Trang chủGIỚI THIỆUKhánh thành tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh

Khánh thành tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh

Lời BBT:

Ngày 28-5-2016, nhằm ngày 22 tháng Tư năm Bính Thân, Hội đồng Họ Phạm Việt Nam, HĐHP Thừa Thiên Huế, Tổ đình Vạn Phước, và gia đình tiến hành nghi lễ Tạ thổ mộ và lễ khánh thành tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Ông Phạm Hữu Thanh Tùng, Ủy viên thường trực Hội đồng toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, Chủ tịch HĐHP Thừa Thiên Huế đã thay mặt Thường trực Hội đồng toàn quốc Họ Phạm Việt Nam và HĐHP Thừa Thiên Huế đã phát biểu tại Lễ khánh thành công trình trùng tu khu mộ và dựng tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Sau đây là Bài phát biểu và các hình ảnh về Lễ Khánh thành

 Nhà văn hóa Phạm Quỳnh sinh năm 1892, quê quán ở làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, mất năm 1945 tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1956 gia đình cải táng cụ từ Hiền Sĩ về chùa Vạn Phước, ngôi chùa có nhiều gắn bó và lưu giữ nhiều kỷ vật của ba cụ Thượng thư triều Nguyễn là cụ Nguyễn Đình Hòe, cụ Phạm Liệu, cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh. Sinh thời, cụ Thượng Chi thường lên đây đọc sách, thư giản, tĩnh tâm. Hữu duyên thiên lý… Thật là lý thú, nhờ lương duyên của cụ Thượng Chi, hôm nay trong ngày vui này có thêm sự hiện diện của người đang coi sóc Từ đường cụ Nguyễn Đình Hoè là họa sĩ Vĩnh Phối và cháu cụ Phạm Liệu đến từ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, gia đình đã có ý định đưa cụ Thượng Chi về quê nhà. Thế nhưng, một số văn nghệ sĩ, trí thức là thân hữu của giáo sư Phạm Khuê và nhạc sĩ Phạm Tuyên đề nghị nên bảo tồn nguyên trạng phần mộ của cụ Thượng Chi ở nơi này. Bởi vì cuộc đời hoạt động chính trị – văn hóa và số phận của cụ Phạm gắn liền với những năm tháng cuối cùng của triều đình Huế. Cụ Thượng Chi không chỉ là nhà văn hóa mà còn là một chứng nhân lịch sử của Huế.

 

Tháng 11-2014, được sự đồng thuận và hỗ trợ của chính quyền, của nhân dân địa phương, Hội đồng Gia tộc đã dựng bia tưởng niệm nhà văn hóa Phạm Quỳnh tại khu lăng mộ gia đình ở quê nhà – làng văn hóa Lương Ngọc. Nhà bia do ngoại tôn của cụ Thượng Chi là  GSTS KTS Tôn Thất Đại thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại. Nhà bia ốp đá đen vân trắng, trên hai trụ phía trước khắc câu nói để đời của cụ Thượng Chi bằng chữ Nôm và Quốc ngữ: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn.

Trong nhà bia dựng bia đá đen, in ảnh cụ Phạm Quỳnh mặc bộ y phục dân tộc, áo the khăn xếp. Phía dưới khắc mấy hàng chữ khiêm tốn, khái quát sự nghiệp văn hóa – báo chí của cụ:

 Nhà văn hóa

PHẠM QUỲNH

(1892 – 1945)

Chủ bút báo Nam Phong

hiệu Thượng Chi

 Trong khu lăng mộ còn dựng một cuốn thư khắc thủ bút và chữ ký của Cụ Phạm. Đó là những dòng Cụ Phạm viết ở biệt thự Hoa Đường vào sáng ngày 23/8/1945, trong bài tùy bút cuối cùng có tựa đề Cô Kiều với tôi chúng ta đã được đọc ở tập Hoa Đường tùy bút: “Tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia”.

Tháng 9-2015, sau lễ tưởng niệm lần thứ 70 của cụ Phạm Quỳnh, được tổ chức ngay tại mộ phần và tại chùa Vạn Phước, con cháu cụ đã quyết định trùng tu lại mộ phần và dựng tượng cụ, xây dựng nơi dây thành một địa chỉ văn hóa.

KTS Tôn Thất Đại giới thiệu về ý tưởng thiết kế công trình trùng tu khu mộ và dựng tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh

Lễ khởi công được tổ chức ngay sau ngày khai mạc Festival Huế 2016. Công trình hoàn thành trước lễ Phật đản một ngày. Về nội dung tư tưởng khu mộ Nhà văn hóa Phạm Quỳnh ở Huế cũng thể hiện những nét tinh túy như khu Lăng Quỳnh ở Hải Dương. Trụ cổng giữ nguyên hai câu Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn” bằng chữ Nôm. Bia mộ dựng một cuốn thư bằng đá đen khắc thủ bút và chữ ký của Cụ Phạm “Tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia”. Bình phong dựng thêm cuốn thư, cũng bằng đá đen, khắc câu nói nổi tiếng Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn” bằng chữ Nôm và Quốc ngữ. Chỉ có khác là ở bố cục, vì kiến trúc tổng thể khu mộ được giữ  nguyên trạng, kể cả cây xanh. Chỉ dựng thêm bức tượng làm điểm nhấn, lát gạch toàn bộ diện tích đất nền, và dựng hai chiếc ghế đá.

Hôm nay, ngày 28-5-2016, nhằm ngày 22 tháng Tư năm Bính Thân, Hội đồng Họ Phạm Việt Nam, HĐHP Thừa Thiên Huế, Tổ đình Vạn Phước, và gia đình tiến hành nghi lễ Tạ thổ mộ và lễ khánh thành tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Kính thưa quý vị!

Ngân sách Nhà nước đã và đang đầu tư khá nhiều cho các công trình dựng tượng lãnh tụ, tượng danh nhân, tượng các anh hùng. Bên cạnh đó có nhiều danh nhân được các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và hội đồng dòng họ vận động quyên góp dựng tượng để tỏ lòng tôn kính, tri ân.

Đầu thập niên 2000, từ ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mở cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”. Ở Thừa Thiên Huế Hội KHLS đã thực thi được ba bức tượng bán thân, chất liệu đồng, là tượng Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, tôn trí ở phủ thờ tại làng Vân Thê, thị xã Hương Thuỷ. Tượng Nguyễn Tri Phương tôn trí ở đền thờ Nguyễn Tri Phương, tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Tượng Phan Bội Châu, dựng ở Trường THCS Phan Sào Nam, thành phố Huế. Đây là bức tượng thứ hai của cụ Phan Bội Châu ở Huế và đều được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Thật là thú vị, Chủ tịch Ủy ban dựng tượng danh nhân, mà bức đầu tiên là tượng Phan Bội Châu, được thực hiện vào năm 1973, hôm nay cũng có mặt tại đây. Đó là họa sĩ Vĩnh Phối.

Danh nhân Đặng Huy Trứ cũng có hai bức tượng. Bức thứ nhất do hậu duệ dựng ở nhà thờ gia tộc, tại xã Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Bức thứ hai chất liệu đồng, dựng ở sân trường THPT Đặng Huy Trứ, thị xã Hương Trà. Đây là công trình tưởng niệm ông tổ nghề nghiệp của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, kinh phí do hội viên trong cả nước đóng góp.

Năm 2011, Hội đồng Họ Phạm Thừa Thiên Huế đã dựng tượng danh tướng Phạm Tu, Trưởng Ban võ triều Tiền Lý, ở giữa sân nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ, phường Hương Long, thành phố Huế.

Tiếp theo là tượng danh tướng Đặng Tất, được Hội đồng họ Đặng dựng tại nhà thờ họ Đặng xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.

Tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh được thực hiện theo trào lưu này. Đây là một nét đẹp văn hóa được bén rễ từ trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Vừa là một công trình báo hiếu của con cháu trong gia đình vừa là một công trình văn hóa, góp phần giúp “dân ta biết sử ta”, và hơn thế nữa, hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đất nước trên nhiều phương diện.

Tôi xin được nói thêm về vùng đất nơi có mộ phần cụ Phạm Thượng Chi.

Vùng đất này nằm trong phạm vi nghiên cứu, tìm kiếm cung Đan Dương thời Tây Sơn và lăng Đan Dương  của Hoàng đế Quang Trung, đã được tổ chức Hội thảo Khoa học hồi tháng 10-2015. Ngày 22-4-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn, chính thức giao cho Sở VHTT&DL phối hợp với Hội KHLS tỉnh và các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch triển khai khai quật và bảo tồn các di tích cổ của Phủ Dương Xuân theo đề nghị của Hội KHLS Việt Nam. Tại công văn số 22/HSH, ngày 15-4-2016, Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều vấn đề, trong đó có hai nội dung quan trọng. Một là công việc nghiên cứu về cung điện Đan Dương cần được tiếp tục. Một nguồn sử liệu quan trọng là các di tích và di vật khảo cổ học ở vùng chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước cần được quan tâm khai thác. Hai là cần có kế hoạch song song bản tồn và phát huy giá trị các di tích cổ của Phủ Dương Xuân.

Tại Hội thảo nói trên bản thân chúng tôi cũng đã đề xuất đưa Cung điện Đan Dương trở thành một điểm đến mới, một sản phẩm du lịch mới của Huế. Liên kết các công trình kiến trúc cổ trong khu vực gò Dương Xuân nói riêng, phường Trường An nói chung, thì Huế sẽ có thêm một tour du lịch văn hóa – tâm linh hấp dẫn; giúp cho dân ta hiểu biết sâu sắc hơn về sử ta trên nhiều lĩnh vực như: Lịch sử khai mở xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, lịch sử triều Tây Sơn ở Huế, lịch sử Phật giáo ở Đàng Trong và Phật giáo ở Huế; khám phá các giá trị về văn hóa, tư tưởng, mỹ thuật… từ Cung điện Đan Dương trong ký ức và qua di vật, đến đàn Nam Giao, nhà thờ cụ Phan Bội Châu, và từ những ngôi cổ tự danh tiếng đang hiện hữu.

Bốn năm nay mộ phần nhà văn hóa Phạm Quỳnh và mộ thi sĩ Phạm Hầu, ở ngay phía trước Tam quan chùa Vạn Phước, đã trở thành địa chỉ – điểm đến trong chương trình “Ngày thơ viếng mộ thi nhân” do Hội nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức.

Thay mặt BTC tôi xin chân thành cám ơn các vị khách quý, cám ơn các thành viên trong gia đình đã không quản đường xa về dự lễ khánh thành công trình trùng tu khu mộ và dựng tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Phạm Hữu Thanh Tùng

Ủy viên Thường trực HĐHP Việt Nam

Chủ tịch HĐHP Thừa Thiên Huế

1234

 

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments