Vẫn nghe danh làng Hoa Đường huyện Đường An trấn Hải Dương xưa, nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, từng là danh hương, là “làng khoa bảng” với 12 tiến sĩ Nho học, quê hương của 3 danh nhân họ Phạm là Phạm Quý Thích, Phạm Dương Ưng, Phạm Hy Lượng (chỉ thua làng “Tiến sĩ sào” Mộ Trạch, cùng huyện, có 36 vị TS; làng Cót, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội có 19 vị; làng Đông Ngạc nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, HàNội có 18 vị; làng Tam Sơn nay thuộc TX Từ Sơn, Bắc Ninh có 17 vị), lại là quê hương của Nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng GS Phạm Khuê, GS Phạm Thắng, cho nên tôi tìm hiểu về làng này.
Tình cờ, khi đọc tài liệu về dòng họ Vũ làng Hoa Đường – Lương Ngọc, tôi thấy một câu “…quyển phả cổ nhất của dòng Vũ -Tông (khoảng 1807- 1813) cho biết đích xác rằng tiên tổ của tộc Vũ – Tông Lương Ngọc vốn họ Phạm, khoảng cuối thế kỷ XVI mới đổi sang họ mẹ là Vũ”. Tôi đã trao đổi với PGS.TS Vũ Thế Khôi, tác giả của bài viết có câu đó. PGS.TS Vũ Thế Khôi là hậu duệ đời thứ 5 của TS Vũ Tông Phan. Ông Vũ Thế Khôi khẳng định đó là thông tin chính xác.
Như vậy, DÒNG HỌ VŨ TÔNG LÀNG HOA ĐƯỜNG (nay là Lương Ngọc) VỐN LÀ HỌ PHẠM. Như thế là, 3 vị Tiến sĩ Nho học họ Vũ Tông làng Hoa Đường – Lương Ngọc vốn là người họ Phạm. Đó là các vị:
1/ Vũ Tông Diễm, đỗ Tiến sĩ năm 1772.
2/ Vũ Tông Khuê, đỗ Tiến sĩ năm 1822.
3/ Vũ Tông Phan (cháu gọi Tông Diễm bằng ông chú), đỗ Tiến sĩ năm 1826.
Và một số vị đỗ Hương cống của dòng Vũ Tông.
Trong số này phải kể đến TS Vũ Tông Phan (1800-1851). người đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Bính Tuất-1826, thời Minh Mệnh, học trò danh sĩ Phạm Quý Thích, bạn của Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu. một danh sĩ ưu dân ái quốc, người đã cùng Nguyễn Siêu và các danh sĩ Bắc Hà dựng lên quần thể kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm với Đài Nghiên – Tháp Bút – cầu Thê Húc – đền Ngọc Sơn. TS Vũ Tông Phan là người đã góp công rất lớn cho việc chấn hưng nền văn hóa Thăng Long giữa thế kỷ XIX.
Và trong dòng họ Vũ Tông còn phải kể đến cụ Vũ Đình Hòe (1912-2011), hậu duệ trực hệ đời thứ tư của TS Vũ Tông Phan, là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời DCCH tháng 8-1945, là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm từ năm 1946 đến năm 1960 khi Bộ Tư pháp giải thể. Đồng thời, cụ là vị đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 của Thủ đô Hà Nội (đại biểu của Đảng Dân Chủ). Cụ cũng trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp giảng môn Kinh tế cho các lớp xã hội – chính trị đặc biệt.
Tôi rất vui mừng vì thông tin này – dòng họ Vũ Tông danh giá vốn là Họ Phạm.
PHẠM THÚY LAN