Trang chủGIỚI THIỆUGiới thiệu dòng họ: Truyền thống trung hiếu dòng họ Phạm...

Giới thiệu dòng họ: Truyền thống trung hiếu dòng họ Phạm Đình làng Tam Á

Làng Tam Á (xã Gia Đông – Thuận Thành – Bắc Ninh) thời xưa là xã hàng đầu của tổng Tam Á (huyện Gia Định – phủ Thuận An – trấn Kinh Bắc). Đây là làng Việt cổ có mấy nghìn năm lịch sử, dân đông tới trên 5.000 khẩu. Làng thờ đức thánh “Nam Giao học tổ” Sĩ Nhiếp. Tuy nhiên, trong số 21 dòng họ quần tụ sinh sống thì chỉ có họ Phạm Đình phát huy được học nghiệp và khoa bảng mà nền móng do chính đức thánh “Nam Giao học tổ” của làng dựng xây từ xưa truyền lại.

1, Cụ Phạm Thịnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 16) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 đời vua Lê Thánh Tông (năm 1487). Sau khi thi đỗ ông được bổ làm quan ở Viện Hàn lâm, sau thăng đến chức Hữu thị lang, hai lần đi sứ, rồi được thắng đến chức Thượng thư bộ Lễ.

2, Cụ Phạm Điển sinh năm 1506, là con trai cụ Thượng thư Phạm Thịnh, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 17) khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa nguyên niên, đời vua Mạc Phúc Hải (năm 1541). Ông làm quan đến chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên, chức quan đứng đầu phủ kinh thành Thăng Long.

3, Cụ Phạm Liễn là con thứ cụ Phạm Điển, định cư ở làng Địch Lễ (nay thuộc xã Nam Dân, thành phố Nam Định), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, chức Thượng thư bộ Công.

Theo Gia phả, họ Phạm Đình đến cư trú tại làng Tam Á đã rất lâu đời, chỉ biết cụ thủy tổ đọc theo văn khấn là Phạm quý công tự phúc Đạo, giỗ ngày 24/Giêng, mộ phần ở khu Đống Cát, khu bãi cao làm nghĩa địa của làng. Cụ thủy tổ bà tên quy Phật là hiệu diệu Từ Nhân, giỗ ngày 19/7, mộ phần ở khu Đống Ngói. Đến đời thứ 3 thì phân làm 3 chi. Năm 1993 dòng họ đã xây mộ các cụ thủy tổ và tổ ba chi khang trang.

Trải qua nhiều đời, mặc dù gặp nhiều biến cố lịch sử nhưng dòng họ Phạm Đình vẫn liên tục phát triển sum suê cành lá. Hiện dòng họ có khoảng 90 hộ và 270 suất đinh. Trong nhiều phẩm chất tốt đẹp của dòng họ, thì truyền thống Trung Hiếu là nổi bật nhất.

Tấm gương trung hiếu tiêu biểu là từ cụ Phạm Thịnh nêu lên từ thời Lê. Sau thời cực thịnh do vua Lê Thánh Tông làm chủ, triều Lê bắt đầu có mầm suy. Hoàng tử Tuấn muốn tranh ngôi của Túc Tông nhưng không thành. Tuy nhiên Túc Tông ở ngôi chỉ được vài tháng bỗng mắc bạo bệnh qua đời. Hoàng tử Tuấn nối ngôi đã trả thù hai vị đại thần khi trước không ủng hộ giành ngôi là Thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử đài Nguyễn Quang Bật. Nhà vua hành xử rất tàn ác, kể cả với hoàng thân quốc thích, sử gọi là vua Quỷ. Vì vậy, một hoàng thân là công tử Oanh, chức Giản Tu công đã dấy binh đánh đổ Uy Mục đế. Nhà vua bị mất lòng tin của triều thần nên thế thua đã rõ. Mặc dù vậy Thượng thư Phạm Thịnh vẫn trung với vua đương triều, thân dẫn cấm binh ra cản đường tiến của quân dấy binh và đã hi sinh tại trận Châu Kiều. Gương trung thần Phạm Thịnh được sử sách ghi lại và ngợi ca.

Truyền thống trung hiếu của người họ Phạm Đình ở quê Tam Á tập trung ở việc xây dựng nhà thờ họ. Ngôi nhà thờ có từ lâu đời. Họ còn có cả ruộng họ để dùng cho việc tế tự. Lộc ruộng đủ chi cho ngày giỗ tổ, kể cả việc đón đoàn hát về phục vụ ngày giỗ cho cả dân làng cùng thưởng thức. Nghi thức tế tổ cũng đã được dòng họ hành lễ rất nghiêm trang từ xa xưa, trang phục, nghi thức đúng như truyền thống, thể hiện rõ nét một dòng họ có nề nếp, có giáo dục, có văn hóa. Đáng tiếc ngôi từ đường đã bị hỏa hoạn năm 1952, rồi đất nước chiến tranh kéo dài, dòng họ mãi chưa đủ lực khôi phục lại được ngôi từ đường.

Rồi cơ duyên đã đến. Năm 2001 các chi họ Phạm Đình ở Ngọc Cục (xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương) và ở Địch Lễ (Nam Định), hậu duệ cụ Tiến sĩ, Phủ doãn Phạm Điển mang Gia phả về quê gốc Tam Á nhận họ. Năm 2002 Đại đồng tộc họ Phạm Đình gồm đại diện cả ba chi Tam Á, Ngọc Cục, Địch Lễ tổ chức khôi phục tế tổ theo đúng nghi thức cổ truyền.

Chủ tế: Trưởng họ Phạm Đình Vĩnh.

Bồi tế: Phạm Đình Huyên, Phạm Đình Chướng.

Đông xướng: Phạm Đình Phiếu.

Tây xướng: Phạm Đình Trại.

Quan viên: 10 người. Nghi thức tế tổ do hai cụ Phạm Đình Tuấn và Phạm Đình Hải hướng dẫn.

Năm 2004 trưởng họ Phạm Đình Vĩnh đã hiến cho họ 142 m2 đất để làm đất hương hỏa. Họ mua lại ngôi nhà cấp 4 ba gian diện tích 35 m2 gỗ ngát của gia đình trưởng họ làm nhà thờ. Gỗ ngát là loại gỗ bền, như câu ca “Nhà nát gỗ ngát hãy còn”. Để gắn kết ba chi, đại đồng tộc ra định lệ tế tổ quay vòng 2 năm một kì: Tam Á – Ngọc Cục-  Địch Lễ.

Trong thời đại mới, dòng họ Phạm Đình tiếp tục phát huy truyền thống trung hiếu ở tầm cao mới. Họ bầu ra Hội đồng gia tộc 13 thành viên do cụ Phạm Đình ba đứng đầu. Một vị đại diện cho các hộ đang định cư tại thành phố Hà Nội. Họ soạn “Quy ước” chu đáo, định lượng công việc chặt chẽ.

Ví dụ: “Hàng tháng thờ cúng 2 tiết (mồng một và ngày rằm) do Trưởng họ sắp lễ và thụ lộc, kinh phí 30.000đ/tiết. Riêng Tết Nguyên đán Hội đồng gia tộc phân công thành viên trực cùng với trưởng họ tại nhà thờ, kinh phí 200.000đ”.

Hay quy định về khuyến học: “Tổ chức trao thưởng cho các cháu đỗ đại học và thi các môn đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh mức 100.000đ/cháu. Thi đạt giải nhất, nhì, ba cấp quốc gia và trên đại học mức 200.000đ”.

Ngày giỗ tổ 24/Giêng năm nay (Đinh Dậu 2017) dòng tộc lần đầu tiên tổ chức tế tổ theo bản “Quy ước” này. Phấn khởi trước sự kiện trọng đại này, nhiều gia đình đã mở rộng tấm lòng hướng về tổ tiên, công đức bằng hiện vật và tiền bạc. Gia đình ông Phạm Đình Hoàng chiêu đãi bữa cơm mừng thọ và tặng mỗi cụ được tuổi thọ một gói quà. Hội các gia đình ở Hà Nội công đức đồ thờ gồm bộ ô sa đại hội, đôi hạc… trị giá 13 triệu đồng. Gia đình ông Phạm Đình Tẩm công đức việc sơn nhà, bưng trống… trị giá 4 triệu đồng. Gia đình ông Phạm Đình Giản công đức bộ cột cờ I – nốc trị giá 2 triệu đồng. Tiền mặt công đức trên 20 triệu đồng.

Họ mua sắm trang phục tế mới trên 3 triệu đồng.

Ban tế chủ động tập luyện cho ngày đại lễ.

Buổi chiều đẹp trời ngày 23/Giêng dòng họ dâng lễ ra đền làng hành lễ cáo yết đức thánh “Nam Giao học tổ”. Cụ Phạm Đình Phiếu, giọng Đông xướng kì cựu của họ nay đang giữ chân Thủ từ của đền lại ngân nga giọng khấn cáo yết thánh về việc trọng đại của họ sẽ diễn ra vào ngày hôm sau.

Hoàn thành nghi lễ ở đền làng, dòng họ tiếp tục dâng lễ cáo yết tại mộ cụ Thủy tổ. Con cháu cùng thắp nhang thành kính mời đức Thượng thủy tổ của họ về dự đại lễ của con cháu vào ngày mai.

Cụ Thượng thủy tổ ơi, nhờ ơn phúc của người mà ngày xưa dòng họ đã có đến 3 người đỗ đại khoa vẻ vang gia tộc. Thời sau này con cháu luôn làm ăn thành đạt, ăn ở nhân đức. Nhiều người phấn đấu có chức vụ chính quyền. Cụ Phạm Đình Học, bí thư chi bộ kiêm chủ tịch xã Gia Định từ trong kháng chiến chống Pháp (năm 1948). Cụ Phạm Đình Phiệt là Chánh văn phòng Ủy ban hành chính huyện Thuận Thành năm 1949. Cụ Phạm Đình Tuyển là Thừa phái tỉnh Yên Bái. Ông Phạm Đình Bắc là Trưởng phòng Công thương quận Ba Đình (Hà Nội).Hàng năm họ có từ 5-7 cháu đỗ Đại học và đã có 3 Tiến sĩ: Phạm Đình Hiệp, Phạm Đình Thu, Phạm Thị Vân Anh. Tiến sĩ Phạm Đình Hiệp còn là Thượng tá, cán bộ cao cấp của Quân đội, công tác trong ngành Cơ yếu.

Ngày 24/Giêng/Đinh Dậu là ngày chính lễ giỗ tổ. Các chi Ngọc Cục (Hải Dương) và Địch Lễ (Nam Định) cử đoàn đại diện về tế tổ công đồng. Đại diện Hội đồng họ Phạm huyện Thuận Thành cũng về dự lễ.

Ban tế vào vị trí trang trọng.

Trưởng họ Phạm Đình Vĩnh giữ ngôi Chủ tế.

Cụ Phạm Đình Giản cao niên nhất họ đứng vào vị trí vinh dự cạnh chủ tế.

Đoàn đại biểu Hội đồng họ Phạm đứng ở bên trái Chủ tế.

Trưởng đoàn họ Phạm hai tỉnh Hải Dương và Nam Định đứng ở bên phải Chủ tế.

Các đoàn đại biểu vào vị trí.

Bà con họ tộc vào vị trí sân nhà thờ chứng kiến buổi lễ trọng của dòng họ.

Cụ Phạm Đình Tẩm thay mặt toàn gia tộc đọc “Lời khai lễ”.

Sau lời khai lễ, Ban tế chính thức hành lễ.

Tiếp đó đại diện các đoàn đại biểu tiến vào chính điện dâng lễ lên đức Thượng thủy tổ dòng họ Phạm Đình.

Phần nghi thức tế lễ trang trọng, trang nghiêm hoàn thành là các phần việc vinh danh con cháu dòng họ học hành thành đạt.

Sau đó các đoàn đại biểu cùng toàn tộc cùng thụ tiệc lễ.

Cây có cội, người có tổ tiên. Truyền thống trung hiếu dòng họ Phạm Đình làng Tam Á thêm một lần thể hiện đậm nét và rất có ý nghĩa trong ngày đại lễ tế tổ xuân Đinh Dậu này. Đây thực sự là một nét đẹp Văn hóa dòng họ, một nét đẹp văn hóa làng quê trong Hội làng Việt Nam.

 

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh

02413.782.355 – 0168.5300.803

 

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments