Trang chủGIỚI THIỆUTHAN LUẬN CỦA HĐHP THỪA THIÊN-HUẾ TẠI LỄ KỶ NIỆM 20...

THAN LUẬN CỦA HĐHP THỪA THIÊN-HUẾ TẠI LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM:

  HĐHP THỪA THIÊN-HUẾ

      Việc họ đưa đẩy tôi đến những công việc tưởng như ngoài tầm với

HĐHP Thừa Thiên Huế được thành lập vào đầu năm 2009. Tiền thân là một Ban liên lạc (BLL) gồm 14 thành viên. Lễ ra mắt có thêm một số cô dâu và thân hữu nhưng cũng chưa tới 20 người. Các thành viên của Hội đồng mỗi người ở mỗi nơi, mỗi công việc khác nhau nên không bao giờ nhóm họp được quá bán. May thay, phúc ấm tổ tiên là sợi dây vô hình liên kết cháu con bên nhau, nối vòng tay lớn, làm được một số công việc có ý nghĩa. Có những lúc khó khăn, rối trí, vắng người này, thiếu người kia bỗng nhiên xuất hiện “yếu nhân”, tạo ra những cú “hích”, thúc đẩy công việc tấn tới.

Khi mới hoạt động được hơn nửa năm BLL đang loay hoay tìm kiếm một ngôi nhà thờ ở trung tâm thành phố Huế để làm ngôi nhà chung của cộng đồng họ Phạm trong toàn tỉnh, để thỉnh Ngài Thượng thuỷ tổ về thờ vọng, và làm nơi họp mặt hàng năm của bà con đồng tộc, thì bỗng nhiên kết nối được với ông Phạm Do từ TPHCM ra lo việc họ. Ông Phạm Do phát công đức trùng tu lại nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ, xây thêm Tiền đường có tầng thượng, khang trang, rộng rãi. Hữu xạ tự nhiên hương, ý tưởng bắt gặp, BLL và họ Phạm An Ninh Hạ đã đạt được sự đồng thuận ngay từ buổi làm việc đầu tiên. Trong vòng hai mươi ngày hai bên đã chung tay làm được một việc tưởng như không thể: Lập án thờ, làm bài vị và ảnh thờ Ngài Phạm Tu, thiết kế chương trình, nghi lễ rước linh vị và an vị Ngài tại tầng thượng Tiền đường nhà thờ An Ninh Hạ.

Các thành viên BLL lúc đó, anh Phạm Xuân Phụng và anh Phạm Quyền cúng tiền làm bài vị, tôi soạn nội dung và hợp đồng thợ mộc mỹ nghệ khẩn trương thực thi, anh Phạm Văn Thị, chuyên gia dịch học, cúng một bộ đồ mã và xem ngày giờ, nghi thức hành lễ. Bao nhiêu việc còn lại họ Phạm An Ninh Hạ đảm nhận hết. Lễ an vị đã được tổ chức trang trọng theo đúng nghi thức cổ truyền vào ngày 19 tháng 7 Canh Dần; trước ngày giỗ tổ và họp mặt toàn thể bà con họ Phạm trong tỉnh lần thứ hai đúng một ngày. Kể từ đó nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ là nơi tổ chức lễ giỗ hàng năm và lễ dâng hương Ngài Thượng thuỷ tổ ngày cuối năm của bà con họ Phạm ở Thừa Thiên Huế.

Năm sau Hội đồng thống nhất chủ trương làm đồng thời hai việc lớn. Một là phải có đường Phạm Tu ở Huế. Hai là dựng tượng Ngài Thượng Thuỷ tổ. Hai việc này đều được hoàn thành trong dịp tổ chức lễ giỗ Ngài Thượng Thủy tổ lần thứ ba tại Huế. Chủ trương đưa ra, từ ban đầu có nhiều ý kiến sợ rằng dự án không khả thi vì nhiều lẽ, từ kinh phí đến khâu tổ chức thực hiện đều không đơn giản chút nào. Có việc Hội đồng không thể quyết định được, mà chỉ đề xuất, tác động đến cơ quan chức năng và chính quyền hai cấp (thành phố và tỉnh) – như việc đặt tên đường phải đi theo một quy trình tương đối dài ngày và rắc rối. Tôi nhận đứng mũi chịu sào cả hai phần việc với niềm tin bên cạnh mình sẽ luôn luôn có “quý nhân phù trợ”. Và rồi cả hai việc lớn đều hanh thông, về đích đúng như dự định.

Bên cạnh những công việc thường xuyên, định kỳ, đã dần dần đi vào nề nếp, quá trình làm việc họ đưa đẩy tôi đến những công việc tưởng như ngoài tầm với, nhưng rồi việc gì rồi cũng hanh thông, nhiều người ngoài họ tộc cũng ủng hộ, dư luận xã hội đánh giá cao. Việc đầu tiên là tổ chức giới thiệu cuốn sách “Phạm Quỳnh – một góc nhìn” tập 2. Thực chất thì đây là một hội thảo về một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa. Cuốn sách này do Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan, một nhà nghiên cứu người Huế, sinh sống ở Hà Nội, tổ chức bản thảo, NXB Công an nhân dân ấn hành. Lẽ ra công việc này là của Nhà Xuất bản, của Hội Sử học, của chính tác giả. Nhưng chẳng hiểu vì sao không ai chịu làm, để rồi Thường trực Hội đồng Họ Phạm Thừa Thiên Huế và Trung tâm Du lịch Huế xưa Huế nay đứng ra tổ chức vào tháng 8-2012. Cũng không có vị Giáo sư hay Tiến sĩ nào nhận lời mời chủ trì hội thảo, viết đề dẫn. Vào thế cưỡi lưng hổ tôi lại phải đảm nhận công việc này, kiêm luôn dẫn chương trình. Hôm đó anh Phạm Minh Thông thay mặt HĐTQ từ Đà Nẵng ra dự. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, đại diện gia đình cụ Phạm, từ Hà Nội vào. Có bảy bản tham luận chuyên sâu về nhân vật Phạm Quỳnh của các nhà nghiên cứu, nhà văn trình bày tại hội thảo sau đó đều đã được in trên nhiều tờ báo và tạp chí. Đài TRT dựng chương trình văn hóa nghệ thuật trong tuần.

Đặc biệt là cuộc hội thảo này đã làm tiền đề cho cuốn “Phạm Quỳnh – Những góc nhìn từ Huế” ra đời. Tôi là một trong ba người tổ chức bản thảo. Đầu đề cuốn sách được lấy từ một bài viết của tôi đã in trên báo Tiền phong Chủ nhật. Nội dung được hình thành từ những bài viết đã in trên các tạp chí, báo in, báo điện tử, và các tham luận trong hội thảo nói trên. Sách dày 200 trang, khổ 13x19cm, do NXB Thuận Hoá ấn hành đầu tháng 9-2015. Cuốn sách tiếp tục đưa ra những góc nhìn mới, và cởi mở, nhằm tiếp tục nhận diện lại chân dung nhân vật lịch sử Phạm Quỳnh một cách trung thực; góp phần thẩm thấu hơn nữa những giá trị văn hoá thuộc về học giả đa tài Phạm Quỳnh và những góc khuất lịch sử cần được làm sáng tỏ.

Sách được giới thiệu trong buổi lễ tưởng niệm 70 năm ngày mất của nhà văn hóa Phạm Quỳnh, tổ chức tại mộ phần và tại chùa Vạn Phước. Lễ giỗ do HĐHP Thừa Thiên Huế và gia đình cụ Phạm tổ chức. Có nhà sử học Dương Trung Quốc từ Hà Nội vào. Đà Nẵng ra dự có anh Phạm Minh Thông và một số vị ủy viên HĐHP QN-ĐN. Tại Huế có sự hiện diện của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban TTVH Trung ương, và nhiều trí thức, nhân sĩ, văn nghệ sĩ.

Cũng từ lễ tưởng niệm 70 năm ngày mất, con cháu quyết định trùng tu khu mộ và dựng tượng cụ Phạm. Công việc vừa mới hoàn thành trước lễ Phật đản năm nay. Được sự nhất trí của Thường trực HĐTQ, HĐHP Thừa Thiên Huế đã cùng gia đình tổ chức trọng thể lễ khánh thành và dựng tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Công việc này lẽ ra cũng phải do các cơ quan quản lý văn hóa, hay Hội Sử học, Hội Nhà văn, Hội nhà báo… nhưng cuối cùng HĐHP lại đứng ra lo. Một trong những công việc ngoài tầm với, ngoài sức vóc của hội đồng dòng họ ở một tỉnh nhỏ, mà tôi là người phụ trách, nhưng cuối cùng việc gì rồi cũng viên mãn. Là việc họ nhưng chúng tôi đã nâng tầm vóc để trở thành một sự kiện văn hóa ở thời đểm đó, thu hút sự quan tâm và phản ánh của một số  tờ báo và đài truyền hình trung ương và địa phương.

Chủ tịch HĐHP Thừa Thiên Huế

                                               Phạm Hữu Thanh Tùng

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments