứa khát vọng lý tưởng, lẽ sống. Trong các ca khúc phổ thơ của ông có chùm ca khúc viết về lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản, dấu ấn không bao giờ phai mờ của người nghệ sĩ đã gắn cuộc đời mình với đất nước và nhân dân.
Cùng thời điểm nhà thơ Tố Hữu viết 30 năm đời ta có Đảng, Phạm Tuyên viết Đảng đã cho ta một mùa xuân. Đó là sự giải mã kiến thức, là sự giác ngộ lý tưởng cộng sản từ những cuốn sách tiếng Pháp mà ông đã được đọc trong những ngày đầu tham gia kháng chiến. Từ câu “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”, của nhà văn chiến sĩ cộng sản Pháp Paul Vaillant – Couturier, Phạm Tuyên đã cảm hứng ra một giai điệu ấm áp, trữ tình. Đó là một mùa xuân đầy khát vọng, một mùa xuân xao xuyến giữa đất trời hòa vào nhịp sống của thời đại. Đảng đã cho ta một mùa xuân, vì chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại, con đường đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kì đó chính là đi tới một mùa xuân của dân tộc. Bài hát đã đi vào cuộc sống rất tự nhiên và hồn hậu.
Nguồn cảm hứng để Phạm Tuyên viết ca khúc về Đảng tiếp sau đó là bài thơ Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng của Aragon. Ca từ là bản dịch của nhà thơ Tố Hữu. Với giai điệu tha thiết, tình cảm tin yêu, bài hát đã đến với rộng rãi quần chúng trong cả nước. Thơ Aragon có câu khiến lúc đó ông phải giật mình: Đảng cho tôi màu xanh nước non nhà. Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: “Khi phổ nhạc tôi thích nhất câu này, nó thể hiện sâu đậm tinh thần dân tộc của Đảng”. Từ đó ông đã có một khúc tự sự đầy suy tư, trải dài mênh mang một niềm tin: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi xanh tôi nào biết được/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông…. Từ đấy lòng tôi sướng vui đau khổ/ Và tình yêu, căm giận hóa lời ca.
Hai bài có cảm hứng từ hai phía trữ tình và anh hùng ca nhưng đều nảy ra một căp phạm trù cho và nhận – khiến cho hai bài này như một cặp bài trùng trong các ca khúc ngợi ca về Đảng của Phạm Tuyên. Sau ngày giải phóng, Phạm Tuyên gặp nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi biết ông là tác giả bài Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Phạm Trọng Cầu nhận xét: “Đây là một bài ca chính luận nhưng rất lạ là giai điệu lại rất nhẹ nhàng và duyên dáng”.
Cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Tuyên viết Màu cờ tôi yêu, một mối tình thơ với Diệp Minh Tuyền. Đầu thập niên 1980, có lần ông nghe Diệp Minh Tuyền giãi bày: Bây giờ viết về Đảng khó thật. Phạm Tuyên bảo đúng là khó nhưng không thể không viết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Sau đó, trên một chuyến bay Diệp Minh Tuyền tặng Phạm Tuyên một bài thơ viết về Đảng. Ông đọc thấy xúc động, khi phổ nhạc cứ nhấn đi nhấn lại một ý rất tâm tắc với tác giả thơ: Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau…
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Phạm Tuyên lại thăng hoa với những bài ca xây dựng và tin yêu cuộc sống mới. Từ đây khán, thính giả nhận ra Phạm Tuyên không chỉ nổi tiếng trong dòng nhạc cách mạng mà còn là tác giả của những giai điệu thanh bình, những ca khúc thuần khiết trữ tình. Đó là những những mối tình thơ với: Đoàn Thị Lam Luyến trong Chiều xa; với Nguyễn Lập Em trong Chỉ một mình em biết; với Nguyễn Thị Hồng trong Như gió cao nguyên; với Vũ Thị Khương trong Chắc gì anh đến hôm nay; với Hoàng Minh Châu trong Biển và em; với Nguyễn Bách trong Chỉ có dòng sông biết; Với Đỗ Bạch Mai trong Một lời yêu; với Chính Hữu trong Bài hát cho em.v.v…
Đặc biệt, với Bùi Văn Dung Phạm Tuyên có đến sáu mối tình thơ, trong đó có hai bài đã nổi tiếng ngay từ khi mới trình làng, là bài hát “ruột” của những ca sĩ tài danh: Gửi nắng cho em, gắn với Ngọc Tân; Con kênh ta đào, gắn với Ngọc Tân – Thanh Hoa, Kiều Hưng – Thu Hiền.

Bài thơ Gửi nắng cho em được Phạm Tuyên phổ nhạc ở Sài Gòn vào mùa đông năm 1975, mùa đông đầu tiên miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, “khi hai miền cùng vào vào một vụ chiêm, cùng vào mùa một ngày vui thống nhất”. Giữa mùa đông phương Nam “nắng đỏ mận, hồng, đào…” ông nhớ đến những người thân yêu, những người nông dân đang vào vụ cấy trong tiết trời giá lạnh ở ngoài Bắc nên “muốn gửi ra em một ít nắng vàng”. Gửi nắng cho em là bản tình ca tuyệt đẹp, tình yêu đôi lứa chan hòa trong tình yêu thiên nhiên, bức tranh thiên nhiên đẹp diệu kỳ của cả hai miền Nam – Bắc. Khi miền Nam cây trái sai quả tươi tốt trong nắng đỏ thì miền Bắc những cành đào “trong giá rét vẫn nở hoa ngày Tết”.
Con kênh ta đào Phạm Tuyên viết năn 1977. Khi đến Bến Tre, chứng kiến phong trào làm thủy lợi sôi nổi phục vụ sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long cũng là lúc ông đọc được bài thơ cùng tên trên báo Sài Gòn giải phóng. Thơ Bùi Văn Dung và nhạc Phạm Tuyên cứ vấn vít bên nhau thành một ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ, một bản tình ca đắm say trên công trường lao động thật tươi vui, rộn ràng và bay bổng.
Gửi nắng cho em và Con kênh ta đào chưa phải là những bài thơ hay trong thi đàn nhưng trình độ phổ thơ thần tình của Phạm Tuyên đã chắp cánh cho thơ bay xa và tỏa sáng lung linh trong bầu trời âm nhạc Việt Nam.
Trong chiến tranh biên giới phía Bắc Phạm Tuyên lại có một mối tình thơ nữa với Bùi Văn Dung là Giá em đừng yêu anh; Ngọc Tân và Lê Dung là hai ca sĩ đầu tiên thể hiện. Đây là ca khúc viết về nỗi đau chiến tranh: Anh đi dài năm tháng/ Để mình em đợi chờ… Hai phương trời bão nổi/ Biết lòng em bối rối/ Con tằm dứt lứa tơ…
Khi ba đứa con chung Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào và Giá em đừng yêu anh ra đời nhạc sĩ và nhà thơ vẫn chưa có cơ duyên hạnh ngộ. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, Phạm Tuyên đã cất công đi tìm Bùi Văn Dung nhưng tác giả thơ vẫn như bóng chim tăm cá. Tình cờ đọc báo Tiền Phong, Phạm Tuyên mới biết Bùi Văn Dung đã xuất ngũ, trở về quê ở Vĩnh Yên, và đang làm Bí thư Đảng ủy xã. Phạm Tuyên lập tức ngược lên miền trung du tìm bạn tri âm. Từ đó nhạc sĩ và nhà thờ thường xuyên liên lạc với nhau. Bùi Văn Dung lại tặng Phạm Tuyên những bài thơ mới sáng tác. Cuộc hội ngộ của Phạm Tuyên, Bùi Văn Dung, sau này có thêm ca sĩ Ngọc Tân, người xem Gửi nắng cho em là bài “ruột” của mình, được Đài PTTH Vĩnh Phú xây dựng thành một chương trình nghệ thuật với tiêu đề “Đi tìm một nửa bài ca”.

Thanh Tùng

ptuyen

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments