Đầu thế kỷ VI, ở vùng Đông Triều nước ta có ông Phạm Công, vợ là Vương Thị, hiền lành, phúc hậu, luôn được làng xóm yêu mến, quý trọng. Chỉ hiềm một nỗi: Phạm Công đã tuổi tới bậc ngũ tuần mà chưa sinh con. Một hôm, ông bà Phạm công sắm lễ vật lên cầu tự tại động Hương Tích, núi Hương Sơn, thuộc huyện Hoài An. Bà mộng thấy Tiên ông râu tóc bạc như cước, Tiên ông cho hai gã Thanh đồng. Sau đó bà Vương Thị mang thai 14 tháng, đến giờ thân, ngày 15, tháng 8 năm Canh Dần (510), bà sinh ra bọc hai chàng nam tử, đều mắt Phượng, mày Ngài, dáng rồng, bước hổ, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm. Ông Phạm Công đặt tên hai con là: Phạm Nguyên (anh), Phạm Khang(em). Khi lên 6 tuổi, cha mẹ tìm thầy về dạy học cho hai con, trong vòng mười năm mà văn chương thông suốt, võ nghệ siêu cường, thì cha mẹ nối nhau qua đời. Hai anh em, chọn nơi đất tốt làm lễ an táng và lập nơi phụng thờ cha mẹ. Cuộc sống của anh em tự lập. vì mấy năm liên tục mất mùa đói kém quanh năm, dẫn đến dần dần gia tài khan kiệt, lâm cảnh sớm mượn, chiều vay,.. Trước cảnh đó, Phạm Nguyên bàn với em, dời quê đi chu du thiên hạ, tìm nơi đất lành sinh sống. Mấy ngày quanh dạo đất Sơn Nam, huyện Thượng Hiền, xã Di Sử (Nay là xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, Tỉnh Nam Định- Thời kỳ tháng 6/1967 đến tháng 4/ 1997, xã Mỹ Thành, thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà).
Hai anh em Phạm Nguyên, Phạm Khang thấy xã Di Sử, sông nước bao quanh, gò đống vây bọc, dân cư đông đúc, phong tục thuận hòa, cuộc sống dễ dàng, nên hai anh em quyết định dừng chân ở lại đây, mở trường day học, một trường ở thôn Cổ Trang, một trường ở thôn Mễ Trang, thuộc xã Di Sử (Nay là xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Ngoài việc dạy học, hai anh em cùng sát cánh với dân trong xã đẩy mạnh việc cày cấy lúa, màu, trồng dâu, nuôi tằm, giảng giải đạo lý tương ái, tương thân, gây thanh thế một vùng quê.
Lúc bấy giờ nước ta đang nội thuộc nhà Lương phương Bắc. Các thứ lệnh nhà Lương đều hà khắc, đàn áp, bóc lột hết sức tàn bạo, nhân dân ta vô cùng cực khổ. Hai anh em Phạm Nguyên và Phạm Khang rất căm giận giặc Lương, đã liên kết với các nghĩa sĩ mưu việc dấy binh chờ cơ hội khởi binh tiêu diệt giặc Lương, để dân thoát khỏi nỗi thống khổ. Vì vậy mà số người theo về ngày một đông. Được thể, Phạm nguyên, Phạm Khang bèn dựng cờ chiêu mộ nghĩa quân, mới được một tuần mà số nghĩa quân đã lên hơn hai ngàn người. Ông Phạm Nguyên lập căn cứ ở thôn Cổ Trang, ông Phạm Khang lập căn cứ ở thôn Mễ Trang, trường học đã trở thành doanh trại của quân khởi nghĩa. Vừa lúc ấy, tháng giêng năm Nhâm Tuất (542) ông Lý Bôn khởi binh ở Cửu Đức. Nhân cơ hội, hai ông Phạm Nguyên, Phạm Khang liền đem quân đến theo Đạo quân Lý Bôn. Lý Bôn phong hai ông làm Tùy tướng. Hai Tướng Phạm Nguyên, Phạm Khang cùng các tướng lĩnh khác và nghĩa quân, xông pha trận mạc, mới ba tháng đã lập công lớn, chiếm lĩnh được Châu Trị thành Long Biên, đuổi Thứ Sử giao Châu Vũ Lâm hầu Tiêu Tư về Bắc; Tiếp đến, đâp tan cuộc phản kích của quan lại nhà Lương.
Đánh đuổi, dẹp quân Lương phía Bắc tạm yên thì phía Nam lại bạo loạn, quân Lâm Ấp bên kia giải Hoành sơn mang đại đội chiến thuyền tiến vào cửa Sót, đồng thời phái tướng đưa bộ binh vượt đèo Ngang đánh chiếm Đức châu (Hà Tĩnh). Trước tình thế lân nguy, Lý Bôn đã triệu tướng sĩ họp bàn tính mưu kế tiến quân vào Nam dẹp giặc Lâm Ấp. Lão tướng Phạm Tu hăng hái đứng lên xin đảm đương và xin hai tướng Pham Nguyên và Phạm Khang làm phó tướng.
Tháng 5 năm Quý Hợi (543), người tướng già đầu bạc, đã 68 tuổi đời và hai tướng tóc còn xanh, tuổi đời 34, dẫn ba quân vượt sông, trèo núi, đầu đội nắng hạ, mưa giông, xông pha thẳng đường Nam tiến. Chiến trận diễn ra vô cùng gian khổ, ác liệt. Nước Lâm Ấp lúc ấy đang cường thịnh, vua Ru-đơ-ra-Vác-Man, y lại tự làm tướng thân chinh. Quân ta là đội quân mới tập hợp chưa dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng có lòng yêu nước nồng nàn, tự nguyện cảm tử, xả thân vì nghĩa nước. cuộc giao chiến đã kết cục: Quân Lâm Ấp bị đạo quân của Phạm Tu, Phạm Nguyên, Phạm Khang đánh tan, chúa Lâm Ấp chạy trốn vượt dãy Hoành son về nước. Thế là một giải “tăm Kình” phương Nam cũng tạm bình yên.
Ngày Nguyên đán năm Giáp Tý (2/544), Lý Bôn lập nước Vạn Xuân, tự xưng Nam đế, phong ông Phạm Nguyên làm Tiền tướng quân, phong ông Phạm Khang làm Trung quân Đô úy..
Tháng 6 năm Ất Sửu (545), nhà Lương chọn Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Hành quân Tư mã, đã đem đại quân sang đánh nước Vạn Xuân non trẻ nhằm chiếm lại Giao châu. Dương Phiêu cùng Trần Bá Tiên là viên tướng khát máu, chia làm hai đường thủy, bộ, phối hợp cùng tiến sâu vào nước ta. Lý Nam đế đem quân chặn đánh giặc Lương ở vùng Lục Đầu (Thuộc tỉnh Hải Dương nay) nhưng không cản được giặc Lương. Lý Nam đế cho quân lui về giữ thành Tô Lịch (Hà Nội). Song, thành xây bằng đất, lũy bằng tre mới dựng nên không giữ được lâu. Giặc Lương hung hãn tấn công như vũ bão, thành Tô Lịch bị vỡ, lão tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam đế phải lui quân ngược sông Hồng về giữ thành Gia Ninh (ở miền núi Việt Trì, quân Lương đuổi theo, vây hãm chiếm thành Gia Ninh, Lý Nam đế đem quân vào núi Vĩnh Phú, được dân chúng ủng hộ, che chở, đã khôi phục được lực lượng, quân số đã lên vài vạn binh. Lý Nam đế đem quân và thuyền bè ra đóng quân ở hồ Điển Triệt (Thuộc xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch). Nơi đây có có con ngòi thông ra sông Lô (Sông lạch nhỏ), ba mặt hồ (Bắc,Đông, Nam) là các đồi cao, phái tây là những đồi thấp và cánh đồng trũng. Từ sông Lô chỉ có một đường duy nhất vào phía Bắc hồ.
Quân Lương từ Gia Ninh ngược dòng sông Lô kéo lên tấn công, bị quân Lý Nam đế đánh trả quyết liệt, quân Lương không thể vào được. Chúng phải cho quân dừng lại ở giữa cánh đồng trống cầm cự. Lúc này quân tướng nhà Lương đã mệt sức, chán nản. Nhưng Trần Bá Tiên vốn sảo quyệt, nhân một đêm mưa to, gió lớn, đẫ cho quân lẻn vào đánh úp quân của Lý Nam đế.
Lý Nam đế lại phải lui quân vào động Khuất Lão (Tam Nông Vĩnh phú. Có tài liệu viết là động Khuất Liễu). Anh của Lý Nam đế là Lý Thiên Bảo cùng Lý Phật Tử (người trong Họ Lý) là tướng của Lý Nam đế đem một cánh quân lui vào Thanh Hóa, bị quân Lương truy đuổi, phải chạy sang Ai Lao (Đất nước Lào).
Ở trong động Khuất Lão, vua Lý Nam đế lâm bệnh, đau yếu luôn. Nên vua đâ trao binh quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương.
Có tư liệu viết: “Tiền tướng quân Phạm Nguyên và Trung quân Đô úy Phạm Khang không theo Tả tướng Triệu Quang Phục, mà cùng nhau trở về xã Di Sử, mưu tính thu thập tàn quân để đánh lại Trần Bá Tiên”. Về Di Sử chưa được bao lâu thì vua Lý Nam đế đã qua đời ở động Khuất Lão vào ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn ( tức ngày 13/4/548). Nghe được tin này, hai ông- Phạm Nguyên và Phạm Khang đã cho người sắm sửa lễ vật bày ở đầu thôn Cổ Trang ( xã Di Sử) bàn lễ quay về hướng Tây, hai ông khóc lóc tế vọng. Sau đố hai ông cùng hóa một ngày .
Nhân dân thôn Cổ Trang xây đền thờ trên nơi hai vị tướng quân hiển hóa, tôn là Phúc thần. Đền thờ có 2 đôi câu đối :
I – “Nhất an phong hội khai Tiền Lý
Vạn Cổ anh linh đối Việt thiên”
Tạm dịch: Một yên thời thế xoay vần dựng nhà Tiên Lý
Muôn thuở thiền liêng tốt đẹp sánh với trời Nam
II – “Lý thất khuông phù nhất trận uy hùng trừ Bắc Khấu
Cổ Trang hiển hóa thiên thu ba cổn Quốc Triều phong”
Tạm dịch: Nhà Tiền Lý mở nền một trận oai hùng trừ giặc Bắc
Thôn Cổ Trang hiển hóa nghìn năm ba cổn quốc triều phong
( Chú thích: – Cổ Trang là một trong ba trang thuộc xã Dị Sử – Nay là Thôn An Cổ, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
– Cổn: là áo lễ của nhà Vua. Ba: Nghĩa là hoa. “Ba cổn” nghĩa bóng lá sắc vua phong rực rỡ vẻ vang như khoác áo cổn).
Thần tích về hai anh em Phạm Nguyên và Phạm Khang đã được ông Lê Xuân Quang quê chợ chùa Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là hội viên Hội sử học Việt Nam đã gửi về bảo tàng tỉnh Nam Hà kèm bản Ngọc Phả (Pho tô) cùng 2 đạo sắc phong thần hai vị tướng đời Tiền Lý ở thôn An Cổ, xã Mỹ Thành, huyện Bình Lục- nay là huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Và ông Lê Xuân Quang đã gửi vê Hội sử học Việt Nam. Tổng thư ký Dương Trung Quốc đã nhận với bút tích ghi biên nhận tháng 11/1995 :“ Hội sử học Việt Nam đã nhận bản thần tích Tiền tướng quân Phạm Nguyên, Trung quân Đô úy Phạm Khang đời Tiền Lý ở đền thôn An Cổ (Cổ Trang), xã Mỹ Thành”.
Nay tôi thu thập tư liệu này gửi về Hội đồng toàn Quốc Họ Phạm Việt Nam nghiên cứu, bổ xung vào tư liệu Lịch sử Họ Phạm Việt Nam.
Sưu tầm, lược ghi lại
Phạm Trung Bính
Hội Đồng Họ Phạm tinh Nam Định
ĐT: 0989226106 – 0350 3 600 881
Email: [email protected]