Sáng ngày 25/6/2017, tại Thư Viện Quốc Gia Việt Nam (số 31 – Tràng Thi, Hà Nội) đã diễn ra buổi Tọa đàm về công trình sách Lịch sử Võ học Việt Nam, do Viện Nghiên cứu, Phát triển, Quảng bá Võ học Việt Nam và tác giả Phạm Phong tổ chức. Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì Tọa đàm.
Đến dự buổi Tọa đàm có bác Nguyễn Mạnh Can – Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung Ương Đảng, TS. Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, TS. Trần Chiến Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và DL, ông Nguyễn Kiểm – Nguyên Cục trưởng Cục Xuất Bản, TS – LS Phạm Huỳnh Công, ông Phạm Thiện Căn – Phó Chủ tịch HĐ Họ Phạm Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó GĐ Thư Viện Quốc Gia, ông Nguyễn Tiến Cường – Phó Vụ trưởng Báo Nhân Dân, ông Lý Đức Thùy – Tổng Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng Cục TDTT), Võ sư – Lương y Huỳnh Ngọc Bình – Phó Viện trưởng Viện Tâm Khí Việt, ông Trần Thịnh – Viện Nghiên cứu Tiềm Năng Con Người, ông Thế Anh – Trưởng VP Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tại Hà Nội, ông Ngọc Minh – Nguyên Trưởng Bộ môn Võ – Vật (Tổng Cục TDTT), Võ sư Nguyễn Công Minh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Võ Thuật Cổ truyền Nghệ An, Võ sư Lý Băng Sơn – Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia Việt Nam, Võ sư Nguyễn Khắc Phấn – Chưởng môn phái Thiên Môn Đạo…và gần 100 Đại biểu, Nhà nghiên cứu, Võ sư, Võ sĩ, Nhà Báo, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Truyền hình Công An Nhân Dân, Truyền hình Việt Nam và Hà Nội…
Tại buổi Tọa đàm, quý vị nguyên lãnh đạo các Bộ – Ngành, các Nhà nghiên cứu, Nhà giáo, Võ sư, bạn đọc đã đánh giá cao việc ra đời công trình sách Lịch sử Võ học Việt Nam, nhằm tập hợp các nguồn tư liệu, hiện vật, các bài võ, binh khí, các tuyệt kỹ, bảo bối thiêng liêng qua các giai đoạn lịch sử để bảo tồn, tôn vinh, truyền dạy, quảng bá những tinh hoa độc đáo của nền Võ học oai hùng, uyên bác, lâu đời của Tổ tiên, dân tộc sau thời gian dài bị lãng quên, mất gốc. Đồng thời, góp phần khẳng định nước ta có nền Võ học đồ sộ, bao gồm cả hệ thống Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Trận, Võ Thuật, Võ Cử, Võ Y, Võ Nhạc, Võ Miếu, Võ Phục…gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, góp phần quan trọng đánh tan các kẻ thù xâm lược, bảo toàn giang sơn, đất nước và không thua kém nền Võ học của các nước khác. Nhiều ý kiến mong muốn Bộ Văn hóa – Thể thao và DL sớm nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận Võ học dân tộc là Di sản Văn hóa phi vật thể của Quốc gia và đệ trình Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới như một số nước đã làm. Mong muốn Bộ Giáo dục – Đào tạo sớm nghiên cứu, chọn lọc những tuyệt tác Võ học và những bài võ chính thống của dân tộc đưa vào giảng dạy cho SV, HS. Mong muốn công trình này được Nhà nước quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho tác giả được phổ biến, truyền bá sâu rộng, được các kênh truyền thông giới thiệu rộng rãi trong nước và quốc tế. Đồng thời in ra tiếng Anh để các độc giả và người yêu quý Lịch sử Võ học Việt Nam các nước đọc và hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người, văn hóa, võ học của dân tộc Việt Nam. Vì trong 5 năm qua (6/2012 – 6/2017), công trình đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh, trao bằng kỷ lục “Người viết sách Lịch sử Võ học VN đầu tiên”. Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) tôn vinh là “Công trình Võ học có giá trị đóng góp vào kho tàng Võ học thế giới”. Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học – Nghệ thuật Trung Ương nhận xét:“Công trình biên soạn nghiêm túc, khoa học, công phu, độ dày gần 800 trang, có ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo tồn, chấn hưng nền Võ học Việt Nam…”. Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo Thế giới trao tặng danh hiệu “Công trình xuất sắc, có nhiều đóng góp cho cộng đồng”. Đặc biệt mới đây được Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới tôn vinh, trao bằng xác lập kỷ lục “Công trình biên soạn và chuyển ngữ tiếng nước ngoài (tiếng Pháp) đầu tiên trên thế giới”.
Nhân dịp này, tác giả đã trao tặng sách Lịch sử Võ học Việt Nam cho Thư Viện Quốc Gia Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu và bạn đọc.
BTC xin chân thành cảm ơn Ban Lãnh đạo Thư Viện Quốc Gia, Lãnh đạo Hội Kỷ Lục Gia Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Họ Phạm Việt Nam, Trường ĐH TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), ông Phạm Hoàng Hải, ông Đỗ Công Lừng, Bà Phạm Thúy Lan,ông Phạm Thế Chiến, ông Ngọc Ánh, ông Nguyễn Ngọc Lanh, ông Huy Toàn, quý Nhà Báo đã hết lòng giúp đỡ, hỗ trợ, tặng lẵng hoa và đưa tin buổi Tọa đàm thành công tốt đẹp.
Xin kính chúc quý vị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.
Tác giả PHẠM PHONG