BÁO CÁO TỔNG KẾT 22 NĂM HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TỈNH HƯNG YÊN
I/ Đặc điểm tình hình:
Nói đến Hưng Yên là nói đến đường 5, đường sắt, sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình, là giải đất Hồng Châu, Hải Đông xưa kia, rồi Hải Hưng – Hưng Yên ngày nay; xưa kia “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Phố Hiến xưa là thương thuyền quốc tế giao lưu buôn bán sầm uất từ thế kỷ 16 – 17. Hưng Yên cũng là cội nguồn đất tổ có hàng ngàn năm văn hiến ; gắn bó với Phố Hiến họ Phạm chúng ta có Đền Mây, cảnh đẹp người đời thường ca ngợi “trăm cảnh ngàn cảnh không bằng bến lảnh Đền Mây” (đền Thánh Mây) nơi thờ cúng danh tướng Phạm Bạch Hổ (910-972), thượng thủy tổ dòng họ Phạm tỉnh Hưng Yên , Đền Mây mới được trùng tu năm 2007 hết hơn 6 tỷ đồng, có 1 cây đa hơn 1000 năm tuổi; thành phố Hưng Yên mới có con đường phố lớn mang tên Phạm Bạch Hổ. Từ ngàn xưa tổ tiên ta đã ngược xuôi theo dòng chảy, nếu tính từ ngã 3 Bạch Hoạch Vĩnh Phú, xuôi dòng sông Hồng xuống phía Nam; từ giải đất Hồng Châu, Hải Đông – Hưng Yên – Hải Hưng rồi lại tái hồi là Hưng Yên, là cái nôi phát triển dòng họ Phạm và nhiều dòng họ khác. Hưng Yên tự hào vì cũng là vùng địa linh nhân kiệt, có nhiều danh nhân, nhân Thần họ Phạm :
1/ Danh tướng Phạm Bạch Hổ (910 – 972) thượng thủy tổ họ Phạm tỉnh Hưng Yên, thế kỷ X, thời Ngô- Đinh phát tích từ Đằng Châu, xã Lam Sơn, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; nay thuộc phường Lam Sơn thành phố Hưng Yên. Sự nghiệp và thân thế của người được ghi là khai thiên hộ quốc, Thượng đẳng tối linh thần, với 18 sắc phong, 10 đại tự, 5 câu đối của các triều đại từ 1000 năm nay. Đền Mây đã được cấp di tích quốc gia.
2/ Tổ tiên cô: Phạm Thị Xuân Dung (liệt tiết) thân vị là nữ Tướng thười Hai Bà Trưng (34 – 40). Quê quán ở Thiên Tân Trang – Tiên Lữ – Hưng Yên, nay là Thiện Phiến, Tiên Lữ – Hưng Yên. Phạm Thị Xuân Dung còn gọi là Ả Lã Phương Dung, hay Phương Dung công chúa. Thần phả làng Thuận Vi, xã Bách Thuận, Vũ Thư, Thái Bình ghi rằng bà Phạm Thị Xuân Dung theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, chống nhà Hán, thắng lợi bà về Thuận Vi, mở đất trồng dâu nuôi tằm rệt vải, bà là thủy tổ của họ Phạm và là thủy tổ của nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải, hiện còn nhiều nơi thờ cúng Bà ở Thái Bình.
3/ Tướng công Phạm An (966 – 982) sinh ngày 9/3 năm Bính Dần- 966, tại Thái Lạc, Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên. Là tướng tiên phong phá Tống Bình Chiêm (triều Lê Đại Hành), trước khi ra trận vua hứa gả con gái (công chúa Quảng Huệ) làm vợ nhưng sau thắng giặc người đột ngột hóa thân ngày 21/11. Được vua phong Phạm An là Thượng đẳng phúc thần Đại vương, sinh vi tướng, tử vi thần, phong là Thánh Ông; vợ chưa cưới là công chúa Quảng Huệ là Thánh Bà . Đền thờ đã được công nhận di tích quốc gia.
4/ Phạm Sùng tức Phùng nhân cư sĩ (1167 – 1230) quê ở Đường Cái Thị (nay dịch là chợ Đường Cái) Nhạc Lộc, Trưng Trắc, Văn Lâm. Triều Lý Cao Tông, ông được phong là Thanh tĩnh Đại phu, là một trong tứ trụ triều đình nhà Lý. Dòng họ Phạm ở thôn Nhất, xã Tiên Nôi, Duy Tiên, Hà Nam, đã nối kết với họ nội ở Nhạc Lộc, Trưng Trắc, Văn Lâm.
5/ Điện soái Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) quê ở thôn Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên; là tướng 4 đời triều Trần được phong là Thượng tướng quân nội hầu, và hưu vị Kim nguyên Đại tướng quân, Phạm tộc Hưng Yên gọi ông là Gia Cát Lượng Trời nam.
6/ Tể tướng Phạm Công Trứ (1600 – 1676) quê quán ở Liêu Xuyên, Đường Hòa; nay là thônThanh Xá, Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên, 22 tuổi đỗ hương giải, 29 tuổi đỗ tiến sĩ, 50 năm làm quan đến lục bộ quan có 19 năm làm Tể tướng. con trai là Phạm Công Phương (1642-…) và Phạm Công Kiêm đều là danh nhân . Đền thờ Tể tướng Phạm Công Trứ dã được công nhận bằng di tích quốc gia.
7/ Tổ tiên cô: Phạm Dung Hòa, triều nhà Lê. sắc phong bà là Đương cảnh Thành hoàng, thái quân quý nương Phạm Thái Phi Dung Hòa Đại vương.
Trong thời kỳ Pháp thuộc có nhiều phong trào như Đông Kinh nghĩa thục, phong trào nghĩa quân Tán Thuật từ Bãi Sậy, Ân Thi. Chủ tướng nghĩa quân Tán Thuật ở làng Tý, làng Tháp Hướng Đạo, Lạc Đạo, Văn Lâm; như Phạm Văn Biện (tức Phó Biện), Phạm Văn Long (tức Lý Long), Phạm Sùng (tức Cai Toe). Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc thống nhất tổ quốc, 50 chi nhánh họ Phạm ở địa phương đã có nhiều thương binh tử liệt sĩ, dũng sĩ giệt Mỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, có nhiều người họ Phạm là Tướng lĩnh hoặc đảm nhận cương vị trọng trách quốc gia.
II/ Quá trình hình thành tổ chức BLL họ Phạm tỉnh Hưng Yên.
Trước yêu cầu vấn tổ tầm tông nối kết dòng họ thờ cúng tổ tiên và người có công với dân với nước của bà con Phạm tộc Hưng Yên, năm 1995 các vị có tâm huyết với dòng họ trong cả nước đã thành lập câu lạc bộ UNESCO thông tin dòng họ Việt Nam. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ do ông Nguyễn Song Tùng là thứ trưởng Bộ thương binh xã hội làm trưởng ban, có hơn 706 hội viên. Nhiều vị họ Phạm ở Hưng Yên là thành viên tích cực hoạt động cho câu lạc bộ, bước đầu đã giúp cho các chi nhánh dòng họ ở tỉnh tìm cội nguồn, chắp mối họ tộc, biên tập gia phả thông tin dòng họ.
- Thành lập BLL họ Phạm tỉnh Hưng Yên
Ban liên lạc họ Phạm đầu tiên ở Hưng Yên được thành lập từ ngày 10/3/1994 (đại diện các dòng họ Phạm tại 4 xã Lạc Đạo,Chỉ Đạo, Như Quỳnh, Trưng Trắc, huyện Văn Lâm), đã bầu ông Phạm Văn Phong là Trưởng Ban liên lạc Ngày 27/10/1996 đã cử 12 đại biểu đi dự hội nghị thành lập BLL họ Phạm Việt Nam ở chùa Quán Sứ Hà Nội tiền thân của HĐHP Việt Nam ngày nay, là một đoàn đông nhất trong 35 đoàn của 12 tỉnh thành.
Tháng 4/1998 Đại hội lần thứ 2 nhân ngày khánh thành nhà thờ dòng họ Phạm thôn Nhạc Lộc xã Trưng Trắc gồm 200 đại biểu tới dự. Ngày 25/11/2001 thành lập BLL họ Phạm 3 huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ Hưng Yên .Ngày 27/12/2003 hội nghị Phạm tộc toàn tỉnh lần thứ nhất có 300 đại biểu tham dự, đã bầu Đại tá Phạm Văn Phong tiếp tục làm Trưởng ban. Hội nghị gặp mặt Phạm tộc lần thứ 2 ngày 5/12/2005 đã bổ sung thêm thành viên và vẫn bầu Đại tá Phạm Văn Phong tiếp tục làm Trưởng ban liên lạc tỉnh Hưng Yên.
- b) Thành lập các BLL họ Phạm huyện thị:
Ngày 2/3/2004 nâng cấp BLL họ Phạm Văn Lâm lên BLL họ Phạm huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm. Do Đại tá Phạm Văn Phong – Trưởng BLL họ Phạm tỉnh kiêm Trưởng BLL họ Phạm Văn Lâm.
Ngày 3/4/2005 thành lập BLL họ Phạm 4 xã, 2 huyện , ở làng Mát, xã Nhân La, làng Bông Hùng An Kim Động Hưng Yên, Lương Ngọc Huỳnh Thúc Kháng Bình Giang Hải Dương do ông Phạm Ngọc Chục làng Mát Nhân La Kim Động làm trưởng ban.
Ngày 6/3/2004 BLL họ Phạm lâm thời huyện Tiên Lữ được thành lập do CCB Phạm Bình Chính làm trưởng ban.Đã dâng 2 quyển ngọc phả lên đền thờ Ngô Vương thiên tử do ông Phạm Bính Chính phụ trách bộ môn dịch gia phả BLL họ Phạm tỉnh sưu tầm dịch thuật cung tiến nhân cuộc họp bầu BLL họ Phạm huyện Tiên Lữ.
Ngày 1/6/2005 thành lập BLL họ Phạm thị xã Hưng Yên do bà Phạm Thị Trại làm trưởng ban; sau là ông Phạm Quang Quýnh làm trưởng ban.
c/ Về quy chế dòng họ:
Theo sự chỉ đạo của HĐHP Việt Nam từ tháng 12/2009 và đến tháng 1/2012 đã 3 lần viết quy chế dòng họ, vì thay đổi về tổ chức của BLL dòng họ và chuyển thành Hội đồng họ Phạm tỉnh, hoạt động theo 4 cấp hội đồng ( HĐHP tỉnh; HĐHP huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh; HĐHP xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện, thành phố, thị xã; HĐHP gia tộc, thôn, khu phố, thị tứ theo huyết thống, trực thuộc xã, phường, thị trấn. HĐHP tỉnh Hưng Yên có 4 tiểu ban là:Tiểu ban văn hóa giáo dục tư tưởng nối kết dòng họ.Tiểu ban tộc phả và tư liệu dòng họ, dịch gia phả, tộc phả.Tiểu ban lễ tân, hành hương khánh tiết.Tiểu ban tài chính quản lý chi tiêu quỹ của Họ và vận động tài chính khuyến học khuyến tài, giúp đỡ nhau làm kinh tế xóa đói giảm nghèo.
d/ Việc viết tác phẩm Phạm Bạch Hổ: Tại hội nghị BLL họ Phạm Việt Nam mở rộng ngày 15/8/2004 được sự gợi ý của BLL họ Phạm Việt Nam là nên viết tác phẩm Phạm Bạch Hổ. Sau hội nghị ra về, BLL họ Phạm tỉnh cùng với một số các bác trong BLL họ Phạm Việt Nam đã đi thu thập tài liệu về người và thành lập Ban biên tập. Qua 9 tháng dự thảo 3 – 4 lần xin ý kiến với các ban ngành có liên quan, trình ký lời giới thiệu do nhà văn Nguyễn Phúc Lai – Giám đốc Sở thông tin văn hóa tỉnh Hưng Yên ký, sách dày 175 trang. Ngày 1/6/2005 BLL họ Phạm tỉnh và nhà đền cùng bà con Phạm tộc Hưng Yên dâng sách tướng quân Phạm Bạch Hổ là cái mốc lịch sử về sự nghiệp và thân thế của người chưa từng có sau hơn 1000 năm kể từ khi người hóa thân.
đ. Các hoạt động kết nối khác:
Từ năm 1994 – 2016 BLL nay HĐHP tỉnh đã tổ chức được nhiều cuộc hành hương thăm di tích lịch sử như nơi phát tích dòng họ Phạm: Ngày 12/7/2011 thăm nhà thờ họ Phạm Dương Lôi Tân Hồng thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, là quê hương chính thống mẫu Minh Đức Thái Hậu Phạm Thị Ngà, mẹ vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) là con gái họ Phạm Dương Lôi phường Tân Hồng thị xã Từ Sơn Bắc Ninh. Hai lần đi thăm đền Đô và lăng mộ 8 đời Lý Bát Đế ở Bắc Ninh, một lần đi thăm đền Phủ Giầy là nơi thờ cúng thánh Liễu Hạnh tức Phạm Thị Tiên Nga, là một trong bốn thánh tứ bất tử của Việt Nam (là con gái họ Phạm) và đi dự các cuộc tổ chức khánh thành từ đường, lăng mộ ở các nơi, các chi nhánh họ Phạm ở trong tỉnh, ở Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội.
Định kỳ hàng năm dự giỗ của 7 cụ Phạm tiên Tổ ở Hưng Yên , từ ngày 27/10/1996 đến nay đã hơn 15 lần đi lễ dâng hương Thượng thủy tổ Phạm Tu và họp hội nghị BLL họ Phạm Việt Nam không lần nào Hưng Yên vắng mặt, kể cả xa như hội nghị ở Quảng Ngãi, kỵ nhật lần thứ 5 cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và Quảng Nam Đà Nẵng. Còn gần như: Ninh Bình, Thái Bình, Hà Đông, Hà Nội, Hải Phòng với số người đi rất đông (nhiều nhất là 120 người ở Thái Bình, 90 – 100 người ở Hà Nội). Đặc biệt nhân ngày kỵ nhật Đô Hồ Đại vương Phạm Tu ngày 20/7 Nhâm Thìn tức 5/9/2012, đoàn họ Phạm tỉnh Hưng Yên có 110 người, trong đó có đội dâng hương nghệ thuật, của HĐHP tỉnh Hưng Yên (gồm 50 anh chị em là nghệ sĩ không chuyên và đội nhạc công cổ truyền xã Lạc Đạo là con cháu dòng họ Phạm và các họ khác, do bà Nguyễn Thị Huệ dâu họ Phạm làm trưởng đoàn), dâng phú Đô Hồ Đại vương Phạm Tu và hát văn ca ngợi Đô hồ Đại vương Phạm Tu trong lịch sử họ Phạm Việt Nam.
- Phong trào vấn tổ tầm tông nối kết dòng họ:
Đã kết nối được và giúp đỡ được nhiều chi nhánh dòng họ Phạm trong và ngoài tỉnh tìm được cội nguồn, tổng số có 50 chi nhánh ở trong toàn tỉnh có BLL, HĐGT, đã bổ sung gia phả từ 5 – 7 đời nói chung và từ 10 – 14 đời nói riêng. Đại bộ phận các chi nhánh đã củng cố xây dựng mộ phần nơi thờ cúng tổ tiên và người có công với dân với nước được khang trang sạch đẹp theo truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta. Năm 2007 đại tu Đền Mây thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, thượng thủy tổ của họ Phạm tỉnh Hưng Yên (Hơn 6 tỷ tiền từ ngân sách) ; Đền Ủng thờ Điện soái tướng quân Phạm Ngũ Lão, được tu sửa hai lần.Đền thờ Tể tướng Phạm Công Trứ ở Thanh Xá, Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên được tu sửa 3 lần. Đình Thái Lạc ở Lạc Hồng, Văn Lâm thờ tướng tiên binh Phạm An, cũng được trùng tu 2 lần. Chùa Đại Bi là tiền đình hậu phật ở Hướng Đạo, Lạc Đạo, Văn Lâm thờ đương cảnh thành hoàng Thái quân quý nương Phạm Thái Phi Dung Hòa Đại vương thần vị, được tu sửa 2 lần. Đền thờ dòng họ Phạm Nhạc Lộc, Trưng Trắc, Văn Lâm thờ Thanh Tĩnh đại phu Phạm Sùng, tu sửa hết hàng trăm triệu đồng. Làm mới 20 nhà thờ và sửa 25 nhà thờ các chi nhánh dòng họ Phạm trong toàn tỉnh. như nhà thờ dòng họ Phạm Hồng Tiến, Khoái Châu hết 240 triệu, nhà thờ Phạm Ngọc làng Mát, Nhân La, Kim Động, Hưng Yên hết 250 triệu đồng + 100 triệu tiền trang trí nội thất. Nhà thờ Hạ Tân, Vĩnh Khúc, Văn Giang ông Phạm Văn Đáo cung tiến 80m2 đất (bằng 560 triệu) và hiện vật giá trị 2 triệu đồng cho chi dòng họ này. Đề nghị HĐHP Trung ương vinh danh người có công đóng góp cho dòng họ.
Theo điều 17, chương III quy chế của HĐHP tỉnh Hưng Yên quy định trong lúc HĐHP tỉnh Hưng Yên chưa có trụ sở chính thức thì đặt 2 địa điểm: một ở phía Bắc, một ở phía Nam Hưng Yên để tiện việc hội họp và giao dịch của bà con xa quê hương về.Trong lúc chờ đợi có trụ sở chính thức ở phía Bắc, ông Phạm Văn Phong chủ tịch HĐHP tỉnh đã tình nguyện làm một ngôi nhà 3 tầng 180m2, tầng trệt thờ tổ tiên gia đình, tầng 2 thờ vọng Đệ nhất Thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam Đô Hồ Đại vương Phạm Tu;tầng 3 để thờ Phật, khởi công năm 2014, nay đã hoàn thành công trình và sử dụng.
Cũng qua phong trào vấn tổ tầm tông dịch gia phả, thần phả và lịch sử để lại đã giúp một số các chi dòng họ nắm được cội nguồn; như do dịch thần phả đã phát hiện chi dòng họ Phạm làng Tý Hướng Đạo có Tổ cô họ Phạm là Thái quân Quý Nương Phạm Thái Phi Dung Hòa Đại vương. Giúp chi dòng họ Phạm làng Mát Nhân La tìm ra một nhánh họ Phạm có 160 khẩu ở Đồng Thanh, Kim Động về với cội nguồn (Dòng này có 3 nhánh là làng Mát – Nhân La, làng Bông – Kim Động, Lương Ngọc – Bình Giang, Hải Dương).Giúp chi dòng họ Phạm Quang ở phường Lam Sơn, TP Hưng Yên tìm ra một nhánh có 60 hộ, 240 khẩu ở hồ Tùng Mâu, Ân Thi về với cội nguồn. Giúp chi dòng họ thôn Nhất, Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam tìm được quê nội ở Đường Cái Thị nay là chợ Đường Cái, Nhạc Lộc, Trưng Trắc, Văn Lâm Hưng Yên. Phát hiện chi dòng họ Phạm Đình Dù có gia phả và văn chỉ thờ cụ Phạm Hồng Ất, tên phụ của cụ Phạm Bạch Hổ. Ngày 9/9/2007 đi dự hội nghị họ Phạm Việt Nam họp ở Thái Bình mới biết rõ tổ cô Phạm Thị Phương Dung (liệt tiết) quê quán ở Trang Thiên Tân, nay là Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên. Qua nghiên cứu lịch sử thì Hưng Yên có 20 tiền nhân họ Phạm đỗ Đại khoa (từ 1400 – 1800) ở các chi nhánh họ Phạm, nhất là ở Đường Hào nay là Mỹ Hào, Văn Lâm – Văn Giang, Yên Mỹ, Ân Thi Hưng Yên.
- Phong trào khuyến học khuyến tài: ở các chi dòng họ Phạm trong toàn tỉnh đều quan tâm việc này. dòng họ Phạm Hồng Tiến, Khoái Châu, chi dòng làng Mát, Nhân La, Kim Động là những dòng họ Phạm có phong trào khuyến học xuất sắc của xã, huyện Kim Động, được UBND huyện, huyện hội khuyến học, tỉnh và trung ương hội khoa học Việt Nam tặng bằng khen và có bảng vàng khuyến học treo ở nhà thờ họ.
Năm 1998 bác Phạm Văn Đồng đã cho người về dòng họ Phạm Bút Trai ở làng Mát, Nhân La, Kim Động để nối kết dòng họ. Ở đây có 2 cụ tổ là Phạm Dương Ưng và Phạm Tự Công đỗ khoa bảng cùng thời với Các cụ gia đình bác Phạm Văn Đồng, cụ Phạm Trác và trưởng tộc là cụ Phạm Ngọc Cầu nhận họ, nhưng chỉ sang chi 3 ở Lương Đường, Bình Giang, Hải Dương (vì mộ Thủy tổ họ Bút Trai được mai táng ở đó).
h/ Về khen thưởng: HĐHP tỉnh đã đề nghị với HĐHP toàn quốc Việt Nam về việc ghi công cho các cụ, các ông các bà có nhiều công lao đóng góp xây dựng dòng họ trong nhiều năm là 4 đợt. Đợt 1 được 2 người, đợt 2 được 19 người, đợt 3 15 người, đượt 4 là 7 người, tổng cộng 43 người, trong đó có một bằng ghi công chủ tịch HĐHP tỉnh.
III/ Kinh nghiệm và tồn tại.
- a) Kinh nghiệm: Muốn làm tốt việc họ phải có một tổ chức tốt, đội ngũ cán bộ hội đồng phải đều tay, mỗi người làm được một việc theo chức năng nhiệm vụ được giao, có tham mưu, có cố vấn, tư vấn vững vàng về mọi mặt, có đủ số lượng và chất lượng lãnh đạo, biết đoàn kết, dân chủ, thống nhất nội bộ.
– Chọn người có điều kiện, có sức khỏe, có tâm huyết để làm việc họ, làm việc họ phải kiên trì, chống tư tưởng nóng vội dễ làm khó bỏ, với phương châm là tự nguyện làm việc nhưng phải có nguyên tắc, trong khuôn khổ quy chế của dòng họ và pháp luật của nhà nước, mới tránh được sai lầm, việc họ mới có kết quả cao.
– Muốn làm tốt việc họ từ trước đến nay chúng ta đều lấy ngày giỗ tổ ở các chi nhánh dòng họ trở lên để tập hợp gặp mặt bà con.
– Việc tổ chức cúng lễ, lễ hội luân phiên đối với danh nhân Phạm cổ và các dòng họ Phạm có nhiều chi nhánh xa nhau để tâm lý người đi lễ vừa được cúng lễ, lại vừa muốn biết nơi này nơi khác, nhưng phải đổi mới việc cúng lễ lễ hội vừa đơn giản khâu tế lễ vừa có nét văn hóa Việt.
Qua quá trình phát triển BLL họ Phạm tỉnh Hưng Yên từ thấp lên cao, từ hẹp đến rộng, xuất phát từ một chi dòng họ Phạm làng ,xã, đến BLL họ Phạm huyện, mở hội nghị gặp mặt Phạm tộc toàn tỉnh, là một trong những tỉnh tham gia BLL họ Phạm Việt Nam sớm so với các tỉnh khác.
- Tồn tại:
Địa bàn tỉnh Hưng Yên ngang dọc 50km2, với hệ thống đường 5, đường sắt,sông ngòi lớn nhỏ với hệ thống thủy lợi chằng chịt, đội ngũ BLL nay là HĐHP tỉnh đã hoạt động lâu năm cho dòng họ, nhiều người đã già yếu, lực lượng trẻ bổ sung không được mấy. HĐHP tỉnh có 4 tiểu ban, nhưng từng tiểu ban cũng không làm được hết việc, có những người tiêu cực không làm, nên có người phải kiêm nhiệm nhiều việc sinh ra chán nản, lực bất tòng tâm.
Việc chấp hành quy chế hoạt động của hội đồng dòng họ có nơi có lúc còn yếu kém. Việc chấp hành sự chỉ đạo hướng dẫn chung của HĐHP cấp tỉnh của một số cá nhân cũng còn tùy tiện, có nơi có lúc gây mất đoàn kết nội bộ.
- c) Khắc phục:
Ngày 18/9/2016, HĐHP tỉnh Hưng Yên đã họp hội nghị toàn thể với sự có mặt tham dự của Thường trực Hội đồng toàn quốc; các Đại biểu đã tán thành về giải pháp giải quyết tồn tại khúc mắc, với tinh thần là xác nhận công sức nhiệt tình với việc họ của các vị chủ chốt, nguyên nhân tồn tại khúc mắc chính là phương pháp lề lối quan hệ làm việc giữa một số cá nhân. Xác định mọi tồn tại sẽ phải được công khai minh bạch theo qui định.Với tình cảm anh em cùng dòng họ, bỏ qua những vướng mắc cá nhân trong quá khứ, hướng tới tương lai vì sự đoàn kết , kết nối phát triển dòng họ Phạm tại tỉnh Hưng Yên./.
Chủ tịch HĐHP tỉnh Hưng Yên
Đại tá Phạm Văn Phong