Trang chủNGƯỜI HỌ PHẠMHọ Phạm làm báo lính

Họ Phạm làm báo lính

Hoàn toàn ngẫu nhiên, những phóng viên cùng họ Phạm tại Báo Quân đội Nhân dân – nhóm họp sau một chầu cà-phê phố Hàng Đậu. Họ Phạm làm báo lính, mỗi người một quê, một cảnh nhưng chẳng khác gì anh em một nhà. Chúng tôi bầu tượng trưng ban liên lạc họ Phạm theo tinh thần “kính lão đắc thọ”.

Phạm Phú Bằng – bút danh Phạm Hồi – chúng tôi thường gọi thân mật thuộc chi họ Phạm Phú. Anh là con trai tiến sĩ Phạm Phú Tiết  từng làm Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), dưới triều vua Bảo Đại. Ông có tư tưởng yêu nước rất sớm, có công giúp sức, hỗ trợ giành chính quyền về tay nhân dân ở miền Trung, tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, cựu Tổng đốc Phạm Phú Tiết được phong hàm đại tá, giữ chức Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam, Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tham gia dịch thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Ông nội nhà báo Phạm Phú Bằng là quan đại thần – Thượng thư triều đình nhà Nguyễn, tiến sĩ Phạm Phú Thứ, một nhà thơ có tài, nhà cách tân của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX.

Cách mạng tháng Tám năm 1945, 16 tuổi, Phạm Phú Bằng tham gia cao trào cướp chính quyền tại Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, gia đình bậc đại trí thức này theo tiếng gọi của Bác Hồ, tham gia kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc. Anh tốt nghiệp đại học báo chí ở Trung Quốc, cách viết báo uyên thâm, tài hoa. Phạm Phú Bằng con nhà quyền quý, thông thạo tiếng Trung, Anh, Pháp, biết tiếng Nga, kiến thức sâu rộng, nhưng anh sống bình dị, có phần khắc khổ. Đồng nghiệp nể trọng anh về đức hy sinh, trách nhiệm, sống vì mọi người, ham học, ham làm, yêu nghề báo đến lạ. Đêm 30 tết, Phạm Phú Bằng khoác ba lô lên vai, kèm theo manh chiếu cói ra ga Hàng Cỏ – ga xe lửa Hà Nội, nhập vai khách đợi tàu. Anh quan sát cung cách phục vụ của nhân viên đường sắt, cảnh chụp giựt của bọn phe vé, sự nhọc nhằn, chen chúc của hành khách, rồi trải chiếu cói cùng trò chuyện, tâm tình chung cảnh ngộ. Xâm nhập cuộc sống, hòa vào cộng đồng để tăng thêm hiểu biết, sẻ chia với mọi cảnh đời, từ đó mài giũa thêm cái tâm, cái tình cho những con chữ.

Nghỉ hưu, Phạm Phú Bằng vẫn viết báo, làm báo, đam mê và trách nhiệm. Sau tuổi 65, ông tâm huyết tham gia  công tác xã hội – từ thiện, len lỏi tới mọi vùng miền xa xôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên; khi gạo, mì, lúc áo quần, sách vở, đồ dùng học tập cho con trẻ, máy phát điện, bơm nước giếng sâu. Phạm Phú Bằng được cánh họ Phạm làm báo lính tôn vinh làm chủ tịch chi họ Phạm phố nhà binh.

Phạm Đình (Trọng), bút danh Khánh Tường, phó chủ tịch “thực quyền” điều hành chi họ Phạm làm báo lính. Anh nói, thuở thiếu thời, anh mê truyện kiếm hiệp như điếu đổ, mê nhất là nhân vật Trúc Khánh Tường trong “Bồng lai Hiệp khách”. Đó là một người con gái giả trai tên thật là Trúc Thúy Quỳnh. Phụ thân Trúc Thúy Quỳnh là một trung thần, bị bọn gian thần hãm hại. Toàn gia bị tru di, chỉ còn Thúy Quỳnh sống sót. Trúc Thúy Quỳnh được một dị nhân đưa về động nuôi và truyền dạy võ nghệ. Trưởng thành, Thúy Quỳnh xuống núi, giả trai, đổi tên thành Trúc Khánh Tường, chiếm đảo Bồng Lai và dựng nên nghiệp lớn, diệt ác quỷ phò vua. Bút danh Khánh Tường mà Phạm Đình Trọng chọn là vậy. Phạm Đình cũng thuộc con nhà dòng dõi, tổ tiên làm quan triều Lê rồi triều Nguyễn, cụ Tổ tham gia phong trào Cần Vương. Anh biết Trung văn – Hán ngữ, có 3 năm dạy tiếng Việt cho sĩ quan Trung Quốc tại Quảng Châu, cũng là dịp để anh rèn giũa thêm tiếng Trung. 6 năm gắn bó với chiến trường Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, Phạm Đình Trọng có “vốn” tiếng Lào kha khá.

Phạm Đình quê ở thành Nam, da ngăm đen, viết lách khá, không ham danh lợi. Về hưu, cấp hàm đại tá hưởng lương tướng. Thi thoảng tôi gặp vợ anh – “Hòa bán gạo”, chả là thời bao cấp bà chị là nhân viên cửa hàng lương thực, thời ấy lắm kẻ nằm mơ cũng không màng tới được. Có lần, Phạm Đình từ Bắc Lào gửi về thành phố Nam Định một xe tải chở mấy “thùng hàng” cho vợ. Thiên hạ kháo nhau, ông Trọng chở mấy xe tải hàng, phen này “Hòa bán gạo” giàu sụ (!) Ui, thiên hạ nhầm to, mấy thùng gỗ hàng đóng kín của ông họ Phạm này chỉ là chục giò phong lan rừng – thứ phong lan đại ngàn Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Tiện đường, tiện xe, anh gửi về để cụ nội, cụ ngoại vốn rất mê hoa lan ngắm chơi.

Phạm Huy (Khảo), Phạm Ngọc (Thiện), Phạm Quang (Đẩu), Phạm Quốc (Toàn) tự phong cho mình chức phó chủ tịch… chi họ Phạm làm báo lính. Mấy anh em họ Phạm khác về báo sau, ít tuổi hơn làm ủy viên. Chúng tôi tếu táo, bầu bán cho vui – tự phong là chính, chứ thực ra cũng chẳng hoạt động gì, chẳng có đồng xu nào làm quỹ, không có chương trình hành động gì to tát; thi thoảng rủ nhau gom nhuận bút ra chợ Hòe Nhai mua bán lỉnh kỉnh: cà chua, xà lách, rau thơm, cá mè… làm bữa chén, nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện làm báo, viết báo. Nói ra phạm thượng, đôi lúc chúng tôi còn sưu tầm gia phả, lai lịch cụ tổ Phạm Tu, cụ Phạm Ngũ Lão, bác Phạm Văn Đồng cứ coi như là anh em dòng họ trực hệ ấy, hi hi!

Đất nước đổi mới, gia cảnh một người một khác, họ Phạm làm báo lính phân tán dần, mỗi người một lĩnh vực công tác, mỗi vùng miền. Bác Phạm Phú, Phạm Huy, Phạm Quang trụ lại thủ đô; Phạm Huy lên đại tá, làm Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân. Phạm Huy dân Kinh Bắc, học giỏi, vốn là giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1970, anh gia nhập quân đội, rồi trở thành phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, theo lệnh tổng động viên chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1972, “Mùa hè đỏ lửa” thành cổ Quảng Trị. Quê anh hồi đó là xứ trồng tỏi, mỗi dịp lễ tết, anh về quê lên, chúng tôi, ai cũng có một túi quà tỏi đặc sản. Đoạn cuối, Phạm Huy có vài việc nho nhỏ không vui, phần do sức khỏe, phần do nội bộ cơ quan lúc đó không được êm ấm, nhưng mọi chuyện cũng nhanh chóng qua đi. Con cái Phạm Huy trưởng thành, sum vầy, hạnh phúc. Phạm Quang (Đẩu) làm đến chức… Phó Trưởng phòng biên tập báo Cuối tuần, mê bóng bàn hơn cả người yêu (!). Anh “lang thang” với quả bóng bàn, hết giải đấu này đến giải đấu khác, đã từng đoạt chức vô địch đơn nam và đôi nam Giải bóng bàn giới báo chí toàn quốc Cúp Hội Nhà báo Việt Nam. Về hưu, Phạm Quang Đẩu viết văn. Anh vừa xuất bản tiểu thuyết Đánh đu cùng số phận. Từ thực trạng báo động về đạo đức, lối sống, Đánh đu cùng số phận phê phán sự suy đồi đạo đức xã hội.

Còn Phạm Ngọc, quê ở huyện  Bình Lục, Hà Nam “tình yêu vẫn đẹp sao” với cô giáo Mùi trên những chuyến tàu điện leng keng từ ga Hàng Cỏ về Đại học Báo chí và Đại học Sư phạm Hà Hội. Ở số 8 Lý Nam Đế, anh rất nghĩa tình, điều độ và mực thước trong sinh hoạt. Mặc cho tùng tùng trống đánh ngũ liên bên tai, tin bài viết chưa xong, hằng đêm cứ đúng 21 giờ 30 là Phạm Ngọc mắc mùng lên giường… kéo gỗ. Số vậy mà sướng. Rời Báo Quân đội Nhân dân về quê Hà Nam Ninh đoàn tụ gia đình, Phạm Ngọc thăng quan tiến chức to. Anh làm Phó rồi lên Tổng Biên tập báo Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, rồi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam, trúng cử đại biểu Quốc hội 2 khóa liền. Từ tỉnh, Phạm Ngọc lại quay về thủ đô làm Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. Phạm Ngọc về tỉnh lúc đó cũng có chuyện rắc rối về nội bộ. Anh chỉ là nạn nhân, nhưng nhờ có bản lĩnh nên đã vượt qua. Phạm Đình và Phạm Quốc vô Nam tiếp tục nghiệp báo, chi họ Phạm phố nhà binh làm báo lính phân tán, mỗi người một nơi.

Cách đây chưa lâu, Phạm Ngọc vô Nam hàn huyên với Phạm Đình, Phạm Quốc và các đồng đội một thời sống chết có nhau. Tụ hội ở thành phố biển Vũng Tàu, Phạm Ngọc, Phạm Quốc, Quang Huy, Quang Châu và bè bạn cũ hàn huyên suốt buổi chiều mà chuyện vẫn không hết. Sáng sớm hôm sau, Quang Châu cùng Phạm Ngọc dạo biển, mải mê trò chuyện “một mạch” đến tận trưa, Quang Châu quên về nhà, quên luôn cả việc điện thoại cho vợ. Chị Hồ Mỹ Dung, vợ Quang Châu lo lắng không biết đức lang quân đã hai lần bị tai biến đang như thế nào. Chị tá hỏa chạy dọc các bãi tắm, chạy vào cả khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Lợi … vừa chạy vừa khóc hu hu tìm chồng!

 Phạm Quốc Toàn

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments