Sinh năm 1954 tại vùng đất phèn nhiễm mặn tỉnh Long An sau chuyển cư cùng gia đình tới Kiên Giang, Phạm Thị Hậu nghỉ học năm 13 tuổi theo mẹ đi buôn trứng (hột) vịt, để rồi 3 năm sau, khi 13 tuổi, Hậu tiếp quản “gia tài” buôn trứng vịt của mẹ, bắt đầu khởi nghiệp để sau hơn 40 năm, nay bà đã trở thành 1 trong 5 “nông dân điển hình” thế giới , lựa chọn từ 45 nước, (FAO trao giải 16/10/2016 tại Bangkok-Thái lan) và là 1 trong 20 phụ nữ doanh nhân có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 (do Tạp chí Forbs Việt Nam bình chọn, công bố 28/2/2017). Trước đó, bà còn đạt các danh hiệu “nhà doanh nghiệp tiêu biểu Sao Đỏ”, “Doang nghiệp trẻ xuất sắc”, Cúp vàng doanh nhân Tâm tài, Người tốt-việc tốt…
Trong 40 năm phấn đấu, bà luôn song hành với người nông dân, trước tiên là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và là nhà cung cấp trứng số 1 cho thị trường Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), từ chỗ chỉ là kẻ buôn “vặt”, nhân viên cung ứng của Xí nghiệp nông sản thực phẩm Kiên Giang (1975), lập vựa trứng tại TP Hồ Chí Minh (1982), chuyển thành Cơ sở thu mua và phân phối trứng Ba Huân (1985, theo chủ trương hợp tác hóa của Nhà nước khi đó), lên doanh nghiệp tư nhân Ba Huân (2000) đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Huân (1/12/2006) có vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Đây không phải chỉ là chuyển đổi nơi làm việc hay tên gọi, mà là sự thay đổi về chất, từ chỗ đơn thuần “mua 1 bán 2”, lấy công làm lãi, đến chỗ tạo lập doanh nghiệp khép kín chắc chắn với công nghệ hiện đại và các chuỗi liên kết 4 nhà chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài nhà máy xử lý trứng ở Nhật Tân, Bình Chánh, công ty của bà còn có trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương với diện tích 18 ha, tổng đầu tư 320 tỷ đồng, có 22 trại gà trong đó 17 trại gà đẻ trứng, cung cấp 400.000 quả trứng/ngày, sản lượng gà đạt 500.000 con, 1 trại gà hậu bị, 2 trại gà giống quy trình tự động hóa và 1 nhà máy sản xuất cám. Tháng 12/2016 công ty còn khánh thành cơ sở ở Phúc Thọ (Hà Nội) với năng suất như ở Bình Dương bao phủ thị trường phía Bắc. Ngoài ra, công ty còn có nhà máy thực phẩm ở Long An sản xuất thịt gà, xúc xích, lạp xườn, bánh flan…
Ngoài công lớn cứu giúp bà con nông dân qua hai cuộc đại dịch gia cầm, bà Huân cũng có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội: Nhiều năm liền âm thầm tham gia chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh, xây nhà cho người nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, trẻ em lang thang cơ nhỡ…Hoạt động của bà có sức lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt giúp nhiều chị em nông dân từ mô hình kinh doanh của mình…/.