Ngày 15/5/2023, tại SEA Games 32-Campuchia 2023, ở môn bóng đá nữ, đội tuyển Việt Nam đã đánh bại đội tuyển Myanmar 2-0, giành HCV. Đây là lần thứ 8 lên ngôi cao nhất, trong đó có 6 kỳ (có tới 4 năm liên tục) dưới quyền HLV Mai Đức Chung. Thành tích này làm nức lòng người hâm mộ. Nhiều người bày tỏ sự kính trọng, yêu mến vị HLV tài hoa nhưng khiêm nhường này. Họ tôn ông là biểu tượng của bóng đá Việt Nam.
Đằng sau ông, người góp sức không nhỏ để ông làm nên kỳ tích trên là người vợ hiền thảo, luôn chia sẻ, khích lệ ông trong sự nghiệp, là hậu phương vững chãi cho ông “chinh chiến” nay đây mai đó, có những kỳ xa nhà nhiều tháng trời. Bà là một phụ nữ họ Phạm – Phạm Thị Ngọc Uyển rất trung hậu, đảm đang!
Ông Mai Đức Chung sinh ra tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội), nhưng quê gốc ở Hưng Yên. Ông sinh năm 1951 (nhiều bạn đồng niên nói ông sinh năm 1949). Ông kết hôn năm 1977, với bà Phạm Thị Ngọc Uyển (sinh năm 1952), một giáo viên tiểu học. Ngày đó, chàng cầu thủ nghèo gặp một lần đã mến và yêu cô giáo trẻ, vốn là một tiểu thư nhà giàu phố cổ Hà Nội. Họ đã phải vượt qua nhiều cách trở và đã được ở bên nhau…Ông bà Mai Đức Chung-Phạm Ngọc Uyển đã kết hôn gần 47 năm, đã có 2 người con trai, một trong số đó là Mai Quang Hưng (sinh năm 1981), cựu tuyển thủ U-19 Việt Nam, cùng lứa với những Dương Hồng Sơn, Huy Hoàng, Việt Thắng…
Về con đường đến với bóng đá của ông, thuở nhỏ, Mai Đức Chung thường xuyên được vào sân xem bóng đá, vì có mẹ làm việc tại Sân vận động Hàng Đẫy. Những trận đấu tại đây đã khơi dậy niềm đam mê bóng đá trong ông từ sớm. Năm 1964, ông Chung thi vào trường Đại học Thể dục – Thể thao Từ Sơn và tốt nghiệp năm 1972. Khi là cầu thủ, Mai Đức Chung có thể thi đấu nhiều vị trí, nhưng sở trường là tiền vệ hoặc tiền đạo, khi cần chơi cả vị trí hậu vệ.
Khởi đầu sự nghiệp bóng đá, ông nhận được lời mời của các đội hạng A thời đó như Tổng cục Đường sắt, Công an Hà Nội, song ông lại về đá cho đội bóng hạng B là Xe ca Hà Nội (biệt danh Chung “xe ca” ra đời từ đấy).
Tháng 9/1975, ông chính thức về thi đấu cho đội Tổng cục Đường sắt và gắn bó cùng đội này cho đến khi giải nghệ năm 1984. Tiền vệ phải “Chung xe ca” hiền lành, khiêm tốn đã cùng đội bóng Tổng cục Đường sắt giành chức vô địch quốc gia lần đầu tiên năm 1980. Thời đỉnh cao, ông còn có biệt danh “Chung điền kinh” do khả năng chạy không biết mệt khi thi đấu. Ông là thành viên đội tuyển quốc gia, giai đoạn (1981-1982) đi thi đấu nước ngoài.
Khi chuyển sang làm HLV, ông Mai Đức Chung đã huấn luyện cho các đội tuyển trẻ nam, Becamex Bình Dương, Navibank Sài Gòn, Thanh Hóa…gặt hái được rất nhiều thành công. Các đội bóng này đều có giành vị trí cao nhất các giải trong nước.
Mai Đức Chung chính thức làm HLV đội tuyển nữ quốc gia năm 1997 và giành HCV giải tiền SEA Games và HCĐ SEA Games năm đó. “Chung xe ca” không ngờ có ngày, ông là HLV đầu tiên và duy nhất của bóng đá Việt Nam đưa tuyển bóng đá nữ đoạt tới 6/8 HCV SEA Games (2 HCV còn lại là của HLV Trần Vân Phát và Steven Darby) và dự World Cup bóng đá nữ lần thứ XI-2023 tới đây. Với bóng đá Việt Nam vinh quang như thế là tột đỉnh. Mai Đức Chung xứng đáng được tiếp tục vinh danh./. Phạm Chức