Phạm Xuân Thủy, Ban Thường trực HĐHP Thành phố Hà Giang, nguyên Đại tá, Trưởng Ban Khoa học lịch sử, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình. Năm 1976 ông lên đường nhập ngũ, góp mặt trong gần hai chục trận chiến ở 2 đầu biên giới, trong đó có chiến dịch giải phóng Nông Pênh,Căm-Pu-Chia ngày 7/1/1979. Khởi nguồn từ cán bộ quân sự, do có năng khiếu văn học và khả năng tư duy, nhớ lâu cộng với cảm hứng ham đọc, ham viết từ nhỏ, ông trở thành cộng tác viên của Báo Hà Tuyên. Chiến tranh biên giới kết thúc, ông được điều về Ban nghiên cứu lịch sử quân sự tỉnh năm 1988, trở thành người đi đầu trong việc nghiên cứu lịch sử ở Hà Giang.
Ông không còn nhớ đã phải gom, nhặt tư liệu từ bao nhiêu nguồn, bao nhiêu ngả để làm tư liệu lịch sử; thời kỳ đầu ông phải nằm hàng tháng ở các kho lưu trữ và tìm gặp những cán bộ tiền bối của Hà Giang ở các tỉnh, thành để thu thập tư liệu gốc; xa thì đi xe ca, gần thì xe đạp. Công việc ông làm không đơn thuần là trách nhiệm mà cái chính là do cái tâm, vì cái chí. Quả đúng như vậy, từ năm 1988 đến 2020 ông tham gia viết 39 cuốn sách lịch sử của tỉnh Hà Giang; trong đó có 25 cuốn là tác giả chính và gần 100 bài báo, bài viết chuyên đề. Nghỉ hưu từ năm 2012, ông càng có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu và cống hiến. Những trang sử mà ông dầy công nghiên cứu được xuất bản có nhiều giá trị lịch sử, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Đối với ông, nghiên cứu lịch sử là niềm vui, là đam mê, càng nghiên cứu càng hứng thú; ông siêng năng cần mẫn với công việc, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ phương pháp sử học. Có thể nói ông là người đi đầu trong việc tìm tòi biên soạn lịch sử cấp tỉnh ở Hà Giang: Cuốn “Hà Giang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954”, xuất bản năm 1994 chính là cuốn lịch sử cấp tỉnh đầu tiên được xuất bản ở Hà Giang. Đây chính là tác phẩm đầu tay mà ông đã dầy công nghiên cứu tới 6 năm mới hoàn thành.
Nhìn những chồng sản phẩm đã xuất bản, những tủ tài liệu, những cặp bản thảo viết tay mà ông lưu giữ hàng chục năm nay, tôi cảm thấy chạnh lòng, mến phục đức độ, tính kiên nhẫn phi thường của ông. Với bản tính trung thực, tâm huyết, ông thực sự là người làm lịch sử, bởi lịch sử được dựng lại từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chỉ có những người trung thực, tâm huyết, có nhân cách, có lưng có vốn thì lịch sử mới được tái hiện một cách công tâm, khách quan, trung thực. Với bề dày thành tích trong nghiên cứu lịch sử, ông được các cấp tặng 16 bằng khen, giấy khen. Năm 2016 ông được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang lựa chọn biểu dương trong sách “Những tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Từ khi tham gia sinh hoạt HĐHP Thành phố Hà Giang, được Thường trực giao làm công tác thông tin tư liệu, nắm tin tức viết bài phản ánh hoạt động của hội trên Bản tin của Hội đồng họ Phạm Việt Nam, ông luôn năng động nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao, là thành viên tích cực của Ban Thường trực HĐHP Thành phố Hà Giang…
Phạm Trợ
Phó ban Thường trực HĐHP TP Hà Giang