Trang chủCHUYÊN MỤC KHÁCTỪ DỤ THÁI HẬU Tiểu thuyết lịch sử của Trần Thùy Mai. Chương...

TỪ DỤ THÁI HẬU Tiểu thuyết lịch sử của Trần Thùy Mai. Chương 1

 

 QUYỂN THƯỢNG

 

Chương 1 Lệnh vua Buổi trưa hôm ấy, cả nhà quan Tham tri Phạm Đăng Hưng náo loạn lên vì một lệnh khẩn cấp từ triều đình ban xuống.

Lúc sáng sớm, Phạm Đăng Hưng vẫn còn đang tận hưởng một buổi sáng nhàn nhã. Trong vườn nhà, quan tham tri ngồi trên tấm ghế đá dưới gốc xoài, thong thả dạy cho con gái nhỏ đọc mấy bài thơ trong cuốn Kinh Thi.

Tiểu thư nhà họ Phạm là Phạm Thị Hằng năm ấy lên mười tuổi, ngồi ngay ngắn bên cha, nhẩm đọc. Đôi bím tóc xinh xinh buông xuống hai bên đôi má phính hồng.

Phạm phu nhân đang ngồi quay tơ lách cách dưới mái hiên tranh, lên tiếng:

  • Quan lớn ơi, con mình là con gái. Cho học chữ nhiều quá, mai sau giỏi hơn chồng là phiền lắm đó!

Phạm Đăng Hưng cười:

  • Bà cứ lo xa, bộ con mình không lấy nổi tấm chồng giỏi như cha nó sao?

Phu nhân cười không nói, đứng dậy xếp guồng tơ, đi lấy lúa vãi cho đàn gà đang chờ ăn trên sân. Tuy là danh sĩ của phương Nam, thi đậu thủ khoa tam trường, làm tới chức tham tri, nhưng Phạm Đăng Hưng quá thanh liêm nên của nả chẳng có gì, trước sau vẫn chỉ có ngôi nhà ba gian hai chái. Ba năm trước, thân phụ qua đời,

 

theo lệ hễ cha mẹ mất thì con phải cáo quan, cư tang ba năm. Phạm Đăng Hưng về quê hương Giồng Sơn Quy chịu tang, số lương hàng tháng đã ít lại bị cắt giảm càng ít hơn. Vì vậy tiếng là nhà quan lớn nhưng chẳng thuê người hầu, mọi việc phu nhân đều tự mình cáng đáng.

Nhìn đàn gà xúm xít mổ thóc trên sân, bà nhắc chồng:

  • Ngày mãn tang thân phụ mình sắp đến rồi đó. Việc cỗ bàn, quan lớn định mời những ai, để tôi còn lo liệu.
  • Việc lễ nghi cốt ở lòng thành. Mình chỉ mời bà con trong họ và những chỗ tình xưa nghĩa cũ. Phu nhân liệu cơm gắp mắm giúp tôi.

Phạm phu nhân ngần ngừ:

  • Tôi nghĩ đằng nào cũng phải mời quan phủ Tân An, rồi quan huyện, rồi chức sắc trong vùng… Quan lớn là bậc triều quan, không giao du với quan tỉnh sở tại, người ta lại nói mình cao ngạo.

Phu nhân chưa dứt lời, Phạm Đăng Hưng đã lắc đầu ngay lập tức:

  • Thôi, thôi, mấy cái chuyện giao đãi đó không có cần đâu! Đừng làm theo cái thói thông thường, cái thói vô đạo, đem việc thờ cúng cha mẹ ra làm cớ để mời mọc xu phụ

Phu nhân không dám cãi, nhưng trong lòng phân vân dữ lắm. Nín thinh hồi lâu, bà mới hạ giọng thăn thỉ, thổ lộ nỗi lo thầm kín trong lòng:

  • Quan lớn mấy năm nay về Nam cư tang, chức cũ đã có người ngồi, phải chờ bổ nhiệm chức mới. Mình về đây xa xôi, lại không giao du với ai, không có lễ vật thư từ gì. Ở đây quan tỉnh không nhắc, ngoài kinh đô bộ Lại họ cứ lờ đi, thì uổng phí thời giờ của quan lắm!
  • Hừ, bổ nhiệm quan lại là phận sự của triều đình, chẳng cần mình phải

Cùng lắm thì tôi đi cày nuôi bà, đã chết ai đâu mà phải làm cái chuyện luồn cúi. “Thật đúng là Thiên hạ đệ nhất gàn”, phu nhân thầm nghĩ.

Thật ra Đăng Hưng chẳng phải không nóng lòng trở lại quan trường. Lúc bấy giờ đang buổi đầu triều Nguyễn, vua Gia Long lên ngôi chưa đến mười năm, đế chế chỉ mới đang dần dần hoàn thiện. Đấy chính là cơ hội để người tài ra phò vua giúp

 

nước, đâu có phải thời suy mạt mà kẻ sĩ phải tính chuyện về nhà đi cày. Nhưng tại sao ông cứ nấn ná việc quay lại triều đình, việc ấy tất phải có lý do.

Cái lý do ấy, không ai hiểu, kể cả vợ ông.

Lúc ấy đang đầu xuân, hoa nở chim hót, cũng là lúc các cô gái mới lớn đẹp rực rỡ, má thắm môi hồng. Vì vậy, cứ ba năm một lần, triều đình ban lệnh tuyển cung nữ ngay sau rằm tháng Giêng. Quan lại địa phương phải kê khai nhà dân nào có con gái từ mười ba đến mười sáu tuổi chưa chồng, nữ quan của triều đình sẽ về xem xét lựa chọn. Những cô gái này, nếu được chọn sẽ được đưa về Đại nội, được dạy lễ nghi quy tắc rồi sung làm thị nữ hầu hạ trong cung.

Trong lúc làm người hầu cho các bà hoàng, thỉnh thoảng cũng có cô nhờ nhan sắc, nhờ tinh khôn mà lọt vào mắt xanh của vua, rồi nhảy lên địa vị phi tần, vượt mặt cả chủ nhân. Tuy vậy chuyện đó ít khi xảy ra, đa số đều tiêu mòn dần tuổi thanh xuân trong cung cấm lạnh lẽo. Mặc dù được trả lương bổng hậu hĩ, cha mẹ ở quê được miễn sưu dịch, nhưng người cung nữ phải xa lìa nhà cửa quê hương, ít nhất cũng mười năm sau mới được quay về.

Chính vì vậy mà vào dịp cuối đông, các nhà dân có con gái đều đua nhau gả con để thoát cái lệ tuyển cung nữ. Cứ sắp đến Tết Nguyên đán là pháo đã nổ rộn ràng khắp nơi, lâu dần tháng Chạp đã được dân gian mặc nhiên xem là mùa cưới.

Đó là với nhà dân dã, chứ còn với nhà quan thì khác hẳn.

Con nhà dân, dù giàu dù nghèo, vào cung đều phải làm thị nữ. Con quan không như vậy. Ngoài triều đình quan tước chia thành Cửu phẩm từ thấp đến cao, thì các tiểu thư khi nhập cung cũng mặc nhiên theo chức phẩm của cha mà được xếp vào chín bậc Cửu giai: cao nhất là Nhất giai phi, thấp nhất là Cửu giai Tài nhân. Dù cao dù thấp, với nhà quan, có con gái tiến cung là một vinh dự lớn. Chẳng những là vinh dự, mà còn là mối lợi trông thấy trước mắt: ít nhất, con mình ở trong cung, thì không có quan trên nào dám đè ép hoặc lấn lướt mình. Thứ hai, nhiều quan chức ranh ma khéo léo, ỷ vào việc con gái mình ở gần mặt trời, họ kết giao với những chỗ quyền thế rồi “chạy” cho người ta việc này việc nọ, cũng thu được bao nhiêu mối lợi.

Vì vậy các quan đua nhau chạy chọt cho con gái mình nhập cung. Bộ Hộ và Tôn Nhân phủ nhận quà biếu từ các quan lớn, nên đã dần dần điều chỉnh tuổi ứng tuyển của các tiểu thư thấp xuống rất nhiều. Đầu thời Gia Long là mười ba tuổi, nhưng đến nay nhiều tiểu thư chỉ cần lên mười đã được đưa vào danh sách.

 

Mùa xuân này, để tổ chức cho các đoàn Phụng cung Thượng tuyển đi lại, ăn ở, bộ Hộ đã xin triều đình chi ra đến hai vạn quan tiền. Trong dịp tế khai canh vào rằm tháng Giêng ở Giồng Sơn Quy, bên mâm rượu với các chức sắc trong hương thôn, Phạm Đăng Hưng nói vui:

  • Ba năm trước Hưng còn tại chức, lãnh nhiệm vụ chánh chủ khảo kỳ thi Hương, toàn thể chi phí cho kỳ thi chỉ hơn một vạn. Xưa nay vua chúa lên ngôi, thường lập tức ra lệnh tuyển mỹ nữ, còn sớm hơn xuống chiếu cầu hiền tài. Hèn chi ngày xưa đức Khổng Tử đã than: Ta chưa thấy ai yêu đạo đức hơn yêu sắc đẹp, bây giờ Hưng ngẫm lại thấy đúng lắm!

Câu nói đùa trong lúc trà dư tửu hậu, ai ngờ lại truyền miệng đến tai quan phủ.

Quan phủ lấy làm sợ hãi, vội báo lại với Tổng trấn Gia Định thành.

  • Tham tri họ Phạm là thượng quan của triều đình về cư tang tại địa phương, bỗng dưng lại có lời nói bất kính với hoàng thượng. Hạ quan là bậc dưới, không biết xử lý thế nào nên phải trình lên Đức ông Tổng trấn.

Lúc đó chức Tổng trấn thành Gia Định được xem như Phó vương, thay mặt vua toàn quyền sinh sát trong cả miền Nam. May cho Đăng Hưng, tổng trấn lúc đó là Tả quân Lê Văn Duyệt. Ông Duyệt nghe, đã không bắt tội mà còn vỗ đùi khoái trá, bật lên lời khen:

  • Cái ông Hưng này hay thật, nói sao mà đúng thế!

Quan phủ nghe vậy, vội vâng vâng, dạ dạ, không dám cãi. Trong lòng quan lo âu: Sợ e Đăng Hưng biết được chuyện “mách lẻo” này sẽ đem lòng ghét mình. Vì vậy, để vớt vát lại, quan lập tức làm một cử chỉ thịnh tình đặc biệt cho nhà họ Phạm: Đưa Phạm tiểu thư vào hàng đầu danh sách tuyển phi.

Thịnh tình này, không ngờ lại làm Phạm Đăng Hưng chết điếng. Cái vinh hạnh đưa con vào cung, lại là chuyện mà ông “Thiên hạ đệ nhất gàn” này sợ nhất.

  • Quan lớn ơi, tôi lo lắm. Lệnh vua đòi mà không tuân, rồi triều đình có bắt tội con gái mình không? – Phu nhân thăn thỉ hỏi chồng.
  • Bà đừng có yếu bóng vía. Hoàng đế đã ngoài năm mươi tuổi, trong cung đông đúc lắm rồi, thực tâm cũng không chí thú cái chuyện tuyển phi này đâu. Có điều mấy ông quan ai cũng nài nỉ tiến con vào cung, nên ngài mới phải chiều theo thói thường đó thôi.

 

  • Thì đó! Có con làm phi tần là danh giá cả nhà, người ta ai cũng ham mà sao quan lớn lại không chịu.
  • Bà ơi, ai ham kệ họ, chứ tôi không có chịu đem con làm cái mồi mua danh kiếm lợi đâu. Mình chỉ có một đứa con gái, tìm người hiền lương tài giỏi mà gả, chẳng hơn là đem đun vào cung cấm thui thủi lạnh lẽo sao?

Phu nhân biết tính chồng, cả đời không nghĩ gì giống người ta. Bà lặng lẽ vá xong tấm áo. Vừa đứng dậy xuống bếp định nấu cơm, phu nhân giật mình: ngoài cửa sao ồn ào lạ thường, tiếng vó ngựa vừa dừng, tiếng trẻ con hò reo.

Cô bé Hằng từ ngoài sân chạy vào đứng bên mẹ, đôi mắt bồ câu mở to bỡ ngỡ.

Một đoàn nha lại đang dừng ngựa trước ngõ, láo nháo kéo vào nhà, tống đạt công văn.

“Phủ Tân An vừa nhận được thánh chỉ: lệnh truyền lập tức đưa Tham tri Phạm Đăng Hưng ra kinh đô!”

Phu nhân ôm mặt kêu lên:

  • Chết rồi, tôi nói có sai đâu! Triều đình bắt tội, quan lớn có làm sao thì thiếp chết mất!

Thời ấy, vua là tối thượng. Vua là cao nhất rồi mới đến cha, chữ Trung cao hơn chữ Hiếu. Phạm Đăng Hưng không kịp làm lễ đại tường mãn tang cho thân phụ, vội vã lên đường ra Phú Xuân.

Trước lúc ra đi, ông dặn lui dặn tới:

  • Nhất định phu nhân phải giữ con ở nhà, không cho tiến cung, dù ai có thúc ép bao nhiêu cũng không

Đâu ai biết vì sao triều đình lại bắt Phạm Đăng Hưng phải băng bộ ra đi như vậy? Chẳng phải như Phạm phu nhân lo lắng: vua bắt tội vì trái lệnh triều đình. Nhà vua đâu có quan tâm đến việc cỏn con nơi xa xôi như thế.

Nguyên nhân trực tiếp khiến nhà vua gọi Đăng Hưng lại là một chuyện nhỏ trong cung – hay nói cho đúng là từ trong Ngự trù – nơi chuẩn bị đồ ăn thức uống cho hoàng đế. Nói cho chính xác hơn, thì là câu chuyện về một người nữ tỳ.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments