Trang chủGIỚI THIỆUPHẠM DUY VÀ KHÁT VỌNG HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT

PHẠM DUY VÀ KHÁT VỌNG HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT

 

Hơn 70 năm rong ca và sáng tác Phạm Duy để lại khoảng một ngàn ca khúc, trong đó có khá nhiều “bài ca không quên”, những bài ca đi tận cùng với thời gian và cuộc sống. Ông được tôn vinh là người viết tình ca hay nhất. Nhưng âm nhạc Phạm Duy không chỉ là yêu người, là tình yêu lứa đôi, mà vượt lên trên hết là tình yêu đất nước, được thể hiện ở khát vọng hoà bình, thống nhất trong rất nhiều ca khúc.

Âm nhạc Phạm Duy cổ vũ cho tinh thần văn hoá dân tộc, cho tình yêu đất nước và yêu con người Việt Nam. Một tình yêu lớn từ rất lâu đã được Phạm Duy thể hiện trong ca từ của mình: Tôi yêu tiếng nước tôi, tôi yêu người nước tôi, và tôi yêu đất nước tôi.

Với Phạm Duy, tình yêu không trừu tượng mà rất rạch ròi, cụ thể. Yêu nước được khởi nguồn từ yêu giống nòi:

“Vì yêu, yêu nước, yêu nòi

Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca”

Trong phong trào đô thị miền Nam, những năm giữa thập kỷ 1960 Phạm Duy nổi tiếng với mười bài Tâm Ca, có nội dung kêu gọi hòa bình. Tiếp tục khai thác chủ đề yêu thương con người, khi phổ thơ bài Nhân danh của Nguyễn Đắc Xuân ông giữ đúng từng lời, chỉ chữa chữ “giết” thành chữ “cứu” ở lời thứ hai. Ông giải thích với tác giả thơ: “Thương nước phải thương nòi chứ? Sao lại cứ giết, em là Phật tử kia mà !”. Trong Tâm ca số 7, Phạm Duy trích câu thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Kẻ thù ta đâu có phải là người, dù là người Việt cộng, giết người đi thì ta ở với ai? Ông cắt bỏ mấy từ “dù là người Việt cộng” rồi phát triển thành lời Tâm Ca số 7 – Kẻ Thù Ta. Bài hát bày tỏ rất rõ quan điểm chống chiến tranh hủy diệt của Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam thời điểm đó.

Năm 1954, ông vô cùng sung sướng khi quân đội Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ. Nhưng Hiệp định Genève lại chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Bắc – Nam. Khát vọng thống nhất được thể hiện trong một tổ khúc của Phạm Duy, khi hoàn chỉnh được ông đặt tên là Trường ca Con Đường Cái Quan. Theo Phạm Duy, Con Đường Cái Quan là “Một hành ca ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt”. Trường ca này của ông như là một bài ca thống nhất, một câu chuyện kể về “một lữ khách trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau, đi từ ngày mới lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước”.

Giáo sư Trần Văn Khê bình luận: Năm 1975 đất nước ta mới thống nhất về lãnh thổ nhưng lòng người thì vẫn còn một bộ phận chưa yên. Cho nên khát vọng thống nhất vẫn là nỗi lòng canh cánh của nhiều người. Phạm Duy mong muốn thống nhất lòng người bằng con đường âm nhạc của mình.

Một đóng góp quan trọng của Phạm Duy là tìm tòi, sáng tạo trong vận hành giai điệu dân ca, để làm nên đặc thù dân ca Việt Nam; chuyển hệ dân ca để làm giàu tính dân tộc và vươn tới tính nhân loại trong âm nhạc. Khoảng giữa thập niên 1990 Phạm Duy cho con trai là Duy Cường về nước sưu tập các làn điệu dân ca, các ca khúc hay, đặc biệt là các ca khúc mang âm hưởng dân ca các vùng miền, về hòa âm phối khí, biểu diễn, đưa lên mạng quảng bá rộng rãi để nhiều người trên khắp thế giới biết đến nền âm nhạc vô cùng phong phú và đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một việc làm rất cụ thể, thiết thực, một bước chuẩn bị cho Ngày trở về thanh thản, tự tại của Phạm Duy.

Với miền Trung, với Huế, Phạm Duy có khoảng 30 ca khúc mà “tín đồ” của ông không ai có thể quên như: Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh, Nước non ngàn dặm ra đi, Về miền Trung. Đó là hình ảnh miền Trung đau thương trong trong cuộc chiến chống Pháp với âm hưởng những điệu hò, điệu lý thân thương, da diết. Về miền Trung! Người về đây sống cùng người dân/Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn/ Đêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng/Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng…

Sang tuổi cửu tuần bút lực Phạm Duy vẫn sung mãn, lập nên những kỳ tích như trường hợp “Trường ca Hàn Mặc Tử”. Hay là kỉ lục phổ một lúc 10 bài bài thơ của Bích Khê, một thi sĩ cùng thời với Hàn Mặc Tử, trong đó có bài “Huế đa tình”.

PHAM HỮU THANH TÙNG

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments