Trang chủGIỚI THIỆUCuộc đời và sự nghiệp của Danh tướng Phạm Ngũ Lão

Cuộc đời và sự nghiệp của Danh tướng Phạm Ngũ Lão

  

     Tướng quân Phạm Ngũ Lão (12551320), sinh tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam). Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của Tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. Theo nhà gia phả học Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, dựa vào Phạm Tộc Thế Phổ (hiện thất lạc) cho biết: Phạm Ngũ Lão là hậu  duệ đời thứ 24 của Tiền Lý triều, Tả tướng Phạm Tu.

Phạm Ngũ Lão thoạt tiên là gia tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (một vị Thánh tướng của dân tộc Việt Nam và thế giới). Chính những ngày tháng được rèn cặp dưới trướng Quốc công đã giúp Phạm Ngũ Lão trưởng thành toàn diện, phát huy sở trường văn võ của mình để sau này  trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất. Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (12851288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng.Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ. Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào năm 1312, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng và 1318 vua Chế Năng phải bỏ chạy sang Java. Phạm Ngũ Lão là vị tướng luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân tướng sĩ. Cuộc đời ông là cuộc đời gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội. Theo tấm gương của Hưng Đạo Đại Vương, ông luôn yêu lính như con, đồng cam cộng khổ, trên chiến trường thì cực kỳ dũng cảm, khi rèn quân lại hết sức nghiêm minh, tự mình làm gương, biết phát huy các sở trường, địa hình, thời tiết… để giành chiến thắng. Không chỉ có tài về quân sự, Danh tướng Phạm Ngũ Lão còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là “Thuật hoài” (Tỏ lòng- truyền lại cho đời sau khí thế hào hùng oanh liệt của dân tộc ta) và bài “Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương” (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).

Phạm Ngũ Lão được Hưng Đạo Đại Vương gả con gái cho. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi. Chỉ riêng điều đó đã thấy sự nhìn xa trông rộng, phát hiện và trọng dụng hiền tài của Hưng Đạo Vương. Điều đó cũng khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong thuật dùng người hiền tài, xuất thân từ tầng lớp bình dân, để phát huy sĩ khí cả nước trong trị quốc và đánh giặc. Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho Phạm Ngũ Lão cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Một người con gái của Phạm Ngũ Lão hiệu là Tĩnh Huệ là thứ phi của Vua Anh Tông.

Ngày 1 tháng 11 năm 1320, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 5 ngày, đây là một đặc ân của nhà vua đối với ông. Để tưởng nhớ vị tướng tài danh văn võ song toàn, triều đình đã cho lập đền thờ Phạm Ngũ Lão ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông ở làng Phù Ủng. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo và nhiều nơi khác. Đặc biệt trong các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương thường có cả tượng thờ ông.
     1. Đền Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên: Đền Phù Ủng ở tại làng Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Theo bia ký, khu đền Phù Ủng được xây dựng từ thế kỷ 14, trùng tu vào thời Nguyễn; gồm khu đền chính thờ Điện súy Thượng tướng công Phạm Ngũ Lão, bên trái có lăng Phạm Tiên Công (thân phụ) và bên phải có đền Mẫu (thờ thân mẫu), phía trong có đền Tĩnh Huệ (thờ con gái) và lăng Quốc công Vũ Huy Lượng (làm quan triều Hậu Lê – người có công tu sửa đền thờ và đặt lệ cho việc thờ cúng). Đền thờ chính được khắc 4 chữ Hán đại tự là “Đông A điện soái” tức là điện thờ Tướng nhà Trần, bởi chữ “Đông” kết hợp với chữ “A” thành chữ Trần. Do chiến tranh, ngôi đền chính thờ Phạm Ngũ Lão bị đốt phá năm 1948. Ngôi đền hiện nay được trùng tu và khánh thành vào ngày 10 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1989), theo kiến trúc cổ gồm 5 gian tiền tế và tòa Hậu cung kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Tại gian Hậu cung có đặt tượng tướng quân Phạm Ngũ Lão trong thế ngồi trên ngai, gương mặt cương nghị, mình mặc triều phục gồm áo cẩm bào và mũ cánh chuồn… đây là bức tượng đồng nặng hơn 300kg được đúc từ thời Nguyễn. Nơi đây còn có tượng vợ ông là quận chúa Anh Nguyên, con gái Trần Hưng Đạo.
Lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức từ 1 – 15 tháng Giêng âm lịch (chính hội ngày 11) Hằng năm để tưởng nhớ công ơn của Phạm Ngũ Lão, nhân dân đã tổ chức khai hội truyền thống đền Phù Ủng từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng (âm lịch), tương truyền là ngày Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc. Lễ hội đền Phù Ủng có các nghi lễ như: Đại lễ, tế nội tán, ngoại tán. Lễ hội được tổ chức sôi động với nghi thức rước cung phi Tĩnh Huệ (con gái tướng quân Phạm Ngũ Lão) từ phủ chúa về lăng Phạm Tiên Công để trình ông và rước về đền Phạm Ngũ Lão để trình cha. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian như: Chọi gà, cờ tướng, vật cù, hát quan họ, múa rồng, rung trống… Tại Lễ dâng hương, thường có các đồng chí lãnh đạo các cấp tỉnh Hưng Yên, các đại biểu và có hàng vạn nhân dân địa phương, du khách thập phương đã thành kính dâng hương và ôn lại thân thế, sự nghiệp của tướng quân Phạm Ngũ Lão.

Đền Phù Ủng- Hưng Yên thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão.

 

  1. Đền Phù Ủng ở Thủ đô Hà Nội: Đền Phù Ủng ở số 25 Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là nơi thờ vọng anh hùng Phạm Ngũ Lão, Đức thánh Trần Hưng Đạo và thờ công chúa nhà Trần cùng các thuộc tướng Yết Kiêu, Dã Tượng, do chính dân làng Phù Ủng di cư đến Thăng Long dựng lên từ thế kỷ 19. Đền này cũng từng bị giặc Pháp phá hoại năm 1947, được sửa lại năm 1949; được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1988. Tại đền này có đôi câu đối cổ ca ngợi tài đức và sự nghiệp kỳ vĩ của ông:
    “Văn thi thao lược, thiên cổ tịnh hiền hào, dược thạch minh bi, hải hồ vịnh sử.
    Mông – Thát, Chiêm – Lao, nhất thời giai úy phục, Trần triều kỷ tích, Việt quốc lưu danh”.
    Tạm dịch:
    “Văn thơ thao lược, muôn thuở ngợi hùng tài, lời răn khắc đá, biển sông ca vịnh.
    Nguyên – Mông, Chiêm – Lào, một thời đều úy phục, triều Trần ghi công, sử Việt lưu danh”.
    Đó cũng là tấm lòng ngưỡng vọng của nhân dân cả nước dành cho Tướng quân Phạm Ngũ Lão.

Vào ngày 01/11 (âm lịch) hàng năm, nhằm ngày húy kỵ của Danh Tướng Phạm Ngũ Lão- một bậc tiên Tổ (cách nay hơn 700 năm) của Họ Phạm Việt Nam, Người đã ghi danh vào sử sách và là niềm tự hào của các hậu duệ người họ Phạm Việt Nam. Chính quyền  phường Hàng Trống cùng với nhân dận Thủ đô Hà Nội, dân làng Phù Ủng, các con cháu người họ Phạm và khách thập phương vẫn thường xuyên tổ chức Lễ dâng hương, thành kính ngợi ca công đức và sự nghiệp của Đức Ngài.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên Tổ, các Hội đồng họ Phạm địa phương và con cháu hậu duệ họ Phạm nhớ về dâng hương Tướng quân Phạm Ngũ Lão nhằm ngày mồng 1 tháng 11 âm lịch tại đền thờ Ngài tại 25 Lý Quốc Sư ,Hà Nội và tham dự Lễ hội Đền Phù Ủng, vào dịp tháng giêng hàng năm, tại làng Phù Ủng, thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

                                       Ban Thông tin-tư liệu- HĐTQ. HPVN

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments