Kính thưa: – Các vị khách quý !
– Thưa Các quí vị thành viên HĐTQ, HĐHP và HĐGT các địa phương trong cả nước; các vị nguyên là thành viên thường trực Ban Liên lạc HPVN; nguyên là các thành viên thường trực HĐTQ HPVN;
– Thưa các vị họ Phạm nguyên là và đương nhiệm các cương vị trọng trách các cơ quan TW và địa phương, các Tướng lĩnh, các nhân tài, người có nhiều công lao cho việc họ. Đại diện Chính quyền xã Thanh Liệt, Đại diện các dòng họ Nguyễn, Trần, Lê, Đặng, các cơ quan báo đài… và bà con cô bác dòng họ phạm gần xa đã hiện diện tại đây!
Hôm nay chúng ta họp mặt tại Nhà hát lớn TP Hà Nội để chào mừng ngày thành lập Ban liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội được thành lập ngày 24 tháng 10 năm 1996, nay là Hội đồng họ Phạm Việt Nam.
Trải qua 20 năm thành lập, hoạt động kết nối và phát triển của Hội đồng họ Phạm Việt Nam, đã có 3 lần đổi tên, đó chính là sự thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của dòng họ ngày càng đa đạng, phong phú và sâu rộng hơn; hoạt động theo tôn chỉ mục đích của Hội đồng họ Phạm Việt Nam là một tổ chức xã hội dòng họ, hoàn toàn tự nguyện của những người họ Phạm Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ Pháp luật của Nhà nước; nhằm tập hợp, đoàn kết những người họ Phạm có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối, giúp nhau xoá đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài; vinh danh những người họ Phạm có công với dân với nước; biểu dương “người tốt việc tốt”; giáo dục, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng Họ trong các thế hệ người họ Phạm Việt Nam.
Nhân dịp này chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường đã đi qua, cụ thể như sau:
I-GIAI ĐOẠN (từ 1996- đến 2002)
Là giai đoạn thành lập Ban liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội,
sau đổi tên là Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam
- Đó là năm 1996, trước nguyện vọng tha thiết của đông đảo bà con họ Phạm Việt Nam muốn được có một tổ chức để liên kết các dòng họ, thuận lợi là có một số Hội viên là con em họ Phạm cùng hoạt động trong “Câu lạc bộ UNESCO thông tin các dòng họ Việt Nam” tại Hà Nội, đã đứng ra thành lập Ban vận động thành lập “Ban Liên lạc lâm thời dòng họ Phạm”. Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, ngày 24 tháng 10 năm 1996, tại Chùa Quán Sứ Hà Nội, Cuộc họp mặt lịch sử đại biểu Họ Phạm lần thứ nhất đã được tổ chức; với sự có mặt của 74 vị đại biểu đại diện cho 36 chi phái họ Phạm sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng quê gốc ở các tỉnh /thành phố như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; các đại biểu đã nhất trí thành lập Ban liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội bao gồm 8 vị, do GS.TSKH Phạm Huyễn làm Trưởng ban liên lạc. (đây là Ban liên lạc Khoá I, 1996-1998)
- Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 24 tháng 8 năm 1997 tại 33 phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm Hà Nội. Sau cuộc họp mặt này, nhân dịp lễ tưởng niệm lần thứ 1452 ngày hóa của Phạm Đô Hồ Đại Vương, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã tổ chức cho toàn thể các vị dự họp, hành hương về xã Thanh Liệt để cùng với UBND xã Thanh Liệt và Ban quản lý Đình thờ Danh tướng Phạm Tu làm lễ tưởng niệm Ngài. Tại Lễ tưởng niệm này, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã trân trọng đề nghị các đại biểu cùng biểu quyết suy tôn Danh tướng Phạm Tu làm Thượng thuỷ tổ của họ Phạm Việt Nam. Kể từ đó, những người họ Phạm Việt Nam có một vị Thượng thuỷ tổ chung là Tả tướng quốc, Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân, Đô hồ Đại vương Phạm Tu. Quê hương Thanh Liệt – nơi phát tích của Danh tướng Phạm Tu, được coi là một vùng đất Tổ của Họ Phạm Việt Nam.
- Cuộc họp của Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội được tổ chức tại 37 phố Lý Nam Đế, Ba Đình , Hà Nội, vào ngày 23 tháng 8 năm 1998, đã bổ sung nhân sự cho Ban Liên lạc các dòng họ Phạm Việt Nam tại Hà Nội khoá II (1998-2002) gồm có 21 vị. Hội nghị đã nhất trí đồng ý để GS TSKH Phạm Huyễn được thôi giữ chức Trưởng ban, vì lý do sức khoẻ và đề cử TSKH Phạm Khắc Di làm Trưởng ban BLL các dòng họ Phạm tại Hà Nội.
4 .Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm lần thứ 3 tổ chức vào ngày 08 tháng 9 năm 1998, tại Hội trường của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, với sự có mặt tham dự của trên 100 đại biểu dại diện dòng họ Phạm các địa phương; để cùng dự Cuộc Hội thảo khoa học “Tưởng niệm Danh nhân Phạm Tu” do BLL họ Phạm Việt Nam tại Hà Nội và Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức .
- 5. Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm lần thứ 4 tổ chức vào ngày 30 tháng 8 năm 1999, tại Đình ngoại Thanh Liệt, Thanh Trì , Hà Nội, nhân ngày Giỗ lần thứ 1454 Thượng thuỷ tổ Họ Phạm Việt Nam.
- Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm lần thứ 5 tổ chức vào ngày 10 tháng 12 năm 2000, tại 33 phố Nhà Chung, nhân tưởng niệm 680 năm ngày mất của Trần triều Điện soái Tướng quân Phạm Ngũ Lão.
- Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm lần thứ 6 tổ chức vào ngày 29 tháng 12 năm 2001 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
- Năm 2002 có sự kiện đổi tên Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội thành Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam:
- Đó là ngày 31 tháng 05 năm 2002 tại Viện Bảo tàng dân tộc học , Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã họp và thống nhất đổi tên gọi “Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội” thành “Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam”, doTSKH Phạm Khắc Di làmTrưởng ban.
- Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm toàn quốc Ìân thứ 7 tổ chức vào ngày 16 tháng 11 năm 2002 tại Hội trường Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, Hà Nội, đã bổ xung nhân sự cho Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam- khoá III (2003-2008) gồm có 44 vị. do TSKH Phạm Khắc Di làmTrưởng ban.
II- GIAI ĐOẠN (từ 2003- đến 2010)
Là thời kì hoàn thiện tổ chức “Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam”
1.Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm toàn quốc lần thứ 8 do Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam tổ chức ngày 21 tháng 02 năm 2004 tại Thành phố Đà Nẵng; đây là một thử nghiệm tổ chức họp mặt BLL họ Phạm toàn quốc và đại biểu các HĐGT tại một địa phương, do Ban Liên lạc họ Phạm cấp tỉnh/thành đăng cai tổ chức. Về dự Cuộc họp mặt này có 107 đại biểu đại diện cho các dòng họ Phạm trong toàn quốc, đặc biệt là có đại biểu của các dòng họ Phạm sinh sống tại Miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh về dự. Tại cuộc họp mặt này đã cử ra Thường trực Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam (khoá III -2003-2008).
2 .Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm toàn quốc lần thứ 9 tổ chức vào ngày 30 tháng 4 năm 2005 tại thành phố Quảng ngãi . Về dự Cuộc họp mặt này có 105 đại biểu. Đại biểu dòng họ Phạm tại huyện đảo Lý Sơn, thuộc quần đảo Hoàng Sa đã tham dự.
- Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm toàn quốc lần thứ 10 tổ chức vào ngày 13 tháng 8 năm 2006, tại Đình Ngoài xã Thanh Liệt, Thanh Trì Hà Nội, nhân ngày giỗ Thượng thuỷ tổ của họ Phạm Việt Nam, đã mở đầu cho thời kì kết nối những hoạt động diện rộng của BLL họ Phạm Việt Nam.Về dự Cuộc họp mặt này có hơn 600 đại biểu các địa phương. Tại Cuộc họp mặt lần này có nhiều tài liệu viết về việc họ, về Danh tướng Phạm Tu và các Danh nhân khác của dòng họ Phạm đã được phát hành.
- Cuộc họp mặt họ Phạm toàn quốc lần thứ 11 gồm có đại biểu các HĐGT và BLL họ Phạm Việt Nam, được tổ chức tại thành phố Thái Bình , trong hai ngày 18 và 19 tháng 8 năm 2007. Về dự Cuộc họp mặt này có hơn 1000 đại biểu. Tại Cuộc họp mặt này, Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam đã biểu dương các BLL dòng họ và trao Bằng ghi công hoạt động việc họ, cho hơn 100 vị đã có nhiều cống hiến cho hoạt động việc họ trong thời gian (1996-2007). Tại Cuộc họp mặt này, một Linh mục người họ Phạm ở giáo sứ Thái Bình đã tặng hoa và phát biểu chúc mừng. Ông nói người họ Phạm có mặt trong hầu hết các tổ chức tôn giáo của Việt Nam và những cuộc họp mặt họ Phạm như thế này thực sự là một biểu hiện về tình đoàn kết lương- giáo ngay trong một dòng họ, cùng nhau chung sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày một hưng thịnh.
- Cuộc họp mặt họ Phạm toàn quốc lần thứ 12 do Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam khoá IV (2008-2009) được tổ chức tại Khách sạn Sông Nhuệ, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (ngày 12 tháng 7 năm 2009) bàn chuyên đề về việc họ; các đại biểu đã biểu quyết thông qua “Quy chế tổ chức và hoạt động của BLL họ Phạm Việt Nam”. Hội nghị đã biểu dương những đóng góp rất lớn của TSKH Phạm Khắc Di trong hơn 10 năm giữ trọng trách Trưởng ban BLL họ Phạm Việt Nam (từ 1997- đến 2009) và tán thành đề nghị của TSKH Phạm Khắc Di xin nghỉ làm việc họ, vì lý do sức khoẻ và tiến cử PGS, TS Phạm Đạo làm Trưởng ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam khoá V (2009- 2010). (Đã mời TSKH Phạm Khắc Di, nhưng…và xin trân trọng giới thiệu PGS, TS Phạm Đạo có mặt tham dự)
Trong thời gian này, Ban Liên lạc toàn quốc họ Phạm Việt Nam đã sớm quan tâm đến công việc nghiên cứu tra cứu các thông tin tư liệu về dòng họ; đã xuất bản 4 tập “Tư liệu về họ Phạm Việt Nam”; Xuất bản bộ sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt” gồm 2 tập gần 1000 trang in (2005, 2007). Năm 2002, đã cho ra mắt Bản tin nội tộc. Năm 2005 cho ra mắt Trang thông tin điện tử đầu tiên của họ Phạm Việt Nam, Cho đến nay, hàng ngày có tới hàng vạn người vào thăm Trang thông tin điện tử hophamvietnam.org để tra cứu thông tin.
Từ 2009, Thường trực BLL Họ Phạm Việt Nam cũng đã quyết định thành lập Quỹ công đức của BLL Họ Phạm Việt Nam để góp phần cùng Thành phố Hà Nội đầu tư thực hiện Dự án tu bổ và tôn tạo Phạm Tổ Linh Từ – Đình Ngoại xã Thanh Liệt; quyết định thành lập “Quỹ tấm lòng vàng Họ Phạm Việt Nam” để thực hiện các chương trình “khuyến học , khuyến tài” và trợ cấp cho những gia đình dòng họ có những khó khăn đặc biệt trong đời sống kinh tế.
Lần đầu tiên, BLL họ Phạm Việt Nam tổ chức Lễ Vinh danh nhân tài khuyến học, khuyến tài họ Phạm Việt Nam vào năm 2010, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng họ Phạm Việt Nam và trong dư luận xã hội .
Đồng thời quan tâm hướng dẫn các Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam địa phương xúc tiến việc đặt tên đường phố mang tên Danh tướng Phạm Tu tại một số thành phố và hiện ở nhiều nơi đã được chấp thuận. Khuyến khích việc an vị Tượng (hoặc Di ảnh) thờ vọng Danh tướng Phạm Tu tại một số Đền thờ mới xây ở những địa phương xa Hà Nội, hoặc tại Nhà thờ phạm Tộc ở một số tỉnh/thành phố; đó cũng là tâm nguyện của bà con cô bác họ Phạm trong cả nước.
- Cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ 13 tổ chức tại Thành phố Ninh Bình, ngày 29 tháng 8 năm 2010 (đúng vào ngày Giỗ Thượng thuỷ Tổ của Họ Phạm Việt Nam) do BLL họ Phạm tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức. Về dự có hơn 1500 đại biểu từ các tỉnh, thành phố trong toàn quốc . Đây là Cuộc họp mặt có số lượng đại biểu tham dự lớn nhất từ trước tới nay. Sau Lễ dâng hương Thượng Thủy Tổ theo nghi lễ dân tộc diễn ra trên sân khấu Hội trường là nội dung hội nghị; trong đó các đại biểu đã thông qua Danh sách BLL họ Phạm Việt Nam khoá VI nhiệm kỳ (2011-2015) gồm có 106 vị, do PGS, TS Phạm Đạo làm Trưởng ban.
III- Giai đoạn (từ 2011— đến 2015)
Chuyển tên Ban liên lạc HPVN thành Hội đồng HPVN
Một sự kiện quan trọng là ngày (23/10/2011) Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam ( thời kỳ 1996-2011) . Tại Lễ kỷ niệm các đại biểu đã thống nhất biểu quyết chuyển tên Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam thành Hội đồng Họ Phạm Việt Nam. Về nhân sự chuyển toàn bộ các vị thành viên BLL họ Phạm Việt Nam (khoá VI) làm thành viên của Hội đồng toàn quốc họ Phạm VN khóa VI (nhiệm kỳ 2011- 2015) do PGS, TS Phạm Đạo làm Chủ tịch Hội đồng. Đây là giai đoạn Hội đồng HPVN bước đầu tổ chức hoạt động thực hiện theo mô hình 5 cấp hội đồng.
- Về đặc diểm tình hình của giai đoạn này là:
- Ban Liên lạc Họ Phạm VN chuyển tên thành Hội đồng toàn quốc họ Phạm VN. Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam, với mô hình tổ chức theo địa bàn dân cư có cộng đồng người họ Phạm Việt Nam sinh sống, theo hệ thống ngành dọc 5 cấp hội đồng:
1/ Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt nam
2/ Hội đồng họ Phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
3/ Hội đồng họ Phạm các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh
4/ Hội đồng họ Phạm các xã, phường, thị trấn
5/ Hội đồng Gia tộc các dòng họ
- Nhân dịp tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -Hà nội, UBND Thành phố Hà Nội đã đầu tư cho tôn tạo, mở rộng khang trang to đẹp Phạm Tổ Linh Từ- Đình ngoại xã thanh Liệt; vì vậy HĐTQ-HPVN đã quyết định thôi không tổ chức các cuộc gặp mặt toàn quốc tại các địa phương như trước nữa, mà thay bằng 2 hình thức thích hợp hơn:
– Một là gặp mặt đông đủ bà con ngay tại Phạm Tổ Linh Từ vào dịp nhân ngày giỗ Thượng Thủy Tổ hàng năm.
– Hai là duy trì các Hội nghị HĐTQ họp thường kỳ hàng năm.
- Một số đền thờ Danh nhân họ Phạm và Từ Đường tộc Phạm ở các địa phương cũng được tôn tạo, trở thành nơi tập hợp bà con họ Phạm địa phương, nhân các ngày Lễ hội các Đình Đền thờ nơi đó.
- Những kết quả chính đã đạt được:
- Phong trào việc họ và tổ chức Hội đồng các cấp phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp cả nước và có sự hưởng ứng của bà con họ Phạm định cư ở nước ngoài. Nhiều địa phương sáng tạo ra các hình thức hoạt động phong phú lôi cuốn bà con tham gia. Nhiều tổ chức được thành lập mang đến cho việc họ sinh khí mới, như thành lập các CLB Doanh nhân, CLB Tuổi trẻ, CLB quần vợt, gold, bóng bàn; câu lạc bộ Thơ họ Phạm,…thực sự là các hoạt động có tác dụng kết nối dòng họ rộng khắp cả nước
- HĐTQ.HPVN quy định thống nhât mẫu cờ, logo họ Phạm, mẫu dấu HĐHP các cấp, duy trì đều các cuộc Hội nghị HĐTQ định kỳ hàng năm, các cuộc họp Thường trực HĐTQ hàng quý và có các Thông báo của Thường trực HĐTQ, là những định hướng cần thiết cho các hoạt động việc họ của các cấp Hội đồng.
- HĐTQ và HĐHP các cấp cũng đã quan tâm xây dựng và ban hành bổ xung các qui định Quy chế, làm cơ sở cho tổ chức thực hiện các hoạt động dần đi vào nề nếp. Hoạt động hướng về cội nguồn luôn thu hút được đông đảo bà con tham gia.
- d. Các hoạt động văn hóa – xã hội, khuyến học khuyến tài, hỗ trợ những người gặp hoàn cảnh khó khăn được tổ chức đa dạng và sôi động từ cơ sở đến phạm vi cả nước. HĐTQ đã tổ chức Lễ vinh danh nhân tài, khuyến học khuyến tài vào ngày 19 tháng 5 năm 2013 tại Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội; kết hợp với các cuộc Hội nghị của HĐTQ hàng năm Vinh danh những người họ Pham có đóng góp công sức và tiền của cho việc họ. Ngoài ra, các HĐHP địa phương còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do chính quyền, đoàn thể phát động như bảo vệ an ninh, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa… được chính quyền các địa phương đánh giá cao.
- Hoạt động thông tin – tư liệu là công cụ đắc lực tuyên truyền, phát huy truyền thống dòng họ, quảng bá hoạt động, giữ mối gắn kết các Hội đồng các cấp và bà con. Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử đã đảm bảo ấn hành được đều đặn, thường xuyên duy trì tin bài và nâng cao chất lượng ấn phẩm, hình thức trình bày trên Web, được bà con cả nước đón đọc, từ đó nắm bắt chủ trương của Hội đồng, tin tức hoạt động các nơi, động viên nhau quan tâm và tham gia việc họ.
- Công tác Tộc phả và kết nối dòng họ được củng cố, sưu tầm, bảo quản, giới thiệu tư liệu, nghiên cứu một số dòng họ lớn lâu đời và cư trú trải rộng nhiều tỉnh thành, hướng dẫn viết gia phả (viết bài, in sách, mở hội nghị phổ biến cách làm gia phả….). Các Gia tộc rất coi trọng việc biên soạn gia phả, tộc phả để tìm hiểu cội nguồn. Đang cố gắng thực hiện số hóa mã hóa lưu trữ các thông tin tư liệu, kết nối thông tin tìm về cội nguồn; phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học quốc gia để ngày càng làm rõ hơn công đức của các bậc tiền bối họ Phạm với đất nước.
- Công việc Lễ tân được các HĐHP các cấp coi trọng, bảo đảm tốt việc tổ chức các sự kiện lớn nhỏ. Đặc biệt nhiều nơi tổ chức nghi lễ thờ cúng, tế Tổ rất bài bản, trang trọng.
- Quĩ tài chính cho hoạt động việc họ luôn là khâu quan trọng và có nhu cầu lớn và chủ yếu dựa vào hảo tâm của các doanh nhân và đông đảo bà con nên cơ bản vẫn đáp ứng được cho các hoạt động của HĐHP các cấp.
IV- GIAI ĐOẠN (2015—2020)
Tiếp tục xây dựng và phát triển Hội đồng họ Phạm Việt Nam
Đại hội VII (nhiệm kỳ 2015- 2020) của Hội đồng họ Phạm Việt nam được tiến hành vào ngày (02/8/2015) . Đại hội đã thông qua Báo cáo Tổng kết các hoạt động trong 5 năm (2010-2015) và Phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ (2015- 2020); thông qua “Qui chế ( sửa đổi) về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt nam” cho phù hợp với tình hình mới; tặng “Bằng vinh danh vì việc họ” cho 10 vị và “Bằng Ghi công vì việc họ” cho 64 vị là các vị thành viên Ban Liên lạc Họ Phạm VN các khóa trước đây và một số vị thành viên Hội đồng toàn quốc họ Phạm VN khóa VI.
Về nhân sự, Đại hội đã thông qua Danh sách Hội đồng toàn quốc họ Phạm VN khóa VII (nhiệm kỳ 2015- 2020) gồm có 105 vị, do Tiến sỹ Phạm Vũ Câu làm Chủ tịch Hội đồng. Đại hội đã thông qua phương hướng hoạt động việc họ nhiệm kỳ (2015-2020) với những nội dung chủ yếu như sau:
- Tiếp tục xây dựng và phát triển Hội đồng họ Phạm Việt Nam trên cơ sở phát huy đạo lí truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo thờ tổ tiên “tri ân tiên Tổ”.
Sức hút vô hình là sức mạnh tâm linh mà những người con họ Phạm cũng như mọi người con dân đất Việt, là dù ở xa cách nơi đâu cũng háo hức mong muốn có dịp về dâng hương bái yết Anh linh cụ Khởi tổ, các cụ tiên Tổ tại Từ đường – Nhà thờ Tổ – được xây dựng tại Quê hương cách nay vài trăm năm hoặc nghìn năm trước; hoặc là mới xây nên tại nơi cư ngụ mới trong thời gian gần đây. Trong tâm niệm như vậy, những người con họ Phạm đồng tâm hướng về Thượng Thủy Tổ- Phạm Đô Hồ Đại Vương, và cùng với toàn dân trăm họ hàng năm hành hương về Phạm Tổ Linh Từ – quê hương Thanh Liệt- “Miền đất Tổ” của HPVN. Công đức của Phạm Đô Hồ Đại Vương mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu dòng họ Phạm Việt nam noi theo.
Nhớ khi xưa, Lão Tướng quân Phạm Tu, nhà chỉ huy quân sự tài ba, bước sang tuổi 70, đã anh dũng hy sinh ( vào ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu, tức ngày 13/8/năm 545) khi chỉ huy quân sĩ bảo vệ “Tòa thành ở cửa sông Tô Lịch”- là nơi khai sinh ra đô thị Hà Nội cổ; trong cuốc chiến đấu không cân sức với quân giặc Nhà Lương hung hãn, cầm chân quân giặc để Vua Lý Nam Đế cùng Tướng sĩ rút lên giữ Thành Gia Ninh ở Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ tìm kế đánh giặc lâu dài, giữ yên bờ cõi được hơn 50 năm nữa. Khí phách tử thủ giữ Thành chống quân xâm lược nhà Lương cách nay 15 thế kỷ, được lặp lại trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ Đô Hà Nội trong những ngày đầu năm 1947; các chiến sỹ ta khắc lên vách các chiến hào “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đã giam chân giặc Pháp ở Hà Nội để Chính phủ và đại quân của ta an toàn rút khỏi Thủ đô tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Các con cháu họ Phạm vô cùng tự hào về Người anh hùng dân tộc- Danh Tướng Phạm Tu- Thượng Thủy Tổ HPVN.
Một sự kiện không thể nào quên mới cách nay 2 tháng là thể hiện tấm lòng thành kính với Thượng Thủy Tổ, nên các con cháu họ Phạm mặc cho thiên tai gió bão vẫn hướng đến ngày hóa của Ngài. Năm nay, sau những ngày chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3- Bão Thần Sét giật cấp 12 đổ vào Hải Phòng , Thái Bình,..tại Hà Nội mưa lớn gió giật cấp 8; đến sáng sớm ngày 22/8/2016 ( ngày 20/7 Bính Thân) tại Hà Nội vẫn có từng đợt mưa như trút nước, vậy mà các đoàn xe chở cháu con họ Phạm từ Hải Phòng , Thái Bình, Hoà Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định,.. và từ nội ngoại thành Hà Nội , cùng với nhân dân địa phương xã Thanh Liệt và khách thập phương vẫn tề tựu đông đủ tại Phạm Tổ Linh Từ – Đình Ngoại xã Thanh Liệt trước 8g00 sáng để dự khai mạc Lễ Giỗ và Tế lễ Đức Ngài. Chính quyền địa phương và nhân dân xã Thanh Liệt xúc động và ngưỡng mộ tấm lòng tri ân tiên Tổ của cháu con họ Phạm với sự hiện diện của gần 1000 người từ khắp nơi, không quản ngại gió mưa , tay bắt mặt mừng đem lễ vật hương đăng trà quả, lòng thành, cùng về tế Tổ.
Với công đức lớn lao với dân, với nước, nên trong dịp Lễ giỗ Đức Ngài năm Bính Thân 2016, chính quyền địa phương và đại diện dòng họ Phạm vui mừng và trân trọng được đón tiếp các Đoàn, các vị đến dâng hương Phạm Đô Hồ Đại Vương- Thượng Thủy Tổ HPVN, gồm có các Đoàn : Đại Tướng Trần Đại Quang, Chủ tịch nước.Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành Ủy Hà Nội. Ông Phạm Thế Duyệt nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư.Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Bí thư Thành Ủy Hà Nội. Một số vị là những người con của dòng họ đã và đang đảm nhiệm các cương vị trọng trách của quốc gia, tại các tỉnh thành phố; Tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang; là nhân tài được Nhà nước vinh danh; nguyên là thành viên Ban liên lạc họ Phạm và Hội đồng họ Phạm các nhiệm kỳ. Đại diện HĐHP Quảng Nam- Đà Nẵng, HĐHP tỉnh Cà Mau, HĐHP tỉnh Bình Định cũng đã về dâng lễ giỗ Thượng Thủy Tổ.
Kỷ niệm 20 năm thành lập Ban liên lạc họ Phạm VN nay là Hội đồng HPVN, Chúng ta hướng về Thượng Thủy Tổ, càng tự hào về Người bao nhiêu, các thành viên Hội đồng Họ Phạm Việt Nam cùng các con cháu họ Phạm , càng ý thức được trách nhiệm và tâm huyết với dòng họ, tìm về cội nguồn, tri ân tiên Tổ. Đó chính là sức mạnh kết nối phát triển Hội đồng họ Phạm Việt Nam trong thời gian qua, ngày càng lớn mạnh, gắn bó anh em trong tình đồng tộc, sẻ chia, đồng tâm đồng thuận, chuyển giao giữa các thế hệ để cùng nhau giữ gìn phát huy truyền thống rất đỗi tự hào của dòng họ Phạm Việt Nam.
2.Tiếp tục hoàn thiện tổ chức Hội đồng theo mô hình 5 cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.
Cần nhận rõ HĐ họ Phạm không phải là tổ chức quyền lực hành chính, ra các chỉ thị mệnh lệnh, mà HĐ “cấp trên” hay “cấp dưới” là do phạm vi lãnh thổ hoạt động. Các HĐ mỗi cấp có tính độc lập tương đối, tự sáng tạo các hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của mình, đồng thời có quan hệ giao lưu, phối hợp các HĐ địa phương bạn cùng lo việc họ.
Thực trạng quá trình vận động, xây dựng và hoạt động các HĐHP địa phương trong 20 năm qua, mặc dù được đánh giá là một trong số các dòng họ Việt Nam có tổ chức và hoạt động sôi động, rộng khắp và hiệu quả, song tính đến thời điểm tiến hành Đại hội nhiệm kỳ VII, HĐHP Việt Nam đã có 33 tổ chức hội viên (gồm 28 HĐHP cấp tỉnh/thành và có 5 tổ chức hội viên trực thuộc HĐTQ. Như vậy còn không ít tỉnh trong cả nước chưa có HĐHP cấp tỉnh/ thành. Có một số tỉnh như Thái Bình đã có HĐHP ở hầu khắp các huyện, nhiều huyện có hàng trăm nhà Thờ tộc họ; có huyện như Đông Anh- Hà Nội đã có HĐHP ở hầu khắp các xã. Huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đã có 100% số xã đã có HĐHP cấp xã. Song lại có nhiều tỉnh nằm sát các thành phố đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đến nay vẫn chưa có HĐHP cấp tỉnh. Ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM vẫn còn nhiều quận, huyện chưa có HĐHP cấp quận huyện; Như vậy rõ ràng là do nhiều nguyên nhân mà còn nhiều địa phương trong cả nước chưa có HĐHP, với các địa phương vùng sâu vùng xa ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam còn có tính đặc thù nên gặp nhiều khó khăn hơn; do đó tất yếu là phải có thời gian chờ đợi kết nối và tổ chức phát triển các HĐHP địa phương. Thường trực HĐTQ đã tổ chức tọa đàm hội thảo tại Đà Nẵng vào tháng 7/2016 và nhất trí kết luận: giữ nguyên và phát huy hiệu quả mô hình hoạt động 5 cấp hội đồng; không cần tăng thêm các Phó Chủ tịch HĐTQ , mà cần tăng cường thêm nhân sự của HĐTQ tại khu vực miền trung và miền Nam, để các Phó Chủ tịch HĐTQ phụ trách Miền có thêm lực lượng tại chỗ, tổ chức thực hiện chăm lo việc giúp đỡ kết nối dòng họ để giúp thành lập thêm HĐHP tại các địa phương.
- Phát huy vai trò của Hội đồng họ phạm toàn quốc, HĐHP cấp tỉnh/thành và cấp Hội đồng gia tộc; coi trọng là các HĐGT, nơi liên kết chặt chẽ mọi thành viên theo huyết thống thiêng liêng, dễ tạo được sự đồng thuận cao, dễ huy động sức người sức của cho các hoạt động việc họ. Bổ xung nâng cao chất lượng bộ phận thường trực, nhất là ở HĐTQ, HĐHP các tỉnh/thành, Củng cố và nâng cao năng lực tất cả các Ban chuyên trách, bố trí đủ người thực sự có tâm, có tầm và tự nguyện làm việc họ.
- Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên
- Hội đồng doanh nhân HPVN: Ngày 29.3.2009, tại Hà Nội, đại hội toàn quốc lần thứ nhất Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm Việt Nam đã được tiến hành trọng thể, bầu ra Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và đã thông qua Qui chế Tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ doanh nhân họ Phạm Việt Nam. Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm Việt Nam là thành viên của Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam. Đến ngày 23/5/2015 , tiến hành đại hội CLB nhiệm kỳ (2015-2020) đã thông qua quyết định đổi tên “Câu lạc bộ doanh nhân họ Phạm Việt Nam” thành “Hội đồng doanh nhân họ Phạm Việt Nam”. Hội đồng doanh nhân họ Phạm việt nam là một tổ chức tự nguyện của các doanh nhân họ Phạm trong, ngoài nước và các anh, chị, em họ Phạm đang làm việc tại các cơ quan công quyền có liên quan đến cơ chế chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp. Xác định nhiệm kỳ 5 năm tới cũng là giai đoạn tiếp tục thử thách quyết liệt cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, định chế kinh tế của khối ASEAN, các định chế kinh tế khu vực và quốc tế khác; do đó cần thiết có nhiều phương thức, hình thức tổ chức hoạt động mới phù hợp với mô hình hiệp hội, để các doanh nhân họ Phạm có thể sát cánh bên nhau, giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng phát triển. Yêu cầu trước mắt là tập hợp được ngày càng nhiều hội viên, cần có nhiều hội viên tiềm năng về tài chính, về kinh nghiệm thương trường, về quan hệ xã hội; tài năng về quản lý kinh tế, về khoa học công nghệ. Trọng tâm hoạt động của Hội đồng doanh nhân họ Phạm Việt Nam là thực hiện phương thức hoạt động như một Hiệp hội dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trao đổi các cơ hội kinh doanh, bán chéo sản phẩm giữa các thành viên; giúp các doanh nghiệp họ Phạm Việt Nam kết nối kinh doanh hiệu quả, mang lại nhiều cơ hội tăng doanh thu. Có thể thành lập Công ty cổ phần với các cổ đông là các doanh nhân họ Phạm là hội viên của Hội đồng và có thể mở rộng huy động vốn từ các thành viên trong dòng họ; Công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp; phát huy thế mạnh liên kết sức mạnh tổng hợp , đa ngành nghề lĩnh vực của các doanh nhân họ Phạm, trích một phần lợi nhuận góp vào Quĩ của Hội đồng dòng họ; đồng thời tham gia vào các hoạt động việc họ.
- Các Câu lạc bộ Văn hóa- Thể thao,..tiếp tục phát triển, thiết thực góp phần kết nối phát triển Hội đồng họ Phạm VN.
+ Câu lạc bộ Quần vợt Họ Phạm Việt Nam: Ngày 19/04/2014 ra mắt CLB Quần vợt Họ Phạm Sài Gòn là dấu mốc quan trọng đánh dấu khởi đầu phong trào thể thao của dòng họ Phạm VN, với sự tham gia ban đầu của các vận động viên tại TP.HCM và các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre. Sau đó lần lượt ra mắt CLB Quần vợt Thủ Đô Hà Nội, CLB Quần vợt Đà Nẵng, Câu Lạc Bộ Quần vợt Họ Phạm Tây Nam Bộ. Ngày 20/09/2015 Hội đồng Họ Phạm VN quyết định tổ chức Giải Quần vợt truyền thống Họ Phạm Toàn quốc lần thứ nhất quy tụ các tay vợt xuất sắc của cả ba khu vực Bắc – Trung – Nam tham dự và giải chung kết tổ chức tại Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp. Tính đến cuối năm 2015 tổng số hội viên đã vượt trên con số 500 anh em là con trai, gái, dâu, rể họ Phạm ở khắp các tỉnh thành phố trên cả nước. Nhân dịp Giỗ Thượng Thủy Tổ Họ Phạm Việt Nam năm Bính Thân 2016 và chào mừng Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng Họ Phạm Việt Nam, ngày 16/6/2016 Hội đồng Họ Phạm VN quyết định tổ chức Giải Quần vợt truyền thống Họ Phạm Toàn quốc lần thứ hai, giải chung kết vừa diễn ra ngày 22/10/2016 tại Thủ đô Hà Nội.Từ những ngày đầu không quen biết, sau các mùa giải đến nay các VĐV từ khắp phương trời đã rất thân thuộc nhau như anh em một nhà. Câu lạc bộ Quần vợt Họ Phạm Việt nam thực sự là sân chơi kết nối anh chị em yêu thích môn bóng này từ mọi miền đất nước tham gia sinh hoạt giao lưu, tạo nên bầu không khi đoàn kết thương yêu nhau, giúp nhau trong cuộc sống và phát huy truyền thống văn hóa của dòng Họ Phạm chúng ta.
+ Ban Văn hóa –Xã hội- Hội đồng toàn quốc HPVN và các Hội đồng họ Phạm tỉnh/thành phố đang tiếp tục chuẩn bị cho thành lập các CLB bóng đá, CLB bóng bàn, CLB lương y,..cùng với các CLB tuổi trẻ, CLB thơ ca,…là những sân chơi giành cho các lửa tuổi khác nhau, yêu thích đam mê các hoạt động văn hóa thể thao, lập nghiệp, thường xuyên thông tin trao đổi hẹn hò sinh hoạt CLB, trên mạng Internet ( website, viber, facebook,..) thực sự là các cầu nối mở rộng và phát triển các thành viên Hội đồng họ Phạm VN.
- 5. Các hoạt động thường xuyên khác như nghiên cứu sưu tầm công đức của các Danh nhân , nhân Thần người họ Phạm từ các triều đại xa xưa, biên soạn tộc phả, kết nối dòng họ, khuyến học khuyến tài, vinh danh nhân tài, vinh danh người có công với việc họ, tu sửa tôn tạo Từ đường Phạm tộc , hoạt động thông tin tư liệu, hoạt động tài chính,...cũng được tiếp thu, phát huy những kinh nghiệm tốt có được từ thực tiễn hoạt động trong 20 năm qua.
Hội đồng Họ Phạm Việt nam trải 20 năm thành lập và phát triển, từ tiền thân là Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam tại Hà Nội, nay hoạt động hiệu quả với mô hình 5 cấp của Hội đồng; đó là một thời gian dài với đầy ắp các sự kiện, phát triển mở rộng liên tục và mạnh mẽ; chứng kiến những người con (kể cả trai, gái , dâu, rể ) trong dòng họ với những nỗ lực phi thường và hoạt động ngày càng phù hợp với nhu cầu kết nối phát triển, hoạt động tự nguyện, đa dạng thiết thực với các tổ chức hội đồng thành viên trải khắp mọi miền của đất nước.
Trong thời gian 20 năm qua, Ban LLHPVN, HĐHPVN đã rất quan tâm đến việc Vinh danh nhân tài, khuyên học khuyến tài, vinh danh và ghi công những vị đã có công đầu, giành nhiều tâm, đức và tài trợ cho hoạt động việc họ. Tại cuộc họp mặt họ Phạm toàn quốc lần thứ 11 tại thành phố Thái Bình (tháng 8 năm 2007). Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam đã biểu dương các BLL dòng họ và đã biểu dương và trao “Bằng ghi công” hoạt động việc họ cho hơn 100 vị đã có nhiều cống hiến cho hoạt động việc họ trong thời gian (1996-2007). Chuẩn bị cho Đại hội VII (ngày 02/8/2015) Thường trực HĐTQ khóa VI đã rà soát rất kĩ và đã tặng “Bằng vinh danh vì việc họ” và “Bằng Ghi công vì việc họ” cho 74 vị là thành viên Ban Liên lạc Họ Phạm VN các khóa trước đây và một số vị thành viên Hội đồng toàn quốc họ Phạm VN khóa VI. Do vậy tại Lễ kỷ niệm này, HĐTQ HPVN khóa VII quyết định sẽ vinh danh nhân tài, khuyến học khuyến tài cho các học sinh đoạt giải cao và những người con ưu tú của dòng họ được nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quí trong các năm 2015-2016; đặc biệt nhân dịp này sẽ vinh danh các Doanh nhân họ Phạm có tấm lòng vàng vì việc họ trong nhiều năm qua đã công đức cho tôn tạo các Từ Đường dòng họ, tài trợ cho các hoạt động của tất cả các cấp hội đồng họ phạm với tổng gía trị từ 500 tr đ trở lên; với các Nhà hảo tâm (không phải là doanh nhân) có tấm lòng vàng vì việc họ là những bà con cô bác trong dòng họ đã tài trợ cho các hoạt động dòng họ từ 100 tr đồng trở lên và vinh danh các nhà tài trợ cho tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm tự hào và phát triển của họ Phạm Việt Nam.
Những thành công hoạt động việc họ ta, có được trong 20 năm qua, thật xứng đáng để cả tộc họ Phạm, với muôn ngàn dòng tộc, vui mừng kỷ niệm, cùng nhau chúc mừng những việc đã làm tốt, chỉ ra những bài học cần thiết, để tất cả các cấp hội đồng trong Hội đồng họ Phạm VN, tiếp tục hướng tới mục tiêu đoàn kết cùng nhau trong dòng tộc, nối tiếp truyền thống Tổ Tiên, xây dựng và phát triển dòng Họ Phạm mãi mãi trường tồn, giữ gìn truyền thống Tổ Tiên danh thơm muôn thuở.
Kính chúc các quí vị đại biểu, các vị khách quí và toàn thể bà con cô bác anh chị em họ Phạm cùng toàn thể các gia đình: sức khỏe , hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cám ơn!
T/M HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM
Chủ tịch HĐTQ
TS.Phạm Vũ Câu