Linh cữu của hoàng hậu quàn ở điện Hoàng Nhân, gần một năm sau mới an táng trên đồi cao Kim Trà đầu nguồn sông Hương.
Sau lễ tang, công việc ở bộ Lễ mới tạm thư thả. Phạm Đăng Hưng lúc này đã dành dụm đủ tiền gửi về quê, nhờ người đón vợ con ra kinh thành đoàn tụ.
Khỏi nói cũng biết Phạm phu nhân và con gái mừng đến mức nào. Hai mẹ con sắp sửa khăn gói ra đi. Ai cũng khuyên xin phủ đường cấp cho xe, ngựa, nhưng phu nhân không dám trái lời dặn của chồng, tự bỏ tiền ra thuê: một chiếc song mã cho hai mẹ con và người hầu, một chiếc xe ngựa thồ dành chở đồ đạc. Phạm Đăng Hưng chỉ báo với phủ Tân An xin cử cho một đội hộ vệ, theo đúng lệ triều đình ban cấp.
Sáng tinh mơ, tốp lính hộ vệ cỡi ngựa chạy tới trước sân. Đội trưởng hô to:
– Bẩm, chúng tôi thừa lệnh phủ quan, sẵn sàng hộ vệ gia quyến Phạm thượng thư về Kinh!
Phạm phu nhân và con gái, hai người hai tay nải bên vai, bước ra. Một người hầu vừa mướn được khệ nệ bưng đồ đạc theo sau.
Phu nhân vừa trông cho người hầu chất gạo, nếp, thịt muối, trái cây khô lên xe, vừa nhìn quanh:
– Còn mấy lồng vịt hôm qua ta sai người nhốt sẵn, sao không thấy?
Người hầu phân trần:
- Bẩm bà, xe chở gia quyến quan thượng thư vềkKinh đô mà chất chồng lồng vịt, lồng gà, trông nó nhếch nhác lắm! Hơn nữa, đường mình đi xa quá sợ vịt nó hổng chịu nổi nắng mưa đâu ạ!
Phạm phu nhân không chịu:
- Xa thì xa, cũng có khi nghỉ ngơi, mỗi lần nghỉ mình cho chúng nó ăn uống chứ sợ gì? Giống vịt đó béo lắm, quý lắm, quan lớn thì thích món vịt nướng. Ngoài miền Trung làm gì có! Quan lớn viết thư về kể, ngoài đó tức cười lắm, cái chi cũng
nhỏ nhỏ, con vịt cũng nhỏ, con trâu con bò cũng nhỏ!
Người hầu cười tủm tỉm:
– Bẩm bà, bà cứ lo, không có thứ này thì có thứ khác, con chắc ngoài đó quan lớn cũng không thiếu thốn gì đâu!
Phạm phu nhân xua tay:
- Ái dà, cái thằng cứng đầu! Ta bảo mày có nghe không? Mau lập tức đi bắt vịt buộc lên cho ta. À mà quên, lấy cho ta viên than, để bôi mặt cho tiểu thư.
Hằng giẫy nẩy:
- Má ơi, con không thích bôi than lên mặt đâu má à!
- Con khờ lắm, đường ra kinh đô diệu vợi trắc trở, con gái đi đường phải lụi xụi xấu xí, mới khỏi thành miếng mồi nhử kẻ gian đó con.
Đội trưởng thấy tội nghiệp Hằng, liền thưa:
- Xin phu nhân đừng quá lo lắng. Có chúng tôi hộ vệ, côn đồ nào còn dám quấy nhiễu? Dù có gặp giang hồ thảo khấu nào đi nữa, hễ chúng thấy bản chức cầm cờ lệnh của triều đình đây thì chúng cũng phải khiếp sợ chạy tan mà thôi.
Người đánh xe quất roi, ngựa chạy. Tám người lính hộ vệ theo sát hai bên.
Sau chiếc xe thồ, mấy lồng vịt đung đưa, tiếng vịt kêu “cạp cạp cạp…”
Ngày đi, đêm nghỉ, hơn mười hôm sau đoàn người ngựa mới đến đèo Cù Mông.
Hai chiếc xe nặng nhọc tiến lên dốc cao. Phạm phu nhân mệt mỏi nằm thiêm thiếp trên chiếc chiếu cói trải dưới sàn. Xế chiều, xe mới xuống chân đèo. Cả đoàn dừng lại nghỉ chân giây lát. Người hầu nhăn nhó gỡ lồng vịt đặt xuống đất, cho vịt ăn lúa.
Tiếng cạp cạp vang rộn lên. Đội trưởng hối thúc: “Đi thôi, nhanh nhanh đến nhà công quán nghỉ đêm, mai lên đường cho thiệt sớm. Bây giờ tháng chín, mấy cái tỉnh miền Trung hay bão lụt thình lình lắm!”
Cả đời ở trong Nam khô ráo, nay mới nghe hai tiếng mưa lụt, Phạm phu nhân đã hết hồn, gọi chú người hầu mau mau nhốt lũ vịt để mau chóng lên đường.
Giữa lúc đoàn người ngựa trên đường đến Quảng Ngãi, thì trên dòng sông Trà Khúc, có chú cháu nhà họ Trương đang quăng chài bắt cá trên sông.
Nơi mũi thuyền, người cháu là Trương Đăng Quế chừng mười bảy mười tám tuổi đang cầm chèo. Quế nhìn lên trời, lo lắng:
- Chú ơi, trời âm u lắm, chắc là sắp mưa to! Mình cuốn chài về thôi. Nếu
mai mưa, chợ không họp, thì cá có bắt được nhiều cũng không bán kịp đâu.
Người chú – Trương Đăng Chất, vẫn lui cui kéo chài:
– Ái dà, ngọn gió này là dễ lụt lắm, trời mà lụt thì cá muối cá mắm ta bán còn đắt hơn cá tươi, lo chi ế? Nhưng mà thôi, mình cuốn chài về sớm cho cháu còn học hành một chút. Về chậm trời tối thì đèn đâu mà học.
Hai chú cháu xuôi thuyền về. Trên mui, Đăng Quế mở sách đọc. Chợt cậu ngẩng lên:
- Chú à, hôm trước quan giáo học ở huyện có gọi cháu. Quan hỏi cháu chữ nghĩa sách vở, cháu đối đáp trôi chảy hết. Quan khen lắm, nói sẽ tiến cử cháu đi
làm ký lục ở trong dinh quan huyện. Vậy mà từ ấy đến nay đã ba tháng chẳng thấy quan giáo đâu, chẳng hiểu vì sao.
Đăng Chất thở dài.
- Chắc quan giáo hỏi ra lai lịch nhà ta, biết trước đây cha cháu làm quan cho nhà Tây Sơn, nên không dám bảo cử cho cháu nữa đó. Nghĩ mà thương các cháu,
giá sinh ra trong cửa khác thì đâu có chịu tương lai mù mờ như vầy.
Đăng Quế nghe giọng chú đầy vẻ buồn tiếc, gạt đi:
- Cháu khi nào cũng biết ơn Trời đã cho mình sinh vào cửa họ Trương nhà
- Cha cháu dạy dỗ chữ nghĩa cho cháu từ khi còn nhỏ. Cha mất, chú thay cha nuôi cháu ăn học bao nhiêu năm nay. Dù nghèo khổ lam lũ mà tình nghĩa lúc nào cũng trọn vẹn. Cháu vẫn còn nhớ xưa cha dạy: Cái học để biết đạo lý mới quý chứ đâu phải ra làm chức nọ chức kia mới quý đâu.
Đăng Chất cười buồn:
- Đành là vậy, nhưng mình cũng phải sống nữa chớ. Giá mà cháu được làm ký lục trong dinh quan huyện thì có lương tiền hàng tháng, rồi bao nhiêu nhà sẽ
bắn tiếng gả con. Đâu phải như bây giờ, ngoài hai mươi chưa kiếm được vợ. Quế à,
đêm nằm chú suy nghĩ lung lắm. Khi lâm chung cha cháu đã dặn, thằng Quế còn nhỏ mà sáng dạ thông minh, em cố làm sao lo cho nó nên người. Lẽ nào để cháu suốt đời đâm chài bắt cá như chú sao? Kỳ này chú tính chèo thuyền lên đầu nguồn kiếm củi, chở về bán lấy ít tiền cho cháu làm lộ phí ra kinh kỳ…
- Để làm chi vậy thưa chú ?
- Cháu ra ngoài đó, tìm đến các nhà buôn, hỏi xem họ có cần thư ký không.
Chú chẳng trông cháu làm giàu làm có, chỉ mong kiếm đủ đồng tiền sau này nuôi vợ con, không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời là được.
Đăng Quế vẻ không vui.
- Làm thư ký cho nhà buôn, sớm tối chỉ có gảy bàn tính cộng cộng trừ trừ, e
còn chán hơn đâm chài bắt cá đó chú ạ!
– Biết làm sao được cháu à, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Trong lòng phân vân nhưng chưa biết tính sao, nên hôm sau Đăng Quế cũng cùng chú chèo ngược nguồn kiếm củi.
Thuyền neo dưới bến đầu nguồn. Hơn nửa ngày cật lực, hai chú cháu chuyển mấy gánh củi xuống thuyền, chuẩn bị về xuôi.
Ở khúc quanh đường rừng gần đó, xe ngựa nhà họ Phạm cũng đang đi qua.
Hằng thấy đường mấp mô giằng xóc, hé cửa nhìn ra, chỉ thấy vách đá dựng đứng.
- Bác đội ơi! Mình đi ra kinh đô, sao không đi đường đồng bằng, mà lại đi theo đường núi?
Đội trưởng thưa:
- Tiểu thư đừng sợ! Vì thấy trời ủ ê, sợ sắp mưa to nên tôi cho đi theo đường núi cho chắc! Đường này tuy hơi giằng xóc nhưng được cái nhanh hơn mà không
sợ ngập lụt.
Phạm phu nhân lo lắng:
- Chết chưa, hôm qua ông nói vùng Quảng Ngãi có giặc Đá Vách, Đá Tường
gì gì đó, chỗ này vắng vẻ ông không ngại sao?
Đội trưởng khua cây đại đao một vòng:
– Phu nhân yên tâm, với tài võ nghệ của bản chức, bọn giặc cỏ chẳng làm gì được đâu!
Ông ta chưa dứt lời, một tiếng hú lanh lảnh vang khắp núi. Một đoàn người sơn cước ào ra, người cầm giáo, người cầm nỏ, reo hò lao tới.
Những con ngựa hí vang sợ hãi, chồm lên. Đoàn quân hộ vệ chống đỡ nhưng không kịp. Tên nỏ bắn ra như mưa. Đội trưởng chạy trước, tốp lính chạy theo, người hầu cũng nhắm mắt đào tẩu. Chỉ còn trơ lại hai chiếc xe trên đường núi.
Thủ lĩnh Đá Vách chỉ chiếc xe thồ lủng lẳng mấy lồng vịt, reo lên:
- Anh em, bắt cái xe ! Đồ ăn nhiều lắm đó!
Giặc Đá Vách xúm lại, lôi hết gà vịt, gạo nếp sau xe, chất sang ngựa của chúng. “Hai con ngựa cũng tốt nữa, đem đi!” Tên thủ lĩnh ra lệnh.
“Còn hai con ở xe trước nữa, để tao bắt luôn!” Một tên Đá Vách reo lên, chạy đến chiếc xe chở mẹ con Hằng, vung dao quắm chặt đứt dây buộc ngựa. Hai con ngựa thấy người lạ, sợ hãi vùng lên. Dây buộc đứt lìa, chiếc xe không còn gì níu giữ, từ từ lăn xuống trên đường dốc.
Đoàn Đá Vách đã vơ vét sạch, liền kéo nhau đi, bỏ mặc cái xe đang tuột dần xuống vực.
Một tên Đá Vách đi sau cùng chợt nghe tiếng mẹ con Hằng kêu cứu trong xe. Hắn vội gọi đồng bọn:
– He he, con gái! Có gái ở trong đó!
Mấy tên kia không thèm quay lại:
- Không cần đâu, mình thích cái ăn thôi!
Tên Đá Vách thích gái vội một mình chạy theo chiếc xe.
Triền đồi càng lúc càng dốc, chiếc xe lao phăm phăm xuống. Ngay phía dưới dốc là đầu nguồn sông Trà Khúc.
Lúc ấy cũng là lúc hai chú cháu Đăng Quế đang chất củi lên thuyền. Đăng
Chất nhìn thấy, thất kinh, kêu to:
- Nguy quá, có người bên trong!
Đăng Quế lập tức lao lên, lấy hết sức bình sinh chộp lấy càng xe. Sức nặng chiếc xe dồn xuống, Quế nghiến răng, ra sức chống đỡ.
Hai cánh tay Quế nổi vồng lên những bắp thịt, hai hàm răng chàng nghiến chặt. Sức nặng cả một chiếc xe đè xuống. Đăng Chất cũng chạy đến, xuống tấn đẩy mạnh vào lưng cháu trai, giúp sức.
– Ai ở trong xe, mau nhảy ngay ra ngoài!
Phạm tiểu thư nghe tiếng, liền nhắm mắt kéo mẹ lao ra khỏi xe, cả hai ngã nhào trên mặt đất. Cũng vừa lúc chú cháu Đăng Quế cạn sức, nhảy qua một bên. Chiếc xe lăn nhào xuống, rơi xuống mặt sông, chìm lỉm.
Tên Đá Vách thấy vậy, lập tức lao đến, vung dao quắm tấn công. Đăng Quế rút đoản đao ra. Tiếng thép va chạm vào nhau, vang lên buốt óc.
Sau hơn hai chục hiệp, tên Đá Vách bị đánh văng dao, lập tức luồn rừng chạy trốn.
Đăng Chất hối hả đưa Hằng và phu nhân xuống thuyền:
– Đăng Quế, nhanh lên, xuống thuyền ngay, nó về gọi cả bọn tới đó.
Đúng như vậy, thuyền vừa ra giữa sông thì bên vách núi, đoàn người Đá Vách lô nhô phi ngựa đến.
Chúng tức giận giương nỏ bắn theo. Tiếng tên bay nghe vun vút, Đăng Quế vội cho thuyền đi thật nhanh, theo con nước ròng lánh xa khỏi tầm tên.
Phạm phu nhân nằm bẹp trên thuyền, hồn vía tan tác, không nói nổi lời nào.
Phạm Thị Hằng tuy còn nhỏ, nhưng thấy mẹ đã quá suy sụp, liền tự mình đến trước chú cháu họ Trương, quỳ xuống.
- Xin tạ ơn hai vị đã cứu mạng! Về đến kinh đô, tiểu nữ nhất định sẽ nói với thân phụ mau chóng đền ơn.
Đăng Chất gạt đi:
- Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã. Thấy việc nghĩa không làm, sao gọi là
dũng? Chú cháu tôi chỉ làm cái nghĩa rất bình thường của kẻ nam nhi, tiểu thư đừng nói đến chuyện ơn huệ làm gì.
Phạm phu nhân lúc này đã hơi lai tỉnh, nghe Đăng Chất nói, không khỏi lấy làm lạ.
- Bác à, bác là dân chài lưới mà nói năng chữ nghĩa coi bộ quá rành, không biết xuất thân thế nào?
Đăng Chất cười:
- Chẳng giấu gì, ngày trước gia đình tôi cũng khá giả, cả mấy anh em đều
được theo đòi chữ nghĩa thánh hiền. Thời Tây Sơn, anh tôi làm Tri phủ Quảng Ngãi, tôi cũng lĩnh chức Tri huyện Mộ Hoa. Khi hoàng triều nhà Nguyễn đánh bại Tây Sơn, triều đình gọi Tây Sơn là giặc, bắt tội anh em tôi phải đánh mấy chục roi rồi cho về quê làm ăn. Nay anh tôi đã mất, còn tôi an phận chài lưới đã gần mười năm nay.
Phạm phu nhân cảm động:
- Vậy ra bác đây là bầy tôi cũ của nhà Tây Sơn. Đã bị triều đình cách chức, vậy mà bác không hẹp lượng, lại ra tay cứu giúp chúng tôi là thân thích nhà quan.
Vẻ mặt Đăng Chất thoáng chút khó chịu:
- Thấy nguy là cứu, lúc đó có phân biệt gì nhà quan nhà dân đâu. Thôi, Đăng
Quế, cháu mau đưa gia quyến phu nhân đây đến tận phủ quan Quảng Ngãi, giao cho họ hộ vệ rồi quay về.
Nghe nói giao cho quan lính triều đình hộ vệ, Phạm phu nhân mặt đã tái càng tái mét thêm, vội năn nỉ xin chú cháu Đăng Quế đã làm ơn thì làm cho trót, đưa giúp về đến tận kinh đô.
Đăng Quế cũng bàn:
- Hôm trước chú có nói đến chuyện ra kinh đô, hay là cháu nhân dịp này đi
một chuyến xem sao?
Đăng Chất gật đầu tán thành. Vậy là Đăng Quế giúp mẹ con Hằng thuê thuyền, đi theo đường biển về Phú Xuân.
Sau ba ngày trời nước lênh đênh, thuyền vào cửa Thuận An, ngược sông Hương cập bến Phu Văn Lâu.
Phạm Đăng Hưng ra đón tận bến sông. Thấy chồng, Phạm phu nhân òa
khóc:
- Quan lớn ơi! Bao nhiêu đồ ăn thức uống đem ra cho ông, bị cướp sạch chẳng còn một mảy.
Đăng Hưng sững sờ nghe Hằng kể chuyện dọc đường bị cướp, nhờ có chú cháu Đăng Quế mới thoát nạn. Ông cảm kích nhất định mời Quế về phủ, đãi như thượng khách.
Quế lưu lại trong phủ Phạm hơn nửa tuần trăng.
Một hôm, nhân nói đến chuyện giặc cướp, Đăng Hưng hỏi về giặc Đá Vách lâu nay vẫn hoành hành ở Quảng Ngãi.
Đăng Quế thưa:
- Thật ra người Đá Vách cũng không xấu không dữ đâu! Chẳng qua là quan lại người miền xuôi lên đó cai trị đã không hiểu tục lệ của họ, bắt họ để tóc, mặc áo kiểu của ta, bắt họ thờ cúng theo kiểu của ta, nên họ cảm thấy uất ức lắm! Lại thêm triều đình đánh thuế lâm sản quá nặng, dân Đá Vách quanh năm chỉ còn biết lo
đóng thuế, tối tăm mặt mũi, dần dần đem gán cả nương rẫy. Các quan nhân đó thủ lợi, mỗi người chiếm đoạt đến vài trăm mẫu đất đồi. Họ cùng đường như vậy, không cướp thì lấy gì mà sống?
Đăng Hưng cảm thấy xót xa. “Thật thế sao? Mảnh đất không phải quá xa xôi, mà dân khổ như thế không ai hay!”
Cuối tháng, hết mùa mưa lũ, Đăng Quế từ giã lên đường.
Cả nhà Đăng Hưng ra trước sân đưa tiễn. Phạm Thị Hằng vòng tay bước đến, đôi mắt đen tròn ánh lên vẻ buồn:
- Anh Quế, em sẽ luôn xem anh như người anh cả. Tình anh em chúng ta suốt đời coi nhau là ruột thịt.
Đăng Quế cảm động:
– Đa tạ tình thân của tiểu thư! Quế chỉ mong có dịp lại được phụng sự tiểu thư lần nữa!
Nghe mấy tiếng “phụng sự tiểu thư”, Hằng nhớ lại nghĩa cử của Quế hôm nào, bất giác rơm rớm nước mắt.
- Hằng con, đừng khóc. – Đăng Hưng an ủi con – Đăng Quế là người tài ở đời, làm sao ở mãi nơi xa xôi ấy được. Nhất định ta sẽ tìm mọi cách đưa Đăng Quế
về kinh đô!
Đăng Quế vái chào lên ngựa, quay lại nhìn một lần nữa, rồi phóng đi.