Trong nhiệm kỳ II (2013 – 2018), căn cứ hướng dẫn của Hội đồng họ Phạm Việt Nam và phương hướng nhiệm vụ, Quy chế hoạt động của Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương đã được thông qua tại cuộc gặp mặt đại biểu họ Phạm toàn tỉnh lần thứ II (tháng 4/2013), Hội đồng họ Phạm tỉnh đã triển khai thực hiện các hoạt động và đạt được nhiều kết quả. Hội đồng họ Phạm tỉnh xin báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ II và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ III (2018 – 2023) như sau:
- SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ HỌ PHẠM VIỆT NAM VÀ HỌ PHẠM TỈNH HẢI DƯƠNG
Họ Phạm Việt Nam, một thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã xuất hiện từ những ngày đầu giữ nước và dựng nước. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, những biến động về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và sự pha trộn chủng tộc, họ Phạm cũng như các dòng họ khác ở Việt Nam đều có một lịch sử lâu đời gắn liền với từng giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thượng cổ đến nay, đều đã đóng góp công sức vào sự duy trì và phát triển nòi giống, vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, mở mang bờ cõi, bảo vệ quê hương, khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, bảo tồn và phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Trong lịch sử Việt Nam, nhân vật họ Phạm xuất hiện đầu tiên trong chính sử là danh tướng Phạm Tu ở thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Ông là vị Khai quốc công thần nhà Tiền Lý, đã có công giúp Lý Nam Đế đánh quân Lương (năm 542) bình định Chiêm Thành (năm 543), dựng nên Nhà nước Vạn Xuân (năm 544). Vị lão tướng này có quê ở thôn Vực, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Là người họ Phạm có công với đất nước xuất hiện đầu tiên trong chính sử được biết cho đến ngày nay, được sử sách ghi rõ ràng nên Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam suy tôn cụ là Thượng Thủy Tổ của họ Phạm Việt Nam.
Còn theo các bản thần phả, thần tích thì sự xuất hiện các vị họ Phạm sớm hơn như: Nam Hải Đại vương Phạm Hải và ba anh em Phạm Vĩnh thế kỷ thứ III trước Công nguyên, giúp vua Hùng thứ 18 đánh Thục; tướng Phạm Gia vào năm 208 trước Công nguyên là tướng của An Dương Vương; Phạm Danh Hương, chồng của nữ tướng Bát Nàn thời Hai Bà Trưng.
Họ Phạm Việt Nam có sự chuyển cư rất mạnh lan tỏa trong vùng châu thổ sông Hồng, rồi vào Ái Châu (Thanh Hóa). Từ Thanh Hóa lại có sự chuyển cư trở lại vùng Sơn Nam Hạ (ngày nay là các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình…) và vào miền Nam Trung bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,…). Trong thời kỳ hiện đại, người họ Phạm Việt Nam định cư ở nhiều nước trên thế giới. Họ Phạm là một dòng họ tương đối lớn, chiếm khoảng 7% dân số (gần 7 triệu người) đứng thứ 4 trong các dòng họ ở Việt Nam (sau họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê). Trong lịch sử họ Phạm không có ai làm Vua nên ít có sự biến đổi.
Với truyền thống vì dân vì nước, các triều đại tiếp theo trong lịch sử Việt Nam, họ Phạm nói chung đều có những danh thần, võ tướng cống hiến nhiều công lao cho đất nước. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng CNXH, họ Phạm cũng tự hào vì đã có nhiều người con hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc. Có thể thấy rằng xuyên suốt lịch sử, họ Phạm Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc.
Hải Dương được xem là nơi phát tích của một số dòng họ Phạm lớn như: Kính Chủ, Phạm Mệnh (Kinh Môn), Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành, Thanh Miện… cả 12 huyện, thị xã, thành phố đều có những dòng họ Phạm phát triển lớn mạnh qua hàng chục đời. Các gia tộc họ Phạm trong tỉnh Hải Dương theo chiều dài lịch sử đã sản sinh ra nhiều nhân tài làm rạng danh dòng tộc đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa Việt Nam:
Phạm Lệnh Công thế kỷ X được người đời ca ngợi là bậc: “Mưu trí, Tiết nghĩa”. Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng, cháu đời thứ 17 của Thượng Thủy Tổ Phạm Tu là những danh tướng nổi bật. Thời Trần có Yết Kiêu (Phạm Hữu Thế) là tướng tài xuất chúng. Phạm Công Bân làm quan tới chức Thái Y, trị bệnh cứu người không phân biệt sang hèn là lương Y mẫu mực của nước nhà. Phạm Sư Mệnh là vị quan thanh liêm, văn thơ cao khiết. Phạm Tông Mại, Phạm Tông Ngộ đều là những danh tướng tài ba, nổi tiếng là người thẳng thắn chính trực, thanh liêm. Thời Lê có Trạng nguyên Phạm Trấn, Phạm Bá Khuê, Phạm Duy Quyết là những viên quan thanh liêm chính trực. Thời Nguyễn có Phạm Đình Hổ người Đường An làm quan tới chức Tế Tửu Quốc Tử Giám. Còn rất nhiều danh nhân họ Phạm Hải Dương như: Phạm Tử Hư, Phạm Mại, Phạm Quý Thích, Phạm Sĩ, Phạm Hội, Phạm Đình Dực, Phạm Minh Lương, Phạm Thọ Chất, Phạm Khắc Khoan, Phạm Thọ Khảo, Phạm Khắc Tĩnh, Phạm Liễn, Phạm Quỳnh, Phạm Văn Thứ (tức Mạnh Phú Tư), Phạm Văn Hiền (tức Lộng Chương)… đều là những bậc quan thanh liêm chính trực, những người tài danh.
Họ Phạm Hải Dương còn có những người con gái họ nổi tiếng như: Ưu bà Phạm Thị Trân (thế kỷ thứ IX) người được hậu thế suy tôn là Tổ nghề hát chèo Việt Nam. Bà Phạm Lễ Nghi người huyện Thanh Lâm xưa, là nhà giáo tài hoa, được Vua Mạc phong là “Lễ nghi Trưởng Tỷ Quận Phu nhân”.
Cùng với nhiều dòng họ khác trong tỉnh, những người họ Phạm ở Hải Dương đã có đóng góp đáng kể vào bảng vàng tại tất cả các kỳ thi, qua các triều đại. Gần 1000 năm, trong tổng số 637 vị Tiến sĩ Nho học Hải Dương, người họ Phạm tự hào có 93 vị.
Trong kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc và xây dựng CNXH, họ Phạm Hải Dương đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực và có nhiều đóng góp tích cực vào xây dựng quê hương, đất nước giầu đẹp, văn minh. Chúng ta vô cùng tự hào về truyền thống vẻ vang của người họ Phạm Hải Dương trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
- KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TỈNH HẢI DƯƠNG NHIỆM KỲ II (2013 – 2018)
- Những kết quả đã đạt được:
– Ban liên lạc họ Phạm tỉnh Hải Dương được thành lập ngày 11/10/2009, năm 2011 đổi tên thành Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương, đến nay đã qua 2 lần tổ chức gặp mặt đại biểu họ Phạm trong toàn tỉnh.
– Hội đồng họ Phạm tỉnh đã tổ chức gặp mặt đại biểu họ Phạm tỉnh Hải Dương lần thứ II ngày 06/4/2013, với trên 400 đại biểu tham dự. Tại buổi gặp mặt các đại biểu đã nghe một số thông tin về họ Phạm và nghe báo báo tình hình hoạt động của Hội đồng họ Phạm trong tỉnh từ sau gặp mặt lần thứ nhất (10/2009); thông qua phương hướng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ II (2013 – 2016); bầu cử Hội đồng Họ Phạm tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ II (2013 – 2016) gồm 47 vị, trong đó đã mở rộng có đủ đại diện của 12 huyện, thị xã, thành phố; trao Bằng ghi công của Hội đồng họ Phạm Việt Nam cho các cá nhân tiêu biểu; trao phần thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc.
– Sau gặp mặt đại biểu họ Phạm toàn tỉnh, Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh đã họp thống nhất phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng họ Phạm tỉnh, Quy chế quản lý và sử dụng quỹ họ Phạm tỉnh và triển khai một số nội dung hoạt động của Họ trong thời gian tới.
– Đã tổng hợp, đưa tin, bài về hoạt động của họ Phạm trong tỉnh trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trang Website của họ Phạm toàn quốc; biên tập Bản tin về hoạt động của họ Phạm Hải Dương. Kịp thời đưa tin, bài, ảnh…về hoạt động của Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương, các cuộc gặp mặt đại biểu họ Phạm tỉnh và các hoạt động khác; viết các bài về tiểu sử, sự nghiệp của cụ Yết Kiêu, về lễ hội đền Quát gắn với Yết Kiêu, di tích danh lam thắng cảnh có liên quan tới họ Phạm; thông tin kịp thời hoạt động, các điển hình cá nhân tiêu biểu trong lao động, học tập, các cháu giành giải tại các kỳ thi quốc tế của dòng họ Phạm Hải Dương trên trang Website và Bản tin của họ Phạm toàn quốc.
– Thường xuyên quan tâm việc tuyên truyền tới những người họ Phạm nhằm mục đích mở rộng liên hệ, kết nối sâu rộng tới các chi phái dòng họ Phạm, thu hút tham gia ngày càng nhiều, tăng cả về số lượng và chất lượng của tổ chức cộng đồng những người họ Phạm tỉnh Hải Dương. Biên soạn và in 100 cuốn Kỷ yếu phát hành nội bộ cho các thành viên Hội đồng và một số dòng tộc lớn trong tỉnh. Biên tập và phát hành số đầu tiên Bản tin họ Phạm, số đặc biệt chào mừng cuộc gặp mặt đại biểu họ Phạm tỉnh Hải Dương lần thứ II năm 2013.
– Hàng năm Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh đã tổ chức Đoàn đi dự lễ Giỗ Thượng Thủy Tổ Phạm Tu tại đền thờ Cụ ở Hà Nội vào ngày 20/7; đã tham gia các hoạt động tại lễ Giỗ; tham gia ủng hộ quỹ khuyến học của Hội đồng họ Phạm Việt Nam.
– Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam. Tổ chức Đoàn đại biểu họ Phạm tỉnh đi dự Hội nghị gặp mặt đại biểu họ Phạm thành phố Hải Phòng, dự Lễ tổng kết 15 năm hoạt động của họ Phạm tỉnh Thái Bình, qua đó để giao lưu kết nối dòng họ với tỉnh bạn. Đề nghị Hội đồng họ Phạm Việt Nam tặng Bằng ghi công cho những gia đình và cá nhân có nhiều công lao đóng góp với việc Họ.
– Ngày 02/8/2015, Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh đã tổ chức đoàn đại biểu họ Phạm của tỉnh gồm 10 người, do ông Phạm Văn Bảo, Ủy viên Hội đồng họ Phạm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm tỉnh làm trưởng đoàn đi dự Đại hội đại biểu Hội đồng họ Phạm Việt Nam nhiệm kỳ VII (2015 – 2020) tổ chức tại Hà Nội.
– Ngày 11/9/2016, Hội đồng họ Phạm tỉnh đã họp đánh giá tình hình hoạt động của họ Phạm trong tỉnh từ năm 2013 – 2016, thống nhất phương hướng nhiệm vụ của Họ trong những năm tới. Căn cứ vào tình hình thực tế, Hội đồng đã thống nhất thời gian tổ chức gặp mặt (đại hội) họ Phạm trong toàn tỉnh là 5 năm tổ chức một lần, tính từ thời điểm gặp mặt lần thứ II (tháng 4/2013).
– Họ Phạm Hải Dương suy tôn danh tướng Yết Kiêu (Phạm Hữu Thế) thời nhà Trần có nhiều công lao trong cuộc chiến chống quân Nguyên làm Thủy Tổ. Đền Quát là nơi thờ Cụ thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Hàng năm, vào dịp Lễ hội đền Quát 15/8 và ngày giỗ Cụ 28 tháng Chạp âm lịch, Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh đã tổ chức Đoàn về dự và dâng hương.
– Tổ chức đoàn của họ Phạm tỉnh đi dự Lễ đón bằng di tích lịch sử – văn hóa nơi thờ các danh nhân họ Phạm, tặng cờ truyền thống của họ Phạm Việt Nam tại lễ khánh thành nhà thờ Họ và Lễ hội dòng họ của một số dòng họ Phạm ở các huyện: Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Bình Giang và thị xã Chí Linh…
– Tổ chức đoàn tham gia dâng hương, công đức và dự Lễ hội đình thờ tướng quân Phạm Chiêm (tức Phạm Lệnh Công) ở xã Nam Trung, huyện Nam Sách vào dịp tháng Giêng âm lịch hàng năm.
– Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh đã chúc mừng những người con họ Phạm đạt học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và các danh hiệu vinh dự Nhà nước trao tặng.
– Thực hiện việc quản lý và sử dụng nguồn Quỹ Họ thu được từ các cuộc gặp mặt, các nhà hảo tâm ủng hộ theo Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Họ, đảm bảo chi đúng mục đích, đúng nguyên tắc cho việc Họ và các hoạt động chung của Hội đồng họ Phạm tỉnh.
– Hội đồng họ Phạm, các chi phái, chi họ Phạm trong tỉnh đã chủ động triển khai và tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình ở địa phương, đồng thời động viên mọi người trong dòng họ tích cực tham gia các hoạt động.
– Ngày 20/02/2014, Hội đồng họ Phạm Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tổ chức gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức họ Phạm đang công tác tại Bệnh viện lần thứ II. Tới dự gặp mặt có các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện và lãnh đạo Hội đồng họ Phạm tỉnh.
– Dòng họ Phạm Thọ ở thôn Đồng Bình, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ duy trì hoạt động tôn vinh thành tích học tập, công tác của dòng họ tại từ đường, nơi có Lăng mộ Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo. Dòng họ đã tổ chức lễ vinh danh các con cháu là học sinh giỏi, thành đạt trên các lĩnh vực; tới dự lễ vinh danh của dòng họ có Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm tỉnh và Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh.
– Ngành trưởng Chi Trung dòng họ Phạm Văn, thôn Phú An, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng tổ chức cho con cháu thi đỗ Đại học, Cao đẳng, học sinh giỏi đi dâng hương tại Văn miếu Mao Điền và trao thưởng khuyến khích con cháu học hành tại nhà thờ Tổ của dòng họ vào dịp kỷ niệm ngày khuyến học Việt Nam 2/10. Bình quân hàng năm có trên 50 cháu được tuyên dương, khen thưởng, với số tiền trên 10 triệu đồng.
– Hàng năm họ Phạm Văn thôn Nội, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc đã tổ chức lễ trao thưởng khuyến học tại nhà thờ Họ cho các cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi các cấp, các cháu thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập, các cháu thi đỗ vào đại học, cao đẳng, với số tiền thưởng hàng chục triệu đồng.
– Thành lập Hội đồng họ Phạm huyện THanh Hà:ngày 07/9/2014, huyện Thanh Hà đã tổ chức gặp mặt, có 256 đại biểu, đại diện cho 80 dòng họ Phạm huyện Thanh Hà đã về dự cuộc gặp mặt lần thứ I. Tới dự cuộc gặp mặt có đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng các đồng chí lãnh đạo của huyện Thanh Hà và lãnh đạo Hội đồng Họ Phạm tỉnh. Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu đã thảo luận thông qua Quy chế hoạt động của họ Phạm huyện, Quy định quản lý Quỹ họ và nhất trí cử ra Hội đồng họ Phạm huyện khóa I, nhiệm kỳ 2014 – 2017 gồm có 28 ông, bà. Tại cuộc gặp mặt, các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ quỹ Họ được gần 80 triệu đồng.
– Thành lập Hội đồng họ Phạm huyện Ninh Giang:ngày 25/10/2018 các dòng họ Phạm huyện Ninh Giang đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất,thành lập Hội đồng họ Phạm huyện và nêu phương hướng hoạt động việc Họ nhiệm kỳ I.
– Thành lập Ban liên lạc lâm thời họ Phạm huyện Bình Giang:đầu tháng 10/2018 Ban vận động thành lập Hội đông ho Phạm huyện đã họp cử ra Ban liên lạc lâm thời chuẩn bị Đại hội họ Phạm huyện lần thứ nhất vào cuối năm nay để chính thức thành lập Hội đồng họ Phạm huyện Bình Giang.
Như vậy,cho đến nay trong tổng số 12 huyện,TP,TX đã thành lập được 2 Hội dồng họ Phạm cấp huyện và chuẩn bị thành lập thêm một số Hội đồng vào thời gian tới
– Các dòng họ đều coi khuyến học, khuyến tài là nội dung quan trọng của việc Họ. Hàng năm chuẩn bị vào dịp khai giảng năm học mới hoặc những ngày giỗ tổ, đầu xuân, thanh minh, Ban khuyến học các dòng họ đều tổ chức Lễ trao thưởng cho những học sinh giỏi, biểu dương các cháu vượt khó, học tốt, vinh danh các thành viên thành đạt trên các lĩnh vực. Lễ trao thưởng được tổ chức trang trọng trong không khí vui tươi phấn khởi tại các Nhà thờ (Từ đường) của các dòng họ. Tiêu biểu như: Dòng họ Phạm Văn, thôn Mỹ Xá, phường Tứ Minh; họ Phạm Văn, phường Nhị Châu (thành phố Hải Dương); dòng họ Phạm Trung, xã Tứ Cường, họ Phạm Quang, xã Hùng Sơn, họ Phạm, xã Lê Hồng (huyện Thanh Miện); họ Phạm Xuân, xã Kim Anh (huyện Kim Thành); họ Phạm Văn, xã Cao An (huyện Cẩm Giàng); họ Phạm, xã Minh Hòa (huyện Kinh Môn); họ Phạm Đình, xã Quang Hưng (huyện Ninh Giang); họ Phạm Văn, xã Thái Sơn (huyện Bình Giang); họ Phạm, xã Hợp Đức (huyện Thanh Hà); họ Phạm Văn, xã Hưng Đạo (thị xã Chí Linh); họ Phạm Hữu, xã Quang Minh, họ Phạm Văn, xã Liên Hồng (huyện Gia Lộc)…
– Trong những năm qua, Hội đồng họ Phạm tỉnh đã quan tâm việc động viên các chi phái, chi họ Phạm trong tỉnh tăng cường các hoạt động kết nối cội nguồn, hoạt động khuyến học, khuyến tài, đoàn kết xây dựng gia đình, dòng họ gương mẫu, sống có văn hóa, động viên mọi người phát huy truyền thống, vượt khó vươn lên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
- Những mặt còn hạn chế:
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội đồng họ Phạm trong tỉnh cũng còn những mặt hạn chế như:
– Các thành viên trong Hội đồng họ Phạm tỉnh đa số hiện đang công tác hoặc đảm nhiệm các trọng trách khác nhau nên thời gian giành cho việc Họ và tham gia các hoạt động của Họ chưa được nhiều. Hoạt động của các Tiểu ban chưa thường xuyên, nội dung chưa phong phú và cụ thể.
– Việc tổng hợp về các hoạt động của Họ ở các địa phương trong tỉnh để thông tin, báo cáo còn khó khăn, chưa kịp thời. Việc phát triển Hội đồng họ Phạm ở cấp huyện còn khó khăn.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ III (2018 – 2023)
Trong những năm tới (2018 – 2023) để tiếp tục duy trì và tổ chức tốt các hoạt động của Họ, cần tập trung thực hiện những nội dung chủ yếu sau đây:
– Triển khai thực hiện các hoạt động của họ Phạm trong tỉnh theo chương trình, nhiệm vụ của Hội đồng họ Phạm tỉnh đề ra và hướng dẫn của Hội đồng họ Phạm Việt Nam.
– Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng họ Phạm và Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh theo quy chế hoạt động. Các Tiểu ban xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động nền nếp, thường xuyên. Tăng cường việc nắm bắt hoạt động của các dòng họ, phục vụ kết nối dòng họ trong toàn tỉnh.
– Thường xuyên quan tâm việc hoạt động của họ Phạm ở các địa phương trong tỉnh; hướng dẫn việc vận động để thành lập Hội đồng họ Phạm ở các đơn vị cấp huyện còn lại khi có đủ điều kiện. Nghiên cứu thành lập Câu lạc bộ doanh nhân họ Phạm tỉnh Hải Dương để hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng họ Phạm tỉnh.
– Duy trì việc tổng hợp thông tin và tham gia tin bài cho Bản tin nội tộc và trang thông tin điện tử (Website) của dòng họ Phạm toàn quốc. Phát hành Bản tin Họ Phạm tỉnh Hải Dương định kỳ 6 tháng một lần để tuyên truyền về truyền thống dòng họ, thông tin việc Họ và trao đổi các công việc liên quan.
– Thực hiện việc tổng hợp thông tin về hoạt động của dòng họ ở các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị cho Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh để tổng hợp báo cáo Hội đồng họ Phạm Việt Nam.
– Tiếp tục thông tin rộng rãi về tôn chỉ, mục đích, nội dung hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam, Hội đồng họ Phạm tỉnh để mở rộng, thu hút bà con trong dòng tộc tham gia các hoạt động của Họ. Phối hợp thống kê số người họ Phạm trong tỉnh; sưu tầm, tập hợp tư liệu về các dòng họ Phạm ở các địa phương trong tỉnh.
– Tiếp tục tra cứu, tập hợp tên tuổi các danh nhân họ Phạm có công lao với quê hương, đất nước để đề nghị bổ sung vào ngân hàng tên đường, tên phố, từ đó làm cơ sở để thành phố, thị xã, thị trấn, khu đô thị… lựa chọn tên các danh nhân họ Phạm đề nghị đặt tên cho các công trình công cộng, đường phố… đúng với quy mô và tầm vóc từng danh nhân.
– Tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam. Tăng cường các hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm, giao lưu kết nối dòng họ với các tỉnh, thành phố bạn.
– Hàng năm tổ chức chu đáo cho đoàn đi dự lễ dâng hương ở Phạm Tổ Linh từ, nơi thờ tự Thượng Thủy Tổ Phạm Tu và Đền Quát, nơi thờ danh tướng Yết Kiêu (Phạm Hữu Thế), tích cực tham gia vào các hoạt động và những việc lớn của các dòng họ Phạm trong tỉnh.
– Đẩy mạnh các hoạt động nhằm động viên các dòng họ và bà con họ Phạm trong tỉnh tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng dòng họ khuyến học, khuyến tài, biểu dương người họ Phạm có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực.
– Tiếp tục kêu gọi sự hảo tâm của các tập thể và cá nhân ủng hộ cho Quỹ của dòng họ để có kinh phí chi cho các hoạt động và thực hiện các việc của Họ. Thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng quỹ Họ theo quy định.
– Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đại hội đại biểu họ Phạm tỉnh Hải Dương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Trong nhiệm kỳ II (2013 – 2018), Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương đại diện cho bà con họ Phạm trong toàn tỉnh đã triển khai và tổ chức tốt các hoạt động. Các dòng họ, các chi phái, chi họ Phạm và bà con họ Phạm trong toàn tỉnh đã tích cực tham gia hưởng ứng với những việc làm cụ thể, thiết thực. Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương xin nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và cảm ơn sâu sắc tới tất cả các bậc tôn trưởng, các dòng họ, các chi nhánh dòng họ, các nhà hảo tâm cùng bà con các dòng tộc, với tâm huyết, trách nhiệm đã tích cực tham gia ủng hộ tinh thần và vật chất cho việc Họ.
Với những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, cùng với truyền thống của họ Phạm Việt Nam và họ Phạm trong tỉnh, chúng ta tin tưởng hoạt động của họ Phạm tỉnh Hải Dương trong nhiệm kỳ tới tới sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần vào việc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giầu đẹp, văn minh.
TM. HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TỈNH CHỦ TỊCH Phạm Văn Bảo |