Trang chủGIỚI THIỆUGIỚI THIỆU DÒNG HỌ PHẠM LÀNG VĂN LANG (THÁI BÌNH)

GIỚI THIỆU DÒNG HỌ PHẠM LÀNG VĂN LANG (THÁI BÌNH)

CHƯƠNG I

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Căn cứ vào gia phả nhan đề “ Phạm Gia Phả Ký” chữ nho viết vào thời kỳ vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) được Quan Hàn Lâm Viện, Tri phủ, cử nhân Phạm Văn Kỷ hậu duệ đời thứ 13 tục biên năm 1893, cụ ký Phạm Văn Niệm hậu duệ đời thứ 15 dịch ra quốc ngữ năm 1958.

Họ Phạm làng Văn Lang, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày nay do cụ thượng thủy tổ, quan Thừa chính sứ triều Lê Tiến sỹ Hán Lương Bật sinh ra và lập làng Văn Lang năm 1527 tính đến nay đang tồn tại khoảng 20 đến 22 đời.

I.GIA CẢNH.

Họ Hán ở Làng Văn Lang huyện Cổ Nông phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây có nguồn gốc từ nơi khác chuyển đến tính đến đời Tiến sỹ Hán Lương Bật mới được ba đời.Theo ông Hán Văn Việt người họ Hán ở làng Văn Lang được các bậc tiền nhân truyền lại thì thượng thủy tổ của họ Hán là Hán Kim Lan.

  • Cụ Hán Kim Lan sinh ra Hán Kim Mô và Hán Kim Đĩnh.
  • Cụ Hán Kim Mô sinh ra cụ Hán Lương Bật, cụ Bật di cư xuống Thái Bình là Thượng thủy tổ của dòng họ Phạm tại làng Văn Lang xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình từ năm 1527 đến nay.
  • Cụ Hán Kim Đĩnh sinh ra hậu duệ của dòng họ Hán ở làng Văn Lang xã Văn Lương, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ cho đến ngày nay.

Tương truyền rằng ngày ấy làng Văn Lang có hai vợ chồng nhà nọ tên là Hán Kim Mô nhà rất nghèo khó làm nghề chài lưới và hái lượm trên nương rẫy. Vợ chồng họ chỉ sinh được một cậu con trai, lớn lên cậu bé nhanh nhẹn sáng dạ khác thường. Cậu bé ấy chính là Hán Lương Bật. Cha mẹ không đủ tiền cho Ngài theo học chính quy của thầy đồ. Ngài chỉ học lỏm ở ngoài lớp rồi về nhà dùng đèn đom đóm ngồi “sôi kinh nấu sử” thâu đêm. Bọn chức sắc, con nhà giàu trong làng thường mỉa mai diễu cợt, khinh thường cho ngài là dân ngụ cư, con nhà nghèo cho nên khinh miệt và đố kỵ. Thế rồi kỳ thi Đình khoa Canh Thìn niên hiệu Quang Thiệu 5 (1520) đời vua Lê Chiêu Tông ngài xin cha mẹ lai kinh ứng thí kỳ thi. Ngài đã đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, được vua ban hiệu Đức Viên và bổ ngài làm quan Thừa chính sứ trong triều đình nhà Lê ở kinh đô Thăng Long.

II.TIỂU SỬ.

Họ và tên gốc Hán Lương Bật.

Họ và tên tại Thái Bình Phạm Lương Bật.

Sinh năm Nhâm Tý (1492)

Quê quán gốc xã Văn Lang huyện Cổ Nông, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây nay là làng Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Họ và tên bố Hán Kim Mô

Tên tự là Huyền Thiên, tên hiệu vua ban là Đức Viên.

Học vị Tiến sỹ xuất thân.

Đăng khoa năm Canh Thìn (1520) đời vua Lê Chiêu Tông niên hiệu Quang Thiệu 5

Chức sắc Quan thừa chính sứ triều đình nhà Lê.

Ngài được sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền sơn cước. Cha mẹ là một nông dân, ngư dân nghèo sống bằng nghề hái lượm và chài lưới ven sông Thao ( sông Hồng). Tuy nhà nghèo nhưng ngài rất ham học, chủ yếu là tự học và học lỏm các thầy đồ trong làng. Là dân ngụ cư mới định cư đến làng Văn Lang được ba đời cho nên bị dân bản xứ coi thường khinh miệt. Gia cảnh nghèo bị tị hiềm khinh thị cho nên không được học ở trường một cách qui củ mà chỉ tự học. Nhưng ngài có tư chất rất thông minh và hiếu học cho nên ngài đã tự đi thi và đỗ cao xếp Đệ nhị danh của kỳ thi Đình năm Canh Thìn.

III. QUÁ TRÌNH THAY QUÊ, ĐỔI HỌ, LẬP LÀNG VĂN LANG

TẠI XÃ DUY NHẤT HUYỆN VŨ THƯ TỈNH THÁI BÌNH.

1.Thay quê đổi họ lập làng mới.

Xã Duy Nhất là một vùng quê ven tả ngạn cuối sông Hồng nơi có di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là Chùa Keo. Nhưng làng văn lang xưa của xã Duy Nhất cũng còn một di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn đó là Từ đường một Tiến sỹ quan nghè triều Lê thờ cụ Phạm Lương Bật. Ngài sinh vào cuối thế kỷ XV (1492) đời vua Lê Hồng Đức. Ngài đỗ Tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân vào năm Quang Thiệu 5 (1520) đời vua Lê Chiêu Tông khi ngài 29 tuổi. Một vị tiến sỹ nhưng sinh thành lỡ thời gặp phải loạn lạc của triều đình Lê – Mạc. Khi nhà Lê đang suy vong trước sự tiếm quyền của họ Mạc. Với bậc trí thức đại khoa học chữ thánh hiền như ngài, ngài đã từ quan khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê để giữ trọn danh tiết khi đó ngài 36 tuổi, cái tuổi “tam thập như lập”đáng nhẽ tài danh của ngài đang thênh thang phía trước. Nhưng rồi ngài đã phải tự chấm dứt con đường quan lộ của mình để tìm một hành trang khác. Chính cái lối rẽ ấy ngài đã được suy tôn là một trong những người là “bề tôi tiết nghĩa” của triều Lê. Trong cái rủi, cái bất hạnh của chốn quan trường ấy ngài đã lựa chọn một con đường khác để tìm lấy cái “may” là từ bỏ quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình là làng Văn Lang xã Văn Lương huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ để đến miền đất bãi bồi của sông Hồng đầy nắng và gió đượm chất phù sa của cửa song ven biển để lập làng, lập nghiệp. Ngài đã từ bỏ cây bút để chuyển sang nghề nông trang canh cửi tại chốn quê mới này. Câu chuyện dân gian về việc Ngài bẻ kiếm, cởi bỏ mũ áo, bỏ quê ra đi không vào kinh làm quan nữa đó là nỗi đau oan khuất do thời thế tạo nên anh hung mà không có đất dụng của sự nghiệp nghiệt ngã chốn quan trường thời loạn. Truyền thuyết dân gian ấy của làng Văn Lang quê Ngài sinh ra trước khi Ngài bỏ quê ra đi phải chăng chính Ngài là tác giả kịch bản để tìm cái lý khi dứt áo ra đi để tìm cái cớ chốn bỏ quan trường để thực hiện việc mai danh ẩn tính.

Cùng với việc trốn quê từ quan để mai danh ẩn tính Ngài đã đổi họ “Hán” sang họ “Phạm” để tránh sự truy bức về tội bất trung với triều đình Ngụy Mạc cũng là lẽ thường tình cần có để tránh cho việc bị tru di tam tộc, cửu tộc của pháp luật hà khắc và các cách hành hình dã man thời phong kiến nếu bị phát hiện ra tung tích. Âu cũng là cách ứng xử của bậc đại nho gặp thời thế thế thời phải thế. Trong cách hành xử của Ngài để tránh hệ lụy ở chốn quan trường, Ngài cùng gia đình và những người thân tín trong triều đình nhà Lê cùng chí hướng với Ngài để tạo lên một hệ quả vinh quang là lập lên một làng quê mới vẫn lấy tên là làng “Văn Lang” quê cũ để đánh dấu quê gốc của Ngài. Một làng Văn Lang mới được khởi lập từ năm 1527 với bao mồ hôi, công sức của bao người trên mảnh đất Văn Lang từ hang tram năm lịch sử để có một vùng quê thuộc xã Duy Nhất trù phú, khang thịnh như ngày nay trong đó có công rất lớn của Ngài. Điều mà các thế hệ những người dân làng Văn Lang xã Duy Nhất nay mãi mãi luôn giữ trong tâm khảm của mình những công sức của Ngài, của các bậc tiền nhân, của cha ông trong các dòng họ trong công cuộc khai hoang, trị thủy đê lập làng rồi giữ làng, giữ nước mà có cuộc sống thanh bình ấm no hạnh phúc bây giờ.

2.Hành trình rời quê từ quan lập làng lập nghiệp mới.

Theo nghiên cứu của cố Giáo sư tiến sỹ sử học Phạm Hữu Dương cố viện trưởng viện nghiên cứu Đông Nam á thì hành trình rời quê bỏ quan về lập làng mới của quan thừa chính sứ triều lê, tiến sỹ Phạm Lương Bật được tiến hành như sau:

  • Ngài rời quê đưa gia quyến qua kinh thành Thăng Long rồi bí mật bàn tính với đoàn tùy tùng thân tín của mình tại triều đình gồm các quan dưới quyền mang các họ Lưu, Lê, Bùi, Tạ… chốn khỏi triều đình để bí mật ra đi ban đêm bằng thuyền.
  • Đoàn thuyền của Ngài và nhóm quan lại tùy tùng đi từ hoàng thành Thăng Long theo sông Hồng xuôi xuống đến hạ lưu cửa song giáp biển vào năm Đinh Hợi (1527).
  • Đoàn vừa đi vừa giả dân chài lưới trên sông Hồng vừa để mưu sinh tồn tại vừa để che mắt bọn quan lại triều nhà Mạc đang truy xét các quan lại nhà Lê rời triều đình bỏ trốn. Sau khi đã thấy yên ổn đoàn thuyền dừng ở bến Gùi đoạn đầu làng Ngò, làng Ngô Xá dưới làng Thuận Vy Bách Tính của huyện Vũ Thư Thái Bình ngày nay để cắm thuyền , dựng trai và lập ấp lý mới.
  • Ngài và các quan lại đi cùng đã khoanh vùng ấp mới từ bến Gùi ra đến cửa song giáp biển bấy giờ gọi là Mom Rô để lập ấp, lập làng.
  • Để đánh dấu nơi sinh thành Ngài đã đặt tên cho ấp mới cũng là Văn Lang để kỷ niệm tên quê hương tại cựu quán, ấp Văn Lang mới trở thành làng Văn Lang từ đấy (1527).
  • Vào đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) đất làng Văn Lang dưới làng Ngò (Ngô Xá) bị lũ song Hồng phá hoại xói lở phía bờ tả. Dần dần đất làng lở hết xuống song Hồng bồi và tạo thành làng Đại An bên bờ hữu (Nam Định).
  • Các dòng họ của làng Văn Lang rời xuôi xuống hạ lưu cách vị trí cũ từ 5-10 km để tái định cư làng Văn Lang và đặt tên các thôn (xóm) trong làng ở vị trí ngày nay gồm:

. Tân phong (Tân tiến xã Vũ Tiến)

. Tây hà ( Tây Thành nay là Văn Thái xã Duy Nhất)

. Tràng An ( Trường Xuân xã Duy Nhất).

. Tân Mỹ (Tân Bình nay là Văn Lang xã Duy Nhất)

. Thượng Lâm mất hẳn tên đến nay không tồn tại.

Nghề nghiệp chính của các dòng họ trong làng Văn Lang chỉ có nghề làm ruộng và trồng dâu nuôi tằm.

3.Văn hóa thờ cúng các dòng họ và của Phạm tộc đại tôn làng Văn Lang.

Từ đây làng Văn Lang có câu ca dao để đánh dấu tọa độ của làng mình là “ Thượng chí bến Gùi hạ chí Mom Rô” khái quát tình đoàn kết các dòng họ trong làng là:

Lưu, Lê, ba Phạm, hai Bùi.

Tạ, Vương, Cao, Nguyễn, Vũ ngồi bên nhau.

  • Cũng vào thời vua Lê Hiển Tông các dòng họ trong làng xây nhà thờ họ và viết gia phả. Phạm tộc đại tôn xây nhà thờ họ tại thôn Tràng An (Trường Xuân), bắt đầu viết gia phả thờ thượng thủy tổ, tiến sỹ quan thừa chính sứ triều đình nhà Lê Phạm Lương Bật và phối thờ các bậc hậu tổ.
  • Nhà thờ của Phạm tộc đại tôn được xây dựng vào năm 1747, viết gia phả có tên là “ Phạm Gia Phả Ký”, Quan Hàn Lâm Viện, Tri phủ Phạm Văn Kỷ tục biên vào năm 1893 được cụ ký Niệm dịch ra Tiếng Việt năm 1958.

Gia phả viết sau khi lập làng, xây nhà thờ cho nên từ đời thượng thủy tổ đến đời thứ tám là viết theo phương thức truyền ngôn trực hệ như sau:

. Đời thứ nhất Phạm Lương Bật thượng thủy tổ của Phạm tộc đại tôn.

. Đời thứ hai Phạm Quang Huệ.

. Đời thứ ba Phạm Bách Rong.

. Đời thứ tư Phạm Phúc An.

. Đời thứ năm Phạm Phúc Toàn.

. Đời thứ sáu Phạm Huyền Nghĩa.

. Đời thứ bảy Phạm Phúc Đức.

. Đời thứ tám Phạm Phúc Nhân.

Từ đời thứ chin là cụ Phạm Văn Khản con cụ Phạm Phúc Nhân gia phả được ghi đầy đủ liên tục tương đương với thời kỳ xây nhà thờ và viết gia phả. Cụ Phạm Văn Khản được coi là hậu tổ sinh 9 người con trai và hai người con gái. Gia phả ghi thành 9 cành, đầu cành là các con trai cụ Khản.

Cành 1: Phạm Văn Ức đến nay vô truyền.

Cành 2: Phạm Văn Lương sinh ra con cháu ngày nay.

Cành 3: Phạm Văn Viêm đến nay vô truyền

Cành 4: Phạm Văn Giản sinh ra con cháu ngày nay.

Cành 5: Phạm Bá Sỹ sinh ra con cháu ngày nay.

Cành 6: Không nhớ tên đến nay vô truyền.

Cành 7: Phạm Bá Nghiễm sinh ra con cháu ngày nay.

Cành 8: Phạm Văn Truyền đến nay vô truyền.

Cành 9: Phạm Văn Từ đến nay vô truyền.

Hai người con gái của cụ Phạm Văn Khản là Phạm Thị Mười và Phạm Thị An.

Như vậy Phạm tộc đại tôn làng Văn Lang đến nay còn 4 cành là cành 2, cành 4, cành 5 và cành 7. Cành 5 có nhà thờ họ cành xây tại thôn Trường Xuân. Cành 7 có nhà thờ họ cành xây tại thôn Văn Lang (Tân Bình).

Do không rõ ngày mất của Thượng thủy tổ Phạm Lương Bật cho nên Phạm tộc đại tôn đã lấy ngày mất của hậu tổ Phạm Văn Khản mất ngày 11 tháng 3 là ngày giỗ Tổ (theo âm lịch). Đây là ngày kỷ niệm trọng đại của Phạm tộc đại tôn được duy trì cho đến ngày nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG II

TỪ TIẾN SỸ QUAN THỪA CHÍNH SỨ ĐẾN DANH NHÂN VĂN HÓA CẤP TỈNH

 

  1. ĐĂNG QUANG TIẾN SỸ, CHỨC SẮC VÀ CÔNG TRẠNG

Cụ Hán Lương Bật (Phạm Lương Bật) tham gia kỳ thi Đình khoa Canh Thìn (1520) dưới triều vua Lê Chiêu Tông niên hiệu Quang Thiệu 5. Ngài đã đỗ đệ nhị danh (thứ 2) trong danh sách 9 tiến sỹ xuất thân của khoa thi này.

Chức sắc của Ngài được vua Lê Chiêu Tông bổ làm quan Thừa chính sứ trong triều đình tại Thăng Long. Ngài làm quan dược 8 năm (1520-1527). Sau đó Mạc Đăng Dung tiếm nghịch (đảo chính) cướp ngôi nhà Lê. Ngài đã không cộng tác với nhà Mạc, trung tiết với nhà Lê ngài đã đổi họ thành Phạm Lương Bật và rời quê xuống Văn Lang Thái Bình như đã viết trong mục III chương I.

Khi nhà Lê Trung Hưng (lấy lại ngôi vua từ nhà Mạc) vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng 44 đã ban sắc phong cho Ngài , sắc phong ghi “ Cảnh hưng tứ thập tứ niên nhị nguyệt nhị lục nhật (26/2/1783) phong sắc vi Hán Lương Bật Thừa chính sứ hữu tiết nghĩa”. Ngài được phụng thờ ở quê gốc tại từ đường họ Hán và ở đình làng Văn Lang của nhị thôn Liên Trì- Phú Đỉnh. Tại quê Văn Lang mới cũng là lúc dòng họ Phạm viết gia phả xây nhà thờ họ thờ Ngài Phạm Lương Bật với tư cách là Thượng thủy tổ.

Công trạng của Ngài làm quan đức độ, liêm khiết, trung tiết, trọng nghĩa khinh tà, không khuất phục cường quyền, không xu nịnh bon chen, luôn theo những giá trị chấn chính trong các thời đại.Ngài là tiên công cùng các ông tổ của dòng họ khác sang lập lên làng Văn Lang tại Thái Bình năm Đinh Hợi (1527). Ngài được nhà Lê Trung Hưng xét bao phong công thần khen ngài là “bề tôi tiết nghĩa”.

  1. NHỮNG KẾT LUẬN VỀ TIẾN SỸ PHẠM LƯƠNG BẬT LÀM QUAN THỪA CHÍNH SỨ TRUNG TIẾT VỚI TRIỀU LÊ

Theo các tài liệu bằng chữ nho khai thác được ở Viện nghiên cứu Hán Nôm quốc gia do Phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Văn Mùi trưởng phòng tư liệu của  Viện này phiên âm và dịch nghĩa được Viện nghiên cứu Hán Nôm xác nhận ngày 26/9/2007. Theo các tài liệu điền dã khai thác được ở Ban quản lý Văn Miếu Quốc tử giám, ở làng Văn Lang xã Văn Lương quê gốc, ở Sở văn hóa tỉnh Phú Thọ có thể kết luận được Phạm Lương Bật là Quan nghè Thừa chính sứ rất trung tiết với triều Lê:

  • Sách Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục:
  • Phiên âm Nguyễn Lương Bật Tam Nông Văn Lang nhân.
  • Dịch: Nguyễn Lương Bật người xã Văn Lang huyện Tam Nông.

 

 

  • Sách Đại Việt lịch đại tiến sỹ khoa thực lục:
  • Phiên âm Phạm Lương Bật Tam Nông Văn Lang.
  • Dịch: Phạm Lương Bật người làng Văn Lang huyện Tam Nông

 

  • Sách đăng khoa lục:
  • Phạm Lương Bật Tam Nông huyện, Văn Lang xã tiết nghĩa Hưng Hóa.
  • Dịch: Phạm Lương Bật người xã Văn Lang, huyện Tam nông giữ tiết nghĩa với triều Lê ông là người tỉnh Hưng Hóa.

 

  • Sách Thiên nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo:
  • Phiên âm: Phạm Lương Bật Văn Lang xã nhân, niên canh nhị thập cửu đăng Chiêu Tông Quang Thiệu ngũ niên, Canh Thìn khoa đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân đệ nhị danh. Công sỹ chí Thừa chính sứ. Thời Mạc Đăng Dung tiếm nghịch công nãi bất khẳng phụ, Trung hưng bao lục xưng tiết nghĩa.
  • Dịch: Phạm Lương Bật người xã Văn Lang, huyện Tam Nông năm 29 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa canh thin niên hiệu Quang Thiệu thứ năm (1520) đời Lê Chiêu Tông. Ông làm quan cho nhà Lê đến chức Thừa chính sứ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông không chịu ra làm quan cho nhà Mạc. Đến khi nhà Lê Trung Hưng xét bao phong công thần khen ông là bề tôi tiết nghĩa.

 

  • Sách Đăng khoa lục hợp biên.
  • Phiên âm: Nguyễn Lương Bật Tam Nông Văn Lang nhân.
  • Dịch: Nguyễn Lương Bật người xã Văn Lang huyện Tam Nông.

 

  • Sách Đăng khoa lục sao bản:
  • Phiên âm: Hán Lương Bật Tam nông huyện Văn Lang xã hữu tiết nghĩa.
  • Dịch: Hán Lương Bật người xã Văn Lang huyện Tam Nông ông là người có tiếng tiết nghĩa với triều Lê.

 

  • Sách lịch đại Đại khoa lục:
  • Phiên âm Phạm Lương Bật, Tam nông huyện văn lang xã tiết nghĩa.
  • Dịch: Phạm Lương Bật người xã Văn Lang huyện Tam Nông ông là người tiết nghĩa với triều Lê.

 

  • Sách Sơn Tây đăng khoa khảo:
  • Phiên âm Phạm Lương Bật Văn Lang xã nhân, đăng Lê Chiêu Tông, triều Quang Thiệu ngũ niên Canh Thìn khoa đồng tiến sỹ. Chí sỹ thừa chính sứ, xưng tiết nghĩa.
  • Dịch: Phạm Lương Bật người xã Văn Lang huyện Tam Nông đỗ đồng tiến sỹ khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520) đời vua Lê Chiêu Tông, làm quan đến chức Thừa chính sứ, được khen là người tiết nghĩa với triều Lê.
  • Sách danh sách đỗ đạt các khoa:
  • Phiên âm: Nguyễn Lương Bật Tam nông Văn Lang nhân.
  • Dịch: Nguyễn Lương Bật người xã Văn Lang huyện Tam Nông.

 

  • Các kết luận quan trọng về Tiến sỹ Phạm Lương Bật

10.1. Tên tiến sỹ:

Tất cả các tài liệu và “Phạm gia phả ký” Ngài đều có tên là “Lương Bật”

10.2. Họ Tiến sỹ:

Trong 9 tài liệu khai thác ở Viện nghiên cứu Hán Nôm quốc gia có 5 tài liệu ghi ngài họ Phạm (56%), có 3 tài liệu ghi Ngài họ Nguyễn (33%), có 1 tài liệu ghi Ngài họ Hán (11%), “Phạm Gia Phả Ký” ghi Ngài họ Hán đổi sang họ Phạm khi Ngài rời quê cũ xuống Thái Bình lập quê hương mới.

10.3. Quê Tiến sỹ:

Tất cả các tài liệu và “ Phạm Gia Phả Ký” đều ghi Ngài ở làng () Văn Lang, huyện Cổ Nông, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây nay là làng Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ.

10.4. Năm đăng khoa Tiến sỹ:

Tất cả các tài liệu đều ghi Ngài đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khi Ngài 29 tuổi vào khoa Canh Thìn (1520) dưới triều vua Lê Chiêu Tông niên hiệu Quang Thiệu 5 Ngài làm quan đến chức Thừa chính sứ ( Quan ngoại giao). Phạm gia phả ký ghi Ngài đỗ tiến sỹ không ra làm quan là chưa đầy đủ và không chính xác.

10.5. Kết luận cuối cùng:

Qua các tài liệu điền dã ở làng Văn Lang cổ thuộc huyện Cổ Nông phủ Lâm Thao trấn Sơn Tây nay là Phú Thọ thu thập được các di tích lịch sử (đền thờ, bến nhà Phan, bến đình, nền nhà thờ, nền miếu thiêng thờ Ngài…) các truyền thuyết về sự tích vinh quy bái tổ, sự tích bẻ gãy kiếm, sự tích đồi nghiên bút…

Qua các buổi tọa đàm với dòng họ Hán tại quê gốc Phú Thọ, tọa đàm với lãnh đạo UBND xã Văn Lương, tọa đàm với các cụ cao niên trong làng, trong dòng họ Hán. Qua hội thảo quốc gia “ Làng cười Văn Lang di sản văn hóa dân gian cội nguồn đất tổ” do trường đại học Hùng Vương Phú Thọ kết hợp với các viện, trường của Bộ VHTT & DL tổ chức ngày 22/4/2007 tại trường đại học Hùng Vương Phú Thọ và qua cuốn “Phạm Gia Phả Ký” của dòng họ Phạm tại làng Văn Lang xã Duy Nhất huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình đã đi đến kết luận cuối cùng như sau:

 

 

 

+ Ngài họ Hán chứ không phải họ Nguyễn như một số sách lịch sử đã ghi.

 

+ Ngài rời quê, lập ấp lý mới đặt tên ấp là Văn Lang thuộc tổng Khê Kiều huyện Thư Trì phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ nay là làng Văn Lang xã Duy Nhất huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình vào năm Đinh Hợi (1527) khi họ Mạc tiếm nghịch cướp ngôi nhà Lê.

 

+ Ngài đã đổi họ Hán thành họ Phạm vì chữ Phạm là trích lấy một nửa chữ Hán theo tự dạ của chữ nho để giữ lại nguồn gốc quê hương và tôn tộc của ngài cũng là để tránh sự trả thù, truy sát của nhà Mạc đối với những quan lại cùng thời có tư tưởng trung tiết và phò tá nhà Lê.

 

+ Ngài là những tiên công của làng Văn Lang tại xã Duy Nhất huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình.

 

III.PHONG TẶNG DANH HIỆU DANH NHÂN VĂN HÓA.

Căn cứ vào tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa thể thao & du lịch về việc công nhận một di tích lịch sử văn hóa thờ danh nhân.

Xét thấy nhà thờ của Phạm tộc đại tôn tại thôn Trường Xuân, làng Văn Lang, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn để trình xét công nhận là Di tích lịch sử văn hóa thờ Danh nhân.

Theo đề xuất của ông Phạm Duy Trì người nội tộc là kỹ sư, chuyên viên cao cấp Trưởng phòng Thẩm định của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn. Hội đồng gia tộc đã thành lập Ban tư liệu lịch sử của dòng họ để đi sưu tầm khai thác các tài liệu ở Trung ương, ở các địa phương, ở các dòng họ từ đầu năm 2000. Ban này gồm cụ Phạm Quốc Lộ (Trưởng ban), cố cử nhân Phạm Xuân Thảng, ông Phạm Duy Trì, anh Phạm Văn Bảy ( Trưởng họ), anh Phạm Duy Trinh (quay phim, chụp ảnh, lập hồ sơ) cùng các trưởng ngành, các cụ cao niên trong họ. Đầu năm 2007 Ban đã lập xong một bộ hồ sơ của dòng họ để trình các cấp của ngành văn hóa tỉnh Thái Bình thẩm định và phê duyệt.

1.Các căn cứ để lập hồ sơ.

– Nguồn tài liệu Hán Việt là các sách Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Đại Việt lịch đại tiến sỹ khoa thực lục, Đăng khoa lục, Thiên nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo, Đăng khoa lục hợp biên, Đăng khoa lục sao bản, Lịch đại đại khoa lục, Sơn Tây đăng khoa khảo, Danh sách đỗ đạt các khoa và Phạm Gia Phả Ký tục biên năm 1893.

– Nguồn tài liệu tiếng thuần việt là sách các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) của nhóm biên soạn Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi, Cổ kim trùng danh trùng tính khảo, Các vị Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam của Trần Hồng Đức và Nguyễn Hữu Mùi, Danh nho Phú Thọ, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Phạm Gia Phả Ký bản dịch năm 1958, Kỷ yếu hội thảo quốc gia (Làng cười Văn Lang di sản văn hóa dân gian cội nguồn đất tổ) hội thảo ngày 22 tháng 4 năm 2007, Tọa đàm tại UBND xã Văn Lương, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ trong hành trình “Vấn tổ tầm tông” ngày 17 tháng 3 năm 2007 của Hội đồng gia tộc họ Phạm làng Văn Lang Thái Bình.

– Các tài liệu văn hóa vật thể và phi vật thể trong Từ đường của Phạm tộc đại tôn gồm: các đồ thờ cổ, cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự, các bài trâm cổ có từ khi xây dựng từ đường ở triều Lê Hiển Tông, triều Nguyễn cho đến nay.

– Các hoạt động điền dã hành trình tìm về cội nguồn 3 ngày (15÷17)-3-2007 tức 27÷29 tháng giêng năm Đinh Hợi, tham gia hội thảo quốc gia ngày 22/4/2007 tại Phú Thọ do Đại học Hùng Vương kết hợp với Viện nghiên cứu văn hóa của Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch tổ chức, giao lưu nhận họ giữa hai dòng họ Phạm và dòng họ Hán vào các ngày giỗ Tổ của hai họ là ngày 11 tháng 3 và 25 tháng 4 năm Đinh Hợi (2007) tại Thái Bình và tại Phú Thọ.

– Khai thác các tài liệu, cứ liệu, sử liệu quốc gia tại Ban quản lý Văn miếu quốc tử giám, tại Viên nghiên cứu Hán Nôm, tại sở văn hóa thể thao & du lịch tỉnh Phú Thọ, tại Hội cựu chiến binh huyện Tam Nông, tại xã Văn Lương và tại dòng họ Hán làng Văn Lang,xã Văn Lương do ông Phạm Duy Trì kết hợp khai thác khi đi công tác và do Ban tư liệu của Hội đồng gia tộc của Phạm tộc đại tôn thực hiện.

– Tất cả các căn cứ, cứ liệu trên được lập thành 01 bộ hồ sơ “Từ đường họ Phạm” trong thời gian từ đầu năm 2000 đến tháng 8 năm 2007 và bổ sung vào tháng 9 năm 2009 để trình các cấp của Tỉnh Thái Bình thẩm định và phê duyệt.

2.Nội dung hồ sơ:

  • Đơn đề nghị của Hội đồng gia tộc họ Phạm đề ngày 28 tháng 8 năm 2007.
  • Lời nói đầu “Phạm Gia Phả Ký” đăng nguyên bản, trích các đoạn chữ Hán (kèm lời dịch) của Phạm Gia Phả Ký nói về Tiến sỹ Phạm Lương Bật.
  • Tóm tắt lịch sử dòng họ Phạm do cố cử nhân Phạm Xuân Thảng tóm tắt và ông Phạm Duy Trì hiệu đính.
  • Ảnh các tư liệu trong Từ đường Phạm tộc đại tôn.
  • Xuân Đinh Hợi Vấn tổ tầm tông du ký (kèm đĩa VCD)
  • Tham luận hội thảo quốc gia “Làng cười Văn Lang di sản văn hóa dân gian cội nguồn đất tổ” do ông Phạm Duy Trì trình bày tại hội thảo (kèm đĩa VCD) và cụ Phạm Quốc Lộ tham dự.
  • Sưu tầm câu chuyện về Quan nghè Phạm Lương Bật của ông Phạm Duy Trì.
  • Các tư liệu và kết luận về Tiến sỹ Phạm Lương Bật.
  • Văn bản ngày 17/9/2009 về đề nghị xếp hạng di tích Từ đường họ Phạm có chữ ký đề nghị của các trưởng cành, trưởng họ.
  • Biên bản giải trình làm rõ những vấn đề mà hội nghị tọa đàm ngày 17/9/2009 đã nêu có xác nhận của UBND xã Duy Nhất ngày 18/9/2009.
  • Biên bản thống nhất về việc thờ cúng Tiến sỹ Phạm Lương Bật của các dòng họ Phạm khác trong các thôn của làng Văn Lang xưa lập ngày 22/9/2009.
  • Trích lục bản đồ địa chính thửa đất số 86 tờ bản đồ số 3 thuộc thôn Trường Xuân xã Duy Nhất là văn bản xác định chủ quyền đất xây dựng Từ đường Tiến sỹ Phạm Lương Bật.

 

3.Tờ trình của các cấp chính quyền:

  • Tờ trình số 45/TT-UBND ngày 16/11/2007 của UBND xã Duy Nhất
  • Tờ trình số 209/TTr-UBND ngày 29/9/2009 của UBND huyện Vũ Thư kèm danh sách đề nghị tại thứ tự số 9 “Từ đường Tiến sỹ Phạm Lương Bật”.
  • Văn bản ngày 22/10/2009 của Ban quản lý di tích Tỉnh Thái Bình về lý lịch di tích Từ đường tiến sỹ Phạm Lương Bật.
  • Tờ trình số 199/TTr-SVHTT&DL ngày 03/12/2009 của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Thái bình trình UBND tỉnh Thái bình thầm định và phê duyệt.

4.Quá trình thẩm định và phê duyệt

4.1.Tọa đàm ba cấp tại Từ đường lần thứ I ngày 29/3/2008.

Tọa đàm có đại diện các ban ngành của tỉnh Thái Bình, đại diện các ban ngành của huyện Vũ Thư, đại diện lãnh đạo xã Duy Nhất, các ban ngành trong xã, đại diện lãnh đạo các thôn, các dòng họ trong làng Văn Lang như: Lưu, Lê, Phạm, Tạ, Bùi, Vương, Nguyền, Vũ và toàn thể các cụ,các ông, các bà, các anh chị em con cháu trong dòng họ Phạm tộc đại tôn thuộc hậu duệ của Tiến sỹ Phạm Lương Bật.

Sau tọa đàm có 5 vấn đề cần làm rõ gồm:

  • Cần thống nhất tên di tích?
  • Tiến sỹ Phạm Lương Bật với Từ đường Phạm tộc đại tôn?
  • Tiến sỹ Phạm Lương Bật với làng Văn Lang xưa?
  • Các bậc hậu tổ và tiền bối có công phối thờ trong Từ đường?
  • Các từ đường và các dòng họ Phạm khác trong làng Văn Lang xưa?

4.2.Tọa đàm ba cấp tại Từ đường lần thứ II ngày 17/9/2009.

Thành phần đầy đủ như tọa đàm lần I.

Nội dung chủ yếu đề cập đến 6 vấn đề sau đây:

  • Tên gọi của di tích trên văn bằng.
  • Chủ quyền đất đai của di tích
  • Sự hiện tồn của di tích.
  • Nội dung lịch sử diễn ra tại di tích qua các thời kỳ.
  • Cấp xếp hạng, loại hình đề nghị xếp hạng di tích.
  • Các kết luận và kiến nghị.

Hội nghị nhất trí 100% những vấn đề nêu trên đã thống nhất ký đề nghị Sở VHTTDL xét duyệt và trình UBND Tỉnh xếp hạng di tích Từ đường Tiến sỹ Phạm Lương Bật là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh loại hình lưu niệm danh nhân văn hóa.

4.3.Hội nghị khoa học cấp Tỉnh về Từ đường Tiến sỹ Phạm Lương Bật.

Hội nghị tổ chức ngày 22/11/2009 các đại biểu tham luận sôi nổi và nhất trí 100% với đề nghị của Ban Quản lý di tích văn hóa Tỉnh để trình duyệt.

4.4.Điền dã tại làng Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Thực hiện vào quý IV năm 2009, Ban đề nghị sở trình UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định vì đã đủ cơ sở pháp lý về sự kiện lịch sử chân thực khách quan.

4.5.Quyết định của UBND tỉnh Thái Bình.

Từ đường thờ Tiến sỹ Phạm Lương Bật đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa thờ Danh nhân Tiến sỹ Quan Thừa chính sứ triều Lê tại Quyết định số 3002QĐ-UBND ngày 11/12/2009.

Như vậy Từ đường Tiến sỹ, Quan Thừa chính sứ triều Lê ,Ngài đã được UBND tỉnh Thái Bình phong tặng là “Danh nhân văn hóa”. Từ đường thờ ngài của Phạm tộc đại tôn ở thôn Trường Xuân làng Văn Lang xã Duy Nhất được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cần phải bảo tồn và lưu giữ cho con cháu muôn đời sau.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments