HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TOÀN QUỐC
QUI CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA BAN NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ KẾT NỐI DÒNG HỌ
Điều 1: Tên gọi: Ban Nghiên cứu lịch sử và Kết nối dòng họ (gọi tắt là Ban
Tộc phả ).
Điều 2: Chức năng
– Chủ trì việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu về lịch sử họ Phạm Việt Nam.
– Chủ trì công tác kết nối người Việt Nam thuộc dòng họ Phạm ở trong và ngoài nước.
– Tổ chức phối hợp biên soạn tộc phả, gia phả, tộc ước, các tiêu chí của dòng họ ở các cấp hội đồng.
Điều 3: Nhiệm vụ
3.1. Xây dựng kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ, hằng năm của Hội đồng toàn quốc về công tác nghiên cứu lịch sử họ Phạm Việt Nam .
3.2. Thu thập, quản lý, nghiên cứu, giới thiệu tư liệu liên quan đến tộc phả, gia phả, tộc ước, qui ước cuả họ Phạm Việt Nam. Xây dựng “kho tộc phả” và tư liệu về các dòng họ Phạm bằng văn bản, hiện vật và file tin học phục vụ nhu cầu tra cứu. Đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu.
3.3- Tổ chức biên soạn giới thiệu Tổng quan các dòng họ; giúp các dòng họ sưu tầm tài liệu, kết nối các dòng họ có chung nguồn gốc.
Nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu của các cá nhân, dòng họ muốn tìm hiểu cội nguồn, kết nối dòng họ và các vấn đề liên quan đến công tác tộc phả nói chung.
3.4. Nghiên cứu một số dòng họ lớn lâu đời và có nhiều chi phái tại nhiều địa phương, kết nối các dòng họ này, bước đầu hình dung những nguồn gốc chính và sự phát triển, di cư…của họ Phạm Việt Nam.
3.5. Hướng dẫn, giúp nghiên cứu, biên soạn tài liệu về lịch sử các dòng họ thuộc họ Phạm Việt Nam.
Tổ chức, giúp đỡ các Hội đồng họ Phạm địa phương và Hội đồng gia tộc triển khai thực hiện mọi hoạt động nghiên cứu, biên soạn về tộc phả, tộc ước và kết nối dòng họ.
3.6. Nghiên cứu ứng dụng phần mềm tin học thích hợp để tục biên hoặc lập mới tộc phả, gia phả. Hướng dẫn các dòng họ ứng dụng, hoặc giúp các dòng họ tục biên hoặc lập mới tộc phả, gia phả bằng các phần mềm được ứng dụng.
3.7. Nghiên cứu đề xuất và tổ chức thực hiện việc chuẩn hóa (các tiêu chí tiêu chuẩn) cần được hoàn thiện đối với mỗi dòng Phạm tộc (mỗi chi, phái Phạm tộc) như các điều kiện về “con cháu nối đời, gia phả, Gia phong lễ nghi dòng tộc, Từ đường Thủy Tổ… tiến tới việc đề xuất HĐTQ cấp BẰNG CÔNG NHẬN các giá trị phi vật thể và giá trị kiến trúc lịch sử của Từ đường cho mỗi chi, phái Phạm tộc trong cộng đồng Họ Phạm Việt Nam ( đối với các chi, phái Phạm tộc đạt các tiêu chí tiêu chuẩn và tự nguyện đề nghị HĐTQ cấp Bằng công nhận).
Phối hợp với các Ban trong HĐTQ nghiên cứu đề xuất chuẩn hóa các biểu tượng cho dòng tộc HPVN như Logo, slogan và Cờ họ Phạm? Họ Phạm ca? Lễ nghi dòng tộc? vv…trên cơ sở giữ gìn truyền thống văn hóa Phạm tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam
3.8- Tham mưu đề xuất với Thường trực trong việc vận động, tổ chức thành lập mới các Hội đồng họ Phạm trực thuộc Hội đồng toàn quốc ( với các địa phương chưa có HĐHP).
3.9- Nghiên cứu, sơ kết, tổng kết công tác tộc phả, tộc ước, kết nối dòng họ.
Điều 4: Tổ chức
4.1. Ban Tộc phả là một Ban chuyên trách thuộc Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam, có quan hệ chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động của các Ban Tộc phả cấp địa phương. Ban Tộc phả ở cấp nào thì hoạt động dưới sự chỉ đạo, điều hành của Thường trực Hội đồng họ Phạm cấp đó.
4.2. Ban Tộc phả có một Trưởng ban phụ trách chung, các phó ban phụ trách các mặt công tác chính, các địa bàn và một số thành viên. Nhiệm vụ của các Phó trưởng ban do Trưởng ban phân công.
4.3. Ban Tộc phả thuộc Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam có một số ủy viên ở Hà Nội và một số ủy viên ở các địa phương. Ủy viên ở các địa phương thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Ban Tộc phả ở cấp trung ương, đồng thời phối hợp với Hội đồng họ Phạm các địa phương triển khai công việc ở địa phương và thường xuyên báo cáo kết quả về Ban Tộc phả cấp trung ương để tổng hợp chung.
Điều 5: Quy chế làm việc
5.1. Tất cả các thành viên Ban Tộc phả thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban, chịu trách nhiệm về mọi hành vi và hoạt động của mình.
5.2. Các thành viên được gửi tin, bài đến Ban Biên tập Trang tin điện tử và Bản tin của Hội đồng họ Phạm Việt Nam (cần báo cho Trưởng, Phó ban biết). Không tự ý đưa những tin này lên các mạng xã hội khác.
5.3. Duy trì thường xuyên chế độ trao đổi, hội ý trong Ban; chủ yếu thông qua mạng thông tin điện tử. Các ủy viên ở Hà Nội và các địa phương gần Hà Nội mỗi năm họp 2 lần. Toàn Ban mỗi năm họp 1 lần (có thể kết hợp vào dịp Hội nghị Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam hằng năm).
5.4. Các thành viên của Ban phải chấp hành nghiêm chỉnh Qui chế chung của Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam. Mọi hành vi, nội dung, phương pháp hoạt động phải đúng Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước, qui định của địa phương nơi cư trú. Tận tình, tâm huyết, chủ động trong việc họ.
Điều 6: Phương tiện bảo đảm hoạt động:
6.1. Ban Tộc phả và các thành viên chủ yếu tự bảo đảm phương tiện hoạt động (phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, phòng họp…).
6.2. Trong một số trường hợp, Ban và các thành viên của Ban có thể được Hội đồng toàn quốc hỗ trợ kinh phí như: kinh phí mua văn phòng phẩm; kinh phí đi lại cho các thành viên không có điều kiện tự lo kinh phí khi đi công tác, hội họp ở xa; khi tham gia các chương trình, dự án, đề tài của Hội đồng toàn quốc.
Điều 7: Hiệu lực thi hành
Quy chế này đã được Thường trực Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam thảo luận tại kỳ họp ngày 07 tháng 5năm 2017, có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có điều chỉnh, thay đổi, Thường trực Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam quyết định và thông báo kịp thời đến mọi thành viên.
Hà Nội ngày 22 tháng 8 năm 2017
T/M HỘI ĐỒNG TOÀN QUỐC HPVN Chủ tịch
( Đã ký)
TS.Phạm Vũ Câu