Sau bảy ngày rong ruổi đường dài, Phạm Đăng Hưng đến kinh đô, cả người lấm bụi. Bộ Lại đã xếp đặt chỗ tạm trú cho ông trong nhà Công quán.
Buổi đầu Phạm Đăng Hưng vào yết kiến, Gia Long hoàng đế chưa vội nói, chỉ đưa cái nhìn sắc sảo quét một lượt từ đầu đến chân con người được mệnh danh là danh sĩ phương Nam. Một lúc lâu, nhà vua mới phán hỏi:
. Đăng Hưng, ngươi đối với Tả quân Lê Văn Duyệt là thủ hạ hay là thân thích?
Đăng Hưng không khỏi ngạc nhiên.
. Tâu hoàng thượng, thần không phải thủ hạ, cũng không phải thân thích của Tả quân. Hơn chục năm trước, hồi Tả quân đi đánh thành Phú Yên, thần có theo tùng sự trong quân. Từ đó đến nay, nhiều năm không còn được gặp.
Nhà vua gật đầu. Ngài chuyển sang hỏi han về gia cảnh, Phạm Đăng Hưng chỉ tâu bày qua loa ngắn gọn. Ông thầm nghĩ: Hoàng thượng thường ngày hỏi han biết bao nhiêu kẻ dưới, chắc chắn ngài hỏi vậy thôi nhưng sẽ chẳng nhớ gì đâu.
Gia Long hoàng đế hơi thất vọng. Thực sự Đăng Hưng không đem lại cho ngài một ấn tượng gì đặc biệt. Vì vậy, ngài trù trừ chưa biết nên làm gì với con người có vẻ khá tẻ nhạt này. “Đăng Hưng, trẫm có lời khen nhà ngươi đã nhanh chóng về Kinh phụng mệnh. Giờ ngươi hãy lui về công quán, tiếp tục chờ lệnh triều đình.”
Đăng Hưng chưng hửng, nghĩ thầm: việc khẩn cấp là thế này đây ư, bỏ cả giỗ cha đi hộc tốc về Kinh để rồi ngồi chơi xơi nước trong Công quán hay sao? Nghĩ vậy nhưng ông chẳng có cách nào hơn là quỳ lạy tạ ơn rồi bước ra, nhường chỗ cho các triều thần khác đang chờ ngoài thềm điện.
Đăng Hưng ra khỏi điện Văn Minh, đi thủng thẳng gần đến cửa Hiển Nhơn, trong lòng rầu rĩ. Chợt một đoàn quân khiêng kiệu đi vào.
Lê Văn Duyệt đang ngồi trên kiệu, cất tiếng:
. Đăng Hưng đó phải không? Sao ra Kinh không đến thăm ta? Đăng Hưng chắp tay thi lễ:
. Bao năm không gặp, thật không ngờ Đức ông vẫn nhớ Đăng Hưng.
Lê Văn Duyệt xuống kiệu.
. Gặp ông ở đây rất hay. Hãy cùng ta vào cung một chút. Ta có một việc cần ông tham vấn, ta đang rất cần sự thẳng thắn của ông.
. Đức ông muốn gì Đăng Hưng cũng xin vâng. Nhưng nếu là vào chầu hoàng thượng thì Đăng Hưng mới vừa chầu xong, không lẽ lại quay vào.
Lê Văn Duyệt sải bước, ra hiệu cho Đăng Hưng theo mình:
. Không, hôm nay ta không vào bệ kiến hoàng thượng. Ta vào đây vì lời mời của Nhị phi. Hà hà, ta thường có thói quen lường trước mọi việc, vì vậy mới phải suy nghĩ đau đầu đây.
Vốn là hoạn quan, lại được hoàng gia xem như thân thích, nên Lê Văn Duyệt những lúc về chầu Kinh vẫn vào ra cung điện. Hơn nữa, buổi đầu triều, luật lệ hoàng cung còn lỏng lẻo, các bà có chức danh lớn vẫn có thể tiếp bà con thân hữu ở Mộc Lan đình. Hôm ấy Nhị phi sai thị nữ bày sẵn chè sen cùng với trái cây trên sập gụ giữa đình, lại bảo Giám Trần đặt sẵn bộ bài tứ sắc. “Ông Tả quân suốt năm suốt tháng bận rộn việc nước, cũng phải dành đôi lúc nghỉ ngơi thư nhàn một chút chứ! Nay ông về Kinh tuy chưa đến mùa nhãn lồng, mùa sen, nhưng nhãn với sen này ta đã cất dành từ mùa trước, quý lắm. Mời ông thưởng thức, nhân dịp chơi vài ván tứ sắc cho vui!”
Nghe Lê Văn Duyệt giới thiệu Phạm Đăng Hưng là danh sĩ trong Nam, Nhị phi trong lòng mừng thầm: “Ta mời ông Duyệt là mong gặp một người anh hùng, nay lại bỗng nhiên được gặp thêm một bậc trí giả. Chắc là Trời phù hộ, đưa người tới cho ta.” Nghĩ vậy nhưng bà không để lộ tâm cơ ra nét mặt. Thị nữ tiến lên, pha trà, dâng bánh. Giám Trần chia bài. Nhị phi và Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng ngồi ba góc sập, góc còn lại Giám Trần ngồi trên một chiếc ghế kê thấp hơn.
Nhị phi vẻ vô tư:
. Thâm cung vắng lặng, ngày ngày nhàn rỗi, ta chỉ biết lấy tứ sắc làm vui.
Nhưng cái bộ bài này cũng không phải chỉ là trò chơi đâu các ông ạ. Đã là người có cơ trí thì trò chơi cũng là cuộc rèn luyện cơ trí. Có phải không các ông?
Nhị phi xuống bài. Lê Văn Duyệt vừa đánh tiếp, vừa nói:
. Bẩm lệnh bà, đúng vậy. Suy cho cùng nhiều việc liên quan đến tính mạng, danh giá của con người, thực ra cũng là những ván bài sinh tử mà thôi!
Nhị phi bắt lời ngay, nửa đùa nửa thật:
. Ông nói vậy là hiểu đời lắm! Hôm nay tôi mời ông chơi tứ sắc, cũng là muốn xem thử cách xuống bài của ông thế nào đó.
Lê Văn Duyệt cười to, có vẻ muốn đánh trống lảng. Nhưng đã muộn, vì Nhị phi không bỏ lỡ dịp. Ván bài kết thúc, bà liếc mắt, Giám Trần lập tức thu dọn quân bài. Thị nữ rót trà lần nữa, rồi tất cả nhất loạt lui ra.
Nhị phi tay nâng tách trà, quay qua nói với Đăng Hưng:
. Hôm nay ta mời ông Duyệt vào đây là muốn hỏi một điều thắc mắc trong lòng. May lại gặp cả Phạm danh sĩ ở đây, phải chăng là Trời xui khiến?
Đăng Hưng dè dặt:
. Bẩm lệnh bà, hạ quan tình cờ được tháp tùng Đức ông vào ra mắt lệnh bà. Xin tạ ơn lệnh bà đã tiếp rất hậu. Công việc còn nhiều, giờ đây có lẽ đã đến lúc phải cáo từ.
Nhị Phi lấy giọng ngọt ngào:
. Hãy nán một lúc! Ta muốn hỏi ông Duyệt vì biết ông có trong tay binh hùng tướng mạnh, một cái đưa mắt của ông đủ điều khiển bao nhiêu văn võ triều thần. Ta cũng muốn hỏi ông Hưng vì ông lừng danh là bậc túc nho trí giả. Điều ta sắp hỏi đây, – Nhị phi nhấn mạnh: – rất quan hệ đến tiền đồ mai sau của các ông!
Lê Văn Duyệt thận trọng:
. Lệnh bà quá khen, chúng thần không dám. Nhị phi khoát tay:
. Không cần phải khiêm cung trước mặt ta. Hai chữ nhún nhường, hãy để cho bọn người hèn yếu không dám bộc lộ bản lĩnh của mình. Các khanh là người am hiểu thời thế, hãy góp phần tạo nên thời thế!
Đăng Hưng nghiêm trang:
. Bẩm lệnh bà, lệnh bà cần hỏi gì, xin cứ nói rõ.
Lê Văn Duyệt đưa mắt lừ Phạm Đăng Hưng, kín đáo nhích một ngón tay, ra hiệu đừng nói.
Nhưng chừng ấy đả đủ. Nhị phi chỉ chờ có thế, gật đầu cười tươi, đĩnh đạc:
. Hay lắm. Các ông tuy ở ngoài, chắc cũng biết rõ tình hình trong cung. Chuyện trong cung không chỉ là chuyện thường tình nhi nữ giữa các hậu phi, mà đôi khi chính là đầu mối những chuyện của triều đình, của đất nước.
. Đúng vậy. Điều này lệnh bà dạy chí phải. – Lê Văn Duyệt nói.
Giọng Nhị phi trở nên đanh thép:
. Vì vậy mà muốn sắp đặt cho tốt việc ngoài xã hội, trước hết phải sắp đặt thật ổn việc trong cung! Các khanh có thấy việc gì trong cung hiện nay thật vô lý, thật bất ổn không? Ta tin rằng các ông đều biết!
Lê Văn Duyệt đánh trống lảng:
. Thần chỉ thấy có việc ngang trái nhất là việc hoàng thượng thu Ngụy hậu Ngọc Bình làm Đệ Tam hoàng phi, trước đây triều thần nhều người bất phục! Nhưng chuyện qua cũng đã lâu, Tam phi nay đã hạ sanh công chúa với hoàng thượng. Những lời chỉ trích từ lâu cũng đã lặng dần. Giờ cũng khó mà nhắc lại nữa.
Nhị phi hậm hực:
. Ngụy hậu Tây Sơn mê hoặc hoàng thượng, đến nay nó vẫn còn mê hoặc ngài. Nhưng thôi chuyện đó ta chưa cần nói đến. Thân phận nó tuy tiếng là Đệ Tam phi, thực ra cũng chỉ là một tù binh bị bắt làm tỳ thiếp mà thôi! Ta đang quan tâm việc khác lớn hơn!
. Lại còn việc nào lớn hơn nữa ạ?
. Ông thật không biết, hay ông vờ như không biết? Này các ông, các ông chắc biết cái lệ Mẫu dĩ tử quý trong cung cấm từ xưa? Thường địa vị người mẹ cao hay thấp là tính từ địa vị đứa con mà ra. Hiện nay trong cung, con trai của ai có địa vị cao nhất?
Lê Văn Duyệt thấy Nhị phi đã lật ngửa quân bài, biết không nói cũng không được, đành phải đáp lời:
. Trước đây địa vị cao nhất trong các hoàng tử là hoàng thái tử Cảnh, con trai hoàng hậu. Bây giờ thái tử Cảnh đã mất, địa vị cao nhất là hoàng tử Đảm con trai của lệnh bà.
Nhị phi rạng rỡ hẳn lên:
. Vậy là ông đã nhìn thấy! Sự xếp đặt trong hoàng cung hiện nay rõ ràng là vô lý, cần phải thay đổi!
.Bẩm lệnh bà, thần vẫn chưa hiểu ý!
Nhị phi cười khanh khách:
.Ông Duyệt, đừng có vờ vĩnh qua mắt ta. Ông là người sắc bén mạnh mẽ, nhìn qua là quyết ngay việc gì cần làm, ta còn lạ gì ông? Ông mà chậm hiểu như thế thì ngày trước giữa chiến trường đâu có lừng danh là dũng tướng!
. Năm tháng qua, tuổi tác hạ thần đã cao, đâu có bén nhạy như ngày trước nữa? Xin lệnh bà tha tội.
Nhị phi chững lại, cố vui vẻ nhưng vẫn không giấu được chút bực mình:
. Thôi được, ta hỏi ông Hưng, ông có biết ta đang nói đến việc gì không? Lê Văn Duyệt khẽ hắng giọng. Đăng Hưng hiểu ý, dè dặt:
. Đức ông đã không có ý kiến gì, hạ quan cũng đâu dám trứng khôn hơn vịt. Nhị phi không chịu:
. Ông cứ nói. Ta muốn xem Đăng Hưng nổi tiếng ngay thẳng, có dám nói điều mình nghĩ không. Ông cũng như ta, là người không sợ chơi bài ngửa. Hãy ngửa bài ra đi.
Đăng Hưng đành phải nói:
. Bẩm lệnh bà, theo như hạ quan hiểu, lệnh bà hiện có người con trai hùng mạnh được hoàng thượng ưu ái nhất. Theo lệ xưa, mẫu dĩ tử quý, địa vị của mẹ tính từ địa vị của con, thì bà là người xứng đáng có địa vị cao nhất trong hàng hậu phi.
Nhị phi nghe Đăng Hưng nói vậy thì nở từng khúc ruột, mỉm cười thỏa mãn, liếc nhìn Lê Văn Duyệt.
. Ông Hưng nói thế, ông Duyệt nghĩ sao? Lê Văn Duyệt vẫn trù trừ:
. Bẩm lệnh bà, việc này nghe thì nhẹ như lông hồng, mà làm thì nặng như núi Thái Sơn. Hạ thần xin phép suy nghĩ thêm…
Nhị phi uy nghi tựa vào gối thêu, vươn cao cái cằm kiêu hãnh:
. Nếu việc mà nhẹ như lông hồng, thì cần chi đến tài trí và oai danh của dũng tướng Lê Văn Duyệt! Người tài trí ở đời nắm được thời cơ chỉ vì biết nắm lấy cơ hội, gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao!
Đăng Hưng đứng dậy, cung kính:
. Bẩm lệnh bà, phần hạ quan chẳng cần chi phải suy nghĩ thêm một phút…
.Giỏi lắm! Thế mới đúng là bậc trí giả. Hôm nay ta chẳng lầm khi hậu đãi ông.
. Bẩm lệnh bà, xin nghe hạ quan nói hết lời. Đúng là trong cung đình có lệ mẫu dĩ tử quý. Nhưng đạo lý của người xưa vẫn truyền tụng câu “Tao khang chi thê bất khả hạ đường”. Với người vợ lấy khi còn nghèo khó, không bao giờ được truất ngôi chánh thất. Nay nhà vua với chánh cung hoàng hậu kết tóc với nhau từ thưở gian nan khổ cực, nay sao lại vì cớ không con mà phế bỏ? Việc đó trăm phần không hợp lòng người, xin lệnh bà đừng nghĩ đến.
Nhị phi nghe Đăng Hưng nói một thôi một hồi như vậy thì điếng người, tái mặt. Trong lòng bà thầm nguyền rủa: Đồ hủ nho gàn dở, dám giỡn mặt với ta sao!
Nghĩ vậy nhưng bà ta nhanh nhẹn giấu kín sự hụt hẫng, cười phá ra vui vẻ làm như chẳng có gì hệ trọng:
. Đăng Hưng giỏi lắm! Ta chỉ muốn thử lòng ngay thẳng của ông, quả nhiên tiếng đồn không sai. Lời ông nói đó chính rất hợp ý ta. Thị nữ đâu, đem đồ ban thưởng ra đây.
Thị nữ bưng ra hai quả hộp phủ gấm. Nhị Phi lấy lại sắc mặt tươi tỉnh:
. Đây là quà ta ban cho các ông. Ông Duyệt, lẽ ra hôm nay ta phạt ông về cái tội nể nang. Hãy xem Đăng Hưng đó, phải thẳng thắn như vậy mới được. Ta lúc nào cũng đứng về phía những người chính trực.
Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng vội vàng vái tạ lui ra.
Chờ hai vị đại thần đi khuất, Giám Trần từ sau màn bước ra, chạy lại gần chủ.
. Trong các triều quan, thần chưa thấy ai thật thà đến mức ngu ngốc như cái lão này.
Nhị phi nghiến răng, nhìn theo:
. Thật thà, hừ, đừng tưởng, thật thà là cha quỷ quái. Chúng nó khôn lắm, chúng đã tính toán rồi.
. Ý lệnh bà nói… họ không muốn theo ta, họ ngả về phía bên kia?
. Có thể lắm.
. Dạ, vậy để con dò xem, rồi con sẽ đưa tin cho bà biết. – Giám Trần thưa.
Nhị phi gật đầu, lấy trong tay áo chiếc ống nhòm nhỏ đưa cho thái giám. Chiếc ống nhòm vào thời ấy là một bảo vật, do các nhà buôn Tây dương dâng lên nhà vua làm quà ra mắt. Thấy Nhị phi thích quá, vua đã ban cho bà vào ngày sinh nhật cách đây một năm.