Trang chủCHUYÊN MỤC KHÁCGóc thơ văn: Hai Bài thơ Khẩu khí của Tam nguyên ...

Góc thơ văn: Hai Bài thơ Khẩu khí của Tam nguyên LÊ QUÝ ĐÔN VÀ VŨ PHẠM HÀM

Học giả Lãng Nhân cho biết: Nước ta từ trước, đỗ Tam nguyên Nhất giáp duy chỉ có đời Lê Trung hưng có Bảng nhãn Lê Quý Đôn và đời Nguyễn, Thám hoa Vũ Phạm Hàm (thuộc tộc Phạm Vũ). Năm 1994, nhân dịp Viện Sử học Việt Nam và Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) tổ chức Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm, giáo sư sử học Lê Văn Lan và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã có dịp về Đôn Thư viếng thăm Lăng mộ cụ Thám Hàm, các vị học giả khi nói đến trí thông minh của cụ Thám, đã nêu một so sánh như sau: “Nếu trí nhớ thần đồng của Bảng nhãn Lê Quý Đôn thời Lê Trung hưng là có một, thì trí nhớ tuyệt vời của Thám hoa Vũ Phạm Hàm thời Nguyễn có thể kể là thứ hai..” Chúng ta thử đọc lại hai bài thơ khẩu khí sáng tác thời niên thiếu của hai vị Tam nguyên Lê Quý Đôn và Vũ Phạm Hàm.

TAM NGUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN (1726-1784)

Tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, quê xã Duyên Hà, Hưng Yên, nay thuộc tỉnh Thái Bình, là con Trung hiếu công Lê Phú Thứ, thượng thư bộ Hình triều Lê Dụ Tông.

Ông thông minh lanh lợi, nổi tiếng thần đồng. Hồi tám chín tuổi, một hôm, ông mải chơi bỏ học, cha gọi về đét cho mấy roi, mắng:

Đồ rắn đầu rắn cổ.

Ông đọc ngay tám câu thơ Đường luật, mỗi câu có tên một thứ rắn:

 Chẳng phải ‘liu điu’ vẫn giống nhà (2)

 ‘Rắn’ đầu biếng học, lẽ không tha! (1)

 Thẹn đèn ‘hổ lửa’, đau lòng mẹ (3)

 Nay thét ‘mai gầm’, rát cổ cha (4)

 ‘Ráo’ mép chỉ quen lời dối trá [7]

 ‘Lằn’ lưng, đành chịu vọt năm ba [8]

 Từ rày Châu Lỗ chăm nghề học [6]

 Kẻo ‘hổ mang’ danh tiếng thế gia! (5)

Trong bài thơ trên có tất cả 8 câu liên quan đến loài Rắn:

(1) Rắn: động vật thuộc lớp bò sát, thân dài, có vẩy, không chân, di chuyển bằng cách uốn thân.

(2) Liu điu: rắn có nọc độc ở hàm trên, phía sau có răng nhỏ, đẻ con và sống ở ao hồ, ăn ếch nhái.

(3) Hổ lửa: rắn độc có khoang, màu đỏ như màu lửa.

(4) Mai gầm (Cạp nong): rắn độc, thân có nhiều khoanh đen, vàng xen kẽ. Cần phân biệt với Cạp nia, là rắn độc, thân cũng có nhiều khoanh đen, trắng xen kẽ cỡ nhỏ hơn Cạp nong.

(5) Hổ mang: rắn độc có tập tính ngẩng đầu, bạnh da cổ để đe dọa kẻ địch.

[6] Châu Lỗ có 2 nghĩa: – Châu: nước của Mạnh Tử. Lỗ: nước của Khổng Tử.

– một loài rắn nhỏ, sống ở ao hồ, hay rình bắt gà con.

[7] Ráo : loài rắn nhò sống trên cây.

[8] Lằn: tức thằn lằn, loài thuộc lớp bò sát, thân và đuôi dài phủ vảy, bốn chi khỏe, sống ở bờ bụi, ăn sâu bọ.

Lê Quý Đôn đỗ Giải nguyên năm 18 tuổi, khoa Nhâm thân (1752) triều Lê Hiền Tông, ông đỗ Hội nguyên và Đình nguyên, khoa thi chỉ lấy đỗ Bảng nhãn, nên ông đỗ Tam nguyên Nhất giáp Bảng nhãn. Đầu tiên ông được bổ Hàn lâm viện thị thư, ông đi sứ sang Tàu vào năm 1790, 1769 và 1770, dự việc đánh đồ đảng Lê Duy Mật ở Thanh- Nghệ. Năm 1775, làm Tồng tài Quốc sử quán coi việc tục biên quốc sử. Tiếp đó vào Thuận hóa, chức Tham thị, cùng Bùi thế Đạt chống Tây Sơn, sau làm đến chứ Công bộ Thượng thư. Ông mất năm 1784, thọ 59 tuồi.

Tính hay tự kiêu tự mãn, chúa Trịnh Sâm đã thấy ở Lê Quý Đôn ngay từ lúc ông mới vào yết kiến lần đầu tiên. Một hôn ông vào hầu, Trịnh Sâm hỏi:

– Ông đỗ Tam nguyên, hẳn là cái gì cũng biết đấy nhỉ?

Ông thưa:

– Tôi được thế là mông ân Vương thượng (chịu ơn chúa).

Chúa cười. Khi ông ra khỏi, chúa nói với quan a bảo (thầy dạy học):

– Ta trông thấy Lê Quý Đôn là người cậy tài, khinh người mà lại gian.

– Sao chúa biết?

– Nhìn trộm là tính gian. Nói hay ngửa mặt lên là ý kiêu.

Tính gian này, về sau có xảy ra một chứng minh rõ: Ấy là việc khoa thi năm 1775, Lê Quý Đôn làm chủ khảo thi Hương, cả trường thi có hai sĩ tử trội nhất:Đinh Thời Trung và Lê Quý Kiệt (con của ông). Đến khi vào thi Hội, thì giữa vua Lê và chúa Trịnh có cuộc đánh đố, vua cho là LQ.Kiệt sẽ đỗ Hội nguyên, còn chúa lại thiên về ĐT.Trung. Ngày ra bảng, LQ. Kiệt đỗ Hội nguyên, ĐT. Trung đỗ thứ hai. Chúa Trịnh không chịu là công bằng, truyền cho xét lại bài thi. Thì khám phá ra rằng bài có tên Kiệt do Trung viết, mà bài có tên Trung do Kiệt viết. Bấy giờ mới hay có sự điều đình giữa Lê Quý Đôn và Trung để tráo tên quyển cho Kiệt đỗ đầu. Việc đổ bể ra, ông bị bắt giam, Kiệt bị tước hết bằng sắc giáng làm bạch đinh, Trung bị đi đày.

Trong khi Lê Quý Đôn bị bắt giam, có sứ Tàu sang đố chữ “đông”, cả triều không ai giải được, chúa Trịnh bất đắc dĩ phài cho đòi ông ra hỏi, Lê Quý Đôn giảng được, sứ Tàu chịu là đúng. Vì có công này nên ông được tha và thiên bổ đi làm Tham thị Thuận Hóa để chống với Tây Sơn.

Sau này mới rõ là sứ Tàu sang nước ta gặp Lê Quý Đôn, rất mến phục tài học, nhân xem lá số cùa ông, tiên đoán rằng ông sẽ bị vận hạn, nên năm ấy, tâu xin vua Tàu gửi chữ sang đố nước Nam để Lê Quý Đôn được dịp lập công chuộc tội.

Ngoại trừ tính kiêu căng và thiếu minh bạch, Lê Quý Đôn vẫn là một nhà học giả xem nhiều biết rộng, để lại những tuyệt tác:

1/ Quốc âm: bài kinh nghĩa “Về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái lờ chồng”, bài văn sách “Lấy chồng cho đáng tấm chồng” và số ít thơ luật.

2/ Hán văn: “Đại Việt thông sứ”, “Vân đài loại ngữ” (chia loại các lời nói), “Toàn Việt thi lục” (sưu tập các thi gia từ Lý đến Hậu Lê), “Hoàng Việt văn hải” (sưu tập văn hay), “Kiến văn tiểu lục”.

Lê Quý Đôn là một học giả uyên bác, đa dạng và sung mãn nhất của văn hóa cổ nước ta. Giới nghiên cứu Pháp xem ông là nhà bác học về lãnh vực văn hóa cùa Việt Nam.

TAM NGUYÊN VŨ PHẠM HÀM (1864-1906)

Quê làng Đôn Thư, Kim thư, Thanh Oai, Hà Nội, tự là Mộng Hải, hiệu Thư Trì, tên thụy là Trang Khải.

Thuở nhỏ, Vũ Phạm Hàm có bài thơ vịnh “Con Cua” để tỏ chí mình:

 Linh đài nhất điểm tự phân minh,

 Thùy bả vô tràng mạn phẩm bình.

 Thảo dã thử thân nguyên hữu dụng,

 Giang sơn đáo xứ tẫn hoành hành.

 Huyền hoàng mãn phúc, văn tâm nhuận,

 Qua giáp đương đầu: võ lược tinh.

 Thiên hạ chính đương: cơ khát vọng,

 Quân như bất xuất (1) Thục điền canh? (2)

Nghĩa: – Một điểm ở linh đài (tâm) rất rõ ràng

– Vậy mà người ta cứ bảo là cua không có ruột

– Tuy ở chốn thảo dã, nhưng thân hữu dụng

– Giang sơn đến đâu cũng hoành hành (đi ngang)

– Trong bụng có sắc đen và sắc vàng, là sẵn có văn chương

– Đầu có gươm, mình có áo giáp là giỏi võ lược

– Thiên hạ đương mong mỏi, ví như đói mong ăn, khát mong uống.

– Nếu cứ ở yên mà không chịu ra, lấy gì giúp việc nấu canh?

(1) “Quân như bất xuất”: lấy điển Tạ An đời Tấn, có chữ ‘Bất xuất như thương sinh hà ‘ (nếu không ra, thì dân biết trông cậy vào ai?)

(2) “Thục điền canh”: lấy điển Phó Duyệt. ‘Điều canh dụng nhữ tác diêm mai’, ý nói vua tôi hợp nhau, như người nấu canh vừa mắm muối.

Bản dịch của Nhân Phủ Lê Thế Vinh:

 Khuôn thiêng sẵn có đủ phân minh,

 “Không ruột” đời sao dám phẩm bình!

 Cỏ nội, thân này còn hữu dụng.

 Giang sơn đâu cũng vẫn hoành hành.

 Gấm hoa đầy bụng: văn tâm đẹp,

 Qua giáp đương đầu: võ nghệ tinh.

 Thiên hạ chính đang khao khát đấy.

 Vắng người, ai kẻ đứng điều canh?

Ông là con cả cụ Phạm Vũ Dự và cháu nội cụ Phủ Thiên Vũ Đăng Dương (tức Phạm Vũ Cát), khi đi thi, ông phải khai ba đời, nên phải mang họ của Ông nội. Họ gốc của ông là Phạm Vũ.

Năm Giáp Thân (1884), Vũ Phạm Hàm (thuộc tộc Phạm Vũ) 21 tuổi, đỗ Giải nguyên, năm 29 tuổi đỗ Hội nguyên và Đình nguyên, vua Thành Thái sắc ban “Nhất giáp Tam nguyên Thám hoa”, hàm Quang Lộc Tự Thiếu Khanh kiêm Sung Quán Đồng Văn, được khắc tên trong văn bia ở Văn Thánh Huế.Ông được bổ Đốc học Hà Nội, sung Đồng Văn Quán (báo chữ Hán đầu tiên ở Bắc Kỳ), sau Hiến Sát sứ tỉnh Hưng Hóa, Đốc học Ninh Bình, Đốc học tỉnh Phù Lỗ (Phúc Yên), Đốc học tỉnh Cầu Đơ (Hà Đông), Hàn Lâm viện Trực học sĩ. Ông bị bênh mất sớm, thọ 43 tuổi, được truy tặng hàm Tham Tri.

Thư mục Vũ Phạm Hàm:

Nhân dịp kỷ niệm 145 năm ngày sinh cùa Ông và cũng để biết rõ hơn về sự nghiệp thơ văn, văn hóa giáo dục cùa Ông, gia đình hậu duệ cùa Thám Hàm cùng với Hội Khoa học Lịch sừ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chủ trương xuất bản một số sách cùa Ông, trong đó có sách “Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm” Nxb Văn hóa –Thông tin, 2010 nhằm lau bớt đi lớp bụi mờ thời gian che khuất chân dung Ông. Sau đây là một số tác phẩm:

  1. Văn sách của trường học của Vũ Phạm Hàm trong các tập “Danh gia Văn tập”…
  2. Mộng Hồ Thi Tuyển, Vũ Phạm Hàm soạn thảo gồm 10 bài thơ vịnh các trung thần…
  3. Mộng Hồ Gia tập: cuốn Phả họ Phạm Vũ, Đôn Thư, do Vũ Phạm Hàm soạn năm1888.
  4. Thư Trì Thi Tập: gồm những bài thơ tả danh lam thắng cảnh, cảm tác gửi gắm tâm tình của Vũ Phạm Hàm.
  5. Hương Sơn Phong cảnh: là bài thơ Nôm duy nhất của Vũ Phạm Hàm và được nhiều người truyền tụng. Bài thơ theo thể Hát nói dài 75 câu, ca ngợi phong cảnh chùa Hương, một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.
  6. Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách: do Vũ Phạm Hàm biên soạn, nói về dân số, phong tục, nghề nghiệp, cổ tích, đền chùa cùa tỉnh Cầu Đơ (Hà Đông)
  7. Hưng Hóa tỉnh Phú: bài Phú về địa lý, lịch sử tỉnh Hưng Hóa (là một trong số 13 tỉnh của Bắc Kỳ nước ta, giáp Sơn Tây, Thanh Hóa, Vân Nam, T.Q và Ai Lao)…

Vũ Phạm Hàm là một danh nho, đồng thời là một vị Đốc học nổi tiếng của Hà Nội, nên sau Cách Mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền Hà Nội lấy tên đường 104 trên bán đảo Ngũ Xá, hồ Trúc Bạch đặt tên là phố Vũ Phạm Hàm, nhưng từ năm 1964 lại đổi thành tên khác, phố Lạc Chính. Ở Tp. HCM có đường Vũ Phạm Hàm ở Quận 8, sau cũng bị đổi thành tên khác, đường Bình Đức, không rõ lý do của sự thay đổi này.

Nhiểu học giả, trong đó có Trần Hồng Đức kiến nghị với chính quyền Hà Nội (và Tp.HCM) nên đặt lại tên đường phố Vũ Phạm Hàm.

– Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phố Vũ Phạm Hàm đã được đặt lại ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

(Tham khảo: – Giai thoại Làng Nho, của Lãng Nhân, 1999)

 

 

Vũ Phạm Hàm- Tam khôi cuối cùng

của nền Nho học Việt Nam

 

Vũ Phạm Hàm (1864 – 1906), quê làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám hoa) năm 29 tuổi (năm Thành Thái thứ tư – 1882 – Khoa thi này không có Trạng nguyên và Bảng nhãn), là vị Tam khôi cuối cùng của nền Nho học Việt Nam. Ông làm Giáo thụ rồi thăng Đốc học Hà Nội sung Đồng văn quán (Đại Nam Đồng văn nhật báo – tờ báo đầu tiên của Bắc Kỳ), lên đến Án sát các tỉnh Hưng Hóa, Hải Dương, sau đó cáo quan về trí sĩ ở quê và dạy học cho đến lúc mất. Ông thuộc Biệt chi trong tộc Phạm-Vũ, Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Nội.

THÔNG TIN SEMINAR

VŨ PHẠM HÀM– TAM KHÔI CUỐI CÙNG CỦA NỀN NHO HỌC VIỆT NAM 

Diễn giả: Nhà nghiên cứu Chương Thâu

Thời gian: 14:00 – 16:30, thứ Sáu, ngày 6 tháng Tám năm 2010

Hội trường tầng 3, Tòa nhà VUSTA, 53 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

 

Thứ Sáu, ngày 6/8/2010 (hồi 14h), Nhà nghiên cứu Chương Thâu trình bày nghiên cứu của ông với chủ đề “Vũ Phạm Hàm (1864 – 1906) Tam khôi cuối cùng của nền Nho học Việt Nam” tại 53 Nguyễn Du. Seminar do Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức trong khuôn khổ chương trình tọa đàm “Góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa VIII về xây dựng đội ngũ trí thức” của NXB và Quỹ Văn hóa.

***

Vũ Phạm Hàm (1864 – 1906), quê làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà  Đông, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám hoa) năm 29 tuổi (năm Thành Thái  thứ tư – 1982 – Khoa thi này không có Trạng nguyên và Bảng nhãn), là vị Tam khôi cuối cùng của nền Nho học Việt Nam. Ông làm Giáo thụ rồi thăng Đốc học Hà Nội sung Đồng văn quán (Đại Nam Đồng văn nhật báo – tờ báo đầu tiên của Bắc Kỳ), lên đến Án sát các tỉnh Hưng Hóa, Hải Dương, sau đó cáo quan về trí sĩ ở quê và dạy học cho đến lúc mất.

Vũ Phạm Hàm thuộc hàng trí thức tinh hoa của Nho giáo mạt kỳ ở Việt Nam, ông dành phần lớn thời gian cuộc đời mình cho việc dạy học và phát triển giáo dục.

Thông tin về đơn vị tổ chức:

Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, tiền thân là Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, được thành lập tháng 01 năm 2007. Bên cạnh chương trình tài trợ và hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới, Quỹ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa khác, đặc biệt là việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc; tổ chức đào tạo và phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam và thế giới.

Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh là một giải thưởng được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao hằng năm cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực Giáo dục, Nghiên cứu văn hoá, Việt nam học và Dịch thuật.

Phạm Vũ Động (Ban Đại diện Họ Phạm Vũ ở phía Nam)

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments