Trang chủGIỚI THIỆUNGƯỜI HỌ PHẠM: NHÀ BÁO P. HỮU THANH TÙNG

NGƯỜI HỌ PHẠM: NHÀ BÁO P. HỮU THANH TÙNG

Chân trời không chỉ ở phía trước                                                                                                                   Nhân ngày nhà báo Việt Nam (21-6), thay cho giới thiệu chân dung một nhà báo họ Phạm, hophamvietnam.org đăng tải bài viết của NGƯT – PGS.TS Hồ Thế Hà về bộ sách “Từ Huế – Chuyện trò lai rai” của nhà báo Phạm Hữu Thanh Tùng. Bộ sách được hình thành trên cơ sở tuyển chọn những bài viết đã đăng báo trong khoảng thời gian 15 năm theo mạch tư duy và đề tài xuyên suốt là lịch sử, văn hóa, được trải nghiệm, đối chiếu từ Huế.

 Đọc tác phẩm mới nhất của Thanh Tùng, tôi rất nể sự kiên trì và nhất quán của anh trong lối viết báo. Đó là sự trăn trở và nghiền ngẫm của tác giả qua từng nhân vật, từng sự việc và từng đối tượng của hiện thực trực quan cũng như những ký ức mà anh là người trực tiếp tham kiến, chiêm nghiệm.

 Tôi không ngần ngại gọi các ghi chép trong bộ Từ Huế – Chuyện trò lai rai của Thanh Tùng (5 tập, từ 2001 đến 2011, NXB Đà Nẵng) là ký văn hóa. Bởi lẽ, các sự kiện, những hiện thực lật lại từ thư tịch, tư liệu, hoặc trên dặm dài thiên lý theo công việc hay du lãm, Thanh Tùng đã biến chúng thành những trang viết giàu chất văn hóa, làm sống lại các sự kiện, lẩy ra những giá trị riêng theo quan niệm chủ quan của mình.

Từ nghiệp làm báo, Thanh Tùng đã biến những đối tượng tiếp nhận thành chức năng kép trong nhận thức và sáng tạo. Phẩm chất kép nhà báo – nhà văn đã hình thành trên từng trang viết của anh như một logic hiển nhiên.  Quá trình tái hiện và tái tạo các nhân vật, hiện tượng, sự kiện trong các bài viết, Thanh Tùng thường chú ý bổ sung, liên tưởng, so sánh, đối chiếu để tìm ra những giá trị mới, hoặc nâng lên thành vấn đề, hiện tượng, có chủ đích văn hóa – xã hội tốt đẹp hơn.

Thể ký là loại hình trung gian giữa báo chí và văn học, đã cho phép chủ thể sáng tạo năng động trong việc tái hiện nhận thức theo ý đồ chủ quan của mình. Với các bút ký nghiêng về con người và sự kiện có tính thời sự – thời đại, Thanh Tùng đã chủ động tăng cường và lý giải vấn đề dưới góc nhìn hiện thực xã hội một cách hấp dẫn và linh hoạt, làm bật lên lượng thông tin đa dạng, mới mẻ. Tính khái quát của từng bài viết thể hiện rõ lối tư duy phức hợp của tác giả qua những liên tưởng, suy tưởng bất ngờ, giúp người đọc thấy được chiều sâu của từng sự kiện, từng mối quan hệ. Những ghi chép nghiêng về cảm thức văn hóa, Thanh Tùng không chỉ hướng về tương lai mà anh còn chú tâm vào những mạch ngầm hiện thực quá khứ. Vì thế, trang viết của anh mở ra đường chân trời gặp gỡ của các mã ký ức văn hóa gần – xa, có khả năng đánh thức những tiềm năng và bài học cho hiện tại. Đó là những bút ký viết về văn hóa du lịch, văn hóa ứng xử, văn hóa tiêu dùng, văn hóa lễ hội… mà anh rất tâm huyết với phương châm “trông người lại ngẫm đến ta”, “ôn cố tri tân”. Những bút ký này thể hiện khả năng chiếm lĩnh hiện thực của Thanh Tùng từ góc nhìn văn hóa nhằm tăng cường sức nặng tư tưởng cho bài viết. Phải chăng giữa hiện tại và quá khứ có sự gặp gỡ và cùng nhau đang lần bước trường tồn?

Quả là có một Thanh Tùng đa mang và hệ lụy. Tôi quý Thanh Tùng ở những suy nghĩ chân thành, cảm động và đầy trách nhiệm qua từng bài ký, khiến tôi nhớ câu nói của Pô-lê-vôi: “Một bài ký sự hay quả thật là một bài có đặc trưng của thể loại ký báo chí…, có thể tái hiện được sự thật chân chính. Những nhân vật tạo nên phải là những con người chân thật trong cuộc sống hiện thực, những việc mô tả phải dính chặt với địa điểm giống nhau như người ta thường nói: Ký sự có địa điểm chính xác của nó”.

Với tư cách là chủ thể chứng kiến và kể chuyện, cái tôi tác giả trong các bài ký đã có đời sống thứ hai của mình. Thanh Tùng thực sự là “nhân vật trữ tình” mở lòng mình để giao hòa, sẻ chia cùng mọi người qua ngôn ngữ và giọng điệu riêng. Đây cũng là yêu cầu cao của một người viết ký để tạo cá tính và phong cách cá nhân. Ngôn ngữ ký của Thanh Tùng ngắn gọn, hàm súc, có sự chắt lọc cần thiết để đến trực tiếp với người đọc. Nếu cần góp ý, có lẽ là, ở những bút ký về văn hóa và thời sự, anh cần gia tăng giọng chính luận trực tiếp và mạnh mẽ hơn nữa.

Bạn đọc sẽ tiếp nhận và có cách thẩm định riêng của mình. Nhưng có một điều dễ đồng cảm và chia sẻ, đó là qua tác phẩm mà tác giả khiêm tốn gọi là chuyện trò lai rai nhưng độc giả đã thực sự thú vị và rút tỉa được nhiều bài học giá trị và nhân bản.

Cuối cùng là niềm hy vọng ở những tác phẩm mới của Thanh Tùng trong tương lai không xa. Với Thanh Tùng, đường chân trời của ký đang luôn ở phía trước. Và không chỉ ở phía trước. Tôi còn kỳ vọng ở Thanh Tùng những bút ký lịch sử, văn hóa trong quá khứ mà anh luôn ấp ủ, chưa có cơ hội ra mắt bạn đọc, nhưng phải được hiện diện như những hiển minh văn hóa mà anh từng tâm niệm: “Xưa cũng như nay, lịch sử luôn luôn là chuyện thời sự của ngày xưa và thời sự bây giờ sẽ là lịch sử của ngày mai… Con người không thể sống không có quá khứ và cũng không có ai sống mà không nghĩ đến tương lai. Chuyện cũ không chỉ là những kỷ niệm mà còn là kinh nghiệm, là thước đo phần đời đã qua và phần đời còn lại”.

Thực hiện được ước nguyện ấy là diễm phúc không phải bất kỳ nhà báo nào cũng có được.

NGƯT – PGS.TS Hồ Thế Hà

SONY DSC

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments