Trang chủHOẠT ĐỘNG DÒNG HỌTIN TP HỒ CHÍ MINH: THÀNH LẬP BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM...

TIN TP HỒ CHÍ MINH: THÀNH LẬP BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM VŨ TẠI PHÍA NAM

Ngày 19/10 tại TP HCM, đã diễn ra hội nghị  của tất cả các thành viên  Họ Phạm Vũ Đôn Thư (Thanh Oai, Hà Nội) hiện sinh sống, làm ăn ở Phía Nam, của các Phân Chi từ PC01 – PC65 / các Hệ (Đời) từ H11 – H14) gồm con cháu trai gái, dâu, rể…

  • Tiếp nối Ban Liên lạc Họ Phạm Vũ Miền Nam từ năm 1998, nay Ban Đại diện Họ Phạm Vũ được thành lập -có trách nhiệm điều hành hoạt động của Ban và liên hệ với Hội Đồng Gia Tộc Họ Phạm Vũ Đôn Thư (Hà Nội), cũng như Hội Đồng Họ Phạm tại TP HCM.
  • Hằng năm có các buổi sinh hoạt toàn thể thành viên, không định kỳ, nhằm vào các dịp Xuân Tế Tổ (18 tháng 3 Âm lịch ), dịp Tết, Lễ… do Thường trực triệu tập, để Họp mặt giao lưu, thăm hỏi và bàn bạc tham gia những việc lớn trong Họ.
  • Toàn thể thành viên trong Họ có nghĩa vụ đóng góp xây dựng Quỹ để chi dùng các buổi sinh hoạt, hiếu hỷ, thăm hỏi, khen thưởng cho các cháu học sinh có thành tích học giỏi. Ban Đại diện Họ Phạm Vũ TP HCM hoan nghênh những thành viên có hảo tâm ủng hộ quỹ Họ.
  • Toàn thể thành viên trong Họ có nhiệm vụ thông tin đến Thường trực những thành tích trong Lao Động, sản xuất, Học Tập, Nghiên cứu Khoa học…, hoặc những cống hiến giá trị cho cộng đồng của các thành viên trong Họ, để khuyến khich, động viên và phát huy truyền thống cho dòng họ, trong dịp họp mặt cuối năm.
  • Buổi Họp mặt ngày 19/10/2019 tại TP HCM đã thông qua Nghị Quyết thành lập:

BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM VŨ ĐÔN THƯ – Ở PHÍA NAM

  1. Phạm Vũ Động /PC8-H12/ Trưởng Ban (được tái cử)
  2. Phạm Vũ Phúc /PC44-H11/ uỷ viên thường trực
  3. Phạm Thị Thu /PC10-H12/ thủ quỹ
  4. Vũ Phạm Chánh /PC33-H11/ cố vấn
  5. Vũ Phạm Đính /PC33-H11/ cố vấn
  6. Phạm Vũ Quyên /PC36-H11/ cố vấn.

Ban Đại diện Họ Phạm Vũ ở Phía Nam hoan nghênh và khẩn thiết kêu gọi những thành viên có hảo tâm ủng hộ quỹ Họ để Ban có thể thực hiện các mục tiêu là Đoàn kết tất cả Đồng tộc họ Phạm Vũ trong các lĩnh vực sau đây:

-Khuyến tài, khuyến học

-Thăm ốm tại nhà, tại bệnh viện

-Tang điếu và Chúc thọ.

Sự thành công trong các mục tiêu nêu trên tất cả tùy thuộc vào các tấm lòng hảo tâm của Quý vị Đồng tộc.

Ban Đại diện chúng tôi xin chân thành cảm tạ Quý vị.

Trụ sở Ban Đại diện: số 118/2 Lê Văn Thọ -P11 –Q. Gò Vấp –TP HCM

Điện thoại: 0834 190277 – 0916 647988 – 0981 755785.

Dòng tộc “PHẠM VŨ” của Nhất Giáp Tam Nguyên

“VŨ PHẠM HÀM”
Điểm lại tình hình Đất nước ta hồi giữa thế kỷ 14, ta biết rằng sau khi Thượng hoàng Trần Minh Tông mất (1358), vua Dụ Tông rượu chè, chơi bời quá độ, từ chối “Sớ Thất trảm” của Chu Văn An, có thể nói đó là lúc bắt đầu thời kỳ suy thoái của Nhà Trần. Trong hoàn cảnh này, Hồ Quý Ly trở thành nhân vật số 1 đứng ra đương đầu với quân xâm lược Chiêm thành cùa Chế bồng Nga, Hồ Quý Ly đã dần thâu tóm quyền bính, gây thanh thế, nuôi âm mưu và, kết cục, tới năm 1400 đoạt ngôi Nhà Trần, dựng nên Nhà Hồ. Lúc này ở đất Ái Châu (Thanh Hóa), nơi Hồ Quý Ly xây dựng Thành Nhà Hồ – Di sản Thế giới ngày nay– đặt tên là Tây kinh. Vì thế, có nhiều gia đình buộc phải rời bỏ quê hương, đổi thành họ khác, ra đi tìm đất dung thân.
Chính trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, Thủy Tổ các dòng họ Phạm là ba anh em ruột, thiên cư từ Ái Châu ra Bắc, đã không có ý tìm một nơi đất tốt để cùng nhau cụm lại chung sức làm ăn, mà chủ trương chia nhau đến lập nghiệp ở 3 nơi cách xa nhau. Có thể là trốn chạy chính trị, nên các Cụ đã phải lo đến “bảo toàn nòi giống”.
 Nhờ bài “Minh Từ” do cụ Phạm Phúc Cơ viết – một tài liệu Hán văn quý giá, để tại Thư viện trường Viễn đông Bác cổ, nay mới được phát hiện ở Viện Hán Nôm Hà Nội – đã làm người họ Phạm  Đông Ngạc (tức làng Vẽ, huyện nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), người họ Phạm xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và người Họ Phạm ở vùng gốc Thời Trung – Đôn Thư (làng Chuông và Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Đông) vô cùng vui mừng xúc động.  Bài “Minh Từ” viết:
 “Dòng dõi nhà ta từ Ái Châu mà ra, theo phái Phạm, ba anh em mỗi người đến ở một nơi, một ở Đôn Thư, một ở Bát Tràng, một ở Đông Ngạc”.
Xã Đông Ngạc (tức làng Vẽ, huyện Từ liêm, Hà Nội), người họ Phạm xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và người Họ Phạm ở vùng gốc Thời Trung – Đôn Thư (làng Chuông và Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Đông) vô cùng vui mừng xúc động.
Ngẫm lại thời gian từ ngày Thủy Tổ các dòng họ ta đến 3 nơi trên đất Bắc dựng nghiệp tới nay, trải qua hơn sáu thế kỷ,. Ấy vậy mà nhờ ân đức Tổ Tông, các dòng họ chúng ta tới nay đều đã phát triển được 20 thế hệ, mà người cùng Họ anh em vẫn truyền đời giữ được mối liên hệ thân tình.

Vì lý do đó, mùa thu năm 1996, đại diện của 3 dòng họ Phạm ở Đông Ngạc, Thời Trung-Đôn Thư và Bát Tràng đã họp mặt ở nhà thờ họ Phạm Đôn Thư. Sau đó, có Lễ hội Đoàn tụ giữa họ Phạm gốc Thời Trung- Đôn Thư và họ Phạm xã Đông Ngạc vào ngày 15-10-2000 tại nhà thờ họ Phạm Tam Chi xã Phương Trung (tên cũ Thời Trung). Từ khi Thủ đô mở rộng về địa dư, cả 3 dòng họ Phạm đều cùng tọa lạc tại Hà Nội, đã được đoàn tụ về phương diện địa dư, sau một thời gian dài ly biệt từ thế kỷ 14 cho đến nay, khi 3 vị Thủy Tổ thiên cư từ đất Ái Châu ra miền Bắc lập nghiệp.

Tam nguyên Vũ Phạm Hàm, Lăng mộ cụ ở Đôn Thư, Thanh Oai, HN &

Đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo.

VŨ PHẠM HÀM (1864-1906)  thuộc Tộc “PHẠM-VŨ”
Họ PHẠM-VŨ có truyền thống hiếu học, các Cụ xưa tuổi nhỏ thường chăm chỉ học hành, đến khi ứng thí tuổi nói chung vẫn còn chưa cao, còn chưa thành thân và thành nghiệp. Do vậy có nhiều trường hợp các Cụ chuẩn bị lều chõng lên đường đi thi mà tên còn chưa được ghi tên trong Sổ Đinh của Làng, phải mượn tên người khác trong Sổ để đăng thí. Như 2 trường hợp sau:
– Cụ Phạm Vũ Quyền mượn tên của Chú ruột là Phạm Vũ Phác, cụ thi đỗ Hương Cống và làm quan đến chức Tế Tứu Quốc Tử Giám với tên của Chú là PV. Phác.
– Đặc biệt là cụ Phạm Vũ Cát khi đi thi mượn tên Vũ Đăng Dương, cụ đỗ Hương Cống năm 1821, làm quan đến Tri Huyện với tên Vũ Đăng Dương. Một cháu nội của Cụ lớn lên đi thi phài khai ba đời, nên không thể không khai tên Ông nội Vũ Đăng Dương, cháu nội Cụ đã khai tên là Vũ Phạm Hàm (1864 – 1906). Qua ba kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình cụ liên tiếp đỗ đầu bảng, vua Thành Thái ban sắc phong “Nhất Giáp Tam Nguyên Thám Hoa”, được bổ làm quan Đốc học các tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Hà Đông và làm quan Án Sát tỉnh Hải Dương. Khi cụ Vũ Phạm Hàm đỗ Thám Hoa, thân phụ cụ tên là Phạm Vũ Dự, được Vua sắc phong Thị giảng Học sĩ, nhưng với tên ‘Vũ Phạm Dự’. Sau này con cháu Thám Hoa Vũ Phạm Hàm giữ theo họ Vũ Phạm không sửa lại nữa. Đó là nguyên nhân tồn tại một Biệt Chi Vũ Phạm (PC33) trong dòng họ PHẠM-VŨ hiện nay.

 

– Giáo sư sử học Lê Lan đã nêu một so sánh như sau: “Nếu trí nhớ thần đồng của Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn thời Lê Trung hưng là có một, thì trí nhớ tuyệt vời của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm thời Nguyễn có thể kể là thứ hai!”.
– Sách ‘Quốc triều đăng khoa lục (triều Nguyễn)’ cùa Cao Xuân Dục cho biết: “Trong chánh bảng có 3 viên trúng Tam nguyên: Vũ Phạm Hàm trúng Nhất giáp Thám hoa, Nguyễn Khuyến và Trần Bích San trúng Nhị giáp”. Cao Xuân Dục xếp tên Vũ Phạm Hàm lên trên hai vị Tam nguyên còn lại, nói về phép chép sử là sai, vì cụ Thám Hàm đỗ sau hai cụ Nguyễn Khuyến và Trần Bích San, nhưng trong trường hợp này lại là sự cố ý biểu dương người đỗ cao. Trần Bích San đỗ Tam nguyên Nhị giáp khoa Ất sửu (1865), còn Nguyễn Khuyến đỗ Tam nguyên Nhị giáp khoa Tân mùi (1871).
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao giá trị nghệ thuật cũng như nội dung Thi ca của Vũ Phạm Hàm:
-Văn đàn báo giám của Trần Trung Viên (1890-1947) xuất bản từ 1926 đến 1939, công bố thơ ca của Vũ Phạm Hàm “Ông rất thông minh, học giỏi có tiếng, mọi người vẫn gọi ông là Thần đồng…”
-Năm 1971, học giả Trần Văn Giáp với bộ Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, ghi nhận đức độ và tài năng cùa cụ Thám Hàm “Ông là dòng dõi nhà nho học thanh bạch, thông minh sớm…”
-Từ điển nhân vật lịch sử năm 1991 của Nguyễn Q.Thắng cũng nhận xét:” Đương thời giới trí thức rất hâm mộ tài học và đức độ của ông..Thơ văn có nội dung, nghệ thuật sâu sắc, có nhiều hình tượng nghệ thuật mà giới yêu thơ thán phục.. “
-Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới) viết “ Vũ Phạm Hàm, nhà thơ Việt Nam..dòng dõi nhà nho, học giỏi, đỗ Tam nguyên Thám hoa. Tác phẩm chữ Hán của ông nói lên lòng chán ghét danh lợi, mơ ước được sống thanh nhàn, thể hiện lòng gắn bó với cảnh vật đất nước và tỏ lòng kính phục đối với một số người đã hy sinh vì đất nước…”.Về chữ Nôm, ông chỉ có một bài ‘Hương Sơn phong cảnh’, ứng tác ngay trên đường đi vãng cảnh Hương Tích cùng với bè bạn.
Về sự nghiệp trước tác của Vũ Phạm Hàm, ngoài các tác phẩm chữ Hán, ta cần kể tới “Thư Trì thi tập” (hiệu của ông là Thư Trì) – gồm 100 bài thơ, tác giả đều có ý gửi gấm tâm sự u hoài và tinh thần yêu nước kín đáo của mình.
Vũ Phạm Hàm có đôi câu đối hào hùng khí phách đề trước cửa đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và đền thờ Trần Hưng Đạo -SG:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí

Lục Đầu vô thủy bất thu thanh

 Dịch:Vạn Kiếp núi cao hơi kiếm tỏa

                 Lục Đầu nước chảy tiếng thu vang.

– Trước đây, Hà Nội có phố Vũ Phạm Hàm ở Ngũ Xá, sau do ngộ nhận đã bị đổi tên, nên vào ngày 27-8-2010 Hà Nội đã đặt lại tên “phố Vũ Phạm Hàm”- quận Cầu Giấy và tại Sài Gòn trước năm 1975, tên của ông cũng được đặt cho một con phố nằm dọc Kênh Ngang số 3 nối từ Kênh Đôi sang Rạch Lò Gốm (thuộc quận 6), nay là phố Bình Đức, Tp.HCM. Hy vọng Tp.HCM sẽ làm điều tương tự đối với vị Tam nguyên Vũ Phạm Hàm sánh ngang tài với Tam nguyên Lê Quý Đôn.

 –  Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ ( 1455 – ?) và Tam Nguyên Thám hoa (tương đương Trạng nguyên) Vũ Phạm Hàm đã mang lại niềm vinh dự và hiển hách to lớn cho tộc PHẠM VŨ nói riêng, và dòng họ PHẠM VIỆT NAM nói chung vậy!

PHẠM VŨ ĐỘNG

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments