Các nhà sử học đã khẳng định rằng, trong lần thứ ba chống quân Nguyên vào năm 1227 – 1288, điều kiện tiên quyết để nhà Trần chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng, là do thắng lợi của trận hải chiến trên Vịnh Bắc Bộ. Trận hải chiến này do Trần Khánh Dư lãnh đạo vào tháng 12 năm 1287 đã đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của quân Nguyên do Trương Văn Hỗ chỉ huy gồm 500 chiến thuyền, 70 vạn hộc lương, vô số khí giới, cùng hàng vạn quân tiếp viện.
Chiến thắng của trận hải chiến đó đã làm làm xoay chuyển tình thế chiến tranh, đem lại thành công cho cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ ba này.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được Trần Nhân Tông phục chức (sau khi bị Trần Thánh Tông phạt tội) và được phong làm Phó tướng trấn giữ Vân Đồn. Khi Trần Khánh Dư gặp được ba anh em họ Phạm thì khí thế như rồng gặp nước. Đó là 3 anh em ruột có tên là PHẠM CÔNG CHÍNH, PHẠM QUÝ CÔNG và PHẠM THUẦN DỤNG. Trong trận hải chiến đánh đạo binh tiếp viện của Trương Văn Hỗ, ba vị là Phó tướng của Trần Khánh Dư. Bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, các ông đã đề xuất đem thuyền giấu vào sương mờ dày đặc trên biển. Đoàn thuyền vận chuyển lương và quân tiếp vận của tướng giặc Trương Văn Hỗ đi vào vùng biển Quan Lạn, đã bị những mũi tấn công thoắt ẩn thoắt hiện trong sương mù chia cắt đội hình, đánh cho tan tác. Toàn bộ 500 chiến thuyền, 70 vạn hộc lương và hàng vạn quân địch đã bị nhấn chìm xuống đáy biển. Trận hải chiến thắng lợi lẫy lừng, nhưng cả ba vị tướng họ Phạm đều đã hy sinh. Xác các ông trôi dạt vào bờ, được người dân vớt lên, chôn tại đảo. Tại ba địa điểm an táng các ông đều đã dựng đền thờ. Gần đây do chắp nối các thông tin, đã xác định được rằng 3 ông là người làng Khe Chanh ở Quảng Yên – đó cũng là quê hương của Tướng quân Phạm Xim…
Được biết ở Quan Lạn có bốn ngôi miếu, trong đó có 3 ngôi Miếu thờ 3 tướng quân họ Phạm nói trên, đó là: miếu Đức Ông thờ Phạm Công Chính nằm ở xóm Đoài, miếu Sao Ơn thờ Phạm Quý Công ở xóm Tân Phong và miếu Đông Hồ thờ Phạm Thuần Dụng ở xóm Thái Hoà, là 3 nơi mà xác các ông trôi dạt vào.
Hiện nay họ Phạm vẫn đang là dòng họ lớn nhất tại Quan Lạn, gồm các chi cành Phạm Chính, Phạm Đình, Phạm Văn.
Chúng tôi đã đến thăm làng Khe Chanh – Quảng Yên, quê hương các ông, thắp hương các ông ở Nhà thờ Họ Phạm làng Khe Chanh, và vẫn ao ước có lần được đi ra đảo Quan Lạn để thăm Đền, Miếu thờ 3 ông và kết nối với bà con họ Phạm ở đó. May thay, vào dịp ngày TBLS năm nay, tôi đã ngẫu nhiên ra được đảo. Tuy đi đúng vào ngày mưa gió sau trận bão số 2 nên không thực hiện được hết kế hoạch, song tôi cũng đã cùng với gia đình và các em đi thăm được Đình thờ Vua Lý Anh Tông người lập ra thương cảng Vân Đồn, Chùa Vân Đồn, Đền và Miếu thờ 3 tướng quân họ Phạm, Đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Tuy chưa được chu đáo, nhưng tôi coi đó như những nén hương thơm dâng lên các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng và bảo vệ dân tộc trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Còn việc gặp gỡ và kết nối với bà con họ Phạm trên đảo xin hẹn vào một dịp khác.
PHẠM THÚY LAN