Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Phạm Văn Quang, những chiếc khuôn bánh với đủ hình thù đẹp mắt, tinh xảo được ra đời và nó đã thổi hồn vào những chiếc bánh trung thu cổ truyền của Hà Nội.
Phố Hàng Quạt từng nổi tiếng với nghề làm khuôn bánh trung thu, cứ tháng 8 (âm lịch) hàng năm con phố này lại tấp nập kẻ mua – người bán…Nhưng đó chỉ còn là ký ức của nhiều năm về trước, cùng với sự phát triển, những chiếc bánh trung thu ngày nay được làm công nghiệp theo dây chuyền hiện đại. Cũng vì thế, mà cái nghề làm khuôn bánh ngày càng mai một. Ngày nay, chỉ còn sót lại duy nhất cửa hàng số 59 Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội còn lưu giữ lại cái nghề mà đến chính ông cũng không nhớ nổi có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, nó đã xuất hiện từ rất lâu và gia đình ông truyền đời theo nghề gia truyền này.
Cửa hàng nghệ nhân Phạm Văn Quang (SN 1955) chỉ rộng chừng 10m2, nằm lọt thỏm trên phố Hàng Quạt. Phía trước cửa hiệu treo một tấm biển đơn sơ, mộc mạc và cũ kỹ như đúng cái nghề mà ông Quang đang gìn giữ: “Khuôn bánh, khuôn xôi, khuôn oản”.
Đứng từ phía ngoài của hàng khiến người ta cũng cảm nhận được nét gì đó xưa cũ trong nhịp sống hiện đại, xô bồ của Hà Nội. Những chiếc khuôn bánh đủ mọi kích cỡ, hình thù từ to đến nhỏ được làm tinh xảo khiến ai đi qua cũng muốn ghé vào xem…Bước vào bên trong, cửa hàng như một bảo tàng đưa người ta trở về với những gì xưa cũ của Hà Nội, những chiếc khuôn bánh được làm thủ công treo trên tường với nhiều hình phong phú như con cá, con tôm, hoa… ít người ngờ rằng, đến giờ này vẫn còn cái nghề “cổ lỗ sĩ” này tồn tại giữ lòng Hà Nội.
Ông Quang sống một mình trong cửa hàng nhỏ, ngoài những chiếc khuôn bánh thì tài sản giá trị nhất chỉ có chiếc ti vi cũ kỹ. Ông chia sẻ: “Tôi không nhớ nghề làm khuôn bánh trung thu này đã theo gia đình tôi bao lâu, chỉ biết từ nhỏ tôi đã học và bắt đầu làm rồi. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo, cẩn thận trong mỗi bước đục đẽo để thành sản phẩm bán cho mọi người”.
Gỗ của cây xà cừ có độ rắn phù hợp nên được chọn làm khuôn bánh. Các loại gỗ khác như lim không thể làm khuôn bởi lẽ bánh được nhào nặn nên không ưa nhìn, bị vỡ các họa tiết. Ông Quang cho biết: “Mỗi họa tiết trên khuôn bánh đều có ý nghĩa riêng của nó. Đối với người làm khuôn bánh, trước hết phải có sự đam mê, thích học hỏi. Muốn lưu giữ được nét đẹp văn hóa cũng như giữ được nghề gia truyền, bản thân cần phải nắm bắt được tâm lí, ý tưởng của khách hàng.”
Để làm được một khuôn bánh đẹp, nghệ nhân cần phải trải qua nhiều công đoạn. Khâu cuối cùng là khâu khó nhất, đích thân ông Quang phải thổi hồn vào sản phẩm trên.
Chị Minh-một khách hàng cho biết: “Cứ đến đầu tháng 7 (âm lịch) là tôi sang cửa hàng ông Quang để đặt hàng về bán lẻ. Thường mỗi lần tôi đặt khoảng 100 chiếc, nhiều người vẫn thích làm bánh thủ công, nhưng cuộc sống hiện đại, bây giờ cái gì cũng sẵn nên nghề này giờ khó cạnh tranh.”
Ngắm nhìn những chiếc khuôn bánh do chính tay mình tạo ra, ông Quang ngậm ngùi: “Bây giờ bánh trung thu đều được làm công nghiệp, chẳng mấy ai còn có thời gian tự làm bánh như ngày trước. Thế nên nghề làm khuôn bánh cũng mai một dần. Tôi giữ nghề vì một phần đó là nghề truyền thống của gia đình, một phần vì không muốn Hà Nội lại mất đi một nghề đã từng tồn tại hàng trăm năm.”
Ông Phạm Văn Quang cho biết, hiện nay rất khó tìm người để thừa kế lại nghề truyền thống này. Nếu Hà Nội không có biện pháp bảo tồn thì phố cổ sẽ lại mất đi một cái nghề, một nét văn hóa đậm tính lịch sử của Hà Nội 36 phố phường.
Phạm Chức (Theo VTC News)