- Phạm Thanh Lê từ CHLB Đức đã về tham dự và biểu diễn tại Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng họ Phạm Việt Nam, được tổ chức vào ngày 24/10/2016 tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội.
Tại Canada, đài Radio Canada đã khởi xướng chương trình chọn lựa những nghệ sĩ tiêu biểu lưu giữ và bảo tồn nền âm nhạc truyền thống trên toàn thế giới. 12 gương mặt đại diện cho âm nhạc đặc sắc của 12 dân tộc đã được chọn lọc, trong số đó có nhạc dân tộc Việt Nam. Và người nghệ sĩ có công lớn mang lại niềm vinh dự và hãnh diện cho người Việt Nam nói chung, đó là nhạc sỹ Phạm Đức Thành – một người Canada gốc Việt. Khán thính giả Việt Nam có lẽ đã biết đến nhạc sỹ Phạm Đức Thành khi anh xuất hiện cùng cây đàn bầu đệm nhạc cho những nhạc phẩm quê hương trữ tình trong nhiều tác phẩm văn nghệ của Trung Tâm Thúy Nga. Không chỉ dừng lại ở đó, bạn bè thế giới biết đến Phạm Đức Thành và hâm mộ tiếng đàn bầu của anh qua rất nhiều buổi trình diễn âm nhạc quốc tế. Có thể nói, Phạm Đức Thành đã đưa tiếng đàn bầu Việt Nam lên một ngôi thứ quan trọng trong nền âm nhạc thế giới.
Sinh ra và lớn lên tại một miền quê phía Bắc thuộc tỉnh Ninh Bình, cậu bé Phạm Đức Thành đã gắn mình hòa cùng hình ảnh làng quê với lũy tre xanh rì rào ngả nghiêng trong gió, với con đò nhỏ bập bềnh e ấp giữa dòng sông, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay thơm mùi lúa non xanh mướt… Phạm Đức Thành yêu thương quê hương giản dị đơn sơ, để rồi đam mê cả một cuộc đời trong dòng nhạc cổ truyền, kết tri kỷ với cây đàn bầu một dây mộc mạc. Người nghệ sĩ đã dành trọn tâm trí để nghiên cứu, tìm hiểu và khổ luyện những ngón đàn dân tộc. Chính vì vậy, cho dù đi tới đâu, anh luôn mang theo cả quê hương tha thiết trong tiếng đàn bầu.
Sau khi nhận tin nhạc sỹ Phạm Đức Thành vinh dự được chọn là 1 trong số 12 người nghệ sỹ nhạc dân tộc của thế giới, nhóm phóng viên VietSun Magazine (VS) đã có dịp gặp gỡ và chia vui cùng anh. Sau đây là cuộc trò chuyện thú vị.
VietSun Magazine (VS): Chào anh, xin chúc mừng anh trước vinh dự lớn lao anh đã đạt được.
NS Phạm Đức Thành: Xin chào các bạn trẻ VietSun Magazine cũng như xin chào tất cả quý vị độc giả. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được nhận một phần thưởng giá trị trong cuộc đời của một người nghệ sĩ khi được chọn là 1 trong 12 nghệ sĩ nổi tiếng thế giới để đài AR TV làm phim về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của mình. Họ đã về tận quê hương Việt Nam nơi tôi sinh trưởng để quay những thước phim về cuộc đời, những nơi tôi đã được đào tạo để thành danh và có những đóng góp vào nền âm nhạc cổ truyền thế giới. Sau khi hoàn tất toàn bộ phim về 12 nghệ sĩ, các đoạn phim sẽ được lần lượt trình chiếu trên kênh truyền hình tiếng Pháp phát sóng trên toàn Canada. Đây là chương trình do Radio Canada tổ chức, và được đạo diễn bởi chuyên viên của CBC Toronto.
VS: Và anh là người Việt Nam duy nhất trong 12 người được chọn?
NS Phạm Đức Thành: Thưa đúng, một trong những tiêu chuẩn đầu tiên để được lựa chọn là người nghệ sĩ phải dành trọn thời gian cho nghệ thuật âm nhạc, không tham gia bất cứ một ngành nghề nào khác. Tôi rất lấy làm vinh hạnh.
VS: Trong những lần lưu diễn, anh cảm nhận như thế nào đối với việc bạn bè quốc tế đón nhận cây đàn bầu nói riêng cũng như các nhạc cụ dân tộc Việt Nam nói chung?
NS Phạm Đức Thành: Thứ nhất, tôi phải nói rằng bạn bè quốc tế rất ngạc nhiên khi thưởng thức âm nhạc qua tiếng đàn bầu – tôi muốn nhấn mạnh chữ “ngạc nhiên” là vì họ không hiểu nổi tại sao cây đàn chỉ có 1 dây mà lại có thể tạo ra âm thanh tuyệt vời đến thế. Thứ hai, họ rất khâm phục người chơi đàn bầu bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn qua quá trình nghiên cứu và sử dụng nhạc cụ. Ngoài nhạc dân tộc cổ truyền, đàn bầu ngày nay còn chơi được cả nhạc rock, nhạc jazz… cũng như phối hợp cùng dàn nhạc điện tử để chơi những nhạc phẩm quốc tế. Nói tóm lại, cây đàn bầu luôn gây được ấn tượng mạnh mẽ trong các show diễn, khán thính giả quốc tế sau khi coi trình diễn, họ rất nhớ cây đàn 1 dây tiêu biểu của Việt Nam. Có những người còn lại lật cây đàn bầu lên coi xem có các thiết bị hỗ trợ gì khác hay không, vì họ không tin rằng tiếng đàn bầu luyến láy hay đến như vậy mà chỉ có 1 dây. Nhưng đó chính là nghệ thuật của đàn bầu, các bạn có biết rằng đàn bầu còn có thể nói được tiếng người hay không?
VS: Lý do nào khiến anh dành trọn cuộc đời mình cho nền âm nhạc dân tộc?
NS Phạm Đức Thành: Có lẽ tổ tiên đã cho tôi một ân huệ, khi 6 tuổi làm quen với cây đàn bầu và không thể rời xa nó. Lúc nhỏ, tôi không hề được trải qua một trường lớp nào về âm nhạc. Năm 18 tuổi tôi mới rời xa làng quê yêu dấu để ra Hà Nội theo đuổi ước mơ. Một bước đột phá trong sự nghiệp âm nhạc của tôi là ngay năm 18 tuổi, tôi được tuyển thẳng vào vị trí cao nhất của một đoàn nghệ thuật chèo thay cho một người nghệ sĩ già. Sau 4 năm ở Hà Nội, tôi vào Sài Gòn và theo học đại học âm nhạc quốc gia và đã tốt nghiệp thủ khoa ở trường này. Và đàn bầu đã trở thành tri kỷ của tôi, tôi đã mang theo nó đi khắp mọi nơi. Và càng đi thì càng chứng minh được rằng đàn bầu có được một tầm đứng cao trong âm nhạc thế giới.
VS: Gần 50 năm sử dụng và hơn 30 năm nghiên cứu về cây đàn bầu, anh đã đạt được hay còn mơ ước điều gì?
NS Phạm Đức Thành: Đối với một người nghệ sĩ, đôi khi cái khó nó bó cái khôn. Có thật nhiều ý tưởng nhưng không thể thực hiện được tất cả. Vào khoảng năm 1979, khi còn ở lại trong nước, do phải “chạy sô” nhiều nên tôi đã chế ra chiếc đàn bầu có thể gập lại để tiện lợi cho việc di chuyển. Sau đó, tôi có khá nhiều bước cải tiến cây đàn bầu, ví dụ như cải tiến sao cho trời mưa vẫn đánh được đàn, cải tiến về âm thanh điện tử giúp có tiếng ngân dài hơn… Tôi đã dành trọn thời gian và công sức của mình để nghiên cứu về đàn bầu và nhạc cụ dân tộc, vẫn mong ước có đủ khả năng để tạo ra một bộ sưu tập triển lãm để bạn bè thế giới có thể biết đến nhạc dân tộc Việt Nam, đưa cây đàn bầu tiếp cận hơn với nền âm nhạc quốc tế.
VS: Những người Việt tại hải ngoại nếu muốn theo anh học nhạc dân tộc thì họ phải làm gì?
NS Phạm Đức Thành: Tôi đã dày công nghiên cứu và đầu tư viết một chương trình học nhạc có một không hai. Học viên sẽ rất dễ dàng học nhạc, bảo đảm sau 6 tháng có thể biết đánh đàn thành thục. Hơn thế nữa, nếu học viên ở xa hoặc không muốn đến lớp nhạc, tôi có chương trình giảng dạy theo video, đảm bảo chất lượng, Tôi đã trải qua nhiều đường vòng mới đạt được những gì hôm nay, Đối với học trò, tôi đặt các em vào đường thẳng để đi tới đích.
VS: Như vậy, quý vị hoặc con em quý vị dù đang sống ở đâu trên thế giới, muốn theo học âm nhạc, xin liên lạc nhạc sỹ Phạm Đức Thành qua website: www.phamducthanh.com. Chúc nhạc sỹ Phạm Đức Thành đạt được những ước nguyện và luôn thành công trong lĩnh vực âm nhạc.
NS Phạm Đức Thành: Xin cám ơn quý vị.
BBT