Trang chủHOẠT ĐỘNG DÒNG HỌVăn kiện Đại hội VII: BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG TOÀN QUỐC...

Văn kiện Đại hội VII: BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG TOÀN QUỐC TẠI ĐẠI HỘI NHIỆM KỲ VII HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

 

PHẦN MỘT
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ VIỆC HỌ TRONG NHIỆM KỲ VI (2010 – 2015)

I. Đặc điểm tình hình
1- Ban Liên lạc Họ Phạm VN chuyển thành Hôi đồng họ Phạm VN từ Hội nghị lần thứ II BLLTQ HPVN ngày 23-10-2011 không chỉ là sự đổi tên gọi mà là sự thay đổi về chất. Việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động mới, với hệ thống 5 cấp, hoạt động việc họ được tổ chức chặt chẽ, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống nên phát triển nhanh và có hiệu quả cao.
2- Thành phố Hà Nội tôn tạo, mở rộng Đình ngoại thờ Phạm Tu khang trang to đẹp, mang tên Phạm tổ linh từ, thành nơi tập trung bà con họ cả nước về giỗ tổ. Trên cơ sở này, HĐTQ đã quyết định không tổ chức các cuộc gặp mặt toàn quốc tại các địa phương như trước nữa mà thay bằng 2 hình thức có hiệu quả hơn nhiều. Một là gặp mặt đông đủ bà con ngay tại Phạm tổ linh từ nhân ngày giỗ Thượng Thủy Tổ hàng năm, số người dự đông hơn hẳn các cuộc gặp mặt toàn quốc trước đây. Hai là duy trì đều các Hội nghị HĐTQ hàng năm, có điều kiện bàn sâu về việc họ hơn là các cuộc gặp mặt quá đông người.
Một số đền thờ Danh nhân họ Phạm ở các địa phương cũng được tôn tạo làm nơi tập hợp bà con họ Phạm địa phương như: đền thờ Phạm Văn Liêu ở Bắc Giang, Hang Son ở Quảng Ninh, Đền Miễu ở Bắc Ninh, Đền Mây ở Hưng Yên, Đình thờ Phạm Đình Trọng ở Hải Phòng, đền Lương Sử ở Hà Nội…
3- Đởi sống bà con được cải thiện có điều kiện chăm lo việc họ. Các địa phương, các dòng họ, nhiều gia đình, gia tộc có điều kiện kinh tế xây dựng nơi thờ cúng tổ tiên và Thượng Thủy tổ to đẹp như: An Ninh Hạ ở Huế, La Qua ở Quảng Nam, một số dòng họ ở Bình Định, Ninh Bình, Phú Yên… , gần đây đã xây dựng “Phạm tổ linh từ phía Nam” tại Vĩnh Long. Các địa điểm trên thành nơi tập trung bà con họ Phạm cả vùng về hoạt động việc họ.
4- Con em họ Phạm đang trong độ tuổi làm việc, nhất là những người làm việc trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, là lực lượng mạnh, có sức khỏe, có “tiềm lực” … nhưng bị công việc cuốn hút hoặc e ngại … nên nhiều người không muốn tham gia việc họ, thậm chí né tránh. Đặc diểm này vừa là hạn chế nhưng lại là tiềm năng, nếu có phương pháp, cách tổ chức thu hút được tầng lớp này thì có tác dụng rất tốt cho hoạt động của dòng họ.
II. Những kết quả chính đã đạt được:
1.Phong trào việc họ và tổ chức Hội đồng các cấp phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp cả nước và có cả ở nước ngoài.
Đã thành lập và củng cố được hàng loạt Hội đồng cấp tỉnh, huyện… từ Hà Giang đến Cà Mau, từ hải đảo đến Tây Nguyên và cả ở nước ngoài. Nhiều địa phương sáng tạo ra hình thức phong phú lôi cuốn bà con tham gia, điển hình là thành phố Hồ Chí Minh với các hoạt động tổ chức đêm nhạc họ Phạm, các cuộc thí đấu quần vợt, thi làm bánh, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt thơ ca, v.v…
Nhiều tổ chức việc họ được thành lập. Phong trào tuổi trẻ phát triển từ Nam ra Bắc, mang đến cho việc họ sinh khí mới, thành lập nhiều CLB Tuổi trẻ, CLB quần vợt…. Các câu lạc bộ Thơ họ Phạm có sức lan tỏa nhanh, thu hút người yêu thơ cả nước, từ đó biết đến và tham gia việc họ. Các CLB Doanh nhân được thành lập và duy trì hoạt động, tập hợp doanh nhân tham gia việc họ, nổi bật là Thanh Hóa, Bình Định.
HĐTQ đã quy định thống nhât mẫu cờ, logo họ Phạm, mẫu dấu HĐHP các cấp, duy trì đều 5 cuộc Hội nghị HĐTQ hàng năm, các cuộc họp Thường trực hàng quý, ra 18 Thông báo của TTr có ý nghiã như các “nghị quyết”. HĐTQ và HĐ các cấp cũng ban hành các Quy chế làm cơ sở cho các mặt hoạt động.
Các Hội đồng thường xuyên củng cố, tổ chức các cuộc gặp mặt, Hội nghị, Đại hội … bàn việc họ như Quảng Ngãi, Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Quảng Nam – Đà Nẵng, Thái Bình, Bình Định…
2- Hoạt động hướng về cội nguồn luôn thu hút được đông đảo bà con tham gia. Hàng năm, ngày giỗ Thượng Thủy tổ tại Hà Nội do HĐTQ phối hợp với xã Thanh Liệt tổ chức đều có hàng ngàn người từ hàng chục tỉnh thành cả nước về dự, với lòng thành kính hướng về cội nguồn và lòng hồ hởi thắm tình đồng tộc, thay cho các cuộc gặp mặt “toàn quốc” trước đây. Nhiều nơi góp công của tôn tạo Phạm tổ linh từ, trồng cây quý trong khuôn viên (Ninh Bình, Hòa Bình…). Ở các địa phương xa, trong dịp này, HĐ họ Phạm các cấp đã có nhiều hình thức tổ chức kết hợp làm việc họ tại nhiều địa điểm, có nhiều người tham gia. Ở miền Trung có phong trào rước Thượng Thủy tổ Phạm Tu về nhà thờ họ của các gia tộc trong dịp Tế Nguyên đán, luân phiên tổ chức ngày giỗ 20/7 tập hợp bà con các vùng xung quanh về dự.
Các ngày lễ hội kỷ niệm các danh nhân họ Phạm ở các địa phương được HĐ họ Phạm các cấp tổ chức trọng thể thu hút đông đảo bà con tham gia. Trong các gia tộc, ngày giỗ chạp là ngày thiêng liêng, con cháu xa gần về dự, lại mời thêm đại diện HĐ họ Phạm các địa phương và các gia tộc xung quanh đến dự.
3- Các hoạt động văn hóa – xã hội, khuyến học khuyến tài mạnh mẽ và sôi động từ cơ sở đến phạm vi cả nước, được bà con hưởng ứng, chính quyền và dư luận quan tâm. HĐTQ đã tổ chức hai buổi lễ chuyên đề và kết hợp với các cuộc Hội nghị của HĐTQ hàng năm Vinh danh những người họ Pham có đóng góp to lớn cho xã hội đã được Nhà nước và các tổ chức quốc tế có uy tín trao tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quí; trao Giải thưởng cho các cháu học sinh con em họ Phạm có thành tích xuất sắc như đạt huy chương, đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc, quốc tế, đỗ thủ khoa các trường đại học với số điểm rất cao; trao học bổng cho con em điển hình vượt khó vươn lên học giỏi; trợ giúp cho các gia đình gặp khó khăn đặc biệt… Các HĐHP địa phương đã căn cứ theo thành tích học tập của các cháu mà khen thưởng khuyến học ở cấp tỉnh, cấp huyện (tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa, HĐ dòng họ Phạm Đạo Soạn, nhiều huyện quận như huyện Ý Yên – Nam Định), huyện Kim Sơn – Ninh Bình, TP Nam Định, TP Hà Giang, TP Hạ Long, quận Đống Đa – Hà Nội; nhiều phường xã…). Đặc biệt là các Hội đồng gia tộc đều rất quan tâm việc khuyến học. Nhiều HĐ họ Phạm được chính quyền, đoàn thể khen thưởng, tặng cờ dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học, nhiều vị ở HĐTQ và các địa phương được Trung ương Hội Khuyến học VN tặng Kỷ niệm chương “vì sự nghiệp khuyến học”. Ngoài ra, các HĐHP địa phương còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn do chính quyền, đoàn thể phát động như bảo vệ an ninh, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa… được địa phương đánh giá cao.
Việc vinh danh, Ghi công những người có nhiều đóng góp cho việc họ; mừng thọ các cụ cao tuổi; thăm hỏi các thành viên… được HĐ các cấp làm tốt, tạo nên tình cảm gắn bó, động viên mọi người làm việc họ. Nhiều nơi còn mở rộng thăm hỏi các gia đình chính sách, dâng hương các nhà thờ của các gia tộc trong địa phương (Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thái Bình…)
4- Hoạt động thông tin – tư liệu là công cụ đắc lực tuyên truyền, phát huy truyền thống dòng họ, quảng bá hoạt động, giữ mối gắn kết các Hội đồng các cấp và bà con. Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử đã khắc phục biết bao khó khăn ra được 20 số Bản tin, thường xuyên duy trì tin bài trên Web, nâng cao chất lượng ấn phẩm và hình thức trình bày trên Web, được bà con cả nước đón đọc, từ đó nắm bắt chủ trương của Hội đồng, tin tức hoạt động các nơi, động viên nhau quan tâm và tham gia việc họ.
Bộ sách “Họ Pham trong cộng đồng dân Việt” đã xuất bản được tập I, tập II và biên soạn cơ bản xong Tập III – quyển 1, đang biên soạn tiếp Tập III – quyển 2 So với các dòng họ khác, họ Phạm yếu về kinh phí tổ chức các sự kiện hoành tráng nhưng mạnh về nghiên cứu, biên soạn tài liệu, sách báo.
Các loại ấn phẩm khác (bằng Vinh danh, Ghi công, Mừng thọ, Khuyến học, Ghi nhận tấm lòng vàng, thư từ, giấy mời, tài liệu…. luôn đáp ứng tốt yêu cầu của HĐ.
5- Các mặt hoạt động khác khác:
Công tác Tộc phả và kết nối dòng họ được củng cố, sưu tầm, bảo quản, giới thiệu tư liệu, nghiên cứu một số dòng họ lớn lâu đời và cư trú trải rộng nhiều tỉnh thành, hướng dẫn viết gia phả (viết bài, in sách, mở hội nghị phổ biến cách làm gia phả….). Các Gia tộc rất coi trọng việc biên soạn gia phả, tìm hiểu cội nguồn.
Công tác Lễ tân được các HĐ các cấp coi trọng, bảo đảm tốt việc tổ chức các sự kiện lớn nhỏ. Đặc biệt nhiều nơi tổ chức nghi lễ tế tổ rất bài bản, trang trọng, nhất là ở phía Nam
Công tác Tài chính luôn là khâu khó khăn nhưng vẫn bảo đảm được cho các hoạt động của HĐ các cấp. Các HĐGT và các HĐ cấp xã, phường có cơ sở quần chúng vững chắc có thuận lợi hơn, càng lên cấp trên (huyện, tỉnh, nhất là HĐTQ) càng khó khăn hơn, nhưng nhờ mọi người đóng góp và vận động được một số người hảo tâm giúp đỡ nên vẫn tổ chức được các sự kiện lớn (điển hình như bà Phạm Thị Cẩn và một số doanh nhân, bà con ủng hộ cho Quỹ Tấm lòng vàng trong các Lễ Vinh danh nhân tài và khuyến học năm 2011, 2013).
III. Những mặt tồn tại:
1- Phong trào chưa đều, chưa vững chắc, một số người, một số tổ chức có tình trạng “đánh trống ghi tên” xong rồi không làm gì, chưa duy trì và phát triển hoạt động, thậm chí tụt lùi. Cá biệt có nơi có tình trạng thiếu đoàn kết, không phục hoặc nghi kỵ nhau, bỏ mặc phong trào. Nhiều công việc, nhiều bộ phận quá thiếu người làm việc (văn hóa – xã hội, thông tin – tư liệu, tài chính, lễ tân…). Chưa thu hút được nhiều người nổi tiếng, nhiều người có khả năng, nhiều doanh nhân thành đạt…tham gia việc họ.
2- Tài chính luôn là khâu khó khăn của mọi Hội đồng các cấp, việc vận động tài trợ chưa được tổ chức bài bản và chưa có kết quả đáng kể. Nhiều doanh nhân họ Phạm có thể bỏ ra số tiền lớn tài trợ ở đâu đó nhưng Hội đồng họ Phạm các cấp thì còn ít.
3. Ở HĐTQ, Ban VH- XH chậm được kiện toàn nên không có người làm việc, nhưng nhờ có một số người “bao sân” nên còn hoạt động. Văn Phòng HĐTQ có tổ chức ra nhưng chưa biên soạn được Quy chế Tổ chức và hoạt động, chưa xác đinh được chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chế nên hoạt động chưa có kết quả như mong muốn.
Nguyên nhân tồn tại:
1- Do tính chất việc họ là tự nguyện, không ai bắt đươc ai. Tham gia việc họ đòi hỏi tâm huyết cao, tốn kém thời gian, sức lực, trí tuệ và cả tiền bạc mà không mang lại quyền lực hay lợi ích vật chất gì cho cá nhân nên nhiều người “thấy vui thì vỗ tay vào” chứ tham gia cầm chừng, thậm chí nhận một chức danh nhưng không làm gì cả mà người khác không thể nhắc nhở (tình trạng này có ở cả HĐTQ lẫn nhiều HĐHP địa phương).
2- Do phần lớn người tham gia việc họ đã cao tuổi, sức khỏe đã kém, độ thích nghi giảm, trình độ không đồng đều (nhất là ở địa phương có người rất ngại viết tin bài, dùng e.mail trao đổi…). Nhiều người trẻ còn đang lo phấn đấu sự nghiệp và tài chính, không thể toàn tâm toàn ý cho việc họ “vác tù và hàng tổng”. Một số người có danh tiếng hoặc có cương vị trong xã hội còn e ngại đụng chạm các vấn đề nhạy cảm nên tuy có hoan nghênh phong trào, có thể cảm phục những thành viên của Hội đồng, có thể ủng hộ tinh thần, vật chất, nhưng bản thân mình không muốn trực tiếp tham gia.
IV. Bài học kinh nghiệm:
1- Xây dựng các Hội đồng đủ mạnh, đặc biệt là bộ phận Thường trực. Tổ chức Hội đồng 5 cấp không phải là tổ chức quyền lực hành chính mà “cấp trên, cấp dưới” chỉ là phạm vi lãnh thổ rộng hẹp. HĐ “cấp trên” có vai trò đề ra chủ trương, kế hoạch hoạt động, hướng dẫn, phối hợp và tổ chức cho các HĐ “cấp dưới” trong địa bàn của mình thực hiện rồi nắm tình hình, tuyên truyền trên trang web và Bản tin để tập hợp các nơi cùng hoạt động, tạo nên phong trào chung. Chọn người tham gia HĐ, nhất là các vị trí chủ chốt có ý nghĩa quyết định thành công mọi hoạt động. Các Ủy viên HĐ phải “có tâm”, nhiệt huyết với tổ tiên, họ hàng; có trình độ kiến thưc, năng lực tổ chức thực hiện và điều kiện hoạt động mà chúng ta quen gọi là “có tầm” … Phải trung thực, vị tha, coi mọi người trong họ như anh em, luôn đặt vấn đề đoàn kết trong họ lên hàng đầu.
2- Chủ trương “chuyển mạnh hoạt động về cơ sở” là chủ trương rất đúng đắn, có ý nghĩa to lớn cho phong trào. Các HĐGT có thế mạnh tuyệt đối là huyết thống, sát bà con, có đủ khả năng huy động mọi sức người sức của trong gia tộc cùng lo việc họ với sự tự giác tâm linh cao. Các cấp xã phường, huyện thị cũng có điều kiện huy động lực lương thuận lợi hơn nhiều so với tỉnh, toàn quốc.
3- Hướng về cội nguồn là hoạt động trước hết của việc họ.Tổ chức tốt lễ giỗ Thượng Thủy tổ và các danh nhân họ Phạm ở địa phương, các ngày giỗ chạp trong mỗi gia tộc là dịp tốt nhất để tập hợp đông đủ bà con tham dự. Công tác tộc phả, kết nối dòng họ có ý nghĩa to lớn gắn bó tình cảm họ hàng.
4- Các hoạt động văn háa – xã hội, khuyến học khuyến tài đáp ứng ý nguyện thiết thực của bà con và được chính quyền quan tâm, cần được coi là hoạt động quan trọng của HĐ. Thông qua việc tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn ở địa phương mà HĐHP nhận được sự quan tâm của chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động.
5- Công tác Thông tin -Tư liệu là hoạt động chủ yếu, thường xuyên, có ý nghĩa quyết định sự tồn tại của HĐ các cấp, cần được củng cố từ cơ sở trở lên.
6- Công tác Tài chính, Lễ tân là những mặt quan trọng đàm bảo cho HĐ hoạt động, cần được tăng cường lực lượng, cải tiến phương pháp để đạt hiệu quả cao hơn. Cần có những biên pháp tuyên truyền vận động, tranh thủ tình cảm để thu hút các doanh nhân thành đạt, những người nổi tiếng biết đến Hội đồng và tham gia việc họ, tài trợ, ủng hộ Quỹ HĐ.
PHẦN HAI
PHƯƠNG HƯỚNG VIỆC HỌ NHIỆM KỲ VII (2015 – 2020)
I. Những chủ trương lớn
1. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức Hội đồng theo mô hình 5 cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Cần nhận rõ HĐ họ Phạm không phải là tổ chức quyền lực hành chính, ra các chỉ thị mệnh lệnh, mà HĐ “cấp trên” hay “cấp dưới” là do phạm vi lãnh thổ hoạt động. HĐ “cấp trên” cần đề ra được chủ trương các hoạt động trong toàn phạm vi lãnh thổ của mình, liên kết, hướng dẫn, phối hợp các HĐ “cấp dưới” cùng hoạt động tạo thành phong trào chung. Các HĐ mỗi cấp có tính độc lập tương đối, tự sáng tạo các hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của mình, đồng thời có quan hệ giao lưu, phối hợp các HĐ địa phương bạn cùng lo việc họ
Trong mỗi địa phương, có thể dựa vào Hội đồng “cấp trên” đủ mạnh để hướng dẫn, vận động, giúp đỡ lập thêm các HĐ “cấp dưới”. Ngược lại, từ một nơi đã có hoạt động việc họ mạnh phát triển rộng ra xung quanh, liên kết nhiều nơi để thành lập HĐ “cấp trên”.
2. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển mạnh hoạt động về cơ sở. Cấp cơ sở vững mạnh nhất là các HĐGT, nơi liên kết chặt chẽ mọi thành viên theo huyết thống thiêng liêng, dễ tạo được sự đồng thuận cao, dễ huy động sức người sức của cho việc họ, nhất là tổ chức giỗ chạp, tu tạo từ đường, mồ mả, khuyến học khuyến tài, mừng thọ, thăm hỏi, phúng viếng… Các HĐHP cấp xã phường có thể liên kết các HĐGT, luân phiên hàng năm tổ chức tập trung bà con làm việc họ tại nhà thờ của một gia tộc nhân dịp giỗ Tổ của gia tộc ấy. Các Cấp HĐ càng lên “cao” càng đi vào các vấn đề lớn về chủ trương, hướng dẫn, phối hợp tổ chức, liên kết “cấp dưới”, chỉ tổ chức các hoạt động trọng điểm như giỗ Thượng Thủy tổ hoặc danh nhân họ Phạm ở địa phương, một số hoạt động văn hóa – xã hội tiêu biểu (vinh danh, ghi công vì việc họ, khuyến học khuyến tài thành tích cao, thăm hỏi, mừng thọ trong phạm vi Ủy viên HĐ của mình…), không sa vào quá nhiều hoạt động cụ thể.
II. Mục tiêu cần đạt được trong các mặt hoạt động chính:
1. Phát triển, củng cố tổ chức: Phấn đấu thành lập mới các Hội đồng Họ Phạm các cấp và các đơn vị thành viên của các HĐ (các CLB…) đi đôi với củng cố các HĐ và tổ chức đã có. Với phương châm “chậm mà chắc”, không đề ra chỉ tiêu gượng ép mà phải căn cứ vào tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, nhưng phải phấn đấu tối đa để lập mới được nhiều HĐHP cấp xã phường, huyện thị và thêm một vài tỉnh. Xây dựng kế hoạch vận động, giúp đỡ thành lập Hội đồng Họ Phạm tại cộng đồng Việt Kiều ở một vài nơi, trước mắt là địa bàn Mỹ và Canada.
Tập trung nâng cao chất lượng bộ phận thường trực, nhất là ở HĐTQ, HĐHP các tỉnh,… theo hướng dần trẻ hóa, lôi cuốn những người họ Phạm có danh tiếng, các doanh nhân thành đạt tham gia. Củng cố và nâng cao năng lực tất cả các Ban chuyên trách, bố trí đủ người thực sự làm việc.
Chỉ đạo các tổ chức thành viên duy trì và đẩy mạnh hoạt động phù hợp với đặc điểm. lợi ích thiết thực của hội viên, tránh tình trạng hình thức.
2. Hoạt động hướng về cội nguồn
a/ Tổ chức lễ giỗ Thượng Thủy Tổ.
-Tại Hà Nội: Thường trực HĐTQ phối hợp với UBND xã Thanh Liệt tổ chức trọng thể Lễ Giỗ Tổ hàng năm theo hướng chia Lễ giỗ thành 2 phần: Một là UBND xã Thanh Liệt tổ chức tế lễ và dâng hương của địa phương. Hai là HĐTQ Họ Phạm Việt Nam và các đoàn Họ Phạm ở các địa phương về làm lễ cẩn cáo với Thượng Thủy Tổ về kết quả hoạt động của Họ Phạm Việt Nam trong toàn quốc. Trong dịp này, TTr HĐTQ Họ Phạm Việt Nam và Đại diện Hội đồng Họ Phạm các địa phương trao đổi những công việc cần thiết
Hội đồng Doanh nhân Họ Phạm Việt Nam và các HĐHP các cấp có kế hoạch tham gia tôn tạo Khu di tích Đình Ngoại, trồng cây ở khuôn viên… theo sự thống nhất với Ban Quản lý di tích..
– Tại các địa phương: Nhân ngày Giỗ Thượng Thủy Tổ, tùy điều kiện cụ thể Hội đồng Họ Phạm các địa phương tổ chức dâng hương bái vọng Thượng Thủy Tổ đồng thời là dịp để tập hợp bà con dòng tộc bàn việc họ, triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài, văn hóa, văn nghệ…, sáng tạo nhiều hình thức thu hút bà con tham gia
b/ Tưởng nhớ các vị Tiên tổ, các danh nhân họ Phạm
HĐHP các tỉnh, huyện tiếp tục sưu tầm tài liệu và phối hợp các Ban quản lý các di tích thờ các danh nhân họ Phạm, bàn bạc, suy tôn Tổ họ Phạm tại địa phương mình. Tổ chức trọng thể các ngày kỷ niệm các vị Danh nhân họ Phạm tại địa phương, cũng là dịp tập hợp đông đảo bà con triển khai các hoạt động việc họ.
Ngày giỗ kỵ Tiên tổ của từng gia tộc là rất thiêng liêng, con cháu xa gần về dự. Nhân dịp này, HĐHP cấp xã cần phối hợp với mỗi gia tộc, luân phiên tổ chức kết hợp gặp mặt và triển khai việc họ của xã tại ngay khuôn viên Nhà thờ họ của Gia tộc đó.
3. Các hoạt động khác:
a/ Kết nối dòng họ:
Cùng với quá trình sưu tầm tài liệu, biên soạn Tập III “Họ Phạm Việt Nam trong cộng đồng dân Việt”, Ban Tộc phả và Kết nối dòng họ phối hợp Ban Thông tin tư liệu tổ chức khai thác tốt các tư liệu, tài liệu đang lưu trữ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các HĐHP các địa phương sưu tầm các tư liệu, tài liệu, di chỉ văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển các chi họ Phạm ở VN ở từng địa phương trong toàn quốc. Động viên, hướng dẫn, giúp đỡ các gia tộc tìm hiểu tài liệu, biên soạn mới hoặc hoàn thiện bổ sung Tộc phả, viết bài giới thiệu về gia tộc mình.
b/ Các hoạt động Văn hóa – xã hội:
– Khuyến học, khuyến tài là công tác trọng tâm hàng năm của Hội đồng Họ Phạm các cấp,
trước hết và cơ bản là ở Hội đồng Gia tộc, cố gắng mở rộng tổ chức hàng năm ở cấp HĐHP cấp xã, huyện, tỉnh. HĐTQ tổ chức vinh danh nhân tài và khuyến học đối với các đối tượng đạt tiêu chí cấp quốc gia và quốc tế vào dịp Hội nghị hàng năm. Ban VHXH cần phải chủ động theo dõi nắm bắt danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn, phối hợp chặt chẽ với HĐHP các cấp trong vịệc thu thập thông tin và mời các đối tượng đủ tiêu chuẩn đến nhận Bằng Vinh danh, Giải thưởng khuyến học, học bổng…
-Tổ chức Vinh danh, Ghi công những người có nhiều đóng góp cho việc họ, mừng thọ các cụ cao niên, phúng viếng người mất, thăm hỏi người ốm đau, trợ giúp các gia đình có khó khăn… là những hoạt động tình nghĩa gắn kết tình đồng tộc. Việc này cũng cơ bản và trước hết tiến hành tại các HĐGT. Các HĐHP các cấp trên quy định phạm vi, đối tượng cụ thể cho cấp mình. Ban VH – XH có trách nhiệm thường xuyên nắm bắt tình hình để tổ chức chu đáo.
c/ Hoạt động thông tin tư liệu:
Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử là phương tiện quảng bá hoạt động việc họ, là kênh trao đổi thông tin từ HĐTQ đến địa phương và ngược lại, là sức sống của Hội đồng, cần có đủ lực lượng và tài chính để duy trì và nâng cao.
Nhiệm kỳ 2015 – 2020 cần tập trung biên soạn, hoàn chỉnh và xuất bản tập III (gồm 2 quyển) bộ sách “Họ Phạm Việt Nam trong cộng đồng dân Việt”, các tư liệu, tài liệu liên quan đến Họ Phạm và các ấn phẩm khác của Hội đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống dòng họ, tuyên truyền hoạt động của Hội đồng, nhất là trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập BLL, nay là Hội đồng HPVN (24/10/1996 – 24/10/2016), làm cho ngày càng có nhiều người biết đến và tham gia việc họ, phát huy truyền thống hết lòng làm việc họ của lớp lớp những người đã tham gia BLL (HĐ) trên cả nước trong 20 năm qua.
Vận động tài trợ, kêu gọi Doanh nhân giúp đỡ kinh phí cho xuất bản, phát hành sách báo, tài liệu và các hoạt động tuyên truyền cho dòng họ và Hội đồng.
d/ Hoạt động tài chính:
Tăng cường lực lương và đổi mới phương thức hoạt động vận động tài trợ, đi sâu vào giới Doanh nhân, tiếp cận, tuyên truyền để có nhiều doanh nhân thành đạt tham gia Hội đồng hoặc hảo tâm giúp đỡ tài chính cho hoạt động việc họ, đóng góp cho Quỹ Hội đồng, kể cả việc công đức tu tạo các nơi thờ Danh nhân họ Phạm, giúp đỡ tiền xuất bản và phát hành sách báo và các hoạt động tuyên truyền cho dòng họ và cho Hội đồng.
Quản lý và sử dụng tốt Quỹ theo quy chế.
e/ Hoạt động của các Tổ chức thành viên
– Hội đồng Doanh nhân Họ Phạm Việt Nam qua Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã được củng cố và đề ra phương hướng hoạt động mới, giúp nhau sản xuất kinh doanh, làm giàu cho bản thân, cho xã hội và có những đóng góp vào hoạt động của dòng họ, đúng tôn chỉ mục đích của Hội đồng Doanh nhân đã đề ra.
– Câu lạc bộ tuổi trẻ Họ Phạm VN đã chính thức thành lập, cần phát triển ổn định và chắc cả về lượng và chất, mở rộng giao lưu kết nối, giáo dục ý thức tìm về côi nguồn, giữ gìn và phát huy truyền thống dòng họ, đưa lớp tuổi trẻ đến với tổ chức dòng họ ngày càng đông, có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho Hội đồng.
Các CLB Tuổi trẻ ở các địa phương do HĐHP địa phương đã và sẽ thành lập có chương trình hoạt động phù hợp với địa phương mình, đóng góp thiết thực vào việc họ.
-Các tổ chức thành viên khác: HĐHP các cấp giúp đỡ, chỉ đạo hoạt động tốt các CLB hiện có và tùy tình hình thành lập thêm các tổ chức khác.
f/ Quan hệ với các dòng họ khác.
Đây là việc làm thường xuyên không chỉ trong HĐTQ mà Hội đồng cấp tỉnh, huyện, xã cũng nên thường xuyên giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức của các dòng họ khác tại địa phương vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa tuyên truyên về hoạt động của Họ Phạm Việt Nam.
III. Một số giải pháp:
1. Nêu cao tình đồng tộc, đoàn kết thân ái với nhau cùng làm việc họ. Làm việc họ dựa trên tâm nguyện thiêng liêng với dòng họ, với tổ tiên, hoàn toàn tự nguyện, lấy động viên khuyến khích làm chính, không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay chế tài bắt buộc nào. Chỉ có tình cảm giũa những người cùng “vác tù và”, trách nhiệm với tổ tiên và hậu thế là động lực giúp nhau vượt qua mọi khó khăn vất vả, cả tốn kém nữa để làm việc họ
2. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò các HĐGT, HĐ Dòng họ, dựa trên tình cảm huyết thống cùng làm việc họ. Các HĐHP cấp xã phường cần dựa hẳn vào các HĐGT để tiến hành làm việc họ, liên kết lại trong phạm vi xã, phường mình. Ngay cấp quân, huyện cũng có thể dựa vào một số gia tộc lớn trong địa bàn (như kinh nghiệm của quận Hà Đông Hà Nội). Song song với việc phát triển các HĐHP theo phạm vi lãnh thổ, cần phát triển các HĐ Dòng họ theo huyết thống cư trú trên nhiều địa phương khác nhau (như mô hình HĐ Dòng họ Phạm Đạo Soạn)
3. Sáng tạo nhiều hình thức vận động bà con tham gia việc họ. Nhân rộng kinh nghiệm của tp Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT phù hợp lứa tuổi, sở thích, nghề nghiệp… để lôi cuốn đối tượng, nhất là giới doanh nhân, giới trẻ, những người có danh tiếng… biết đến và tham gia Hội đồng các cấp. Đổi mới hình thức vận động tài trợ và các hình thức tìm nguồn thu cho Quỹ HĐ.
4. Hoàn thiện các Quy chế, Quy định làm cơ sở tạo nhận thức chung trong triển khai việc họ. Mọi tổ chức, cá nhân cần quán triệt và làm theo đúng Quy chế, Quy định.
5. Sử dụng có hiệu quả các công cụ thông tin, duy trì nề nếp báo cáo trao đổi tình hình, tuyên truyền quảng bá hoạt động của HĐ các cấp , liên hệ chặt chẽ với thường trực HĐTQ để nắm bắt chủ trương, phương hướng việc họ từng thời kỳ.

Kính thưa Đại hội. Đại hội Nhiệm Kỳ VII có ý nghìa quan trọng trong xây dựng và phát triển hoạt động của HĐ HPVN, nhất là khi HĐ đã bước vào lứa tuổi 20 đầy sức sống. Sau ĐH này, HĐHP các cấp và bà con càng ra sức đẩy mạnh mọi mặt hoạt động việc họ lên một giai đoạn mới.
Chúc ĐH thành công tốt đẹp. Xin cám ơn.
HỘI ĐỒNG TOÀN QUỐC HỌ PHẠM VIỆT NAM

RELATED ARTICLES

1 BÌNH LUẬN

Most Popular

Recent Comments