Trang chủHOẠT ĐỘNG DÒNG HỌTham dự Lễ dâng hương các anh hùng , liệt sĩ ...

Tham dự Lễ dâng hương các anh hùng , liệt sĩ đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò – Hà nội

 

Ngày 27/7/2016, nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, Gia đình bà Phạm Thị Lệ Trường (Ủy viên thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam, Trưởng ban Lễ tân) đã tổ chức Lễ dâng hương tại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội.

Chồng của bà Phạm Thị lệ Trường là ông Nguyễn Văn Vũ, sinh 27/7/1932 là chiến sỹ cách mạng hoạt động tại vùng Hà Tây, Hà Nội, bị Thực dân Pháp bắt năm 1953 và bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, sau đó ông bị đưa ra nhà tù Côn Đảo.

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, với tấm lòng tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc và nhận lời mời của gia đình bà Phạm Thị Lệ Trường, đại diện Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam đã cùng tham dự và dâng hương tại nhà tù Hỏa Lò gồm các ông: ông Phạm Quang Hoàn – PCT Thường trực Hội đồng, ông Phạm Huỳnh Công, ông Phạm Thiện Căn, ông Phạm Hữu Hỗ – PCT HĐTQ kiêm Tổng thư ký, cùng một số vị ủy viên thường trực HĐTQ.

Đoàn đã được Ban lãnh đạo Khu di tích nhà tù Hỏa Lò đón tiếp trọng thị và giới thiệu lịch sử đấu tranh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng bị bắt và bị giam cầm tra tấn dã man trong nhà tù Hỏa Lò.

Tại đây, chúng tôi vô cùng xúc động vì đã ghi được ảnh và họ tên của 5 chiến sỹ cách mạng là người họ Phạm bị Thực dân Pháp bắt, giam cầm và bị xử chém tại nhà tù này. Đó là các ông:

1, Phạm Văn Tráng (tên thật là Phạm Văn Sáng)

2, Phạm Đệ Quý (Nho Quý)

3, Phạm Hoàng Luân (Đức Quế)

4, Phạm Hoàng Triết (Ba Triết)

5, Phạm Văn Tiến (Lý Tiến)

Đây là 5 chiến sỹ cách mạng người họ Phạm trong số 7 chiến sỹ yêu nước đã tổ chức ám sát tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn năm 1913 tại Khách sạn Hà Nội. 7 chiến sỹ cách mạng này đã bị xử chém tại nhà tù Hỏa Lò vào ngày 24/9/1913. Đó là 5

người con họ Phạm đã kiên cường đánh giặc và hy sinh anh dũng vì độc lập và tự do của dân tộc.

Ngày nay di tích nhà tù Hòa Lò là một trong những điểm thăm quan tại Hà Nội thu hút rất nhiều du khách nước ngoài. Một số người Việt Nam tới đây vì muốn tìm hiểu ý nghĩa và những gian khó của cuộc chiến đấu xưa kia của cha ông ta. Nhà tù Hỏa Lò tọa lạc ngay tại vị trí trung tâm Hà Nội, thuộc vào khuôn viên của Hà Nội 36 phố phường, tại số 1 Phó Đức Chính, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (vốn nằm trên đất làng Phụ Khánh thuộc tổng Vĩnh Xương huyện Thọ Xương) do Thực dân Pháp xây dựng năm 1896, tức là chỉ 4 năm sau khi “địa ngục trần gian” bắt đầu xây dựng ở Côn Đảo. Hỏa Lò có tổng diện tích hơn 12.000 m2, là một trong những nhà tù lớn và kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Đây là ngục thất giam giữ những tù phạm chính trị, những người ái quốc chống lại chính quyền thực dân Pháp từ 1896 đến 1954.  Thiết kế xây dựng của trại giam cho phép Hỏa Lò thường xuyên chứa khoảng 500 tù nhân với chế độ giam giữ, ép cung cực kỳ hà khắc, dã man. Vậy mà vào những năm 1950 – 1953, nhà tù Hỏa Lò chứa gần 2000 tù nhân.  Cùng với chiếc vũ khí man rợ nhất của Thực dân Pháp là cỗ máy chém thời trung cổ khổng lồ, nhà tù Hoả Lò được biết đến là một trong 10 nhà tù khét tiếng nhất Thế giới hay đứng đầu top 5 địa điểm rùng rợn nhất Đông Nam Á. Nhằm mục đích giam giữ những người chống chế độ thực dân. Thiết kế của nhà tù khắc nghiệt như bức tường bằng đá, cao 4m, dày 0,5m, lại còn được gia cố thêm những dây thép gai được kích hoạt điện. Trong khuôn viên của nhà tù, bốn góc chiếu theo bốn hướng đều có những tháp canh để theo dõi và quan sát nhất cử nhất động.Với những quy định nghiêm ngặt, thực dân Pháp yên tâm và tự đắc cho rằng Nhà tù Hoả Lò “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, “con kiến cũng chẳng lọt qua được”. Tuy nhiên đã có nhiều cuộc vượt ngục của tù nhân chính trị thành công khi cưa song sắt đường cống ngầm dưới sân trại tử hình chui ra ngoài. Một số bị bắt lại, một phần trong số họ trở về được căn cứ kháng chiến, tiếp tục tham gia chiến đấu.

Nhân dân ta và quân đội nhân dân Việt Nam thật anh hùng! Trong đó có nhiều người con ưu tú của dòng họ Phạm- các anh đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc và tên các anh còn sống mãi với dòng họ, với non song đất nước Việt Nam.

                                                                   Phạm Hữu Hỗ

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments