Báo “Nghệ thuật mới” số 20 ra tháng 9/2016 , có bài của Khắc Triệu viết về họa sĩ Phạm Lực, là một họa sĩ từ lâu nổi tiếng trong làng tranh Việt Nam , người được mệnh danh là “Van Gogh của Việt Nam”, là một họa sĩ chiếm kỷ lục về Fan hâm mộ. Ông là người duy nhất hiện nay có một CLB chuyên sưu tầm tranh của mình, với số lượng khá đông đảo trong nước và quốc tế.Theo tổng kết, khoảng 100 thành viên CLB này đã giữ trong tay họ tới 6000 tác phẩm của ông. Chủ nhiệm CLB là anh Ngô Quang Tuấn, nhẩm tính, nếu họ tổ chức triển lãm riêng tranh Phạm Lực hàng năm, mỗi cuộc trưng bày 60 tranh, thì phải tới 100 năm sau mết hết số tranh mà họ có trong bộ sưu tầm trong suốt mấy chục năm qua. Vào tháng 3/2013, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, một nhà sưu tầm “cực” yêu tranh của ông đã tổ chức một triển lãm mang tên “Nối hai thế kỷ”; Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, bày 70 bức tranh để mừng thọ 70 của họa sĩ Phạm Lực . Nghe nói trong kho tranh của Nguyễn Sĩ Dũng có 800 tác phẩm của Phạm Lực. Nhưng Chủ nhiệm CLB Ngô Quang Tuấn còn có tới 1000 bức tranh của họa sĩ Phạm Lực. Ngoài ra còn có ông Đặng Huy Long đã mua 600 bức và ông Nguyễn Bá Hoan ở Bắc Ninh cũng mua 200 tác phẩm của Phạm Lực.
Một nhà sưu tầm người Australia- ông Tony Olive đã từng mua 100 bức của họa sĩ Phạm Lực. Năm 2009 ông Tony Olive mở cuộc triển lãm tranh Phạm Lực, không ngờ trong 1 tuần đã bán hết toàn bộ số tranh. Rồi sau đó chính Tony Olive đã phải đi mua lại 4 bức tranh để làm kỷ niệm. Họa sĩ Phạm Lực thường không thể nhớ hết các cuộc triển lãm tranh của mình ở trong nước và nước ngoài, vì toàn do các thành viên của CLB đứng ra tổ chức. Thậm chí chính họa sĩ cũng không còn nhớ tác phẩm của mình được vẽ từ hồi nào, chỉ khi xem lại tranh mới hình dung ra những đứa con lưu lạc của mình nơi phương xa. Quả đó là những chuyện có thật khó tin từ những người yêu tranh Phạm Lực. Trong hàng ngàn tranh của ông, dễ thấy sự sống thật là gần gũi và rung động. Có thể vì thế mà tranh Phạm Lực được nhiều người yêu mến và có sức phổ cập sâu rộng trong cộng đồng. Nhiều người nhận ra hình ảnh của mình ở trong đó, với những nét thân quen và cảm xúc trong con tim, qua những giọt nước mắt nghẹn ngào của người nghệ sĩ. Người ta nói họa sĩ Phạm Lực có sức hóa thân sâu sắc, với những chi tiết bất ngờ nhưng lại ấm áp tình người. Có điều kỳ lạ, nếu cầm cọ vẽ là ông dịu cơn đau và như đi vào cõi mộng với mầu sắc và hình tượng uyển chuyển theo ý tưởng chớp sáng trong đầu và sự khắc khoải của con tim. Đến tận bây giờ vẫn thế, giấc ngủ luôn chập chờn cùng những đường nét huyền ảo, thế là ông lại vùng dậy cầm bút vẽ…
Họa sĩ Phạm Lực
Họa sĩ Phạm Lực tâm sự, mình không thể thoát được những nhân vật đã gắn bó cả cuộc đời, trong cuộc chiến, trong lao động và trong sinh hoạt đời thường, luôn ấm áp và chân tình. Nhiều khi chính ông cũng khó tin những câu chuyện có thật trong cuộc sống cầm cọ của mình. Có thể hàng ngàn tác phẩm của ông đang ở đâu đó, nhưng hàng trăm người mẫu đến thuộc lòng trong ông thì không thể quên được và có thể gọi họ về bất kể lúc nào, ngồi bên ông tâm sự và trò chuyện cùng với màu sắc đang bừng lên, trong những đêm mất ngủ. Tranh ông tràn ngập những nỗi niềm uẩn khúc đời người. Nó vận vào ông như trời định, nên có người bạn nói về tranh ông là những nỗi buồn của thời đoạn. Đâu đó nụ cười của niềm vui chưa kịp lóe sáng đã vụt tắt, để lại nỗi muộn sầu có phần tê tái. Kể cả trong những bức tranh Nude, thật tuyệt tác của ông cũng có sự gửi gắm về nhân sinh. Ở một góc nào đó hay một chi tiết đầy ẩn dụ, cũng nói lên sự ám ảnh trong lòng họa sĩ. Có lẽ đó là triết lý nhân sinh toát lên trong tranh Phạm Lực và cũng là giá trị của tác phẩm tranh Phạm Lực.
Sau hơn một tháng bận bịu với triển lãm tranh ở miền trung và miền nam, mới ra Hà Nội được vài ngày ông vui vẻ chân tình tiếp Đoàn đại diện Thường trực Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt nam ( gồm có các vị: Phạm Vũ Câu, Phạm Thiện Căn, Pham Hữu Hỗ, Phạm thị Lệ Trường, Phạm Văn Kỳ, Phạm Thị Lưu Phi, Phạm Thanh Bình ) và Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đấu giá Lạc Việt ( Đỗ Thị Hồng Hạnh). Họa sĩ Phạm Lực vui vẻ nhận lời mời dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hôi đồng họ Phạm Việt Nam. Ông đã dẫn chúng tôi thăm kho tranh đồ sộ nằm chật kín các tầng nhà của ông; có không ít những bức tranh đã được bán với giá vài chục ngàn đôla Mỹ . Họa sĩ Phạm Lực đã tặng Hội đồng HPVN 4 bức tranh có giá trị mà ông đã sáng tác từ năm 1966 và 1975, để Hội đồng HPVN tổ chức bán đấu giá vào dịp tổ chức Lễ kỷ niệm vào sáng ngày 24/10/2016 tại Nhà Hát lớn Hà Nội, số tiền thu được ông tự nguyện xin góp vào Quĩ hoạt động của dòng họ để góp phần phục vụ các chương trình khuyến học khuyến tài , làm từ thiện, tài trợ “vì trái tim cho em” của Họ Phạm Việt Nam.
Tấm lòng vàng giành cho dòng họ của họa sĩ Phạm Lực xứng đáng được trân trọng và vinh danh.
(Phạm Vũ Câu)