Trang chủGIỚI THIỆUPHẠM VĂN LAM (BÚT DANH XUÂN NAM) VÀ NHỮNG BÀI THƠ VIẾT...

PHẠM VĂN LAM (BÚT DANH XUÂN NAM) VÀ NHỮNG BÀI THƠ VIẾT VỀ MẸ

 Lời ban biên tập: Nhân nhà thơ Xuân Nam sắp cho xuất bản tập thơ NÔNG SÂU ĐỜI MẸ, Ban biên tập xin được giới thiệu ông với bạn đọc trang tin.

  Phạm Văn Lam                         

Bút danh: Xuân Nam

Ngày sinh – 15/ 5/1969.

Đã tốt nghiệp: Khoa Văn (ĐHSP Vinh 1992)

Khoa Báo chí (Học viện Báo chí Tuyên truyền 2000);

Cao cấp chính trị; Chuyên viên chính.

Đảng viên ĐCS Việt Nam.

Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam

Hội viên Hội VHNT Bình Phước

Hoạt động văn học và báo chí chuyên nghiệp từ năm1992.

Nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Bình Phước; Trưởng Ban Thư ký Biên tập Báo Dân tộc & Phát triển TW; Thư ký tòa soạn Tạp chí Khoa học Thời đại & Tạp chí Văn nghệ Bình Phước; Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Bình Phước.

Hiện công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước.

Tác phẩm chính đã xuất bản: – Truyện dài: Cát bụi đường đời; Uẩn khúc những cuộc tình (1993); Khói rừng đã tắt; Bí mật rừng dương (1994); Cánh bèo lưu lạc (1995); Chuyện quê (2005); Cổ tích trước đổi mới (2006); Lập nghiệp (2007).

Thơ: Nam bộ nhớ Thăng Long; Nhịp chày Bom Bo (2010); Ở rừng nhớ biển; Làng Ba; Tà Thiết; Vững chèo (2015).

Phê bình văn học: Dọn vườn; Hỏi chuyện làng văn (2007).

Tel: 0962531700

Email: [email protected];[email protected]

 

XUÂN NAM VÀ NHỮNG BÀI THƠ VIẾT VỀ MẸ

                        PGS,TS Hoàng Minh Lường
                       (Học viện Báo chí Tuyên truyền)

Cây bút quen thuộc Xuân Nam (Phạm Văn Lam – Bình Phước) thuộc hàng bút lực đáng ghi nhận. Mười mấy năm qua, anh đã có tới hàng trăm bài viết “trình làng” bạn đọc với đủ các thể loại từ bút ký đến truyện dài, phê bình văn học và nhiều thể loại báo chí khác nhau…. Ở lĩnh vực nào Xuân Nam cũng tạo được ấn tượng và những đóng góp riêng. Năng lực cảm nhận tinh tế kết tinh từ tầm kiến văn sâu rộng đã góp phần chưng cất nên ở Xuân Nam một chất giọng riêng giầu dư vị không dễ lãng quên. .

Bạn đọc gần đây lại ngỡ ngàng hơn khi chạm tới miền thơ, nhất là những bài thơ viết về phụ nữ của anh. Những bài thơ như được trút ra từ nỗi lòng yêu thương da diết của anh. Đọc anh mới biết làm thơ không phải là “trò chơi câu chữ” mà là sẻ chia và cộng cảm. Vì thế, mỗi bài thơ anh viết về những người phụ nữ thân thương là một trang đời thu nhỏ, là một trầm tích số phận. Anh viết bằng trái tim và sự trải nghiệm của một thi nhân nặng lòng với những người thân.
Thơ anh không thể đọc nhanh được. Phải đọc thật chậm để lắng nghe âm thanh tình đời vang lên trong từng câu chữ. Mỗi con chữ trong thơ anh có sức nặng đúc kết một nỗi niềm, một nhân cách, một tâm hồn đa cảm. Nhân vật trong thơ Xuân Nam là những người phụ nữ một nắng hai sương nhọc nhằn, lam lũ trên đồng ruộng. Cuộc đời họ gắn với một vùng quê của một thời nghèo khó mà sáng ngời nhân cách.
Đọc thơ anh tôi liên tưởng đến những người bà, người mẹ trong thơ Nguyễn Duy và Trúc Thông… Nhưng Xuân Nam mang cái da diết rất riêng nhiều lúc khiến tôi rưng rưng không cầm được nước mắt. Cảm ơn Xuân Nam đã rút ruột nhả tơ lòng tôn vinh những người phụ nữ tảo tần trên làng quê nước Việt thân yêu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thơ mới sáng tác của anh.

  1. MÙI CANH CẢI

 Bồi hồi nhớ lại thuở xưa
Tô canh mẹ nấu vẫn chưa phai lòng
Này là lá cải xanh trong
Từ bàn tay mẹ bầy ong theo về
Này là vườn biếc trời quê
Tiếng chim buổi sáng say mê ngọt lành.

Hồn nhiên lá cải lên xanh
Mặc cho giá lạnh nắng hanh cứ về
Sương rơi gió lạnh tứ bề
Tảo tần mẹ cứ bộn bề bón chăm.

Đêm khuya một ánh trăng rằm
Soi trên sắc lá xa xăm thuở nào.
Hương thơm trong dạ thương sao
Tô canh mẹ nấu lắng vào tháng năm.

Con đi mấy bận về thăm?
Đêm mơ thấy ánh trăng rằm vườn xưa
Tảo tần dáng mẹ sớm trưa
Nhớ mùi canh cải như vừa tỏa hương.

Chủ nhật 12/3/2017

 

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments