Trong gia phả họ Phạm Phú Thứ có ghi rõ: Thủy tổ họ Phạm Phú Thứ là cụ Phạm Phú Điều, xưa kia người gốc từ miền Bắc vào định cư lập nghiệp tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay là xã Điện Trung huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam.
Cụ Phạm Phú Điều giỏi chữ nho, được người trong làng kính trọng và mới ra dạy học, cụ trở thành vị Hương sư có tiếng trong vùng.
Đời thứ hai, có cụ Phạm Phú Sỹ và Phạm Phú Tài. Cụ Phạm Phú Sỹ học giỏi nhưng không đi thi, ra vánh vác việc hương chính, dạy con lấy đọc sách thánh hiền làm gốc. Cụ nói: “Các con được xem sách thánh hiền là vạn hạnh, há đợi có lợi lộc rồi mới lo học ư”. Cụ Phạm Phú Tài thì giỏi việc cầm quân, sau tử trận được truy phong “Anh dũng tướng quân”.
Đời thứ ba có cụ Phạm Phú Tín làm đến chức Triều liệt đại phu thị giảng học sĩ được truy tặng Trung phụng đại phu. Cụ dạy con cháu: “Nhà ta là dòng thi lễ, chúng ta phải để tâm chấn chỉnh hương thôn, các cháu nối chí ông cha giữ gìn gia giáo gắng chí tu thân… ta muốn các con chớ nghĩ gì khác mà trễ biếng sự học”.
Sang đời thứ tư có cụ Phạm Phú Cang cũng là người thông thạo nho học, nhưng không thi cử ở nhà làm ruộng.Cụ Phạm Phú Chung đi về đường võ bị làm đến chức Thân quản cơ, sung tước chung đức hầu, được tặng “Anh dũng tướng quân” trấn thủ đất Biên Hòa.
Đời thứ năm có cụ Phạm Phú Quân làm quan võ, chức Thần sách quân. Cụ Phạm Phú Sung, thân sinh cụ Phạm Phú Thứ, là người có uy tín trong làng, chăm lo việc Hương chính, làm ruộng, lúc rỗi đọc sách thánh hiền làm thú vui. Hai ông Phạm Phú Nghĩa và Phạm Phú Hữu (chú của cụ Phạm Phú Thứ) đều học giỏi cùng thi đỗ tú tài vào năm Tân Tỵ (1821).
Đời thứ sáu có cụ Phạm Phú Duy, anh ruột cụ Phạm Phú Thứ, thi đỗ cử nhân làm đến chức Kinh lịch thì qua đời.
Cụ Phạm Phú Thứ sinh ngày 27 tháng 1 năm 1821, bẩm tính thông minh, lúc 12 tuổi đã giỏi thơ văn nổi tiếng trường huyện. Khi lớn lên cụ liên tiếp đạt được những thành tích rực rỡ. Trong vòng năm năm liền (1839 – 1843) cụ thi đỗ đầu xứ, rồi tú tài, tiếp đến vào hai kỳ thi Hương và thi Hội cụ đều đỗ đầu, đạt học vị tiến sĩ lúc 22 tuổi.
Cụ đã kinh qua các chức vụ: Tri phủ, Kinh diên Khởi cư chú, Viên ngoại lang bộ Lễ, Tả tham trị bộ Lại được sung vào Cơ mật viện, Tham tri bộ Binh, Tổng đốc Hải Yên kiêm Tổng lý Thương chánh đại thần, Thượng thư bộ Hộ. Ngoài ra cụ còn được cử làm Khâm sai đại thần và được chỉ định làm Phó sứ trong sứ bộ triều đình sang Pháp và Tây Ban Nha (1863). Với công lao cống hiến của cụ cho đất nước, khi cụ qua đời (5-2-1882) triều đình Tự Đức đã cho truy phục (*) thực thụ hàm Nhất phẩm với tước VINH LỘC ĐẠI PHU TRỤ QUỐC HIỆP BIỆN ĐẠI HỌC SĨ và dụ cho quan tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức lễ tang có điếu văn của nhà vua.
Người em kế cụ Phạm Phú Thứ là Phạm Phú Lữ học rất thông minh nhưng khi chuẩn bị đi thi Hương thì phát bệnh, mất lúc 18 tuổi. Người em thứ hai là Phạm Phú Thận, một trong những người giúp việc cho phái bộ triều đình sang Pháp năm 1863, sau này cụ làm Kinh lịch tỉnh Phú Yên, mất năm 1900. Lúc sinh thời tính tình ngay thẳng, thanh liêm, nên khi mất nhân dân địa phương tưởng nhớ phúng hai câu liễn, (khắc ghi sau bình phong ngôi mộ cụ) với nội dung: “Liên tọa hồ trung xuân bất lão. Quế trung nguyệt thượng địa vô trần” (sen giữa hồ tươi mãi không tàn. Cung quế trên mặt trăng không dính chút bụi trần), cả hai câu ý nói sức sống vĩnh hằng và cuộc đời thanh bạch của cụ.
Đời thứ bảy có cụ Phạm Phú Tướng đỗ tú tài Hán học, ông Phạm Phú Lượng đỗ tú tài tân học. Ông Phạm Phú Đường là người có tư tưởng canh tân, cùng thời với Nguyễn Lộ Trạch. Ông Phạm Phú Lâm gọi cụ Phạm Phú Thứ bằng chú ruột, đỗ cử nhân. Ông Phạm Phú Lý giỏi việc binh cơ, dưới thời nhà Nguyễn làm đến chức Thống chế.
Đời thứ tám trong số những người cháu nội cị Phạm Phú thứ có các ông Phạm Phú Canh, Phạm Phú Thuần, Phạm Phú Tiết, Phạm Phú Hưu, Phạm Phú Thông và bà Phạm Thị Xuân Chi.
Ông Phạm Phú Canh giỏi chữ Nho, không thi cử, dạy học tại nhà cho học sinh trong vùng. Tri phủ Điện Bàn có mời ông đến dạy để học thêm. Sống tại Phủ đường ông đã chứng kiến một số người do nghèo túng không đóng kịp thuế bị bắt giải lên phủ và bị Tri phủ đối xử tàn tệ. Ông cho đó là việc làm thất đức, trái với lời dạy của thánh hiền và tìm cách giải thoát cho họ. Giữa ông và Tri phủ có sự bất bình, ông cáo từ trở về nhà, tiếp tục dạy học. Hơn hai mươi năm sau, có một người ở làng Phong Thử nhớ đến người đã cứu mình năm xưa, càng hiểu ông là người đức độ nên tìm đến kết bạn làm sui. Năm 1967, ông đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của giặc để bảo vệ sinh mạng cho những người yêu nước đang trú trong ngôi nhà thờ cụ Phạm Phú thứ. Về sau nhà thờ bị giặc phá sập.
Ông Phạm Phú Thuần đỗ tú tài hán học, học rộng hiểu sâu, giỏi thơ văn, ông có nhiều bài thơ sáng tác thời đầu kháng chiến chống Pháp. Thơ ông được đăng trong tập thơ kháng chiến do Hội Văn nghệ Trung ương xuất bản năm 1949 (về sau tái đăng trên báo Quân đội nhân dân). Ông Phạm Phú Tiết đỗ cử nhân thủ khoa. Thời kháng chiến chống Pháp, ông làm Chánh án Tòa án quân sự Liên khu 5, về sau là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Là người giỏi Hán học, ông đã góp phần vào việc dịch tập “Ngục trung nhật ký” của Bác Hồ ra Việt văn và viết toàn bộ chữ Hán cho bản in của tác phẩm nổi tiếng này. Ông cũng là nhà nghiên cứu văn học và là tác giả của tác phẩm “Hội thoại về nghệ thuật tuồng”. Khi đã nghỉ hưu, ông lại mở lớp dạy văn học Hán nôm cho những cán bộ nghiên cứu giảng văn học ở các viện và trường đại học. Bà Phạm Thị Xuân Chi em ruột ông Phạm Phú Tiết cũng là người thông thạo Hán học. Bà là nhà hoạt động xã hội và là nhà thơ có hiệu là Song Thu. Bà là thân mẫu của nhà thơ Phương Đài.
Ông Phạm Phú Hưu thi đỗ huấn đạo, trước kia làm Đốc học rồi làm phó Giám đốc Nha bình dân học vụ Liên khu 5 về sau tiếp tục dạy học. Ông là tác giả của bài “Quảng Nam một nhà nho” đăng trên sách Cổ học tinh hoa. Ông Phạm Phú Thông là một nhà giáo chuyên nghiệp và cũng là một nhà thơ có hiệu là Trúc Chi. Năm 1946 ông đã viết “Lịch sử Cách mạng Việt Nam” bằng văn vần, tiếp theo ông sáng tác nhiều bài in thành sách phục vụ cho chương trình giáo dục cấp tiểu học ở Liên khu 5. Nói chung bước đường giáo nghiệp của hai ông đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong số học trò của mình và cổ vũ cho việc học hành cho lớp con cháu trong tộc sau này.
Noi theo truyền thống cha ông, lớp cháu chắt về sau cũng có nhiều thành đạt trên đường học vấn. Trong số này có ông Phạm Phú Dõng đỗ y sĩ trường y Đông Dương, về sau là bác sĩ, làm Trưởng ty y tế Quảng Nam. Phạm Phú Hiển đỗ tiến sĩ toán học quốc gia tại Pháp, Phạm Phú Nhuận, đại tá, phó tiến sĩ sử học. Phạm Phú Ngọc giáo sư tiến sĩ vật lý, Phạm Phú Cường, Phạm Phú Triêm phó tiến sĩ tiến toán học, Phạm Phú Lý phó tiến sĩ cơ khí, hiệu trưởng trường đại học Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng. Trong số này có người làm việc trong nước và cũng có người hoạt động trong tổ chức quốc tế. Trình độ cao học có 5 người chuyên về các ngành cơ khí, kiến trúc, điện tử, vi tính. Trình độ đại học có hơn 80 người, trong đó có những người đi vào chuyên ngành như chế tạo sửa chữa máy bay, ngành y, dược học, tài chính kế toán, kinh tế kế hoạch, nhà báo, nhà giáo v.v… Có gia đình thu nhập còn thấp vẫn nuôi con ăn học, đã có 4 người trình độ đại học, người còn lại là học sinh giỏi từ cấp I đến cấp III phổ thông trung học. Trong hàng cháu chắt trẻ tuổi học giỏi có Phạm Phú Hồng Kiên con đại tá Phạm Phú Bằng, con nhà giáo Phạm Phú Lợi, tốt nghiệp thủ khoa đại học kiến trúc năm 1992.
Thấm nhuần công ơn của tổ tiên để lại, với truyền thống yêu quê hương đất nước, hiếu học, sống thanh bạch, ngay thẳng, trọng nghĩa nhân, con cháu trong tộc họ Phạm Phú quyết giữ gìn và phát huy, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng một xã hội mới: Xã hội công bằng, văn minh.
PHẠM ĐỨC NAM
Chủ tịch HĐHP huyện Điện Bàn
(Theo tài liệu của Phạm Phú Hạt,
cháu đời thứ 4 – Phạm Phú Thứ)