Thời tôi còn đi học, trên bến đò Thừa Phủ Huế có một ông già hát rong. Ông thường ngồi ở gốc cây đa, tay gõ phách, miệng hát bài vè “Bà Từ Dụ xin xâu”(1). Chuyện kể rằng, sau khi kinh đô Huế thất thủ trước sức mạnh của súng ống phương Tây, thực dân Pháp siết chặt ách cai trị trên cả ba miền, áp đặt rất nhiều sưu cao thuế nặng. Đau lòng trước tình cảnh ấy, Thái hoàng thái hậu Từ Dụ, lúc đó trên 80 tuổi, đã đích thân đến Tòa Khâm Sứ Pháp để đề nghị giảm tô thuế cho dân. Sự kiện này tuy không được sử gia ghi chép, nhưng đời này qua đời khác vẫn lưu truyền trong ký ức dân gian, để lại ấn tượng về một người phụ nữ quyền quý nhưng rất bình dị, nhân hậu và dũng cảm.
Sau này, trong thời gian trú ngụ ở vùng Nam Giao, tôi hay vào thăm lăng Xương Thọ, nơi yên nghỉ của bà. Khi bước đi trên nền gạch vỡ nát của ngôi lăng cũ, những hình ảnh xa xưa thường hiện ra trong trí tưởng tượng của tôi như những thước phim sống động. Cuộc đời một cung phi non trẻ, năm 13 tuổi vào cung, trở thành Hoàng quý phi, rồi thành Thái hậu, quả thực là một câu chuyện rất dài với nhiều khổ đau, hạnh phúc, vinh quang và cả thị phi, tai tiếng. Nghi Thiên Chương Hoàng hậu – tức Từ Dụ Thái hậu, là một phụ nữ rất đặc biệt. Tính giản dị, khiêm nhường, lòng nhân và tình thương của bà như một dòng nước dịu mát, giữa sự tàn khốc của những âm mưu chốn cung đình, những khúc quanh đau buồn của lịch sử.
Nguyễn Triệu Luật, một nhà văn Việt Nam chuyên về tiểu thuyết lịch sử đã cho biết tôn chỉ của ông là trung thành với sử liệu, “Gốc tre già thì cứ vẽ là gốc tre già, không làm cho gốc trúc hóa long.” Alexandre Dumas, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp, lại nhấn mạnh trí tưởng tượng sáng tạo: “Lịch sử chỉ là những cái đinh để tôi treo những bức tranh của tôi.” Có lẽ có bao nhiêu người viết tiểu thuyết lịch sử thì có bấy nhiêu quan niệm và cách viết. Phần tôi, tôi chọn dung hòa cả hai cách trên: một phần dựa vào sử sách, một phần lấy cảm hứng từ những giai thoại truyền tụng ở kinh thành Huế.
Một chiều mùa hè, lúc bắt đầu khai bút, tôi đến thắp nhang trước mộ Từ Dụ Thái hậu. Bỗng đâu có ngọn gió lồng lộng thổi tới, làm bó nhang bừng cháy. Một bó lửa rực sáng bốc cao, cháy mãi cho đến lúc cả bó nhang đã hoàn toàn tàn lụi. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Ngọn gió là tình cờ hay chính là hồn thiêng đã cho tôi một cảm xúc mạnh mẽ để bắt đầu viết về nàng cung nữ Phạm Thị Hằng, từ dòng họ Phạm danh tiếng ở phương Nam? Trong hai năm qua, cảm xúc ấy đã không ngừng thúc đẩy tôi hoàn tất thiên tiểu thuyết về một trong những bà hoàng được yêu quý nhất trong lịch sử Việt Nam: Từ Dụ Thái Hậu.
Cựu Kim Sơn, Tháng Giêng 2019
Trần Thùy Mai