Trong những người con của họ Phạm tỉnh Hải Dương, có một nhà tu hành không những làm tốt Phật sự; duy trì tốt hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cho tăng ni, phật tử và nhân dân…mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội cả trong và ngoài tỉnh, bằng tất cả tấm lòng của một bậc tu hành và trách nhiệm xã hội của một công dân. Người đó là Thượng tọa Thích Thanh Cường.
Thân thế
Thượng tọa Thích Thanh Cường (thế danh là Phạm Ngọc Cường), sinh ra ở làng Vũ Xá, xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ, một vùng quê nghèo của tỉnh Hải Dương. Với Giáo hội, Nhà sư là Ủy viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh; Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tứ Kỳ; Trụ trì chùa Cương Xá, phường Tân Hưng, TP Hải Dương và chùa Duyên Khánh, xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ.
Nhà sư không chỉ được biết đến là một chức sắc tiêu biểu của Phật giáo, mà còn được biết đến là người tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, với tinh thần “nhập thế”. Hiện tại, Thượng tọa Thích Thanh Cường là Thạc sĩ-Phó chủ tịch Hội bảo trợ UNESCO Việt Nam; Đại biểu Hội đồng nhân dân-Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Tứ Kỳ; Ủy viên BCH Hội liên hiệp Thanh niên TP Hải Dương; Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh,; Ủy viên Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương; Ủy viên BCH Liên đoàn võ thuật cổ truyền tỉnh Hải Dương; Chủ nhiệm CLB Thiện nhân tâm, cùng nhiều chức danh trong các tổ chức xã hội, từ thiện nhân đạo của tỉnh, của TP Hải Dương và huyện Tứ Kỳ…
Nhà sư chăm lo việc đạo Cách đây 27 năm (tính cả năm nhuận), ngày 18/3/1996 thể theo nguyện vọng của tín đồ, phật tử và nhân dân, được sự đồng thuận của Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương cùng các cấp có thẩm quyền đã ban hành quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Thanh Cường về trụ trì chùa Cương Xá, khi mới tròn 25 tuổi.
Chùa Cương Xá, tên tự là “Quỳnh Khâu Tự” (Chùa Gò Ngọc), nằm trên một gò đất cao phía tây nam của làng. Phía Tây giáp thôn Khuê Liễu, phía Tây nam giáp thôn Thanh Liễu và Liễu Tràng, phía Nam giáp với làng Đông Quan và làng Bảo Thái (nay là các khu dân cư thuộc phường Tân Hưng, TP Hải Dương), phía Bắc giáp với phường Hải Tân, TP Hải Dương. Chùa có tổng diện tích hơn 7000m2…
Năm 1998 Đại đức cùng với dân làng xây cổng đình và tu bổ đình làng cho nhân dân. Cũng trong thời gian này Đại đức đã thuê người đóng 10 vạn gạch ba banh để xây bao quanh khuôn thổ của chùa.
Ngày 3/3/1999 làm lễ động thổ xây 5 gian Tiền đường, 3 gian Hậu cung nhà Mẫu với diện tích trên 300m2.
Năm 2001 xây cổng chùa để tách riêng với cổng đình, không đi chung nữa.
Sau 14 năm trụ trì thấy ngôi chùa Cương Xá bé nhỏ đã xuống cấp nghiêm trọng, ngày 26/4/2009, Đại đức Thích Thanh Cường bấy giờ đã làm đơn xin phép các cấp thẩm quyền cho trùng tu, tôn tạo chùa mới (Tam Bảo) trên nền đất cũ và mở rộng với diện tích là 324m2.
Khi động thổ thì phát hiện các dấu tích những viên gạch, được xác định từ thời Đông Hán (khoảng hơn 2000 năm trước). Vì so với đình làng Cương Xá thì rất phù hợp trên bức đại tự của đình có đề 4 chữ “Lý Triều Huân Tướng” nên khẳng định ngôi chùa Cương Xá có niên đại hơn 2000 năm.
Công trình xây dựng toà Tam bảo được khởi công từ ngày 10/10/2010 đến ngày 18/3/2017, sau 7 năm thì khánh thành, với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng, đều bằng nguồn xã hội hóa. Toàn bộ móng và tường chùa xây bằng đá xanh núi Nhồi (Thanh Hoá). Mỗi viên đá có kích thước 40cm x 30cm x 35cm, nặng 80kg, trên đó đều chạm khắc chữ VẠN.
Về ý tưởng độc đáo và ý nghĩa chữ VẠN khi xây chùa, Đại đức Thích Thanh Cường cho biết: “Khi có ý định tu bổ, tôn tạo ngôi chùa, tôi luôn muốn xây một công trình kiến trúc theo lối truyền thống, nhưng lại mang một dấu ấn riêng. Lúc đầu, định làm bằng gỗ. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi, sau khi tôi đi thăm quần thể di tích Angkor của Campuchia. Chứng kiến ngôi đền Angkor được xây dựng bằng đá trải qua hàng nghìn năm, vì vậy khi về nước tôi quyết định chọn đá làm chất liệu xây dựng”.
Trên tường chùa, lúc đầu dự định chạm một bài kinh Phật. Song trong một lần ngồi tụng kinh, Đại đức chợt nảy ra ý tưởng chạm khắc chữ Vạn và hoa sen. Hoa sen tượng trưng cho nhà Phật và sự thanh khiết của người tu hành. Còn chữ Vạn là biểu tượng của sự may mắn, thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận và sự vĩnh hằng. Chữ Vạn là một trong 32 tướng tốt của Phật…Thế là mỗi viên đá trước khi xây dựng mặt ngoài được đục nhám, mặt trong tạo tác nổi chữ Vạn và hoa sen nhũ vàng. Ba hàng đá từ nền chùa trở lên, mỗi viên được tạo tác hình hoa sen. Từ hàng thứ tư cho đến nóc, mỗi viên được chạm 1 chữ Vạn, tổng cộng cả chùa có 2.889 chữ.
Với sự độc nhất vô nhị, sáng 24/4/2016, tại lễ khánh thành ngôi Tam bảo, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng xác lập chùa Cương Xá là ngôi chùa có nhiều chữ Vạn nhất Việt Nam.
Phần sân vườn chùa rộng 1.600m2 được đổ bê tông. Bên trái chùa là Tổ đường xây dựng lại năm 2015, với 14 gian nhà gỗ lim, diện tích 420m2. Bên phải chùa là Nhà Mẫu với 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, thờ Tứ phủ và Đức Thánh Trần.
Năm 2016, Nhà sư lại xây mới Tam quan chùa lần thứ 2 ra khu vực phía nam Tổ đường.
Từ khi được Đại đức Thích Thanh Cường (nay đã được tấn phong giáo phẩm Thượng tọa) tu bổ tôn tạo và phục dựng nhiều công trình, được xác lập kỷ lục Việt Nam, chùa Cương Xá đã thu hút đông đảo tín đồ, Phật tử, du khách thập phương về tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử khởi dựng và phát triển gắn với các giá trị lịch sử văn hóa của địa phương và của Phật giáo.
Để cho chùa ngày càng khang trang tố hảo, ngày càng xứng đáng với tầm cỡ, quy mô một di tích, một điểm đến Du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh, năm nay, khi duyên lành hội đủ, được sự ủng hộ của chính quyền các cấp và Giáo hội, ngày 20/10/2022 (nhằm ngày 25/9 Nhâm Dần), Thượng tọa Thích Thanh Cường lại tổ chức Đại lễ đúc Đại Hồng Chung (chuông đồng lớn) nặng 1080 kg.
Chuông chùa đúc bằng đồng là một biểu tượng văn hóa Phật giáo, là Pháp khí, có công năng giải trừ phiền não, khởi sinh bồ đề tâm…Tiếng chuông chùa từng được đức Phật dùng để khai thị ngài A Nan trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Năng lực của âm thanh cũng được đức Quán Thế Âm triển khai qua pháp môn Quán-âm để thành tựu diệu dụng viên thông. Các vong linh nơi cõi vô hình nhờ nghe tiếng chuông mà thoát khỏi bể khổ. Với mọi người dân Việt, tiếng chuông chùa thật gần gũi, không thể thiếu trong đời sống thường nhật mọi thời đại, mọi xứ sở.
Những việc làm có thể nói đó là công đức vô lượng của Thượng tọa Thích Thanh Cường đối với Phật giáo cùng lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Vị tu hành đề cao các hoạt động xã hội
Với tấm lòng thơm thảo của một bậc tu hành, hàng năm Thượng tọa Thích Thanh Cường đều dành hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo như: tặng quà các gia đình chính sách, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dịp Lễ Tết, 27/7…; ủng hộ đồng bào nhiều địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai; hỗ trợ học sinh vùng cao, vùng hải đảo khó khăn; duy trì hiệu quả hoạt động “Bát cháo cửa thiền” của nhóm thiện nguyện; là thành viên tích cực trong hoạt động khuyến học, khuyến tài đối với dòng họ Phạm tỉnh Hải Dương…
Điển hình trong thời gian qua, đặc biệt các thời điểm đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở nhiều nơi, Thượng tọa Thích Thanh Cường đã không sợ nguy hiểm, không ngại gian nan, góp mặt trong hầu hết các hoạt động phòng chống dịch, đi đầu trong ủng hộ tiền và vật chất cho công tác phòng chống dịch do các cấp phát động với số tiền nhiều tỷ đồng. Chỉ riêng ủng hộ cho TP Hồ Chí Minh, miền Trung và một số tỉnh vùng núi phía Bắc khi COVID-19 bùng phát dữ dội, lũ lụt kinh hoàng…với tổng tiền và trị giá vật tư, hàng hóa gần 3 tỷ đồng.
Cùng với đó nhà sư còn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, động viên các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch tại các bệnh viện và các chốt kiểm dịch. Tham gia sáng tác thơ ca, cổ vũ khích lệ tinh thần đoàn kết, thực hiện các biện pháp nhằm sớm đầy lùi dịch bệnh….
Với những thành tích nổi bật ấy, hàng chục năm qua, năm nào Thượng tọa Thích Thanh Cường cũng được các cấp các ngành từ Trung ương tới địa phương tuyên dương, khen thưởng bằng nhiều hình thức.
Trong phòng chống COVID-19, Thượng tọa đã được Trung ương và UBND tỉnh Hải Dương vinh danh, tặng Bằng khen. Đài VTV, VOV và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã trao các giải thưởng cho các tác phẩm sáng tác về đề tài phòng chống dịch COVID-19.
Phạm Chức
(Ủy viên HĐHP Việt Nam, Phó chủ tịch HĐHP tỉnh Hải Dương)