Trang chủGIỚI THIỆUQUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ...

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

                                         HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

                                                           Lời nói đầu

Bản “Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam” do Hội nghị lần thứ 2 Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm VN Khóa VI thông qua ngày 23-10-2011 đã đáp ứng nhu cầu của bà con họ Phạm cả nước và ở nước ngoài tìm về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, một số quy định không còn phù hợp với sự phát triển của hoạt động dòng Họ; Đại hội Nhiệm kỳ VII ngày 02/8/2015, Hội đồng Họ Phạm Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp tình hình mới. Tại Hội nghị thường niên Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm VN năm 2018 (ngày0 5/1/2019)  thông qua cho sửa đổi, bổ sung tiếp một số điều cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn về  tổ chức và hoạt động của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam.

Bản Quy chế này quy định chung về việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam.

Hội đồng họ Phạm các địa phương, các tổ chức thành viên của HĐ và Hội Đồng Gia tộc từng dòng họ có Quy chế hoặc Quy ước hoạt động riêng của mình không trái với những quy định trong bản Quy chế này.

Chương 1

TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH

Điều 1. Hội đồng họ Phạm Việt Nam là tổ chức xã hội dòng họ, hoàn toàn tự nguyện của những người họ Phạm Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ Pháp luật của Nhà nước

Mục đích, tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam là tập hợp, đoàn kết những người họ Phạm có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối, giúp nhau xoá đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài; vinh danh những người họ Phạm có công với dân với nước; biểu dương “người tốt việc tốt”; giáo dục, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng Họ trong các thế hệ người họ Phạm Việt Nam.

Chương 2

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 2. Hội đồng họ Phạm Việt Nam được tổ chức theo địa bàn dân cư có cộng đồng người họ Phạm Việt Nam sinh sống theo hệ thống ngành dọc 5 cấp:

1/ Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt nam

2/ Hội đồng họ Phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

3/ Hội đồng họ Phạm các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh

4/ Hội đồng họ Phạm các xã, phường, thị trấn

5/ Hội đồng Gia tộc các dòng họ

Các dòng họ lớn có nhiều chi nhánh trên địa bàn nhiều tỉnh thành lập Hội đồng dòng họ trực thuộc Hội đồng Toàn quốc

Ngoài ra, Hội đồng Toàn quốc còn thành lập các tổ chức thành viên nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích… tham gia việc Họ.

Các vị lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch) của các Hội đồng cấp dưới và các tổ chức thành viên đều là Uỷ viên của Hội đồng cấp trên, bảo đảm cho công việc được thống nhất.

Hằng quí, Hội đồng họ Phạm cấp dưới có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động và những đề xuất, kiến nghị lên Hội đồng họ Phạm cấp trên trực tiếp.

Điều 3. Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam

Những vị được cử vào Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam là những vị có tâm huyết, nhiệt tình với dòng Họ, có sức khoẻ, có năng lực phù hợp và có điều kiện để hoạt động việc Họ do Đại hội Đại biểu Hội đồng Họ Phạm VN hiệp thương cử ra theo Nhiệm kỳ 5 năm.

Hàng năm Hội đồng Toàn quốc (HĐTQ) tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá việc họ đã làm trong năm qua, đề ra phương hướng hoạt động năm tới. Trong Hội nghị HĐTQ có thể thay đổi một số Uỷ viên, để một số vị do sức khỏe hoặc không có điều kiện tham gia được nghỉ và bổ sung thêm một số Uỷ viên mới.

Thành viên Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam bao gồm:

– Bộ phận thường trực

– Các Ban chuyên trách, Ban Biên tập Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử        – Chủ tịch (hoặc phó Chủ tịch) các HĐHP cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW, một số huyện đặc biệt và HĐ các dòng họ lớn

Điều 4. Bộ phận thường trực của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam bao gồm :

– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực và các Phó Chủ tịch Hội đồng;

– Tổng thư ký Hội đồng,

– Trưởng các Ban chuyên trách, Tổng Biên tập (TBT) Bản tin nội tộc và TBT Trang tin điện tử

–  Cấp Trưởng hoặc cấp phó các Tổ chức thành viên của Hội đồng Toàn quốc.

– Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch HĐHP Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, một số tỉnh thành đặc biệt.

Điều 5. Các Ban chuyên trách và Ban biên tập của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam, gồm có :

  1. Ban Thông tin – Tư liệu
  2. Ban Nghiên cứu lịch sử và Kết nối dòng họ
  3. Ban Tài chính
  4. Ban Lễ tân
  5. Ban Văn hóa – Xã hội
  6. Ban Kiểm tra
  7. Ban Biên tập Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam”.
  8. Ban Biên tập Trang tin điện tử “www.hophamvietnam.org

Mỗi ban có trưởng Ban / Tổng Biên tập, một số Phó Trưởng ban / Phó Tổng Biên tập và các Ủy viên.

Chương 3

NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CÁC BỘ PHẬN

Điều 6. Bộ phận Thường trực Hội đồng Toàn quốc giải quyết công việc của Hội đồng đề ra trong thời gian giữa hai kỳ họp của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam. Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam họp thường kỳ ba tháng một lần, toàn thể Hội đồng Toàn quốc họp mỗi năm 1 lần.

Điều 7. Nhiệm vụ của các thành viên trong Bộ phận Thường trưc:

  1. Chủ tịch Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam phụ trách chung và công tác tổ chức-nhân sự, có trách nhiệm điều hành Bộ phận Thường trực của Hội đồng bảo đảm sự hoạt động của Hội đồng theo đúng Quy chế này, tuân thủ Pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
  2. Phó Chủ tịch thường trực giúp Chủ tịch và thay mặt Chủ tịch điều hành công việc của Hội đồng khi Chủ tịch vắng mặt.
  3. Các Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch phụ trách một số mặt hoạt động của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch chủ động trong công việc được giao, thường xuyên báo cáo kết quả công việc với Chủ tịch.
  4. Tổng thư ký dự thảo kế hoạch công tác của Hội đồng trong từng giai đoạn; dự thảo các thông báo của Thường trực sau mỗi kỳ họp, thường xuyên nắm tình hình hoạt động của Hội đồng, làm báo cáo theo định kỳ.
  5. Các Ủy viên thường trực nắm vững nội dung và thực hiện những nhiệm vụ mà mình đảm nhiệm được ghi trong Điều 4, Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Quy chế này. Ngoài ra phải thực hiện những công việc cụ thể trong từng thời gian do Chủ tịch Hội đồng giao..

Điều 8. Nhiệm vụ của các Ban chuyên trách, Ban biên tập Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử trực thuộc Hội đồng Toàn quốc:

  1. Ban Thông tin – Tư liệu:

– Thu thập, nghiên cứu các tài liệu, thông tin dòng họ cả trong chính sử và trong dân gian, biên soạn, xuất bản và phát hành sách và các loại tài liệu về Họ Phạm VN (việc biên tập, phát hành Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử có quy định riêng).

– Thiết kế mẫu, biên tập, in ấn, phát hành các loại giấy tờ, tài liệu, các loại ấn phẩm của HĐTQ.

  1. Ban Nghiên cứu lịch sử và kết nối dòng họ

– Nghiên cứu, sưu tầm, quản lý và giới thiệu các Tộc phả, Gia phả, Quy ước, Tộc ước của các dòng họ Phạm Việt Nam, khai thác các Tộc phả, Gia phả và tư liệu dòng họ đã sưu tầm được; biên soạn tài liệu; giúp đỡ các dòng họ tìm hiểu cội nguồn, kết nối các dòng họ có chung nguồn gốc.

– Nghiên cứu, biên soạn, hướng dẫn các dòng họ Phạm về nội dung và cách thức tục biên hoặc lập mới Tộc phả, Gia phả, Quy ước, Tộc ước.

  1. Ban Tài chính :

– Tổ chức và tiến hành vận động tài trợ, và đề xuất thực hiện các biện pháp xây dựng Quỹ của HĐTQ, bảo đảm kinh phí cho hoạt động của HĐ.

– Quản lý Quỹ và thanh, quyết toán theo chế độ Tài chính hiện hành của Nhà nước, phục vụ các hoạt động cùa HĐ theo Quy chế hoạt động tài chính của HĐTQ.

  1. Ban Lễ tân

– Tổ chức các sự kiện (Đại hội, Hội nghi, Vinh danh nhân tài, trao giải thưởng khuyến học-khuyến tài . . .), các cuộc họp của HĐTQ, Lễ giỗ Thượng Thủy tổ, các vị tiên tổ, các danh nhân họ Phạm.

– Đón tiếp các đại biểu, khách mời và các tổ chức, cá nhân đến thăm, làm việc với HĐTQ hoặc về thăm, dầng hương tại Phạm tổ linh từ.

– Chuẩn bị quà, lễ vật… cho các đoàn của HĐTQ đi dự các cuộc họp hoặc các buổi lễ do các địa phương tổ chức

  1. Ban Văn hóa – xã hội

– Thường xuyên phát hiện và thu thập thông tin về các đối tượng là nhân tài; học sinh, sinh viên xuất sắc, các gương học sinh sinh viên vượt khó học giỏi; các trường hợp gia đình có khó khăn đặc biệt cần trợ giúp… theo quy định của Quy chế hoạt động Văn hóa – xã hội của HĐTQ  họ Phạm VN. Kết hợp với các đơn vị khác trong Hội đồng tổ chức các buổi Lễ Vinh danh, trao giải thưởng khuyến học, học bổng, trợ giúp khó khăn và các hoạt động xã hội khác.

– Đề xuất danh sách và cùng với các đơn vị khác trong HĐ tổ chức các buổi lễ tôn vinh (trao Bằng Vinh danh, Ghi công vì việc Họ) của HĐTQ cho những người có nhiều đóng góp về trí tuệ, công sức, và vật chất cho việc Họ; Mừng thọ các Ủy viên HĐTQ cao tuổi, thăm hỏi các Ủy viên và gia đình các Ủy viên HĐTQ khi ốm đau, từ trần… theo Quy chế hoạt động VH – XH của HĐTQ

  1. Ban kiểm tra: Theo dõi và kiểm tra các hoạt động của Hội đồng và các đơn vị trong Hội đồng về việc thực hiện các Quy chế hoạt động của HĐ đã đề ra (Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐHPVN, Quy chế hoạt động tài chính, Quy chế hoạt động Văn hóa-Xã hội, Quy chế hoạt động của Bản tin nội tộc, Quy chế hoạt động của Trang tin điện tử,…).
  2. Ban biên tập Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam”

Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” là một ấn phẩm định kỳ hàng quý của Hội đồng họ Phạm VN. Bản tin là cơ quan ngôn luận của Hội đồng họ Phạm Việt Nam, có trách nhiệm quảng bá các hoạt động việc Họ của Hội đồng họ Phạm các cấp trên phạm vi cả nước. Đồng thời  chuyển tải các chủ trương và kế hoạch hoạt động của HĐTQ đến các HĐHP các địa phương và bà con. Bản tin hoạt động theo Quy chế hoạt động riêng được Thường trực Hôi đồng Toàn quốc thông qua.

  1. Ban biên tập Trang tin điện tử “www.hophamvietnam.org

Trang tin điện tử www.hophamvietnam.org là một cổng thông tin điện tử trên mạng Internet của Hội đồng họ Phạm Việt Nam, có trách nhiệm thường xuyên quảng bá các hoạt động của dòng họ và chuyển tải các chủ trương của HĐTQ đến các HĐHP các địa phương và bà con họ Phạm đang sinh sống trong nước và bà con Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài. Trang tin điện tử hoạt động theo  Quy chế hoạt động riêng, được Thường trực Hội đồng Toàn quốc thông qua.

9.Để đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ các Ban chuyên trách của HĐTQ cần bố trí đủ số lượng thành viên theo nhu cầu; các thành viên Ban chuyên trách phải tuân thủ theo qui định trong các Qui chế. Thường trực HĐTQ sẽ quyết định cho thôi tham gia là thành viên Ban chuyên trách của HĐTQ đối với các vị: vì lí do sức khỏe yếu, ốm đau nhiều, hoặc đã không thực hiện đúng Qui chế Tổ chức và hoạt động của HĐHPVN, Qui chế làm việc của HĐTQ HPVN; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chuyên trách của HĐTQ HPVN.

Điều 9: Các tổ chức thành viên của HĐTQ

Nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp, các lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích… trong bà con và anh em họ Phạm, HĐTQ chủ trương tập hợp các đối tượng đó trong các Tổ chức thành viên, để hoạt động phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của mỗi tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích… trên tình  đồng tộc nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ nhau và cùng tham gia việc Họ. Các Tổ chức thành viên này có Quy chế tổ chức và hoạt động riêng không trái với Quy chế này.

Các Tổ chức thành viên là các Câu lạc bộ chuyên ngành của HĐTQ, sau khi có Quyết định công nhận của Thường trực HĐTQ sẽ là Thành viên chính thức trực thuộc HĐTQ.HPVN. Khi Thường trực HĐTQ  ra quyết định công nhận Tổ chức thành viên mới được thành lập là thành viên chính thức của HĐTQ.HPVN , thì đồng thời quyết định công nhận Chủ nhiệm CLB, các thành viên Ban chủ nhiệm CLB đó; Thường trực HĐTQ cũng xem xét tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động để  quyết định bổ sung Chủ nhiệm CLB đó làm Ủy viên HĐTQ hoặc Ủy viên thường trực của HĐTQ.HPVN.

     Trong thời gian hoạt động, do các  lí do khác nhau có thể có nhu cầu thay đổi  nhân sự Chủ nhiệm hoặc một số nhân sự chủ chốt trong Ban Chủ nhiệm CLB nào đó thì sau khi Ban Chủ nhiệm CLB có Báo cáo giải trình việc thay đổi nhân sự và yêu cầu, đề nghị Thường trực HĐTQ ra Quyết định công nhận,  Thường trực HĐTQ sẽ xem xét tiêu chuẩn “là những vị có tâm huyết, nhiệt tình với dòng Họ, có sức khoẻ, có năng lực phù hợp, có điều kiện để hoạt động việc Họ, chấp hành nghiêm chỉnh qui chế của HĐHPVN, Quy chế làm việc của HĐTQ HPVN” để ra quyết định công nhận Chủ nhiệm CLB mới, các thành viên mới được bổ xung và  để Thường trực HĐTQ Quyết định  bổ sung  các vị  có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Thành viên Thường trực hoặc ủy viên của HĐTQ .

Thường trực HĐTQ sẽ quyết định cho thôi tham gia thành viên HĐTQ đối với các vị Chủ nhiệm CLB vì lí do sức khỏe yếu, ốm đau nhiều, hoặc không chấp hành đúng các qui định trong Qui chế Tổ chức và hoạt động của HĐHPVN, Qui chế Tổ chức và hoạt động của CLB đó.

HĐHP các địa phương tùy điều kiện thực tế mà thành lập các Tổ chức thành viên của HĐHP địa phương mình. Các Tổ chức thành viên của HĐTQ và của HĐHP các địa phương có mối quan hệ với nhau do các Tổ chức đó quy định.

Điều 10. Các Hội đồng họ Phạm ở địa phương

Hội đồng họ Phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi có Quyết định công nhận của Thường trực Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, sẽ là tổ chức thành viên chính thức của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam; Khi Thường trực HĐTQ ra quyết định công nhận Tổ chức thành viên  mới được thành lập là thành viên chính thức của HĐTQ.HPVN , thì đồng thời quyết định công nhận Chủ tịch cùng các thành viên HĐHP cấp tỉnh/thành đó và Thường trực HĐTQ cũng xem xét tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động để quyết định bổ sung Chủ tịch HĐHP tỉnh/thành đó làm Ủy viên HĐTQ hoặc Ủy viên thường trực của HĐTQ.HPVN.

Trong thời gian hoạt động , do các  lí do khác nhau có thể có nhu cầu thay đổi  nhân sự Chủ tịch hoặc một số nhân sự chủ chốt của HĐHP tỉnh /thành nào đó; thì sau khi  HĐHP tỉnh /thành đó có Báo cáo giải trình việc thay đổi nhân sự và yêu cầu, đề nghị Thường trực HĐTQ ra Quyết định công nhận, Thường trực HĐTQ sẽ xem xét tiêu chuẩn “là những vị có tâm huyết, nhiệt tình với dòng Họ, có sức khoẻ, có năng lực phù hợp, có điều kiện để hoạt động việc Họ, chấp hành nghiêm chỉnh Qui chế Tổ chức và hoạt động của HĐHPVN, Qui chế làm việc của HĐTQ HPVN” để ra quyết định công nhận Chủ tịch mới, các thành viên mới được bổ xung và  để Thường trực HĐTQ Quyết định  bổ sung  các vị  có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Thành viên Thường trực hoặc ủy viên của HĐTQ .

Để đảm bảo duy trì, xây dựng và phát triển HĐHPVN; mọi Tổ chức và cá nhân đã tự nguyện tham gia vào HĐHPVN thì phải tuân thủ theo qui định tại Qui chế này; Thường trực HĐTQ sẽ quyết định cho thôi tham gia thành viên HĐTQ với các vị Chủ tịch HĐHP cấp tỉnh /thành nào đó vì lí do sức khỏe yếu, ốm đau nhiều, hoặc không chấp hành đúng các qui đinh trong Qui chế Tổ chức và hoạt động của HĐHPVN, Qui chế làm việc của HĐTQ HPVN.

HĐHP các cấp dưới do HĐHP cấp trên trực tiếp công nhận.

Chức năng nhiệm vụ của các Hội đồng họ Phạm địa phương là tập hợp, đoàn kết những người họ Phạm có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối, giúp nhau xoá đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài; vinh danh những người họ Phạm có công với dân với nước; biểu dương “người tốt việc tốt”; giáo dục, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng Họ trong các thế hệ người họ Phạm Việt Nam tại các địa phương.

Nhiệm kỳ của Hội đồng họ Phạm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW là 5 năm.

Nhiệm kỳ của của Hội đồng họ Phạm cấp quận/huyên, xã/phường: Do HĐHP cấp tỉnh/thành phố trực thuôc TW qui định tùy thuộc vào thực tế tùng địa phương.

Hội đồng họ Phạm địa phương xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc điểm của địa phương mình và không trái với Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam

Chủ tịch của các Hội đồng họ Phạm địa phương có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của Hội đồng địa phương. Chủ tịch các Hội đồng địa phương có trách nhiệm thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình hoạt động dòng họ ở địa phương để đưa tin lên Trang tin điện tử www.hophamvietnam.org và Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam”; đồng thời có nhiệm vụ truyền đạt những chủ trương, chương trình hoạt động Việc họ của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam đến các thành viên Hội đồng và bà con họ Phạm tại địa phương.

Điều 11. Các Hội đồng Dòng họ và HĐGT họ Phạm

Hội đồng Dòng họ và HĐGT họ Phạm là những tổ chức dòng họ theo huyết thống, hoạt động theo “Tộc ước” của dòng họ. Đây là địa bàn chính để tiến hành các Việc họ, và cũng là đối tượng vận động và hướng dẫn Việc họ của các Hội đồng họ Phạm địa phương và Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam.

Trưởng Tộc là một thành viên đương nhiên của HĐGT. Chủ tich HĐGT do cả dòng họ hoặc do HĐGT bầu ra để cùng Trưởng tộc điều hành mọi công việc của dòng họ. Hội đồng Dòng họ và HĐGT hoạt động theo Quy ước do dòng họ quy định không trái với Quy chế này.

Chủ tịch Hội đồng Dòng họ lớn là Uỷ viên Hội đồng Toàn quốc. Chủ tịch HĐGT họ Phạm ở địa phương nào là Uỷ viên của Hội đồng họ Phạm ở địa phương ấy.

Chương 4

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 12.  Quỹ của Hội đồng Toàn quốc:

  1. Các nguồn thu

– Do sự đóng góp của các Uỷ viên Hội đồng Toàn quốc dưới dạng lệ phí hàng năm do Hội đồng quy định. Số tiền này có thể thay đổi theo nhiệm kỳ hoặc theo thời gian.

– Tiền ủng hộ hoặc tài trợ của các cá nhân hoặc tập thể trong và ngoài dòng họ, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp trong nước và ở nước ngoài.

– Tiền thu từ các hoạt động được phép khác như tiền bán các ấn phẩm, tài liệu do Hội đồng biên soạn và phát hành….

– Tiền đóng góp của các tổ chức thành viên của Hội đồng, đóng góp của các Hội đồng họ Phạm các địa phương (theo thoả thuận).

Riêng đối với các hoạt động của Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” và Trang tin điện tử www.hophamvietnam.org được phép có kinh phí hoạt động riêng trên nguyên tắc “lấy thu bù chi” (bao gồm tiền bán Bản tin và phần thu do các tổ chức và cá nhân ủng hộ, cho việc in ấn và phát hành Bản tin).

  1. Các khoản chi:

– Chi cho các hoạt động thường xuyên của HĐTQ theo Quy chế hoạt động tài chính của HĐTQ (trừ Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử, có quy định riêng).

– Chi cho các hoạt động Vinh danh nhân tài, khuyến học, trợ giúp khó khăn và các hoạt động Văn hóa – xã hội khác theo Quy chế hoạt động Văn hóa – xã hội của HĐTQ Họ Phạm VN.

– Chi cho việc tế lễ và tu bổ di tích thờ Thượng Thủy tổ và các vị Tiên tổ khác của Họ Phạm VN

– Các khoản chi phát sinh khác khi cần thiết theo quyết định của Chủ tịch HĐTQ

Điều 13. Nguyên tắc thực hiện công tác tài chính :

Việc thu, chi của Quỹ đều phải thực hiện theo chế độ Tài chính hiện hành của Nhà nước, trên nguyên tắc tài chính công khai, minh bạch.

Kế toán và Thủ quĩ phải lập chứng từ thu, chi đầy đủ, rõ ràng đúng nguyên tắc tài chính hiện hành của Nhà nước và Qui chế hoạt động Tài chính của Hội đồng Toàn quốc Việt Nam.

Hàng  năm, Ban Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm VN bằng văn bản về quyết toán năm Tài chính và dự toán kinh phí hoạt động năm sau của Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam.

Hàng quý Ban Tài chính phải báo cáo tình hình thu chi, tồn quỹ… trong cuộc họp của Thường trực HĐTQ

                                                                     Chương 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14 . Hiệu lực của bản Quy chế

Bản Quy chế này gồm 5 chương, 15  điều, đã được thông qua tại Đại hội Nhiệm kỳ VII Hội đồng họ Phạm Việt Nam ngày 02-8-2015  tại Hà Nội và được Hội nghị thường niên năm 2018 (ngày0 5/1/2019) của Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm VN nhất trí thông qua, cho sửa đổi, bổ sung nội dung một số điều cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn về  tổ chức và hoạt động của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam.

 

Qui chế này có hiệu lực sau khi được chính thức công bố trên Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” hoặc trên Trang tin điện tử của HĐTQ HPVN “www.hophamvietnam.org”  .

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu thấy có điều gì cần sửa đổi, bổ sung thì Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, và kịp thời thông báo trên Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử của Hội đồng họ Phạm Việt Nam để mọi người biết và thực hiện.

 

HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments