|
( Thông qua tại Đại hội đại biểu khóa VIII, nhiệm kỳ (2020-2025)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hội đồng Họ Phạm Việt Nam (viết tắt là HĐHPVN) là tổ chức xã hội dòng họ của những người họ Phạm tự nguyện tham gia vào hội đồng, tuân thủ theo qui chế của hội đồng và hoạt động trong khuôn khổ truyên thống đạo đức,văn hóa dân tộc và Pháp luật của Nhà nước. HĐHPVN là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, có trụ sở và con dấu riêng.
Mục đích hoạt động của HĐHPVN là kết nối, tập hợp những người họ Phạm đồng tâm nguyện hướng về cội nguồn; tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối; đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn, xoá đói giảm nghèo; khuyến tài khuyến học, vinh danh những người trong họ có công với dân với nước và với dòng họ; biểu dương người tốt việc tốt; giáo dục, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ; chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển dòng họ, cùng cộng đồng dân tộc gìn giữ bảo vệ và xây dựng đất nước Việt nam ngày càng giàu mạnh.
Hội đồng họ phạm các cấp mở rộng chào đón những người là con dâu, con rể họ phạm, là cháu bên nội, cháu bên ngoại họ phạm nếu tự nguyện tham gia vào hội đồng, tuân thủ theo qui chế của hội đồng .
Điều 2. Nguyên tắc họat động của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam
Nguyên tắc hoạt động của HĐHPVN là tập thể đồng thuận theo đa số. Chủ tịch là người đứng đầu. Trong trường hợp sự đồng thuận ngang nhau, thì việc quyết định thuộc về Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng các cấp thay mặt Hội đồng điều hành công việc thường xuyên của Hội đồng theo chủ trương của Thường trực Hội đồng. Các phó chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên Hội đồng giúp Chủ tịch điều hành, thực hiện công việc chuyên môn và tuân thủ theo sự phân công của Chủ tịch.
Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng không được hưởng phụ cấp, trừ trường hợp cần thiết cho hoạt động việc họ thì có thể được hỗ trợ tài chính chi phí cho việc đi lại tầu xe, máy bay hoặc các phương tiện khác.
Quy chế này quy định chung về tổ chức và hoạt động của HĐHPVN, HĐHP các cấp (tỉnh/ thành phố, quận/huyện, xã/ phường), các tổ chức thành viên của Hội đồng. Các Hội đồng Gia tộc (HĐGT) có Quy chế, Quy ước , Tộc ước riêng, nhưng không trái với những quy định trong Bản Quy chế này.
Chương 2
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 3. HĐHPVN được tổ chức theo địa bàn dân cư có cộng đồng người họ Phạm sinh sống, theo hệ thống ngành dọc gồm 05 cấp:
1- Hội đồng họ Phạm Việt nam ( cấp trung ương)
2- Hội đồng họ Phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
3- Hội đồng họ Phạm các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh/thành
4- Hội đồng họ Phạm các xã, phường, thị trấn
5- Hội đồng Gia tộc ( Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng dòng họ)
Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch của các HĐHP cấp dưới đều là Uỷ viên của Hội đồng cấp trên trực tiếp.
HĐHP các cấp được quyền thành lập các tổ chức thành viên ( các câu lạc bộ, trung tâm,…) nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích, tự nguyện vào tổ chức thành viên và tham gia hoạt động việc họ. Chủ nhiệm các tổ chức câu lạc bộ thành viên của HĐHP cấp nào đều là Ủy viên HĐHP cấp đó.
Các dòng họ lớn có nhiều chi, cành trên địa bàn nhiều tỉnh/ thành có thể lập HĐGT của dòng họ, trực thuộc HĐHPVN.
Điều 4. Hội đồng Họ Phạm Việt Nam
HĐHPVN do Đại hội Đại biểu toàn quốc họ Phạm Việt Nam bầu ra theo nguyên tắc đồng thuận đa số, có nhiệm kỳ 05 năm. Thành viên HĐHPVN ( được hiểu là thành viên Ban chấp hành HĐHPVN – cấp TW) là những người đại diện tiêu biểu cho tâm tư, nguyện vọng của con cháu họ Phạm, có đức độ cao, gương mẫu, tâm huyết, nhiệt tình với dòng họ, có sức khoẻ, có năng lực phù hợp, có ý thức đoàn kết xây dựng và có điều kiện để hoạt động việc họ.
Hội đồng họ Phạm Việt Nam có Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên Hội đồng, có các Ban chuyên môn phụ trách các hoạt động chuyên môn từng lĩnh vực.
Chủ tich, các Phó chủ tịch HĐHPVN có thể thay đổi vì lý do sức khỏe, do yêu cầu của nhiệm vụ mới, tự nguyện xin rút, hoặc vì các lý do khác,.. Việc thay đổi Chủ tịch hặc Phó Chủ tịch phải được Thường trực HĐHPVN thảo luận đồng thuận và trình Đại hội nhiệm kỳ hoặc trình Hội nghị toàn thể HĐHPVN thường niên, để xem xét và chấp thuận.
Ủy viên Thường trực HĐHPVN có thể thay đổi, bổ sung (theo nhu cầu hoặc cho thôi vì các lí do khác,…); thẩm quyền quyết định hay đổi, bổ sung thuộc Thường trực HĐHPVN.
Ủy viên HĐHPVN gồm có : Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐHP cấp tỉnh/thành, Ủy viên các ban chuyên môn của HĐHPVN ( là những thành viên hội đồng có am hiểu và có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ yêu cầu của các Ban chuyên môn). Ủy viên HĐHPVN do có một số lý do không thể đảm đương được công việc, hoặc vi phạm Quy chế hoạt động của Hội đồng, hoặc không có điều kiện tiếp tục tham gia hội đồng, thì thẩm quyền thay đổi, bổ sung thuộc Thường trực Hội đồng HPVN.
Người nào đã tự nguyện tham gia vào HĐHP các cấp ( trừ cấp Hội đồng gia tộc có qui định riêng), nếu có những hành vi vi phạm Qui chế nghiêm trọng hoặc có lời nói làm ảnh hưởng xấu đến HĐHPVN và dòng họ, thì cho người đó ra khỏi tổ chức Hội đồng họ phạm và thẩm quyền quyết định thuộc Thường trực Hội đồng họ phạm cùng cấp với nơi người đó tham gia vào hội đồng.
Điều 5. Thường trực Hội đồng họ Phạm Việt Nam:
+ Thường trực HĐHPVN bao gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch Hội đồng và các Ủy viên Thường trực HĐHPVN.
+ Ủy viên thường trực HĐHPVN bao gồm:
– Một số Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch HĐHP cấp tỉnh/ thành phố.
– Tổng thư ký Hội đồng, Trưởng hoặc Phó các Ban chuyên môn, Trưởng hoặc phó các tổ chức thành viên của HĐHPVN.
Điều 6. Các Ban chuyên môn của HĐHPVN, gồm có :
- Ban Thông tin, Truyền thông và Tư liệu
- Ban Nghiên cứu lịch sử và kết nối dòng họ
- Ban Văn hóa – Xã hội
- Ban Kinh tế-Tài chính
- Ban Tri ân- Thiện nguyện
- Ban Lễ tân
- Ban Kiểm tra
- Ban Biên tập Bản tin Họ Phạm Việt Nam
- Ban Biên tập trang tin điện tử “hophamvietnam.org”
Mỗi ban có cấp trưởng, cấp phó cùng các Ủy viên.
Chương 3
NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ PHẬN
Điều 7. Nhiệm vụ của Thường trực HĐHPVN
Thường trực HĐHPVN có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chủ trương, chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ 5 năm đã được Đại hội HĐHPVN biểu quyết thông qua; tổ chức các phiên họp thường kỳ 6 tháng một lần; chủ trì tổ chức các phiên họp của Hội đồng HPVN mỗi năm một lần để kiểm điểm rút kinh nghiệm việc thực hiện nhiệm vụ và triển khai công việc tiếp theo. Trong trường hợp cần thiết thì Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập phiên họp Thường trực HĐHPVN đột xuất, bất thường.
Điều 8. Nhiệm vụ của các thành viên trong Thường trưc HĐHPVN
- Chủ tịch HĐHPVN phụ trách chung, phụ trách công tác tổ chức, nhân sự; có trách nhiệm điều hành Bộ phận Thường trực của Hội đồng bảo đảm sự hoạt động của Hội đồng theo đúng Quy chế và tuân thủ Pháp luật của Nhà nước.
- Phó Chủ tịch thường trực giúp và thay mặt Chủ tịch điều hành công việc chung của Hội đồng khi Chủ tịch ủy quyền; đồng thời giúp Chủ tịch phụ trách một số mặt hoạt động của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch, thường xuyên báo cáo kết quả công việc với Chủ tịch.
- Các Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch phụ trách một số mặt hoạt động của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch chủ động trong công việc được giao, thường xuyên báo cáo kết quả công việc với Chủ tịch.
- Tổng thư ký thường xuyên nắm bắt, tổng hợp tình hình hoạt động của các cấp Hội đồng trong toàn quốc, xây dựng dự thảo kế hoạch công tác của Hội đồng trong từng giai đoạn; dự thảo các thông báo của Thường trực sau mỗi kỳ họp, làm báo cáo theo định kỳ của HĐHPVN.
- Các Ủy viên thường trực là Trưởng hoăc Phó ban chuyên môn nắm vững nội dung và thực hiện những nhiệm vụ mà mình được phân công đảm nhiệm trong lĩnh vực chuyên môn; thực hiện những công việc cụ thể trong từng thời gian do Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng phân công.
- Các Ủy viên thường trực là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐHP cấp tỉnh /thành thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐHP cấp tỉnh/thành ; đồng thời nắm vững nội dung và thực hiện những nhiệm vụ của UVTT.HĐHPVN mà mình được phân công đảm nhiệm và thực hiện những công việc do Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐHPVN phân công.
- Để đảm bảo tính thống nhất, kịp thời trong chỉ đạo điều hành và sự đồng thuận theo đa số, cần thiết thành lập “Bộ phận Thường trực” của Thường trực HĐHPVN, gồm có các vị: Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực, Các PCT phụ trách các khối chuyên môn và Tổng thư ký hội đồng. Bộ phận thường trực của TT HĐHPVN họp thường kỳ 3 tháng /lần; có nhiệm vụ chỉ đạo , điều hành và xử lý công việc thường ngày của TTHĐHPVN và của HĐHPVN.
- Để đảm bảo duy trì, xây dựng và phát triển HĐHPVN, mọi Tổ chức và cá nhân đã tự nguyện tham gia vào HĐHPVN thì phải tuân thủ theo qui chế.Thường trực HĐHPVN sẽ quyết định cho thôi tham gia là Ủy viên hoặc UVTT. HĐHPVN, với các vị nào đó vì lí do sức khỏe, hoặc vi phạm Qui chế Tổ chức và hoạt động của HĐHPVN, Qui chế làm việc của Thường trực HĐHPVN.
Điều 9. Nhiệm vụ của các Ban chuyên môn
- Ban thông tin, truyền thông , tư liệu:
– Làm nhiệm vụ thông tin, truyền thông rộng rãi mọi hoạt động tốt đẹp của dòng họ, của HĐHP các cấp và các tổ chức CLB thành viên; phản hồi những thông tin sai lệch trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dòng họ và Pháp luật của Nhà nước
– Thu thập, nghiên cứu các tư liệu, phả tộc, các thông tin về dòng họ trong chính sử, trong dã sử; tổ chức biên soạn, xuất bản và phát hành các sách và ấn phẩm về lịch sử , truyền thống Họ Phạm Việt Nam, về quá trình tổ chức và phát triển của HĐHPVN.
– Thiết kế mẫu, biên tập, in ấn, phát hành các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về dòng họ .
- 2. Ban Nghiên cứu lịch sử và kết nối dòng họ
– Nghiên cứu, sưu tầm, quản lý và giới thiệu các Tộc phả, Gia phả, Quy ước, Tộc ước của các tộc họ trong cộng đồng Họ Phạm Việt Nam; khai thác nội dung các Tộc phả, Gia phả và tư liệu dòng họ đã sưu tầm được; biên soạn tài liệu; giúp đỡ các tộc họ tìm hiểu cội nguồn, kết nối các tộc họ có chung nguồn gốc theo thời gian lịch sử trước đó.
– Nghiên cứu, biên soạn, hướng dẫn các nội dung và cách thức biên soạn hoặc lập mới Tộc phả, Gia phả, Quy ước, Tộc ước.
- Ban Văn hóa – xã hội
– Hướng dẫn, duy trì tập tục thờ cúng tổ tiên, thuần phong mỹ tục và nếp sống văn hóa tốt đẹp của dòng họ; duy trì nề nếp tổ chức Lễ giỗ Thượng Thủy Tổ HPVN tại Phạm Tổ Linh Từ và tại các địa phương. Hướng dẫn thống nhất về kiến trúc, bài trí gian thờ và các điều kiện cần thiết,… khi có nhu cầu xây dựng mới Nhà thờ họ Phạm (nơi thờ phượng Thượng Thủy Tổ và các bậc tiền nhân họ phạm) tại các địa phương xa Hà Nội.
– Thường xuyên phát hiện và thu thập thông tin về các đối tượng là nhân tài của dòng họ ( các vị được giao trọng trách chính quyền các cấp, các vị được nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế phong tặng các danh hiệu cao quí trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật,…); học sinh, sinh viên xuất sắc đoạt các giải cao ở trong nước và quốc tế, các gương học sinh sinh viên vượt khó học giỏi. Tư vấn , đề xuất với TT HĐHPVN trong việc tổ chức các buổi Lễ Vinh danh nhân tài, trao giải thưởng khuyến học, khuyến tài ; vinh danh, ghi công vì việc họ cho những tổ chức và cá nhân người có công đóng góp về trí tuệ, công sức, tiền bạc, vật chất cho hoạt động của HĐHPVN.
– Tư vấn đề xuất thành lập và quản lí các Câu lạc bộ thành viên trực thuộc HĐHPVN về các lĩnh vực hoạt động văn hóa , văn nghệ , thể thao. Võ học, lương y- y tế . thơ ca; định kỳ tổ chức các giải thi đấu văn hóa thể thao họ phạm cấp toàn quốc.
- Ban Tri ân- Thiện nguyện
– Tổ chức các sự kiện Lễ tri ân Thượng thủy tổ HPVN.
– Đề xuất với Thường trực HĐHPVN các nội dung, hình thức, tổ chức sự kiện nhằm tri ân “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” với những bậc tiền nhân người trong dòng họ có công với dân với nước qua các thời kỳ lịch sử.
– Thu thập các thông tin tư liệu về người trong dòng họ có công với cách mạng, gia đình Liệt sĩ, thương bệnh binh, Bà Mẹ Việt nam anh hùng,…
– Tổ chức và vận động tài trợ, gây Quĩ và quản ký “Quĩ đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện tự cân đối thu, chi để phục vụ các hoạt động từ thiện đền ơn đáp nghĩa.
– Đề xuất hỗ trợ giúp đỡ cá nhân hoặc gia đình người họ phạm có khó khăn đặc biệt, bị bệnh tật hiểm nghèo hoặc bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai bão lụt.
– Đề xuất mừng thọ các cụ cao niên.
– Đề xuất thăm hỏi các thành viên HĐHPVN bị bệnh nặng hoặc từ trần.
- 5. Ban Kinh tế- Tài chính
– Tổ chức các hoạt động tạo nguồn kinh phí cho hoạt động dòng họ, bảo đảm kinh phí cho hoạt động của Hội đồng; vận động tài trợ; thu tiền hội phí của các ủy viên HĐHPVN; đại diện tiếp nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân có hảo tâm đóng góp; đề xuất, thực hiện các biện pháp về tài chính; xây dựng Quỹ của Hội đồng.
– Quản lý Quỹ; thanh, quyết toán theo quy định của Hội đồng và chế độ Tài chính hiện hành của Nhà nước; phục vụ kịp thời các hoạt động cùa Hội đồng theo Quy chế hoạt động tài chính của HĐHPVN.
– Báo cáo kết quả huy động kinh phí, thu, chi tài chính theo định kỳ 6 tháng và hàng năm của Hội đồng.
– Tư vấn đề xuất với TT HĐHPVN về tổ chức và quản lí các hoạt động của các Câu lạc bộ doanh nhân họ phạm các cấp và phát huy tiềm năng của các doanh nghiệp doanh nhân họ phạm.
- Ban Lễ tân
– Chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho tổ chức các sự kiện: Đại hội, Hội nghi, Vinh danh nhân tài, trao giải thưởng khuyến học, khuyến tài,…; tổ chức các cuộc họp của Hội đồng, Lễ giỗ Thượng Thủy tổ, các vị tiên tổ, các danh nhân họ Phạm.
– Đón tiếp các đại biểu, khách mời và các tổ chức, cá nhân đến thăm, làm việc với HĐHPVN hoặc về thăm, dâng hương tại Phạm tổ linh từ.
– Cung với Ban tri ân- thiện nguyện tổ chức, chuẩn bị quà, lễ vật cho các đoàn của HĐHPVN đi dự các sự kiện ở các địa phương, hoặc lễ dâng hương các bậc tiền nhân họ phạm, các sự kiện khác do các HĐHP địa phương tổ chức.
– Chủ trì bố trí phương tiện ô tô đi lại cho đoàn của TT HĐHPN đi các địa phương.
- Ban Kiểm tra
– Giám sát và kiểm tra việc thực hiện Quy chế hoạt động của HĐHPVN, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, quyết định của Thường Trực HĐHPVN đối với các HĐHP cấp tỉnh/thành, các tổ chức câu lạc bộ thành viên của HĐHPVN và cá nhân thành viên của HĐHPVN.
– Đề xuất với Thường trực HĐHPVN về kế hoạch chương trình tổ chức kiểm tra việc thực hiện qui chế đối với tổ chức hoặc cá nhân là thành viên của HĐHPVN; tổ chức các đoàn kiểm tra theo quyết định của TT HĐHPVN.
– Báo cáo với Thường trực HĐHPVN về kết quả giám sát, kiểm tra và kiến nghị giải quyết tồn tại đối với các tổ chức hoặc cá nhân vi phạm Qui chế.
- Ban biên tập bản tin “Họ Phạm Việt Nam”
– Ban biên tập bản tin “ Họ Phạm Việt Nam” có nhiệm vụ chuyển tải các chủ trương, kế hoạch hoạt động của Hội đồng HPVN đến các cấp Hội Đồng họ Phạm địa phương và bà con, cô bác họ Phạm trong nước và nước ngoài.
– Quảng bá các hoạt động việc họ của HĐHP các cấp trên phạm vi cả nước theo Quy chế hoạt động của HĐHPVN.
– Thu thập tin tức hoạt động trong dòng họ và những tin tức có liên quan, những điển hình tiêu biểu về hoạt động của Hội đồng HPVN , những tấm gương lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu khoa học… để biên tập, in ấn, phát hành Nội san-thông tin HPVN theo định kỳ hàng quý/ năm;
- Ban biên tập Trang Web : hophamvietnam.org
– Ban biên tập Trang Web- hophamvietnam.org có nhiệm vụ duy trì là Cổng thông tin chính thức trên mạng Internet của HĐHPVN.
– Thường xuyên thông tin, quảng bá các hoạt động của dòng họ và chuyển tải các
chủ trương của HĐHPVN đến các HĐHP các địa phương; các hoạt động việc họ của HĐHP các cấp trên phạm vi cả nước và sự hưởng ứng hoạt động việc họ của những người họ Phạm đang sinh sống trong nước và nước ngoài.
– Trang Web hoạt động theo Quy chế của HĐHPVN và Luật báo chí Việt Nam.
Điều 10: Các tổ chức thành viên
– Các tầng lớp, các lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích của những người họ phạm có quyền đề đạt với Thường trực HĐHP các cấp về nhu cầu được thành lập các Tổ chức thành viên trực thuộc HĐHP cùng cấp để hoạt động, tham gia việc họ phù hợp với Quy chế này. Khi được Các HĐHP cùng cấp ra quyết định thành lập, các tổ chức thành viên có Quy chế tổ chức và hoạt động riêng, nhưng không trái với Quy chế này và Qui chế của HĐHP cấp trên trực tiếp.
– Các Tổ chức thành viên, các Câu lạc bộ chuyên ngành của HĐHPVN, sau khi có Quyết định công nhận của Thường trực HĐHPVN sẽ là Thành viên chính thức trực thuộc HĐHPVN. Khi Thường trực HĐHPVN ra quyết định công nhận Tổ chức thành viên mới được thành lập là thành viên chính thức, thì đồng thời quyết định công nhận Chủ tịch hoặc Chủ nhiệm, các thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đó.
– Thường trực HĐHPVN cũng xem xét tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động để quyết định bổ sung Chủ tịch hoặc Chủ nhiệm Câu lạc bộ đó làm Ủy viên HĐHPVN hoặc Ủy viên thường trực của HĐHPVN.
– Thường trực HĐHPVN sẽ xem xét và quyết định việc cho thôi, bổ sung, thay đổi nhân sự người đứng đầu các Tổ chức thành viên, căn cứ vào báo cáo, giải trình của các Tổ chức này.
– HĐHP các địa phương tùy nhu cầu và điều kiện thực tế mà quyết định cho thành lập các Tổ chức thành viên của địa phương mình. Các Tổ chức thành viên, các Câu lạc bộ của HĐHPVN và của HĐHP các địa phương có mối quan hệ với nhau do các Tổ chức có cùng lĩnh vực chuyên môn , ngành nghề đó quy định.
Điều 11. Hội đồng họ Phạm địa phương
HĐHP các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương do Đại hội đại biểu hoặc đại hội toàn thể HĐHP tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bầu ra, theo nhiệm kỳ 05 năm. Với những tỉnh/thành mới thành lập HĐHP, Thường trực HĐHPVN xem xét ra quyết định công nhận HĐHP cấp tỉnh/thành đó là thành viên của HĐHPVN; đồng thời xem xét tiêu chuẩn nhân sự để quyết định công nhận Chủ tịch cùng các thành viên HĐHP cấp tỉnh/thành đó.Thường trực HĐHPVN cũng xem xét tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động để quyết định bổ sung Chủ tịch HĐHP tỉnh/thành đó làm Ủy viên HĐHPVN hoặc Ủy viên thường trực của HĐHPVN.
Trong thời gian hoạt động , do các lý do khác nhau như hết nhiệm kỳ, đại hội nhiệm kỳ mới, hoặc có nhu cầu thay đổi nhân sự chủ chốt của HĐHP tỉnh/thành nào đó; thì Thường trực HĐHPVN sẽ xem xét tiêu chuẩn (có tâm huyết, nhiệt tình với dòng họ, có sức khoẻ, có năng lực phù hợp, có điều kiện hoạt động , có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Qui chế Tổ chức và hoạt động của HĐHPVN ) để ra quyết định công nhận Chủ tịch mới, các thành viên mới và Quyết định bổ sung các vị có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Thành viên Thường trực hoặc ủy viên của HĐHPVN .
Chức năng nhiệm vụ của các HĐHP địa phương là tập hợp, đoàn kết những người họ Phạm có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối, giúp nhau xoá đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài; vinh danh những người họ Phạm có công với dân với nước; biểu dương “người tốt việc tốt”; giáo dục, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng Họ trong các thế hệ người họ Phạm Việt Nam tại các địa phương. Mặt khácThường trực HĐHP các cấp ở địa phương có nhiệm vụ, chức năng quyền hạn xem xét cho thôi tham gia HĐHP với những cá nhân vì lí do sức khỏe, hoặc vi phạm nghiêm trọng các qui đinh trong Qui chế Tổ chức và hoạt động của HĐHPVN và qui chế của HĐHP cùng cấp.
HĐHP các cấp do HĐHP cấp trên trực tiếp công nhận. Nhiệm kỳ của của Hội đồng họ Phạm các cấp do HĐHP cấp trên trực tiếp qui định tùy thuộc vào thực tế từng địa phương. HĐHP địa phương xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc điểm của địa phương mình và không trái với Quy chế Tổ chức và hoạt động của HĐHPVN.
Chủ tịch các HĐHP địa phương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện những chủ trương, chương trình hoạt động việc họ của HĐHPVN và của HĐHP cấp trên trực tiếp, chỉ đạo hoạt động của HĐHP địa phương, thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động việc họ ở địa phương để đưa tin lên các Trang tin điện tử họ phạm địa phương và trang www.hophamvietnam.org và Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam”
Điều 12. Các Hội đồng gia tộc họ Phạm
Hội đồng gia tộc (HĐGT) họ Phạm là những tổ chức Hội đồng dòng họ cùng huyết thống trực hệ theo thời gian gần nhất, hoạt động theo “Tộc ước” của tộc họ. Đây là cấp Hội đồng cơ sở, là địa bàn chính để tiến hành các hoạt động việc họ và cũng là đối tượng vận động tự nguyện tham gia vào HĐHP các cấp.
Trưởng tộc là thành viên đương nhiên của HĐGT. Chủ tich HĐGT (hoặc Trưởng ban thường trực HĐGT) do tộc họ hoặc do HĐGT bầu ra để cùng Trưởng tộc điều hành mọi công việc của tộc họ. HĐGT hoạt động theo Quy ước do tộc họ quy định không trái với Quy chế này và Qui chế của HĐHP cấp trên trực tiếp.
Chủ tịch HĐGT ( hoặc Trưởng ban thường trực của HĐGT) của những Tộc họ lớn ( có đông thành viên và có nhiều chi, ngành ở các địa phương khác nhau) được cơ cấu là Uỷ viên HDHPVN. Chủ tịch HĐGT họ Phạm ở địa phương nào được cơ cấu là Uỷ viên của Hội đồng họ Phạm cấp trên trực tiếp ở địa phương ấy.
Điều 13: Khen thưởng
HĐHPVN có chủ trương vinh danh, tặng bằng khen và ghi công đối với những tổ chức, cá nhân người họ phạm có nhiều công lao đóng góp vì việc họ ( trong quá trình kết nối xây dựng phát triển HĐHP các cấp, đã tâm huyết, trí tuệ, giành nhiều công sức thời gian hoặc có đóng góp to lớn tài trợ về tài chính,..). Tùy theo mức độ thành tích và thời gian cống hiến vì việc họ để lựa chọn và quyết định hình thức và cấp độ vinh danh, khen thưởng. HĐHP các cấp đề nghị với HĐHP cấp trên trực tiếp về tổ chức hoặc cá nhân cần được vinh danh khen thưởng.
HĐHPVN sẽ định kỳ tổ chức vinh danh nhân tài, khuyên học khuyến tài với cấp độ thành tích cao và qui mô toàn quốc. Khuyến khích HĐHP các cấp và nhất là các HĐGT tổ chức thường niên việc khen thưởng, vinh danh nhân tài, khuyên học khuyến tài tùy thuộc vào khả năng tài chính ( phần thưởng) của địa phương.
Chúc thọ các bậc cao niên là một nội dung hoạt động việc họ thường xuyên được HĐHP các cấp quan tâm và tổ chức chu đáo. HĐHPVN có Bằng chúc thọ các cụ ở tuổi từ 100 tuổi trở lên. HĐHP cấp tỉnh/thành có Bằng chúc thọ các cụ ở tuổi dưới 100 tuổi. Chú ý tổ chức trang trọng, chu đáo, thắm tình dòng tộc.
Chương 4
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 14. Quỹ của Hội đồng họ phạm Việt nam
- Các nguồn thu
– Do sự đóng góp của các Uỷ viên HĐHPVN dưới dạng hội phí hàng năm do Hội đồng quy định.
– Tiền ủng hộ hoặc tài trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các doanh nghiệp, doanh nhân họ phạm ở trong nước và ở nước ngoài.
– Tiền thu từ các hoạt động được phép khác như tiền bán các ấn phẩm, tài liệu do Hội đồng biên soạn và phát hành.
– Tiền đóng góp hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân là thành viên HĐHPVN, đóng góp tự nguyện của các HĐHP các địa phương .
– Tiền đóng góp hỗ trợ ( trích từ lợi nhuận) từ hoạt động sản xuất , kinh doanh, dịch vụ của các Công ty cổ phần gia Phạm, do có sự kết phối hợp hỗ trợ của HĐHP các cấp trong hoạt động của công ty.
- Các khoản chi:
– Chi cho các hoạt động thường xuyên của HĐHPVN theo Quy chế hoạt động tài chính của HĐHPVN (trừ Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử, có quy định riêng).
– Chi cho các hoạt động Vinh danh nhân tài, khuyến học, trợ giúp khó khăn và các hoạt động Văn hóa xã hội khác theo Quy chế hoạt động Văn hóa xã hội của HĐHPVN.
– Chi cho việc tế lễ và tu bổ di tích thờ Thượng Thủy tổ và các vị Tiên hiền họ phạm theo qui định của Thường trực HĐHPVN.
– Chi cho hoạt động thiện nguyện tùy theo khả năng vận động tài trợ, công đức trong họ và tùy theo nhu cầu phát sinh của các đối tượng thiện nguyện.
– Kinh phí chi cho in ấn, phát hành Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” và Trang tin điện tử www.hophamvietnam.org nhờ vào sự tài trợ của một số nhà hảo tâm họ Phạm và của bạn đọc.
– Các khoản chi phát sinh khác khi cần thiết theo quyết định của Chủ tịch HĐHPVN
Điều 15. Nguyên tắc thực hiện công tác tài chính
Việc thu, chi của Quỹ đều phải thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành của nhà nước, và tuân heo Qui chế tài chính do Thường trực HĐHPVN ban hành, trên nguyên tắc tài chính công khai, minh bạch.
Kế toán và Thủ quĩ phải lập chứng từ thu, chi đầy đủ, rõ ràng đúng nguyên tắc tài chính hiện hành của Nhà nước và Qui chế hoạt động Tài chính của HĐHPVN.
Ban Kinh tế- Tài chính báo cáo tình hình thu chi, tồn quỹ… trong cuộc họp của Thường trực HĐHPVN và báo cáo về quyết toán năm tài chính vừa qua, dự toán kinh phí hoạt động năm sau của TT.HĐHPVN.
Ban tài chính của HĐHP các cấp tỉnh/thành, quận /huyện, xã /phường thực hiện theo nguyên tắc này và theo qui định riêng của Thường trực HĐHP cùng cấp.
Chương 5
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16 : Hiệu lực thi hành
Bản Quy chế này gồm 5 chương, 17 điều, đã được thông qua tại Đại hội đại biểu HĐHPVN khóa VIII nhiệm kỳ (2020 -2025), ngày 17/01/ 2021 tại TP Hải Phòng
Qui chế này có hiệu lực thực hiện ngay sau khi được Đại hội thông qua và được công bố trên Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” và trên Trang tin điện tử của HĐHPVN “www.hophamvietnam.org” .
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu thấy có điều gì cần sửa đổi, bổ sung thì Thường trực HĐHPVN có trách nhiệm nghiên cứu, dự thảo nội dung chỉnh sửa bổ sung và trình tại đại hội nhiệm kỳ hoặc tại kỳ họp thường niên của HĐHPVN để xem xét thông qua./.
T/M HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Đã ký
TS Phạm Vũ Câu