Trang chủGIỚI THIỆUDANH NHÂN HỌ PHẠM: TÀI NĂNG VÀ KHÍ PHÁCH CỦA 3 DANH...

DANH NHÂN HỌ PHẠM: TÀI NĂNG VÀ KHÍ PHÁCH CỦA 3 DANH THẦN HỌ PHẠM

Một gia đình mà có 3 người đậu tiến sĩ, đều được giữ trọng trách trong triều, đều là nhà thơ, đều có khí phách… như gia đình Phạm Mại, Phạm Ngộ và Phạm Sư Mạnh thì rất hiếm.

Ba danh thần người làng Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, nay là thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn). Thôn Dương Nham là một vùng đất trù phú, sơn thủy hữu tình, có núi Thạch Môn – nguyên mẫu của truyện dân gian nổi tiếng “Cột trụ trời”, có sông Kinh Thầy nhuốm màu huyền thoại, mang tên chàng dũng sĩ Kinh Thầy đã chém chết con quái vật Rồng đen chuyên ăn thịt người cứu dân lành. Đặc biệt, trong dãy núi Thạch Môn có hang Kính Chủ được xếp thứ sáu cảnh đẹp về hang động trong cả nước.

Phạm Mại (Phạm Tông Mại) là anh Phạm Ngộ (Phạm Tông Ngộ). Tên cha mẹ đặt cho Phạm Mại là Cố, đặt cho Phạm Ngộ là Kiên. Hai anh em cùng học thầy Nguyễn Sĩ Cố nên anh đổi tên là Mại, còn em đổi tên là Ngộ. Hai ông vốn họ Chúc, sau được vua Trần Nhân Tông đổi sang họ Phạm.

Phạm Mại thông minh, học giỏi, đậu Thái học sinh (Tiến sĩ), được bổ làm quan. Đời Trần Minh Tông (1314 – 1329), ông cùng Nguyễn Trung Ngạn đi sứ sang Trung Quốc. Về nước ông được phong chức Ngự sử Trung tán. Sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng ca ngợi ông là người thẳng thắn, cương trực, vạch mặt kẻ gian thần, bênh vực người yếu thế; đặc biệt, đủ kiên trì và dũng cảm lật lại vụ án Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn đầy oan ức.

Trần Quốc Chẩn vừa là chú ruột, vừa là Quốc trượng (bố vợ) của vua Trần Minh Tông. Hoàng hậu Lệ Thánh là con gái của Huệ Võ Vương chưa sinh con trai nên việc chọn thái tử chia làm hai phái: Phái Trần Quốc Chẩn muốn chờ hoàng hậu sinh hoàng tử; ngược lại phái Văn Hiến Hầu và Trần Khắc Chung muốn lập ngay hoàng tử Vượng là con một quý phi khác. Chuyện chưa ngã ngũ thì Văn Hiến Hầu cho đầy tớ của Trần Quốc Chẩn là Trần Nhạc 100 lạng vàng, vu cáo ông làm phản. Trần Minh Tông lệnh bắt giam Trần Quốc Chẩn tại chùa Tư Phúc. Nhân đó, Trần Khắc Chung tâu với nhà vua: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Trần Minh Tông nghe theo, giết hại Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn.

Phạm Mại theo tiếng gọi của lương tâm, không hề sợ hãi, dám đứng lên kêu gọi, tập hợp những bậc trung thần, lên án hành động của kẻ ác tâm, tìm ra chứng cứ làm rõ vụ án chưa từng có trong hoàng tộc nhà Trần. Đó là việc làm vô cùng dũng cảm, chỉ có ở những con người không sợ chết, vì lẽ phải như ông.

Nhà vua ân hận đã phục hồi danh dự và chức tước cho Huệ Võ Vương. Ngược lại, Trần Khắc Chung tuy thoát thân nhưng để lại sự căm tức của nhiều người. Năm 1330, ông chết, bị gia nô Trần Quốc Chẩn đào mả, chặt đầu, nghiền xương trả thù cho chủ. Thật tiếc thay cho Trần Khắc Chung, một con người tài giỏi, có nhiều công trạng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, chỉ vì sự ganh ghét, đố kỵ về quyền lực mà trở thành người có tâm địa xấu để thiên hạ chê cười.

Sau vụ việc này, vua Trần Minh Tông cảm phục, tặng Phạm Mại bài thơ có câu:

Trên cung điện ngang tàng như cọp, như chim ưng

Làm trai như vậy mới xứng đáng là có công danh.

 

Tiếp đó, ông được thăng lên chức Môn hạ đẳng Đồng tri, nhưng được vài năm thì ông bị bãi. Bị bãi, ông không thất vọng và bất mãn, chịu trách nhiệm trước hành động của mình. Ông đã tìm cho mình một con đường ở ẩn, làm thơ, sống cuộc đời thanh bạch. Ông noi gương Đào Tiềm đời Tấn bên Trung Quốc học rộng, tài cao mà không chịu làm quan.

Tư tưởng, tình cảm và thái độ của ông còn được thể hiện qua 5 tác phẩm thơ: Kinh Khê thi tập, Đề ẩn giả sở cư họa vận, Phỏng tăng, Bắc sứ ngẫu thành và Đề thuỷ mặc trướng tử tiểu cảnh. Đó là nguồn thơ lai láng về con người về cảnh vật non sông đất nước của ông.

Ông sống hơn 60 tuổi, chỉ ốm nhẹ, làm bài thơ 4 câu vứt bút đi mà nhắm mắt. Hồ Nguyên Trừng khen ông là người “sống ngay, chết lành”.

Phạm Ngộ nối tiếp xứng đáng con đường khoa cử của anh, trải qua mấy trường thi khắc nghiệt: thi hương, thi hội, thi đình để lọt vào danh sách hàng Tiến sĩ. Năm 1334, ông giữ chức Tri thẩm hình viện cùng Nguyễn Trung Ngạn đi sứ nhà Minh. Chí khí, bản lĩnh, tài đối đáp và phong cách đĩnh đạc của ông góp phần vào chuyến bang giao thành công tốt đẹp.

Ông luôn giữ cho mình trong sạch, làm việc rất siêng năng và cẩn thận. Ông cũng là người trung thực, ghét bọn gian thần, can gián nhà vua những điều phải trái. Ông được thăng đến chức Tri chính sự, Đồng tri, Thượng thư, Tả ty lang trung. Ông có vị trí quan trọng đời vua Trần Minh Tông.

Phạm Ngộ cũng là một nhà thơ có tên tuổi đương thời. Tác phẩm chính của ông gồm: Du Phù Thạch nham, Thu dạ tức sự, Yết Vạn Tải từ đường, Giang trung dạ cảnh, Đại Than dạ bạc…

Thơ của ông trong sáng, thanh cao, giàu chất nhân văn, thể hiện phẩm chất và khí tiết của một hiền tài, coi thường phú quý, sống chết vì giang sơn xã tắc. Ông quyết giữ trọn đời lời nói vàng ngọc của mình:

Phú quý mây nổi, sự đã qua rồi

Công danh ghi ở thẻ tre, muôn đời không nát.

Phạm Sư Mạnh (Phạm Độ) là con trai Phạm Ngộ. Nhờ ảnh hưởng từ những điều tốt đẹp của bác, của cha, Phạm Sư Mạnh đã thực hiện đúng câu “con hơn cha là nhà có phúc”. Ông may mắn được nhập môn và trở thành học trò yêu của thầy giáo Chu Văn An nổi tiếng tài đức của vị thánh hiền. Ông đỗ Tiến sĩ đời vua Trần Minh Tông, làm quan ở Sảnh viện, tên tự là Nghĩa Phu, hiệu là Úy Trai, biệt hiệu là Hiệp Thạch.

Truyền rằng khi đi sứ bên Tàu, bọn quan lại nhà Minh hỏi tại sao ông đặt tên là Mạnh, ông trả lời rằng vì “tôi có trí nhớ rất mạnh”. Họ thách ông đọc “Thiên mạnh tử” ông thư thả đọc luôn một mạch không để sót chữ nào. Năm 1345, sứ Minh sang hạch sách cột trụ đồng do Mã Viện chôn trái phép hơn 1.300 năm về trước. Vua sai ông ra biện bác. Bằng lý lẽ xác đáng, thái độ kiên quyết, thấu lý đạt tình khiến họ phải từ bỏ thái độ hống hách đó.

Năm sau, ông được thăng chức Tham chính khu Mật viện. Năm 1358, vua thăng ông giữ chức Nhập nội Hành khiển Tri mật viện, rồi Hành khiển Tả ty lang trung. Bấy giờ Trung Quốc có loạn, khiến vùng biên ải không lúc nào yên. Ông được giao lên đó tuyển binh sĩ, bố trí canh phòng ngày đêm không mỏi, giữ yên cuộc sống của đồng bào dân tộc ở nơi đây. Trước đó, năm 1346, ông cùng vua Trần Dụ Tông về Kính Chủ quê ông kén duyệt quân 5 lộ và thiết lập trật tự vùng này.

Với tài năng lỗi lạc, ông còn là một nhà thơ lớn. Ông có tài khí hùng hồn hơn người, nguồn thơ lai láng, đậm đà tình yêu đất nước, quê hương và lòng tự hào dân tộc. Chẳng hạn bài Thượng ngao (Trên đường) có câu:

Bạch thủ Lang Châu nguy chế trí

Nhất khâm tung xích tắc càn khôn.

 

Nghĩa là:

Đầu bạc trong việc sắp đặt khó khăn ở Lang Châu

Một tấm lòng trung đỏ thắm che cả đất trời.

Sự nghiệp thơ văn của ông được sưu tập lại trong tác phẩm Hiệp Thạch vô cùng giá trị. Hiện nay bài thơ Thạch Môn đăng khắc vào vách đá ở động Kính Chủ (Hải Dương) và bài ký Vân Lỗi sơn Sùng Khánh tự khắc vào bia ở chùa Sùng Hưng, núi Vân Lỗi (Quảng Ninh) của ông còn nguyên vẹn.

Ở nước ta, trong một gia đình có nhiều người tài đức, đỗ đạt cao, công lao to lớn, hết lòng vì giang sơn xã tắc, nhưng trong một gia đình mà có 3 người đậu tiến sĩ, đều được giữ trọng trách trong triều, đều là nhà thơ, đều được phái đi sứ và đều có khí phách, giữ được tấm lòng trong sáng như gia đình Phạm Mại, Phạm Ngộ và Phạm Sư Mạnh thì rất hiếm./.

LÊ ĐÌNH VƯỢNG

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments