Cùng lúc ấy, trong cung Đoan Trang, Nhị phi trằn trọc mãi không ngủ được. Chỗi dậy, bà bước ra trước hiên, gọi người hầu pha trà hoa cúc. Tuy hôm qua đã nhân chuyện cái bánh ít gai mà cho tình địch trẻ tuổi một đòn tối tăm mặt mũi, nhưng bà cũng chỉ hả hê được một chút, rồi lại đâu vào đấy. Cảm giác tức bực vẫn cứ quanh quẩn trong lòng.
Trong số hơn trăm người đàn bà trong hậu cung, ba người có địa vị cao nhất là hoàng hậu, Nhị phi và Tam phi. Trong ba người ấy, Nhị phi tuy không phải Chánh cung, nhưng là người nắm nhiều quyền lực nhất. Bởi hoàng hậu vốn hiền lành, mà lại thường xuyên đau yếu; Nhị phi thì lanh lợi, mạnh mẽ quyết đoán, nên quyền thưởng phạt trong sáu cung thực sự nằm trong tay bà.
Mặc dù hầu như cả năm hoàng đế không ngự tới cung Đoan Trang của Nhị phi, nhưng bà vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định của ngài. Ngài vẫn thường nói với các triều thần thân tín: “Các khanh à, trẫm quý nhất là hoàng hậu, thích nhất là Tam phi, nhưng nể nhất chính là Nhị phi đó!”
Tại sao lại nể, đầu đuôi câu chuyện là thế này.
Trần Thị Đang xuất thân là tùy nữ của bà Chính phi Nguyễn Thị Hoàn, mẹ của Nguyễn Phúc Ánh, tức là Gia Long hoàng đế sau này. Lúc thành Phú Xuân mất về tay quân nhà Trịnh, Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Nam, Đang theo mẹ và các chị em gái của ngài lẩn tránh trong dân gian. Ba năm sau, Nguyễn Phúc Ánh xưng vương, sai người lén về Kinh đón cả nhà vào. Cô bé Trần Thị Đang cũng được đi theo từ ấy.
Cô bé Đang xinh xắn, nhanh nhẹn, can đảm, đã trải gian nan nguy hiểm với chủ nhân, nên được mẹ vua tin cẩn. Thuở ấy tuy đã xưng vương, nhưng vua luôn bị quân Tây Sơn truy đuổi, phải lẩn tránh nay đây mai đó. Thái hậu đã già, không thể bôn ba theo con được, lại phải tiếp tục ẩn náu trong những nhà phú hào ở miền Nam. Nguyên phi Tống Thị Lan là vợ chính của vua, tất phải chịu hy sinh ở lại phụng dưỡng mẹ chồng. Lo cho con trai nay đây mai đó không người chăm sóc, thái hậu mới khuyên vua thu Trần Thị Đang làm Tả cung tần, cho theo hầu hạ trong quân. Tên hiệu Nhị phi bắt đầu có từ đó.
Kể từ ấy, Nhị phi theo vua đi khắp nơi, lúc chạy ra Phú Quốc, lúc sang Xiêm La cầu viện. Thực tình, nhà vua lúc đó lao tâm khổ tứ về việc khôi phục, nên chẳng mấy quan tâm đến nữ sắc. Tống Thị Lan, người vợ yêu quý đang phải chịu thương chịu khó chăm sóc mẹ chồng, hy sinh thiệt thòi như thế, nhà vua không khỏi xót xa. Lấy Nhị phi là để cho thái hậu yên lòng, chứ không xuất phát từ mong muốn của vua. Thêm nữa, đàn ông với đàn bà thu hút nhau cũng vì duyên trời xui nên, mà đối với vua lúc ấy, Nhị phi không có chút hấp dẫn gì hết. Vì vậy mà mười năm trời theo vua, Nhị phi vẫn không sinh nở …
Nhị phi trưởng thành trong gian khó, tính tình quả cảm, hiếu thắng, đã muốn gì thì quyết đạt cho bằng được. Về sau này, bà vẫn lấy làm thẹn về việc không được vua gần gũi trong bao nhiêu năm, nên thường thêu dệt thành câu chuyện nói với tả hữu: “Thuở ấy còn khó khăn, giặc Tây Sơn ngày đêm truy đuổi, nên ta thường thắp hương khấn vái cho đừng có con. Sợ nhỡ khi bị giặc truy bức, vứt bỏ con thơ thì thương, mà đem theo thì không khỏi làm bận cho thánh thượng.”
Sau mười năm trời lênh đênh đây đó, nhà vua mới chiếm lại được miền Nam, xây thành Gia Định, đón thái hậu và Nguyên phi Tống Thị Lan về đoàn tụ. Mọi việc yên bề đến mấy năm sau, Nhị phi mới sinh được con trai đầu lòng. Kể từ đó, vận của Nhị phi đã tới: bà liên tiếp sinh một lèo bốn con trai, trong đó con đầu là hoàng tử Đảm thông minh, quả quyết, mạnh mẽ chẳng khác gì mẹ.
Nhị phi thường tự nghĩ, thời gian bà nhọc nhằn chia sẻ gian nguy với hoàng đế tính ra còn dài hơn thời gian Nguyên phi Tống thị ở với nhà vua. Công lớn, tình sâu, vậy mà đến ngày chiến thắng, về kinh đô Phú Xuân, bỗng một người đàn bà trẻ hơn, đẹp hơn, xuất thân danh giá hơn bỗng xuất hiện, giành mất cái quyền được kề cận đức vua. Nhị phi ghen hờn, uất ức cũng phải. “Công chúa nhà Lê! Khi nào hoàng thượng cũng nói nạp hắn vào cung là để tỏ lòng bao dung với nhà Lê ngày trước. Hừ, hắn đã đi lấy hoàng đế Ngụy Tây Sơn thì phải gọi là Ngụy Hậu mới đúng. Ngụy hoàng hậu – Nhị phi dằn từng tiếng – Ngụy hoàng hậu, chứ công chúa nhà Lê cái chi nữa.”
Thái giám họ Trần, một thái giám thân tín, cùng quê, cùng họ với Nhị phi, nghe chủ nhân nói vậy liền tán theo:
. Dạ, danh giá chi con người đó, cái loại người trốn chúa lộn chồng, dù địa vị là hoàng hậu công chúa chi chi đi nữa cũng không đáng kể là con người.
. Đúng! Đúng! Thiệt không xứng là con người. Vậy mà hoàng thượng còn ban hiệu cho hắn là Đức phi nữa chớ! Cái thứ vô đạo đức như rứa mà còn gọi là Đức với Hạnh, thiệt là lấp liếm trắng trợn hết sức. Nghe mà ngứa cả tai.
. Dạ, lệnh bà nói chí phải, mỗi lần nghe hô danh hiệu Đức phi con thấy trong bụng nực cười lắm, chỉ vì sợ mạo phạm hoàng thượng nên không dám lộ ra ngoài mặt.
Nhị phi nghe Giám Trần nhiếc móc Tam phi, trong lòng cũng nhẹ nhàng đôi chút. Giữa lúc đó, tỳ nữ Hạnh Nhi từ bên cung Tần Trang bước vào, xin có việc bẩm riêng.
– Nhà ngươi cứ nói, ông Giám Trần đây là người thân tín của ta, không phải ngại.
Nghe Hạnh Nhi xong, Nhị phi hừ một tiếng:
– Con yêu nghiệt ấy lại còn dám oán trách à? Thiệt là đồ vong ơn bội nghĩa.
Nói rồi bà lập tức quay sang Giám Trần, dặn sáng mai gọi phu kiệu sớm để bà đến bệ kiến hoàng đế.
***Gia Long hoàng đế ngồi trong điện Văn Minh, bên cạnh chỉ có thái giám Trung Tín đứng hầu. Hôm nay ngày chẵn, ngài không thiết triều, đang chờ tiếp kiến một đại công thần mới từ trong Nam ra: Đức ông Tả quân Lê Văn Duyệt.
Lê Văn Duyệt từ ngoài vào, sải những bước chân vững chãi, gương mặt rắn rỏi sạm đen nắng gió. Thấy hoàng đế, ông đặt gối định quỳ lạy tung hô, nhưng Gia Long đã đích thân bước xuống, đỡ dậy:
. Khanh đứng lên đi. Khi trẫm mới lên ngôi, đã đặc biệt cho khanh cái quyền Nhập triều bất bái, không phải quỳ lạy vua, để giữ cái tình thân ái như khi vua tôi còn chinh chiến bên nhau. Nay vào Nam, xa trẫm không bao lâu mà khanh lại sanh ra khách sáo vậy?
Lê Văn Duyệt nhếch nụ cười không tươi:
. Nhập triều bất bái, cái vinh dự ấy lớn lắm, làm sao thần dám quên. Chỉ sợ là lâu nay xa mặt cách lòng, chưa biết ý vua thế nào cho nên phải thận trọng giữ phận thần tử.
Vua Gia Long nghiêm mặt:
. Xa mặt cách lòng là sao? Khanh còn nói vậy trẫm sẽ phạt đó. Ta đối với các công thần như chân với tay, ngày trước gian khó mình thân thiết ra sao, nay giàu sang vẫn vậy.
Nhà vua rất giỏi ứng xử, đối với ai cũng thân ái mà rất đúng mực. Đã từng phụng sự Gia Long bao năm, Lê Văn Duyệt biết rõ đấy là một phần của nghệ thuật làm vua.
. Tâu, thời thế thay đổi, nhiều cái cũng khác trước rồi! Hồi xưa, hoàng thượng
. trong trại quân, lúc có việc, dù đêm hôm khuya khoắt Duyệt tôi chạy ào vào cũng chẳng bị quở trách. Bây giờ, Duyệt về Kinh đã mười ngày, hôm nay mới được ơn gọi đến…
Gia Long cười giả lả, vỗ về:
. Trẫm biết khanh có ý trách trẫm rồi đó… Chẳng qua là trẫm nghĩ khanh mới đi đường xa mệt nhọc, để khanh nghỉ ngơi cho lại sức đã mà!
. Nhờ hồng phúc của hoàng thượng, thần vẫn được khỏe như thời còn xông pha dưới cờ. Cũng như xưa, thần luôn chờ được hoàng thượng sai khiến, đâu có thiết gì đến nghỉ ngơi!
Nghe đến mấy tiếng “xông pha dưới cờ”, vua Gia Long nghĩ thầm trong bụng: “Khổ thật, từ công thần cho đến hậu phi, ai cũng kể lể nhắc nhở, ngày xưa thế này, ngày xưa thế nọ, rầu quá đi mất!” Tuy vậy, hoàng đế tuyệt nhiên không để lộ vẻ khó chịu: ngài hiểu rõ qua mười lăm năm dựng nghiệp, ngài đã tiêu tốn rất nhiều mồ hôi, nước mắt, máu và sinh mạng của hàng vạn quân tướng. Đó thực sự là một món nợ rất lớn không bao giờ xóa được.
. Trẫm hiểu rồi, hiểu rồi! Trí nhớ của trẫm vẫn còn tốt mà, khanh không phải nhắc đâu. Trẫm nói rất thực lòng, trẫm không bao giờ quên cái thời vua tôi nằm gai nếm mật có nhau.
Mặt Lê Văn Duyệt lúc này mới bắt đầu tươi lên. Cung nữ tiến vào, dâng rượu.
Vua ân cần tự tay bưng chén ban cho. Lê Văn Duyệt cảm động uống cạn.
Khoảng cách vua tôi như ngắn lại. Gia Long hoàng đế hỏi han:
. Việc nhà khanh thế nào rồi? Cái năm mới về Kinh, ta ban cung nữ Đỗ Thị Phấn cho khanh lấy làm vợ. Cô ấy làm phu nhân có tốt không?
Lê Văn Duyệt cúi đầu:
- Tạ ơn hoàng thượng thăm hỏi. Thần đi dẹp loạn hết Quảng Ngãi lại đến Thanh Hóa, vắng nhà luôn luôn, may có Thị Phấn trông coi chăm sóc cha già mẹ yếu. Cũng là nhờ ơn thánh thượng mới được như vậy!
- Tốt lắm! Việc kế thừa nối dõi, khanh đã tính chưa?
Lê Văn Duyệt trầm giọng:
. Thần xuất thân là thái giám, có vợ cũng chỉ để có người trông coi cơ nghiệp chứ không hy vọng gì về con cái. Vì vậy thần đã nuôi đứa con người em làm con thừa tự.
. Cũng tốt! Vô nam dụng nữ, vô tử dụng tôn. Trẫm sẽ cho con nuôi của khanh được tập ấm như là con đẻ vậy. Hôm nào đó khanh hãy đưa vào cho trẫm xem mặt, nếu nó phương phi cao ráo, trẫm sẽ chọn công chúa gả cho!
Lê Văn Duyệt cười:
. Tạ ơn hoàng thượng quá thương. Chỉ tiếc là Lê Yên con nuôi của thần năm nay mới có tám tuổi…
Vua Gia Long bật cười:
. Ha ha! Vậy hả? Trung Tín đâu?
Thái giám Trung Tín lại gần:
. Tâu hoàng thượng?
Vua Gia Long chỉ tay:
. Ghi lại lời ta nói hôm nay đi, làm vua không thể nói chơi. Sau này khi Lê Yên lớn lên sẽ tuyển làm phò mã.
Lê Văn Duyệt trong lòng cảm kích sâu xa, bất giác đứng dậy đến trước án vua, quỳ sụp xuống tự nguyện làm lễ quân thần:
. Bệ hạ chu toàn đối với thần như vậy, dù có chết để báo đền cũng không dám tiếc.
Lần này, vua để yên cho Duyệt quỳ lạy.
. Khanh hãy nhớ, trẫm muốn gia tộc họ Lê của khanh đời đời cùng với hoàng gia có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia.
Giữa giây phút cảm động ấy, chợt bên ngoài có tiếng xôn xao.
Nhị phi vừa xuống kiệu, đang định tiến vào. Thị vệ ngăn lại:
. Bẩm lệnh bà, hoàng thượng đang tiếp kiến quan lớn Tổng trấn từ trong Nam ra chầu Kinh.
Nhị phi giương đôi mắt phượng – đôi mắt qua tuổi bốn mươi tuy đã hết long lanh, nhưng vẫn còn rất tinh anh sắc sảo:
. Tưởng ai chứ ông Duyệt thì có xa lạ gì với ta? – Bà cao giọng – Mười mấy năm chinh chiến ta theo bên mình hoàng thượng, quan tướng nào mà ta chẳng gặp, chẳng coi như người nhà?
Thị vệ khúm núm:
. Dạ nhưng bẩm lệnh bà, hoàng thượng có lệnh không cho ai vào cả, để ngài với quan lớn bàn chuyện quân quốc trọng sự.
Nhị phi nạt lớn:
. Thì ta cũng vào bẩm chuyện quân quốc trọng sự đây…
Nói rồi bà cứ thế xông xênh đi vào, thị vệ không dám ngăn.
Hoàng đế nhìn ra, hơi chau mày:
. Ái khanh?
Nhị phi điềm nhiên:
. Hoàng thượng vạn tuế! Xin chào ông Duyệt! Xin hoàng thượng tha tội, vì có chuyện hết sức nghiêm trọng nên thần thiếp phải mạo muội đến tâu trình. Không ngờ ông tổng trấn đang ở đây…
Vua Gia Long nghiêm mặt:
. Có chuyện gì vậy? Ông Duyệt cũng như người trong nhà, khanh cứ nói!
. Tâu, thần thiếp vừa phát hiện kẻ gian trong cung. Sợ nói ra chậm e ảnh hưởng đến an nguy của hoàng thượng, nên không dám chậm trễ một giây. Vua Gia Long đã quen với những tin tức nóng bỏng của Nhị phi, ngài bán tín bán nghi:
. Kẻ gian? Ai vậy? Nhị phi dõng dạc:
.Tâu hoàng thượng, nếu trong triều có kẻ miệng ăn lộc của hoàng thượng mà lòng phản trắc, thì triều đình phải xử ra sao ?
Vua Gia Long nhướng mày:
. Tất nhiên là phải chém đầu làm gương, còn gì phải hỏi.
. Hoàng thượng thật sáng suốt. Vậy trong cung, nếu có phi tần một dạ hai lòng, dám buông lời oán trách hoàng thượng, hoàng thượng có cho phép chúng thiếp đem ra trị tội hay không?
Vua Gia Long ngờ ngợ, giọng đầy vẻ đề phòng:
. Ai vậy? Oán trách thế nào? Này ái khanh, chuyện gì cũng phải có bằng cớ, chứ nói suông là không được đâu…
Nhị phi xác quyết:
. Dạ, thiếp có bằng cớ, có nhân chứng hẳn hoi!
. Ái khanh à, bây giờ thế này, chuyện đâu còn có đó, ái khanh cứ về cung nghỉ ngơi. Tối nay trẫm đến chỗ ái khanh tìm hiểu ngọn ngành, lúc đó ái khanh muốn nói gì cứ nói! Bây giờ để trẫm với ông tổng trấn còn bàn việc triều đình, ái khanh hiểu chưa?
Nhị phi nghe đến mấy tiếng “Tối nay trẫm đến” thì dịu ngay nét mặt, đổi giọng ngọt ngào:
. Dạ, xin hoàng thượng đã phán thì đừng quên, thế nào tối nay cũng tới cho thần thiếp bày tỏ. Việc này không nhỏ, xin hoàng thượng chớ xem thường.
Nhị phi ra rồi, Lê Văn Duyệt mỉm cười im lặng.
Vua Gia Long thở hắt ra:
. Khanh cũng biết đó, những chuyện rắc rối giữa các cung cứ thường xuyên xảy ra, cái gì họ cũng chồm chồm lên đòi trẫm phân xử!
. Tâu, tính Nhị phi xem ra vẫn như xưa. Hồi đó chúa tôi, chồng vợ sống chết bên nhau, cứ như nhà dân dã chẳng có điển lệ quy tắc gì. Thần cứ tưởng bây giờ vua tôi thân phận đã định, Nhị phi chắc cũng phải thùy mị khiêm cung hơn.
Vua Gia Long tỏ vẻ ngao ngán:
. Làm gì có chuyện thùy mị với khiêm cung? Nói thực với khanh, giờ đây trẫm đau đầu với mọi người hơn thời còn nằm gai nếm mật nhiều lắm đó!
. Thần nghe các quan than phiền rằng lệnh bà thường xen vào các cuộc bệ kiến, làm họ nhiều khi không tâu được hết ý riêng với hoàng thượng.
Vua Gia Long gật đầu:
. Trẫm biết, trẫm biết! Đó, khanh đã nói đúng vào chuyện đang làm trẫm rất khó xử. Quy tắc triều nghi hiện nay vẫn còn rất lỏng lẻo. Các ông trong triều cũng giống các bà trong cung, hở một tí là nhắc nhở công trạng ngày xưa. Các quan bộ Lại, bộ Lễ thì ngại động chạm, không dám mạnh tay thiết lập thể thức. Cái gì họ cũng đùn đẩy cho trẫm, mà trẫm lại là người khó nói nhất… Trẫm không muốn tự mình nói những lời từ chối, trẫm không muốn họ miễn cưỡng tuân hành mà trong bụng lầm bầm rằng trẫm là kẻ vô ơn… Khanh hiểu chứ?
Lê Văn Duyệt gật đầu, đi thẳng vào việc:
. Thần hiểu. Hoàng thượng đang cần một người. Một người có thể nói những lời chối từ, răn đe, ràng buộc thay cho hoàng thượng.
. Đó, đó, trẫm cần một người đủ cương nghị, thẳng thắn để chấn chỉnh kỷ cương. Làm sao cho vua ra vua, tôi ra tôi, thế mới thực là một triều đình. Khanh thấy có ai xứng đáng không?
Lê Văn Duyệt ngẫm nghĩ rất nhanh: “Hoàng thượng đang nghĩ đến ta. Còn ai xứng hợp để làm bia chịu đạn thay cho hoàng thượng hơn ta nữa?”
Lê Văn Duyệt đã đoán đúng. Nhưng thật tình, ông không thích thú làm việc đó. Lập tức, ông tâu với một giọng chắc nịch:
. Theo thần thì có một người, nhất định sẽ làm hoàng thượng vừa ý.
. Ai?
Lê Văn Duyệt chắp tay, kính cẩn:
. Hoàng thượng đã tin mà hỏi, thần xin hết lòng tiến cử. Người này tuy không có quyền thế lớn trong triều, nhưng thanh danh và uy tín còn cao hơn những công thần bậc nhất. Người ấy biết đạo lý, sống ngay thẳng, làm việc nước thì hết sức công tâm. Khiêm nhường, giản dị nhưng chẳng biết sợ ai, chỉ sợ lẽ phải mà thôi.
Gia Long hoàng đế tủm tỉm cười, nhắc nhở:
. Không sợ ai thì tốt, nhưng ít nhất cũng phải sợ vua chứ?
Lê Văn Duyệt chữa lỗi:
. Tâu, làm bề tôi tất nhiên phải tuyệt đối trung thành với hoàng thượng. Hoàng thượng cũng như Trời, đâu có gồm chung với thiên hạ được? Nhưng nếu có lúc hoàng thượng cần can gián, thần chắc người này cũng sẽ can đảm dâng lời!
Vua Gia Long trước nay vẫn tin tưởng tài dùng người của Lê Văn Duyệt.
. Này khanh, thực lòng ta mong muốn khanh chứ không phải muốn ai khác. Nhưng ta cũng lường tính phần nào rồi, khanh là con chim bằng vùng vẫy ở bốn phương, việc ngồi ở triều trung bàn lễ nghi phép tắc không phải chí của khanh. Thôi, người đó là ai, khanh hãy nói cho ta biết.
Lê Văn Duyệt mỉm cười. Mình đã đoán đúng. Chậm một chút là sẽ bất tiện vô cùng khi phải chối từ hoàng đế.
Bao giờ cũng vậy, Lê Văn Duyệt luôn có hành động nhanh, quả quyết và chính xác. Một lần nữa, ông cung kính chắp tay:
. Tâu hoàng thượng, người đó là Phạm Đăng Hưng, hiện đang ẩn cư tại phủ Tân An gần thành Gia Định!
Ngay hôm ấy, thái giám Trung Tín viết lệnh, Ngự thư phòng soạn chỉ, đóng ấn, kỵ sĩ hỏa tốc phi ngựa hai ngày đường không nghỉ vào phủ Tân An, rồi quan phủ lập tức thảo công văn gửi đến tận nhà họ Phạm.