Ngày 16/6/2016 sáu anh em trong Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam ( Phạm Vũ Câu, Phạm Quang Hoàn, Phạm Thượng Hiền, Phạm Lệ Trường, Phạm Thị Lợi , Phạm Thanh Bình) đến thăm hoạ sỹ Phạm Lực tại nhà riêng của ông- 175 Nghi Tàm, Hà Nội trong bầu không khí vui vẻ , thắm tình dòng họ.
Được biết họa sĩ Phạm Lực từ lâu nổi tiếng trong làng tranh Việt Nam , người được mệnh danh là “Van Gogh của Việt Nam” ; ông sinh năm 1943 , quê gốc Huế, năm nay đã ở tuổi 74, nhưng vẫn đứng trước giá vẽ 10 tiếng / 1 ngày. Ông là hoạ sỹ đương đại Việt Nam có một Câu lạc bộ chuyên sưu tầm tranh với hơn 100 thành viên và đang giữ trong tay khoảng 6.000 tác phẩm. Hiện ông cũng chính là họa sĩ từng có nhiều triển lãm thành công ở trong và ngoài nước, dường như sức sáng tạo của họa sĩ Phạm Lực vẫn còn dồi dào. Ông có thể vẽ trên mọi chất liệu từ sơn dầu, bột màu, thuốc nước đến sơn mài.. và có những bức họa được vẽ trên bao tải độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Sau hơn 20 năm trưng bày ở khắp các nhà triển lãm danh giá ở New York (Mỹ), London (Anh), Paris (Pháp)… mấy năm gần đây Phạm Lực mở nhiều triển lãm ở Việt Nam với tác phẩm thể hiện những trăn trở về xã hội đương đại; hầu như năm nào ông cũng giới thiệu đến công chúng những bức họa tranh sơn dầu và tranh sơn mài tại các triển lãm ,
Họa sĩ Phạm Lực
Có không ít bài viết về các tác phẩm của Phạm Lực, về đề tài trong những bức tranh này là những điều giản dị của cuộc sống và cả những hoài niệm về chiến tranh. – người “nghệ sĩ – chiến sĩ”, mà hành trang người lính gồm cái bao bố và chiếc giá vẽ bên mình. Các tác phẩm được triển lãm rải trên quãng thời gian từ 1963 đến nay, chúng khơi gợi một cái nhìn bao quát những thành tựu nghệ thuật trong đời họa sĩ này. Tại các triển lãm đã giới thiệu những bức tranh trùm lên hầu hết các thể loại của hội họa truyền thống châu Âu: tranh cảnh phố xá, tranh phong cảnh nói chung, tranh phong cảnh biển, tranh tĩnh vật, bố cục ẩn dụ, khỏa thân, và tự họa. Các tác phẩm được sáng tác thuộc nhiều loại hình của hội họa cổ truyền: sơn dầu trên canvas, sơn dầu trên giấy, và cả bằng chất liệu là thương hiệu của riêng họa sĩ: sơn dầu trên bao bố; bột màu và màu nước, cũng như bằng kỹ thuật vẽ tranh sơn mài truyền thống Việt Nam. Có không ít các bài viết xác nhận các họa phẩm đều mang đậm một dấu ấn nghệ thuật bậc thầy – người xem dễ hòa vào một dòng chảy phóng khoáng kỳ tài của nét bút, hoặc của đường đưa dao trộn thuốc màu; một sự tự tin thật lành nghề của nét vẽ; một sự quả quyết trong bao quát bố cục bức tranh; một cách xử lý màu sắc mang sắc thái riêng mà chuẩn xác; một cách lựa chọn vật liệu tinh vi và thông thái… nói cách khác, người xem có thể ‘đọc’ ngôn ngữ thị giác của Phạm Lực như cách biểu hiện nghệ thuật rõ ràng, dễ hiểu theo kiểu kinh điển, và nhờ đó mà thưởng thức được giá trị thẩm mỹ trong sáng tác của ông.
Mới đây ngày 08/6/2016 Triển lãm “ Bến bờ” tại Hà Nội của họa sĩ Pham Lực khắc họa những sắc màu của cuộc sống hôm nay, kể cả vấn đề nóng hổi như “cá chết”. Triển lãm giới thiệu 50 bức tranh mới hoàn thành trong năm 2016 của họa sĩ Phạm Lực, thể hiện “tình yêu, sự vươn lên và khổ đau”. Câu chuyện thời sự được truyền tải bình dị, như bàn nhậu hải sản nơi con người trong một bữa vui mà nét mặt vẫn căng cứng và ánh nhìn âu lo; những bến thuyền đậu trong không gian yên bình rực sắc màu vắng lặng đến nao lòng…Những bức tranh mang sắc màu mạnh, khỏe khoắn, sống động. Nhưng Bến bờ không chỉ là câu chuyện của biển theo nghĩa đen mà còn phản ánh mọi bến bờ của mỗi con người – đó là nhà, là quê hương và những gì gần gũi thân quen nhất. “Bên cạnh sự trăn trở, cuộc sống còn có cả những niềm vui” – người họa sĩ với bút pháp thô ráp và gai góc này chia sẻ.
Gặp gỡ những người đại diện cho dòng tộc, ông trải lòng rất vui vì qua tâm sự được biết về sự kết nối phát triển sâu rộng của họ Phạm Việt Nam. Ông đã dẫn chúng tôi thăm kho tranh đồ sộ nằm chật kín các tầng nhà của ông; có không ít những bức tranh đã được bán với giá trên dưới chục ngàn đôla Mỹ . Họa sĩ Phạm Lực có ý muốn tặng Hội đồng HPVN một số bức tranh có giá trị , nếu HĐTQ có ý định tổ chức bán đấu giá để góp vào Quĩ hoạt động của dòng họ; ông cũng hào hứng vui vẻ nhận lời sẽ tham gia tích cực cùng Ban VH-XH bàn về việc thành lập Câu lạc bộ nghệ thuật họ Phạm Việt Nam. Tấm lòng hướng về cội nguồn Tổ Tiên dòng họ của họa sĩ thật đáng trân trọng.
Phạm Vũ Câu