Trang chủCHUYÊN MỤC KHÁCTIN HẢI DƯƠNG: LỄ HỘI ĐỀN NGƯ UYÊN TƯỞNG NIỆM 7 DANH...

TIN HẢI DƯƠNG: LỄ HỘI ĐỀN NGƯ UYÊN TƯỞNG NIỆM 7 DANH TƯỚNG HỌ PHẠM

Sáng ngày 4/2 (tức 16/Giêng năm Quý Mão), UBND phường Long Xuyên, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức Lễ khai hội truyền thống Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Ngư Uyên, thờ 7 anh em danh tướng thời Hậu Lê.

Tới dự có đại biểu lãnh đạo thị xã kinh môn;; đại biểu quê nội, quê ngoại của thân phụ, thân mẫu các danh tướng; hậu duệ của các danh tướng; lãnh đạo các xã, phường. thị trấn của thị xã Kinh Môn cùng đông đảo nhân dân, quý khách thập phương. Đoàn đại biểu Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương do Nhà báo Phạm Văn Chức- Phó chủ tịch Hội đồng làm trưởng đoàn cùng các Ủy viên Hội đồng: Phạm Quý Mùi, Phạm Quang Thành, Phạm Sĩ Đại, Phạm Quang Vinh, Phạm Minh Hòa đã về dự. Diễn văn của ông Phạm Văn Biên-Phó chủ tịch UBND phường Long Xuyên nêubật: Theo thần tích được lưu lại, ở trang Vụ Nông, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, thuộc trấn Hải Dương xưa (nay là thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) có một gia đình họ Phạm tuy nghèo khó nhưng đức độ. Họ sinh được 6 người con trai: Phạm Luận, PhạmThọ, Phạm Thành, Phạm Tường, Phạm Tụng, Phạm Kế và 1 người con gái út là Phạm Phương Nương. Cả 7 người vừa giỏi văn vừa giỏi võ.

Khi nước ta bị nhà Minh đô hộ. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn-Thanh Hoá, cả 7 anh em họ Phạm đã vào Lam Sơn đầu quân cho Lê Lợi, tham gia chống giặc Minh. Lê Lợi thấy 7 anh em tướng mạo đường đường, thần uy lẫm liệt, liền chiêu nạp và phong cho làm tướng, đồng thời cấp cho 3 nghìn quân cho trấn ải vùng Đông Bắc. Được nhân dân khắp nơi ủng hộ, đội quân ngày càng lớn mạnh, xung trận lien tiếp giành được thắng lợi, khiến quân Minh tổn thất nặng nề. Sau đó, giặc Minh cho quân tiếp viện, sức quân địch tăng mạnh. Sau nhiều trận chiến, khiến lực lượng của quân ta mỏng dần. Tại trận chiến ác liệt diễn ra ở trang Ngư Uyên, quân ta bị quân địch bao vây. Tướng quân Phạm Luận cùng các em đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, khiến quân giặc hao tổn rất nhiều, góp công to lớn vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược. Tuy nhiên cả 7 anh em họ Phạm đều mất trong trận chiến. Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua tức Lê Thái Tổ (sử sách gọi là nhà Hậu Lê). Thương tiếc, tưởng nhớ và truy công của 7 vị danh tướng họ Phạm, vua đã ban sắc chỉ đến bản trang làm lễ điếu và cấp tiền, giao cho 3 trang Vụ Nông, Ngư Uyên và An Thuỷ lập đền thờ để ngàn năm thờ phụng. Cả 7 vị còn được vua phong mỹ tự và hai chữ: Ngọc Thanh.

Đền Ngư Uyên được xây dựng vào thời Lê Vĩnh Trị, nằm trên khu đất cao ráo, thoáng đạt. Thời Nguyễn trùng tu lại nhưng vẫn giữ được nhiều mảng kiến trúc thời Lê.

Trên thượng lương toà tiền tế còn ghi: Đại đền khởi tạo tự Lê Vĩnh Trị, Đinh Tỵ niên chế, Nguyễn triều Bảo Đại, Giáp Thân niên, quý xuân, tráp lục hợp tác thụ trụ thượng lương. Như vậy, đền được xây dựng năm 1677 và được trùng tu vào năm 1944…Với nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đền Ngư Uyên đã được Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 2/3/1990.

 

Lễ hội đền Ngư Uyên năm Quý Mão diễn ra từ ngày 15 đến hết 18/Giêng, với phần lễ gồm: Lễ tế nhập tịch, Lễ rước bộ, Lễ dâng hương, Lễ tế thần và Lễ tạ. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: bịt mắt bắt dê, đập nồi, đập niêu, cờ tướng cùng các môn thể thao bóng chuyền, bóng đá, vật truyền thống, cầu lông…

PHẠM VĂN CHỨC

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Một số tiết mục văn nghệ của nhân dân và học sinh địa phương.

Ảnh 2: Pho tượng cổ tướng quân Phạm Luận tạc thời Nguyễn thờ tại di tích

Ảnh 3: Ông Phạm Văn Giang-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Long Xuyên gióng trống khai hội.

Ảnh 4: Đoàn đại biểu Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền bối họPhạm.

Ảnh 5: Một số cảnh khởi rước của Lễ rước bộ.

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments